Lập rào cản bảo vệ hàng nội

Trong bối cảnh Việt Nam phải mở cửa thị trường theo các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương, việc lập hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng trong nước là hết sức cần thiết.

Trong bối cảnh Việt Nam phải mở cửa thị trường theo các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương, việc lập hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng trong nước là hết sức cần thiết.

 Thuế giảm nhưng khắt khe hơn

Một FTA đang được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chờ đợi trong thời gian này là FTA Việt Nam - EU. Khi hiệp định này được ký kết, 90 dòng thuế và các mặt hàng liên quan sẽ ngay lập tức hoặc giảm dần xuống mức 0%. Cụ thể như da giày sẽ giảm từ 12,4% hiện nay xuống 0%. Tương tự, giày dép cũng sẽ được hưởng thuế suất 0%... Tuy nhiên, EU cũng lập ra một hàng rào phi thuế quan hết sức khắt khe.

Theo đó, thị trường này đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng và đưa hàng vào. Tương tự, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày Việt Nam chờ đón, vì khi hiệp định này được ký kết mức thuế suất sản phẩm vào Hoa Kỳ sẽ lùi về 0%. Nhưng phía Hoa Kỳ lại đưa ra những nguyên tắc rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa.

Thực tế này cho thấy khi những hàng rào thuế quan từng bước bị cắt bỏ, để bảo vệ nền sản xuất nội địa hầu hết các nước phải đưa ra các hàng rào phi thuế quan, hay còn gọi là hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa trong nước. Trước những hàng rào ấy, hàng xuất khẩu Việt Nam đã gặp không ít khó khăn.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt, cho rằng: “Khi xuất khẩu, thuế không làm khó doanh nghiệp bằng các rào cản. Vì khi bị đánh thuế doanh nghiệp có thể tính toán ngay ra những con số cần thiết, còn trước các rào cản doanh nghiệp sẽ cảm thấy rất bấp bênh”.

Thật ra, không chỉ đến khi có hiệp định FTA Việt Nam - EU hay TPP các rào cản kỹ thuật với hàng xuất khẩu Việt Nam mới được nhắc đến, mà trước đó khi xuất khẩu vào những nước này, hàng Việt Nam đã vấp phải khá nhiều rào cản khác

Chọn mua thực phẩm thương hiệu Việt.

Chọn mua thực phẩm thương hiệu Việt.

 Chẳng hạn như mặt hàng thủy sản xuất vào EU liên tục phải đối mặt với những rào cản về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc… Điều đáng nói, không chỉ các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu đưa ra các rào cản thương mại, thời gian gần đây nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đưa ra nhiều hơn các hàng rào để hạn chế nhập khẩu.

Như vậy hiện nay khi xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam đang vướng phải một “rừng” rào cản kỹ thuật. Nhưng điều nghịch lý ở chỗ, trong khi hàng hóa Việt Nam khó ra thế giới vì vướng rào cản, hàng hóa nhập vào Việt Nam lại dễ dàng, đơn giản vì chúng ta chưa có một bộ quy chuẩn hàng rào kỹ thuật hoàn thiện.

Rào cản phải theo chuẩn quốc tế

Trên thị trường Việt Nam hiện nay, hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng có xuất xứ Trung Quốc, đang tràn ngập thị trường. Ảnh hưởng của những mặt hàng này đến sản xuất xuất trong nước là điều đã được nói đến rất nhiều. Tuy nhiên, việc lập ra các rào cản thương mại cho đến nay lại không đơn giản. Bởi lẽ nếu làm không khéo sẽ trở thành con dao 2 lưỡi “giết” sản xuất trong nước.

“Hàng rào kỹ thuật khi áp dụng với hàng nhập khẩu cũng phải áp dụng với hàng trong nước để đảm bảo nguyên tắc công bằng, không phân biệt đối xử. Đặc biệt hàng rào này phải phù hợp với các quy định trong nước cũng như trên thế giới” - ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nói.

Hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa của Việt Nam được xem không còn phù hợp với tốc độ phát triển của các nước trên thế giới về công nghệ cũng như yêu cầu bảo vệ môi trường. Chính vì thế chúng ta cần nghiên cứu, tham khảo tiêu chuẩn các quốc gia trên thế giới, từ đó lập ra một bộ quy chuẩn cho mình.

Tuy nhiên, nếu áp dụng theo chuẩn mới, liệu các doanh nghiệp trong nước có đáp ứng được các yêu cầu đặt ra vẫn còn là câu hỏi khó.

“Đã đến lúc các doanh nghiệp cần mạnh tay hơn trong đầu tư để nâng chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường. Và đây cũng là thời điểm sàng lọc bớt những doanh nghiệp yếu kém để hội nhập sâu” - ông Hưng cho biết thêm. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng, Việt Nam muốn hội nhập tốt phải xây dựng được hàng rào kỹ thuật.

Trước thực tế hàng ngoại nhập sẽ đổ bộ mạnh vào thị trường Việt Nam trong vài năm tới, nếu quy hết trách nhiệm cho hàng rào kỹ thuật là không đúng và cũng không đủ. Vì trên hết, cần có sự chung tay của doanh nghiệp trong việc cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Đây là yêu cầu thiết thực, sống còn ở thời điểm hiện nay đối với các doanh nghiệp. Bởi lẽ, hàng Việt Nam không chỉ cạnh tranh tại thị trường nội địa, mà đòi hỏi phải có chất lượng để cạnh tranh với sản phẩm các nước trên thế giới khi chúng ta “mang chuông đi đánh xứ người”.

Và khi chúng ta có trong tay điều kiện cần là hàng rào kỹ thuật và điều kiện đủ là nỗ lực của doanh nghiệp, chắc chắn hàng Việt Nam sẽ không lép vế trên sân nhà.

Các tin khác