Làm mới, làm sạch nền kinh tế

Hôm qua, 24-10, tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Chính phủ cần sớm có các giải pháp mạnh mẽ hơn để kích hoạt tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là giải quyết những “nút thắt” như hàng tồn kho, nợ xấu. Nhiều ĐBQH cũng tỏ ra sốt ruột khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chạp, trong khi bất ổn vĩ mô kéo dài nhiều năm.

Hôm qua, 24-10, tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Chính phủ cần sớm có các giải pháp mạnh mẽ hơn để kích hoạt tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là giải quyết những “nút thắt” như hàng tồn kho, nợ xấu. Nhiều ĐBQH cũng tỏ ra sốt ruột khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chạp, trong khi bất ổn vĩ mô kéo dài nhiều năm.

Lúng túng, bị động

Khá thông cảm với Chính phủ về tình hình của nền kinh tế hiện nay, nhưng nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa nhìn nhận được hết sự khó khăn, cũng như nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất ổn vĩ mô kéo dài. Chính vì thế, giải pháp điều hành đưa ra còn lúng túng, bị động. Theo ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng), tính bất ổn của nền kinh tế là hệ quả điều hành chính sách trong suốt 4 năm qua.

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu, giải quyết thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản của ngân hàng. Nếu giải quyết được vấn đề này một cách tương đối thì mới xử lý được các vấn đề khác. Tuy nhiên, tín dụng cho bất động sản đang gặp khó khăn nhất. Nếu gỡ được thì sẽ giải quyết được vấn đề tồn kho. Nói chung bài toán đặt ra khá phức tạp,  phải phân tích để có lựa chọn, cần xử lý tổng thể, căn bản.

Ông VŨ VĂN NINH,
Phó Thủ tướng Chính phủ

Bắt đầu từ năm 2008, Chính phủ luôn phải ứng phó bằng các biện pháp kiềm chế lạm phát. Tới đầu năm 2011, Chính phủ tiếp tục phải thắt chặt chính sách tiền tệ, cắt giảm tổng cầu theo tinh thần Nghị quyết 11.

Khi tổng cầu giảm nhanh, thể hiện qua tăng trưởng GDP trong quý I-2012 chỉ đạt 4% (bằng 2/3 mức tăng của quý IV-2011), tới quý II-2012 Chính phủ buộc phải kích thích tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 13. Tuy nhiên, thực tế đến nay tình hình vẫn rất khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 5 lần giảm lãi suất, nhưng nền kinh tế không hấp thu được. Trong khi các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, từ đầu tháng 10 tới nay lãi suất ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trở lại dưới các hình thức khác nhau. chính sách vĩ mô mang tính tình thế đã khiến thị trường mất phương hướng, gây tổn thương niềm tin dài hạn.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) ví von nguồn vốn của Chính phủ giống như “vòi nước” mở ra hoặc khóa lại tùy từng thời điểm và mục đích điều hành.

Nhưng điều quan trọng là phải điều chỉnh “nguồn nước” đó chảy tới đâu để phát huy hiệu quả chứ không phải mở hay đóng: “Trên thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn hơn nhiều so với đánh giá của Chính phủ.

Cần nhận thức rằng nguyên nhân lớn của bất ổn thời gian qua là do điều tiết chính sách, chứ không do tác động từ bên ngoài”. Từ thực tế ở địa phương, ĐB Hà Sơn Nhin (Gia Lai) cho biết hiện chỉ có khoảng 80% doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất từ 15%/năm trở xuống, nên khó khăn là điều tất yếu.

Các ĐB đã phân tích: Theo thông lệ, kinh tế nước ta quý sau thường tăng trưởng hơn quý trước. Vì vậy đây là tín hiệu chưa đáng mừng, nên phải nhìn nhận thực tế: kinh tế đang trong giai đoạn cực khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi. Số doanh nghiệp giải thể vẫn tăng. Tổng vốn đầu tư xã hội chỉ đạt khoảng 30% GDP.

Lạm phát giảm, liệu có phải do kiềm chế thành công hay lực cầu bị suy kiệt? ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) thì nói thẳng: “Với tư cách là chủ doanh nghiệp, tôi thấy tình hình kinh tế trong 9 tháng qua còn trầm trọng hơn so với báo cáo".

Môi trường kinh doanh ách tắc

“Năng lực hấp thụ của nền kinh tế kém đi, sự điều hành của Chính phủ vẫn chưa có chuyển biến. Nợ xấu, tồn kho gia tăng, đây là 2 căn bệnh lớn nhất” - đó là nhận định của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ông cho rằng, từ kỳ họp trước đến kỳ họp này, chưa thấy các bộ, ngành có giải pháp gì sáng tạo để chuyển biến tình hình: “Nợ xấu chẳng hạn, chưa chuyển biến; vốn vay cho doanh nghiệp vẫn khó; tái cơ cấu chưa thấy đâu”.

ĐB này đề nghị phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vì đó là lực lượng vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Cần đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông dân, vì đó là chỗ tựa vững chắc cho nền kinh tế. Đầu tư cho nông nghiệp sẽ thúc đẩy được xuất khẩu.

Theo ĐB Doãn Thế Cường (Hưng Yên), điều quan trọng là cần đánh giá đầy đủ 3 vấn đề nóng nhất hiện nay là: tồn đọng bất động sản, thực chất hoạt động của các ngân hàng, thực chất hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Có đánh giá đúng tình hình thực tế, nhất là các mặt yếu kém mới có thể tìm ra giải pháp phù hợp kích hoạt tăng trưởng kinh tế.

Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu cho rằng cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: C. THĂNG

Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu cho rằng
cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: C. THĂNG

Ông Cường cho biết tồn đọng bất động sản hiện lên đến cả triệu tỷ đồng, mà lý do là giá trị thực của bất động sản chưa được đánh giá đúng. Nếu có giải pháp đưa giá bất động sản về mức hợp lý sẽ tháo gỡ được “cục máu đông” này: “Trong khó khăn đặc biệt cần giải pháp đặc biệt, bởi dự báo phải cần tới 5 năm nữa mới tiêu thụ được hết hàng tồn kho của thị trường bất động sản” - ĐB Doãn Thế Cường đề nghị.

Nhiều giải pháp phá “băng” bất động sản và đã được ĐBQH nêu ra như kích cầu tiêu dùng, kích cầu trực tiếp vào dân để tăng sức mua… ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) cho rằng nên hà hơi tiếp sức tín dụng cho dân với phân khúc thị trường căn hộ giá dưới 1 tỷ đồng bởi đây là khu vực “cầu” vẫn rất nhiều. Giải pháp là ngân hàng hỗ trợ cho vay để dân có thể trả nợ trong thời gian dài. Nên bơm vốn cho người mua chứ không phải cho doanh nghiệp bất động sản.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, chí ít ĐBQH phải biết nợ xấu đang ở chỗ nào, mức độ ra sao để có hướng ủng hộ Chính phủ. Giải pháp là cho phá sản nếu quá tệ, thậm chí cho xử lý hình sự.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ĐB Thân Đức Nam cho rằng Quốc hội kỳ này cần ban hành nghị quyết để củng cố lại niềm tin của thị trường vào chính sách với các giải pháp đặc biệt, chẳng hạn như khoanh nợ, xử lý nợ xấu và tiếp tục cho vay vốn với lãi suất hợp lý đối với các doanh nghiệp còn khả năng hoạt động; tiếp tục miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất hỗ trợ doanh nghiệp đến hết năm 2013.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị cần hướng dòng vốn ngân hàng vào cho doanh nghiệp nội địa để “cứu” sản xuất trong nước. “Cần làm rõ nợ xấu là bao nhiêu, nằm ở đâu, và xử lý như thế nào? Xử lý thì có giải pháp trước mắt là nắm ngay dòng tiền để hướng dòng tiền chảy vào đâu. Giải pháp dài hơi hơn là lập công ty mua bán nợ để đảo các dòng nợ. Thứ ba là phân loại doanh nghiệp để cho vay “nuôi nợ” nhằm thu nợ. Chẳng hạn doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn về vốn lưu động thì nên tìm hiểu giúp vốn để doanh nghiệp đó kích hoạt sản xuất”.

Trong khi đó, theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), các ngân hàng thương mại phải lập quỹ dự phòng để giải nợ xấu, “không thể có chuyện nợ xấu tăng mà lương thưởng tại các ngân hàng vẫn cao”. Ngân hàng nào giấu nợ xấu phải chế tài nghiêm. Nên hỗ trợ các doanh nghiệp có thị trường, có điều kiện, nếu có nợ xấu vẫn cho họ vay để tiếp tục phát triển.

Lập Ủy ban Quốc gia tái cơ cấu kinh tế

Không chỉ lo ngại về tình hình trước mắt, nhiều ĐBQH còn tỏ ra sốt ruột khi quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra chậm chạp. Đây cũng là nguyên nhân khiến vòng luẩn quẩn bất ổn vĩ mô kéo dài nhiều năm. ĐB Trần Du Lịch đề nghị sớm thành lập Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là “tái cơ cấu đầu tư, hoạt động ngân hàng, giải quyết nợ xấu”.

Năm 2013, mục tiêu tổng quát nên là duy trì sự ổn định. Bên cạnh đó, cần có chính sách kích cầu thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để xây dựng các công trình quan trọng, góp phần tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; khẩn trương tái cơ cấu ngân hàng, đi liền với giải quyết nợ xấu; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cần thành lập ban chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu.

TS. VŨ VIẾT NGOẠN,
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, không có ngân hàng nào tự mình giải quyết việc tái cơ cấu, nợ xấu.

“Nếu làm không tốt thì không thể tái cơ cấu kinh tế, lấy lại niềm tin của thị trường và tiếp tục đẩy các doanh nghiệp vào con đường phá sản, giải thể. Cần phải có những giải pháp cụ thể. Nếu kỳ họp này mà Quốc hội không quyết được các giải pháp cụ thể thì năm 2013 chưa thể có chuyển biến” - ông Lịch nhận định.

Theo ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), tái cơ cấu nền kinh tế cần làm khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả hơn. Có như vậy mới tiến tới làm cho các nguồn lực hiện có được sử dụng hiệu quả, đưa nền kinh tế phát triển, tăng trưởng bền vững và có sức cạnh tranh tốt.

Nhiều ĐBQH cũng chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế kém vừa qua có phần do tái cơ cấu đầu tư chưa tốt, nhiều công trình bị đình trệ, gây lãng phí rất lớn. Trong khi đó, những bất ổn của hệ thống ngân hàng khiến niềm tin suy giảm.

Các tin khác