Hà Nội

Lại xung đột khách hàng - chủ đầu tư

Gần đây, tại Hà Nội lại tiếp diễn những vụ xung đột giữa khách hàng và chủ đầu tư. Khi đã thiếu niềm tin, xung đột dễ xảy ra nhưng lại rất khó giải quyết.

Gần đây, tại Hà Nội lại tiếp diễn những vụ xung đột giữa khách hàng và chủ đầu tư. Khi đã thiếu niềm tin, xung đột dễ xảy ra nhưng lại rất khó giải quyết.

Nỗi khổ của cư dân Chelsea Park

CTCP Xây dựng dân dụng Hà Nội đã phản ứng bằng cách không cho phép cư dân sử dụng tầng hầm để đậu xe và không bố trí bảo vệ giữ xe. Ảnh: KHÔI NGUYÊN.

CTCP Xây dựng dân dụng Hà Nội đã phản
ứng bằng cách không cho phép cư dân
sử dụng tầng hầm để đậu xe
và không bố trí bảo vệ giữ xe.
Ảnh: KHÔI NGUYÊN.

Hàng trăm cư dân chung cư Chelsea Park (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa kịch liệt phản đối chủ đầu tư - CTCP Xây dựng dân dụng Hà Nội và VietnamLand.

Theo ông Phạm Đình Đàm, đại diện các hộ dân: “Chủ đầu tư đã chậm trễ thực hiện dự án; hành xử thô bạo, vô trách nhiệm với bên mua; thu tiền mua nhà sai quy định; áp đặt nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư sai pháp luật và quan hệ hợp tác không minh bạch trong việc thực hiện dự án. Cụ thể, thời hạn bàn giao các căn hộ này đã chậm 40 tháng (dự án Chelsea Park gồm 2 tòa cao ốc 17 tầng , tổng số 200 căn hộ, mở bán năm 2005, dự kiến hoàn thành và bàn giao cho người mua vào năm 2008).

Việc chủ đầu tư chậm giao nhà khiến nhiều khách hàng khóc dở, mếu dở vì phải vay ngân hàng với lãi suất cao và thuê nhà ở tạm giá “cắt cổ”.

 Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư buộc khách hàng đóng tới 90% giá trị căn hộ, trong khi quy định của Luật Nhà ở chỉ cho phép huy động tối đa 70% giá trị hợp đồng. Ngoài ra, mức phí bảo trì căn hộ và phí dịch vụ quá cao so với mức trần của UBND TP Hà Nội quy định: phí quản lý vận hành nhà chung cư 8.000 đồng/m2; phí trông giữ xe đạp 30.000 đồng/xe/tháng, xe máy 120.000 đồng/xe/tháng, ô tô 1,5 triệu đồng/xe/tháng”.

Theo các cư dân, bức xúc nhất là cách hành xử của chủ đầu tư đối với những hộ đã vào ở Chelsea Park. Khi cư dân phàn nàn về tình trạng dơ bẩn, nhếch nhác trong tầng hầm và yêu cầu hoàn thiện tầng hầm cùng một số hạng mục khác (theo cam kết sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8-2011), ông Trần Hồng Tâm, Giám đốc CTCP Xây dựng dân dụng Hà Nội, phản ứng bằng cách không cho phép cư dân sử dụng tầng hầm để đậu xe và không bố trí bảo vệ giữ xe.

Ngoài ra, Công ty TNHH Đất Việt Nam - đối tác của CTCP Xây dựng dân dụng Hà Nội trong dự án - cũng thường xuyên dọa nạt, gây ức chế đối với những khách hàng có ý định khiếu nại, như không cho lên xem nhà, buộc ký cam kết không khiếu kiện mới giao nhà, buộc phải rút tên khỏi đơn ủy quyền luật sư khiếu kiện...

Có luật vẫn xung đột

Hiện nay, cư dân ở Chelsea Park không mong gì hơn là chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng để khách hàng có thể an cư, chấm dứt cảnh xe cộ phải đi gửi nơi khác hoặc đậu bừa bãi ngoài trời, điện nước không ổn định, thang máy không hoạt động… Đến nay hệ thống điện mới chỉ tạm thời nên chưa thể vận hành thang máy, hệ thống báo cháy và cấp nước. Riêng về mức phí dịch vụ, chủ đầu tư hứa sẽ thỏa thuận lại khi các dịch vụ hoàn thiện được đưa vào sử dụng.

Không chỉ cư dân Chelsea Park bất bình, phản đối chủ đầu tư, trước đó chỉ mấy ngày, cư dân tòa nhà 93 Lò Đúc cũng khiếu kiện chủ đầu tư - Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô - vì tự ý xây thêm tầng 27 không phép, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của cư dân. Khu chung cư này cũng bị Sở Tài chính yêu cầu dừng ngay việc thu phí trông xe vượt trần quy định của TP.

Một vụ khác cũng khá căng thẳng đến giờ vẫn chưa thực sự ngã ngũ là việc cư dân Keangnam - chung cư được xem hiện đại bậc nhất Hà Nội - khiếu nại chủ đầu tư thu phí dịch vụ “cắt cổ”. Ngoài ra, đã xảy ra hàng loạt vụ cư dân khiếu kiện chủ đầu tư tại The Manor, Golden Westlake, Pacific Place, Sky City Towers, 101 Láng Hạ…

Đã có một thời gian dài, nhiều người cho rằng thiếu các quy định về pháp luật để lý giải nguyên nhân của các xung đột không dứt. Đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của cư dân, đồng thời chấn chỉnh quản lý chung cư, UBND TP Hà Nội đã ban hành mức giá trần phí dịch vụ chung cư; Bộ Xây dựng cũng có thông tư chi tiết về việc sở hữu chung - riêng tại chung cư để khắc phục tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư.

Trên thực tế, sự mất niềm tin, thiếu tiếng nói chung giữa chủ đầu tư và cư dân khiến cho những xung đột ngày càng bị đẩy xa quá mức. Cư dân cho rằng nơi đậu xe của chung cư phải là tài sản thuộc sở hữu chung của cư dân, trong khi chủ đầu tư khẳng định tầng hầm là của mình. Tương tự với phí dịch vụ, chủ đầu tư lý giải mức giá cao vì dịch vụ chất lượng cao, trong khi người dân cho rằng mức giá đó là “cắt cổ”.

Do tranh chấp, những khu vực sở hữu chung tại một số chung cư cao cấp ở Hà Nội bị bỏ không, không có ai chịu trách nhiệm, khiến thang máy không được bảo trì thường xuyên, hồ bơi không được làm sạch nên chất lượng cuộc sống ngày càng xuống thấp.

Các tin khác