Lãi suất thị trường vẫn cao

Theo chỉ đạo NHNN, hiện các NHTM đã giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ của doanh nghiệp (DN) về dưới 15%/năm và khoản vay mới được áp dụng lãi suất về dưới 13%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế các NHTM cho DN vay cao hơn nhiều so với mốc dưới 13% và 15%/năm.

Theo chỉ đạo NHNN, hiện các NHTM đã giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ của doanh nghiệp (DN) về dưới 15%/năm và khoản vay mới được áp dụng lãi suất về dưới 13%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế các NHTM cho DN vay cao hơn nhiều so với mốc dưới 13% và 15%/năm.

Chưa có vốn rẻ thực sự

Thông tư 16/2013/TT-NHNN, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với một số lĩnh vực ưu tiên từ 10%/năm xuống còn 9%/năm, đang khiến DN kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh. Đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính phải giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm.

Mới đây, tại nhiều NHTM nhà nước như Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank thông báo hạ lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn 1 tháng xuống 5%/năm,  khiến dư luận cho rằng sẽ xuất hiện đợt giảm lãi suất cho vay kéo theo.

Trong Chỉ thị 03 mới ban hành, NHNN kêu gọi các NHTM chủ động hạ lãi suất cho vay phù hợp với khả năng tài chính của mình. Thế nhưng, theo phản ánh, dù ngân hàng đã có nhiều động thái để giảm lãi suất, nhưng thực tế DN vẫn còn chịu lãi suất ở mức cao do mức giảm rất thấp và chậm.

Tình trạng NHTM công bố sẽ cho vay lãi suất thấp, nhưng khi DN tiếp cận lại không đủ điều kiện vay khiến DN mất lòng tin và e ngại tiếp cận vốn ngân hàng.

Chia sẻ với ĐTTC, ông Nguyễn Nhật Hoàng, giám đốc một công ty sản xuất hàng tiêu dùng tại TPHCM, cho biết năm 2011 ông vay 40 tỷ đồng ở một số ngân hàng để đầu tư máy móc thiết bị đúng thời điểm lãi suất cao, có ngân hàng áp mức lãi suất đến 24%/năm.

Trong các lần NHNN chỉ đạo giảm lãi vay, ông đã liên hệ với các ngân hàng này để được giảm lãi suất, nhưng đến đầu năm 2013, mức lãi suất các ngân hàng áp dụng cho công ty vẫn dao động 19,5-20%/năm. Mới đây, NHNN lại yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất khoản vay cũ, công ty tiếp tục gửi đơn đề nghị hạ lãi suất.

Trả lời đề nghị này, một NHTM nhà nước đang cho công ty vay vốn thông báo trước mắt chỉ có thể hạ lãi suất xuống 15,5%/năm. Còn các NHTM cổ phần cho biết sẽ hạ lãi suất xuống 17-18%/năm chứ không thể giảm sâu hơn.

Tổng giám đốc một DN nhựa trong khu công nghiệp Tân Tạo (TPHCM) cũng chia sẻ, 2 tháng gần đây ông liên tục nhận được lời mời chào vay lãi suất ưu đãi từ một số NHTM cổ phần với lãi suất hấp dẫn 6-9%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng 1-3 tháng đầu, những tháng sau đó lãi suất thấp nhất cũng 14%/năm kèm theo điều kiện có thể điều chỉnh theo thị trường.

Trong khi đó, ông T.D.N.T, phó giám đốc một DN cơ điện đang cần vay vốn ưu đãi, cho biết một NHTM có trụ sở tại TPHCM giới thiệu gói tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp. Theo đó, lãi suất vay ưu đãi 9%/năm áp dụng trong 3 tháng đầu tiên, 9 tháng tiếp theo lãi suất 12%/năm và sau đó dao động từ 14-14,5%/năm, nếu trả nợ trước sẽ bị phạt phí khá cao.

Đang cần vốn, ông T. hồ hởi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu mang đến ngân hàng này, nhân viên tín dụng của ngân hàng cho biết đã cho vay hết hạn mức tín dụng ưu đãi và tư vấn nếu cần vốn có thể vay với mức lãi suất trên 14%/năm.

Vì lợi ích 2 bên

Nhận định về lãi suất cho vay hiện nay, lãnh đạo một NHTM cho rằng dù lãi suất huy động giảm nhưng chỉ giảm đối với tiền gửi ngắn hạn, nên ngân hàng khó lòng giảm lãi suất cho vay xuống thấp trong thời điểm này. Đối với các khoản nợ cũ, ngân hàng phải xem xét lại các hợp đồng tín dụng, đánh giá hoạt động của từng DN để đưa ra những mức giảm phù hợp và thực hiện quy định từ 3-6 tháng mới điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một lần chứ chưa thể giảm ngay.

Ngân hàng muốn khơi thông nguồn vốn nhưng lại áp lãi suất cao khiến DN đủ điều kiện cũng không dám vay, còn DN có nợ cũ, lãi cao khó trả hết nên không được vay tiếp, khiến việc đưa nguồn vốn ngân hàng vào DN còn nhiều khó khăn. Hiệp hội đề nghị ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay như báo cáo đưa ra nhằm tạo thuận lợi cho DN mang lại lợi ích cả đôi bên.

Ông Hàng Vay Chi,
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM

Các chuyên gia ngân hàng nhận định, hiện chỉ có các NHTM lớn giảm lãi suất huy động nhưng chỉ mới “rón rén” ở kỳ hạn 1 tháng, còn nhóm NHTM nhỏ chưa hạ lãi suất huy động vì sợ mất khách hàng. Hiện mức lãi suất huy động các NHTM lớn đang áp dụng khoảng 7%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng và trên 8%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng và trên 9%/năm đối với kỳ hạn dài hơn.

Khi tính lãi suất cho vay, ngân hàng phải cộng thêm chi phí hoạt động, dự trữ bắt buộc và lợi nhuận. Do đó, các NHTM không thể cho vay dưới 11%/năm. Hơn nữa, hiện một số ngân hàng đang gặp khó khăn về nợ xấu, phải nâng lãi suất thêm 2-3% để bù đắp chi phí trích lập dự phòng nợ xấu.

Theo thông tin từ NHNN hiện nay, nhóm NHTM nhà nước cho vay VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao có lãi suất phổ biến mức 7-9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn khoảng 11,5-12,8%/năm.

Trong đó, một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các NHTM cho vay với mức lãi suất 6,5-7%/năm. Còn nhóm NHTM cổ phần cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 8-9%/năm, cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh 9,5-11,5%/năm đối với ngắn hạn, 12-13%/năm đối với trung và dài hạn.

Tuy nhiên, so sánh với thực tế, những con số trên chỉ là báo cáo trên giấy và chênh lệch rất nhiều. Tình trạng công bố một đằng làm một nẻo đang khiến DN mất lòng tin và e ngại tiếp cận vốn ngân hàng. 

Các tin khác