THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 2016

Kỳ vọng ổn định, khởi sắc

(ĐTTCO) - Triển vọng nền kinh tế năm 2016 và các năm tới sẽ sáng sủa hơn nếu tận dụng tốt nền tảng vĩ mô khả quan gây dựng trong các năm vừa qua, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, khuyến khích kinh tế tư nhân, cải thiện năng suất, và nâng cấp mô hình tăng trưởng. Song hành cùng với đó là sự đan xen cả cơ hội lẫn thách thức của thị trường chứng khoán (TTCK).

(ĐTTCO) - Triển vọng nền kinh tế năm 2016 và các năm tới sẽ sáng sủa hơn nếu tận dụng tốt nền tảng vĩ mô khả quan gây dựng trong các năm vừa qua, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, khuyến khích kinh tế tư nhân, cải thiện năng suất, và nâng cấp mô hình tăng trưởng. Song hành cùng với đó là sự đan xen cả cơ hội lẫn thách thức của thị trường chứng khoán (TTCK).

Triển vọng khả quan

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), năm 2016 kinh tế Việt Nam tiếp tục chu kỳ tăng trưởng tốt, tạo nền tảng cho TTCK tăng điểm. Dù vậy triển vọng thị trường không được đánh giá cao khi trong năm 2016 sẽ xuất hiện các yếu tố không thuận lợi từ thị trường thế giới.

Với việc hoàn thành ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng các hiệp định thương mại tự do lớn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nắm bắt cơ hội này để đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, dù doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với các thách thức khi doanh nghiệp nước ngoài vào, nhưng điều đó cũng tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu hơn với thị trường thế giới, cả ở thị trường hàng hóa và vốn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI

Các ẩn số về biến động tỷ giá, lãi suất và dòng tiền đầu tư chứng khoán sẽ làm tăng sự phân hóa giữa các ngành và nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, những cổ phiếu thoái vốn, niêm yết mới, các cổ phiếu sàn UPCoM đang được định giá thấp có thể là cơ hội đầu tư trong năm 2016. Về điểm số, VN Index dự kiến đạt 590-650 điểm với kịch bản tích cực và 565 điểm với kịch bản tiêu cực trong năm 2016. Cụ thể, diễn biến thị trường 2016, VN Index được dự báo có sự sụt giảm đầu năm và phục hồi dao động tăng giảm trong xu hướng tăng điểm đến hết tháng 8, giảm lại vào cuối năm.

Về nhóm các cổ phiếu dẫn dắt TTCK, trong nửa sau của năm 2015 xu hướng chuyển dịch vào nhóm cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh tốt đã khá rõ rệt. Điều này được dự báo là xu thế chính của thị trường trong năm 2016 khi dòng tiền tiếp tục không được đánh giá cao. Những ngành được đánh giá cao trong năm 2016 nhờ yếu tố chu kỳ, chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài và có lợi thế cạnh tranh tốt nhờ các hiệp định thương mại như bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm, xây dựng và hạ tầng, cảng biển, công nghệ thông tin và dệt may có cơ hội tăng trưởng tốt. Ngoài ra những cổ phiếu hết room và được mở room cùng với hoạt động thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cũng được kỳ vọng là trụ cột dẫn dắt thị trường trong năm sau.

Do ảnh hưởng của TTCK và kinh tế vĩ mô thế giới, năm 2016 các lựa chọn đầu tư sẽ thiên về hướng phòng thủ hơn, với các ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định, dài hạn, các cổ phiếu đầu ngành, có định giá hấp dẫn và có mức lợi tức cao. Nhìn nhận về các phiên giảm điểm trước và sau khi nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cũng như thách thức đối với TTCK năm 2016, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), cho rằng điều đó đến từ rủi ro của các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhất là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng như sự giảm giá của các nguyên liệu cơ bản, đã dẫn đến ảnh hưởng các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu các mặt hàng cơ bản (Nga, các nước Ả rập). Những yếu tố này đã tác động đến TTCK thế giới và TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng tác động. Tuy nhiên, theo ông Hải, TTCK Việt Nam giảm điểm chỉ mang tính tức thời, theo xu hướng chung trong khoảng thời gian ngắn vì các yếu tố kinh tế vĩ mô không giống nhiều nước mà đang ở chiều hướng tốt, ổn định (lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tăng cao hơn 2015...). Do đó, những thời điểm TTCK giảm trong ngắn hạn cũng là cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trong dài hạn.

Tháo gỡ vướng mắc

Đánh giá về phiên giao dịch ngày 16-2 vừa qua, bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận xét dòng tiền có dấu hiệu cải thiện trong phiên giao dịch, tuy nhiên mức độ tăng lên không quá mạnh, chỉ đạt xấp xỉ trung bình trong 1 tháng gần đây. Thị trường đang được hỗ trợ từ sự hồi phục của các TTCK thế giới, đặc biệt là giá dầu.

Nhiều nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao mức tăng trưởng của TTCK Việt Nam. Năm 2016, UBCKNN sẽ không ngừng cải cách để đưa TTCK phát triển lên tầm cao mới, tiếp tục trở thành kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế, thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), quan tâm và hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN

Tuy nhiên, sau khi thông tin thỏa thuận Saudi Arabia và Nga chỉ đồng ý đóng băng sản lượng có thể, khiến đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí chững lại, qua đó tác động đến thị trường chung, khiến nhiều khả năng thị trường vẫn duy trì xu thế lình xình đi ngang trong bối cảnh dòng tiền yếu khi không có thông tin hỗ trợ mới. “Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị các hoạt động mua mới hiện tại chỉ nên tập trung cho mục tiêu trung hạn khi xét về mức định giá. P/E của VN Index đang ở mức khá thấp trong vòng 3 năm trở lại đây, các hoạt động đầu tư ngắn hạn chỉ nên trading mua thấp bán cao trên danh mục hiện có” - báo cáo PSI nhận xét.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), phân tích: “Năm nay có tiền thì mua chứng khoán, vấn đề là chọn đúng giá trị trên sàn. Nếu nhà đầu tư nhìn như vậy, năm 2016 sẽ là cơ hội đầu tư. Còn việc TTCK liên tục giảm điểm vừa qua chủ yếu xuất phát từ những tác động bên ngoài, còn yếu tố bên trong là do niềm tin của nhà đầu tư trong nước mà thôi”.

Từ thực tế này, một trong những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm là chủ trương nới room cho nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định 60 (quy định chi tiết các Luật Chứng khoán) ban hành năm 2015 sớm được triển khai. Nguyên nhân khiến quy định nới room chưa thực hiện được do Nghị định 60 vênh với Luật Đầu tư về quy định tỷ lệ nắm giữ trên 51% được coi là doanh nghiệp nước ngoài và được ứng xử theo các quy định đối với loại hình doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, điểm vướng thứ hai là dù mở 100% đối với doanh nghiệp không thuộc diện bị hạn chế, có điều kiện, nhưng việc xác định một doanh nghiệp có thuộc diện bị hạn chế, có điều kiện hay không, bản thân doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng đang rất lúng túng. Chính vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc, UBCKNN cho biết cơ quan này đang làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) để xử lý. Trong các giải pháp đưa ra có việc xây dựng dự thảo nghị định để gom điều kiện tại các thông tư hướng dẫn chuyển thành dự thảo nghị định để có tầm cao hơn, khi đó sẽ tháo gỡ được cho Nghị định 60. Theo ông Nguyễn Khắc Hải, việc UBCKNN, Bộ Tài chính cùng Bộ KHĐT dự thảo nghị định hướng dẫn việc nới room đang được nhà đầu tư kỳ vọng, bởi nếu nghị định này được ban hành sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường.

CPH gắn niêm yết, tăng nguồn cung

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2016 dù tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, định hướng đổi mới từ Đại hội Đảng XII và những giải pháp quan trọng của Chính phủ, chúng ta có thể hy vọng kinh tế vĩ mô ổn định và đạt được những chỉ tiêu phát triển Quốc hội đã đề ra. Do vậy, TTCK sẽ có những bước phát triển tích cực hơn.

Nhiệm vụ cho năm 2016, năm bản lề trong triển khai Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020, ông Dũng cho biết cần tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu và tổ chức giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP) nhằm huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho ngân sách và cho đầu tư phát triển; kết hợp với việc cơ cấu lại nợ trong nước theo hướng kéo dài kỳ hạn bình quân của TPCP; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và sản phẩm phát hành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu xuân Bính Thân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu xuân Bính Thân.

Bên cạnh đó là tiếp tục triển khai công tác đấu giá CPH hiệu quả nhằm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy CPH, thoái vốn, bán cổ phần DNNN; triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động đấu giá CPH gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; tiếp tục chủ động hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về CPH, tái cơ cấu và phát triển TTCK.

Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai thống nhất, đồng bộ và toàn diện các giải pháp nhằm phát triển TTCK ổn định, lành mạnh, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thích ứng với giai đoạn phát triển mới của thị trường; xây dựng, vận hành và phát triển TTCK phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; chuẩn bị các điều kiện cần và đủ nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi...

Các tin khác