Kỳ vọng cơ chế xử lý nợ xấu

Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC), có hiệu lực thi hành từ ngày 9-7-2013. Dịp này, NHNN cũng lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định mua, bán nợ xấu của VAMC. Nhiều ý kiến cho rằng VAMC sẽ giúp giải quyết phần nào tảng băng nợ xấu đang gây khó khăn cho các NHTM, nhưng cũng không ít quan điểm nhận định các NHTM không nên quá kỳ vọng vào VAMC.

Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC), có hiệu lực thi hành từ ngày 9-7-2013. Dịp này, NHNN cũng lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định mua, bán nợ xấu của VAMC. Nhiều ý kiến cho rằng VAMC sẽ giúp giải quyết phần nào tảng băng nợ xấu đang gây khó khăn cho các NHTM, nhưng cũng không ít quan điểm nhận định các NHTM không nên quá kỳ vọng vào VAMC.

Kẻ mong, người ngại

Dự thảo thông tư quy định điều kiện các khoản nợ được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) bao gồm khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản, trong đó không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai; khoản nợ chưa được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ của TCTD, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và không có tranh chấp.

Khách hàng vay là tổ chức có số dư nợ gốc vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng, với khách hàng vay cá nhân không thấp hơn 1 tỷ đồng. Về việc bán nợ theo yêu cầu của NHNN, TCTD có nợ xấu từ 3% so với tổng dư nợ trở lên phải bán nợ cho VAMC…

Xoay quanh những quy định này, phó tổng giám đốc một NHTMCP cho rằng khó kỳ vọng bán nợ xấu cho VAMC, bởi nhiều khả năng VAMC sẽ ưu tiên mua nợ xấu các NHTM nhà nước và những khoản nợ xấu lớn có đầy đủ hồ sơ giấy tờ hợp lệ. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng hợp lý, nhưng không loại trừ sẽ có ngân hàng tìm cách ép nợ xấu xuống dưới 3% để không phải bán cho VAMC.

Theo dự thảo VAMC, trong thời hạn của TPĐB, TCTD chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro vào chi phí hoạt động hàng năm, chứ không phải trích lập dự phòng chung đối với TPĐB. Như vậy, TCTD sẽ giảm được chi phí từ quy định này.

Dự thảo cũng quy định sau khi thanh toán TPĐB và nhận khoản nợ từ VAMC, TCTD sử dụng số dự phòng rủi ro đã trích lập cho TPĐB tương ứng với khoản nợ nhận lại để xử lý rủi ro đối với khoản này, đồng thời tiếp tục hạch toán tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán để theo dõi và thực hiện các biện pháp thu hồi. Sau thời hạn 3 năm kể từ ngày xử lý các khoản nợ và sau khi đã thực hiện tất cả biện pháp nhưng không thu hồi được nợ, TCTD được xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Theo một chuyên gia ngân hàng, những quy định này cho thấy các NHTM sẽ tự xử lý nợ xấu là chính, nhưng VAMC tạo cơ chế mở cho NHTM hạch toán ngoại bảng ngay khi VAMC trả lại nợ xấu cho các NHTM sau 5 năm. Điều này sẽ giúp NHTM mạnh dạn bán nợ xấu cho VAMC thay vì phải ôm một cục nợ xấu và tự xử lý. Sau 5 năm nợ xấu không được xử lý các NHTM cũng đã mạnh khỏe, có năng lực tài chính tốt hơn và thị trường cũng đã hồi phục, tức sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để xử lý nợ xấu.

Nhanh tay được lợi

Bán nợ xấu qua VAMC, các NHTM thay vì trích lập dự phòng hết 1 lần, có thể chia ra tỷ lệ trích lập trong 5 năm sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh. Sau 5 năm VAMC không xử lý được nợ xấu, NHTM lấy về thì nợ xấu ấy vẫn là của NHTM.

Ông Trương Văn Phước,
Tổng giám đốc Eximbank

Để tránh thất thoát, xử lý không đúng mục đích số tiền thu hồi nợ, dự thảo thông tư quy định VAMC phải gửi số tiền thu hồi nợ tại TCTD bán nợ dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn và không được rút trước thời điểm thanh toán TPĐB. Định kỳ hàng quý VAMC có trách nhiệm thống kê và thông báo số tiền TCTD bán nợ được hưởng trong quý từ số tiền thu hồi nợ để TCTD ghi nhận vào doanh thu hoạt động.

VAMC sẽ được hưởng 2% số tiền thu hồi nợ. Theo NHNN, dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi 20-40%. Vì vậy quy định tỷ lệ VAMC hưởng 2% là tương xứng với mức thu 320-800 tỷ đồng. Với thời hạn xử lý dự kiến 5 năm mức thu hàng năm của VAMC khoảng 60-160 tỷ đồng sẽ bù đắp các chi phí hàng năm của VAMC.

Có thể thấy tất cả vẫn còn ở phía trước nhưng VAMC được kỳ vọng sẽ là giải pháp tích cực trong xử lý nợ xấu. Theo đó hệ thống TCTD sẽ được củng cố, an toàn và bền vững hơn. Nguồn vốn từ đây cũng sẽ được khơi thông để có thể tiếp sức cho nền kinh tế hiệu quả hơn, thay vì đình trệ suốt thời gian qua.

Theo NHNN, hiện nay các NHTM đã tái cơ cấu các khoản nợ, khoảng 285.000 tỷ đồng (xấp xỉ 10% tổng dư nợ). Nếu không tái cơ cấu một phần rất lớn trong này đã thành nợ xấu. Đặc biệt, các NHTM đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro trong năm qua và cũng đã xử lý được 70.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro. 6 tháng đầu năm 2013, các NHTM đã xử lý được 7.000-8.000 tỷ đồng nợ xấu bằng dự phòng rủi ro và hiện đã trích lập dự phòng rủi ro được 6.8000 tỷ đồng.

6 tháng cuối năm 2013, NHNN yêu cầu các NHTM tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, một mặt bám sát các doanh nghiệp nghiên cứu khó khăn cùng tháo gỡ nhưng không được hạ chuẩn tín dụng, làm sao để nợ xấu kiểm soát chặt từ đây về sau.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cảnh báo năm nay NHTM nào chia cổ tức mà tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao, NHNN sẽ lập tức thanh tra. Ngoài ra, VAMC đang gấp rút hoàn thành quy chế hoạt động để ngày 9-7 tới sẽ triển khai. Vì thế các NHTM cần chủ động nghiên cứu để nắm bắt cơ bản các nguyên tắc hoạt động của VAMC, trên cơ sở đó khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn có thể vào cuộc ngay.

“NHTM nào hoàn tất hồ sơ sớm sẽ được xử lý nợ xấu sớm, sẽ từng bước lành mạnh về tài chính và phục hồi phát triển tốt” - Thống đốc NHNN khẳng định.

Các tin khác