TRIỂN KHAI THÔNG ĐIỆP CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kỳ 6: Chủ động khai thác lợi thế hội nhập

Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng cũng cạnh tranh ngày càng gay gắt”.

Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng cũng cạnh tranh ngày càng gay gắt”.

Mở rộng “sân chơi” toàn cầu

Những nét vẽ đầu tiên trong bức tranh hội nhập của Việt Nam có thể được tính bằng dấu mốc nước ta gia nhập ASEAN cách đây 19 năm (năm 1995). Tiếp theo, Việt Nam lần lượt tham gia sáng lập ASEM năm 1996, tham gia APEC năm 1998 và chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được 7 năm.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán nhiều FTA. Cụ thể, giai đoạn 2002-2010, Việt Nam đã tham gia các FTA trong khuôn khổ ASEAN và Nhật Bản. Từ năm 2010 đến nay nước ta tham gia các FTA như TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương), EU, EFTA (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực)…

Bộ Công Thương với vai trò đầu mối, chủ động, tích cực hơn nữa trong đó là đàm phán các FTA, nhất là TPP và FTA Việt Nam – EU. Cùng với việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các FTA mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập hoặc đang trong quá trình đàm phán để các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân chủ động khai thác có hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Hiện nay 3 FTA nhận được nhiều sự quan tâm là TPP, FTA Việt Nam - EU và RCEP. Đặc biệt TPP, định chế thương mại đa phương giữa 12 nước, nếu được ký kết sẽ bao trùm một khu vực kinh tế rộng lớn chiếm hơn 40% GDP và 30% kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu.

Đến nay đã trải qua 19 phiên đàm phán chính thức, còn gần 20 lĩnh vực vẫn đang đàm phán tiếp. Sau khi không thể kết thúc đàm phán theo dự kiến vào cuối năm 2014, các thành viên TPP không đặt ra thời hạn cụ thể mà sẽ nỗ lực tối đa để kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam sẽ nhận được nhiều lợi ích khi TPP được ký kết. Theo đó, những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch.

Tuy không quá nóng như TPP, nhưng RCEP cũng thu hút được nhiều sự quan tâm bởi có sự tham gia của Trung Quốc. RCEP là hiệp định thương mại với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 6 nước khác (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand), dự kiến kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015.

RCEP được xem như FTA khổng lồ vì bao gồm khoảng 3 tỷ người, tổng GDP 17.000 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng thương mại thế giới. RCEP với lợi thế là một FTA đơn nhất, quy tắc xuất xứ và những văn bản cần thiết được chuẩn hóa chung, không cần kiểm tra bảng ưu đãi dành cho từng nước, được kỳ vọng giúp giảm gánh nặng chi phí.

Cuối cùng, FTA Việt Nam - EU cũng được kỳ vọng mang lại tương lai lạc quan cho các ngành xuất khẩu chủ lực nước ta. Theo bà Cao Thanh Diệp, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, việc tham gia các FTA mang lại nhiều lợi ích như thúc đẩy thương mại 2 chiều, đa dạng hóa xuất khẩu, thúc đẩy cải cách tái cấu trúc nền kinh tế, mở rộng thị phần hàng xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đánh mất cơ hội

Thực tế, dù ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhưng việc tận dụng các hiệp định này để đẩy mạnh xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhận định là do doanh nghiệp không chủ động nắm bắt thông tin.

Ông Vương Đức Anh, Phó Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: “Tôi đã từng khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về quy tắc xuất xứ hàng hóa để tối đa hóa lợi ích thu được từ các FTA đã ký kết. Về vấn đề này chúng ta đã có nhiều bài học đau xót.

 Thời gian tới, cần chủ động xây dựng chiến lược và bước đi phù hợp trình Chính phủ để nâng tầm quan hệ thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khai thác tối đa cơ hội thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai đàm phán các FTA với một số đối tác đang trong quá trình đàm phán được Chính phủ phân giao chủ trì; quan tâm đến đàm phán song phương để mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu.

Ông Vũ Huy Hoàng,
Bộ trưởng Bộ Công Thương

Thí dụ, theo lộ trình FTA ASEAN - Hàn Quốc, năm 2011 Hàn Quốc giảm mức thuế nhập khẩu đối với hoa quả, nhưng các công ty xuất khẩu thanh long Việt Nam vẫn bị áp thuế nhập khẩu tới 45% khi vào thị trường này. Vì sao như vậy? Bởi doanh nghiệp không tìm hiểu kỹ hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng.

Trên thực tế, quả thanh long có biểu thuế ở Việt Nam là 08109092, song ở Hàn Quốc lại không có trái thanh long, nên họ đưa trái cây nhập khẩu này vào danh mục nhạy cảm (mã 081090), áp dụng mức thuế 50% đến hết năm 2011. Từ ngày 1-1-2012, mức thuế này giảm xuống còn 20% và từ năm 2016 giảm còn 5%”.

Từ ngày 1-1-2014, Hiệp định Thương mại tự do FTA Việt Nam - Chile chính thức có hiệu lực. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tăng khả năng cạnh tranh khi vào thị trường Chile nhiều tiềm năng, được coi là cửa ngõ của thị trường Mỹ Latin rộng lớn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng cơ hội này nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu từ Chile phục vụ hoạt động sản xuất của mình. Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, khuyến cáo doanh nghiệp nên quan tâm và tìm hiểu kỹ hơn về thị trường này cũng như các cơ hội từ FTA. Theo đó tăng cường tiếp xúc với các doanh nghiệp Chile và các nước thứ 3.

Cũng đề cập việc doanh nghiệp thiếu chủ động trong tìm kiếm thông tin liên quan đến ngành nghề của mình, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đưa ra một số kiến nghị xung quanh hiệp định TPP: “Doanh nghiệp cần tích cực trao đổi thông tin đầu vào cho đoàn đàm phán và nhóm công tác của VITAS. Đồng thời doanh nghiệp phải nắm được thông tin diễn biến đàm phán quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi thực hiện TPP cũng như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh hải quan. Cần cân đối chiến lược, liên kết chuỗi, đầu tư phát triển của doanh nghiệp phù hợp với xu hướng chung trong các FTA; củng cố cơ sở dữ liệu và hồ sơ chứng từ để phục vụ cho việc thực thi hiệp định. Nhiền chuyên gia đã từng khuyến cáo nếu không thận trọng, những lợi thế khi mở cửa thị trường doanh nghiệp sẽ không được hưởng bao nhiêu".

Trợ lực từ Nhà nước

Việc tham gia nhiều FTA đang mở ra những cơ hội rất lớn cho Việt Nam, như mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, cải cách chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng và tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư. Tuy nhiên, để tận dụng tốt lợi thế từ các FTA mang lại, doanh nghiệp cần chủ động hơn, bên cạnh đó là sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước.

Theo dự tính, ngành dệt may được xem hưởng lợi nhiều nhất khi TPP được ký kết. Song quy tắc xuất xứ đang là rào cản lớn trong đàm phán hiệp định quan trọng này. Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã có những kế hoạch cho việc đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng khi xin cấp phép lại không được chính quyền địa phương chấp nhận.

Trong buổi hội thảo về cập nhật đàm phán TPP diễn ra cuối năm 2013 tại TPHCM, một chủ doanh nghiệp tỏ ra bức xúc khi giấy phép đầu tư dự án cho ngành dệt nhuộm của doanh nghiệp ông không được chấp nhận. Lý do doanh nghiệp chỉ có thể đầu tư cho công đoạn xả thải ở mức B (trồng rau, nuôi cá), trong khi địa phương yêu cầu chất thải phải đạt mức A (nước có thể uống được).

Trước tình thế đó, doanh nghiệp đưa ra vài đề xuất nhưng phải đi đường vòng để có thể đạt được theo đúng yêu cầu, nhưng cũng không được chấp thuận. Điều này cho thấy sự quyết tâm của doanh nghiệp đã bị vướng bởi chính sách.

Khách hàng tìm hiểu các mặt hàng của SASCO giới thiệu tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế tại CHLB Đức tháng 1-2014.

Khách hàng tìm hiểu các mặt hàng của SASCO giới thiệu
tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế tại CHLB Đức tháng 1-2014.

Riêng vấn đề thông tin, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng Nhà nước, các cơ quan liên quan cần quan tâm hơn nữa trong việc đưa thông tin cập nhật đến với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Bởi để có thể tận dụng tốt các FTA doanh nghiệp phải nắm rõ nhiều nguyên tắc, quy định của các nước thành viên.

Trước thực trạng các doanh nghiệp FDI có thể sẽ hưởng lợi nhiều hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam khi các FTA được ký kết, có ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế tham vấn giữa chính quyền địa phương với bộ ngành, hiệp hội khi xem xét cấp phép các dự án FDI vào những ngành mà Việt Nam có tiềm năng lớn.

Có thể khẳng định việc tham gia các FTA song phương và đa phương là bước đi tất yếu trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hội nhập sâu, rộng như hiện nay. Tại Quyết định 1051/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do đến năm 2020, quan điểm chung là chủ động tham gia các FTA đa phương và song phương một cách có chọn lọc góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Các tin khác