TRIỂN KHAI THÔNG ĐIỆP CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kỳ 5: Cạnh tranh bình đẳng, xóa độc quyền

Trước viễn cảnh cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thiết lập, 10 nước ASEAN sẽ hình thành một thị trường thống nhất và Việt Nam đang tích cực đàm phán để gia nhập Hiệp định Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do đó, việc thực hiện cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật là động lực cần thiết để nâng cao hiệu quả và sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.

Trước viễn cảnh cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thiết lập, 10 nước ASEAN sẽ hình thành một thị trường thống nhất và Việt Nam đang tích cực đàm phán để gia nhập Hiệp định Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do đó, việc thực hiện cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật là động lực cần thiết để nâng cao hiệu quả và sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.

Cấp thiết hành động cải cách

Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng đã nhấn mạnh đến một nội dung có tính nguyên tắc cốt lõi của kinh tế thị trường là cạnh tranh bình đẳng và kiểm soát, xóa bỏ độc quyền: “Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế, chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước”.

Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực. Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả...

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ

Đây là một nội dung quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính năng động nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng trì trệ hiện nay. Tự do kinh doanh theo pháp luật và cạnh tranh bình đẳng là 2 nguyên tắc cơ bản tạo nên tính ưu việt của cơ chế thị trường.

Theo đó, mọi người đều có quyền tham gia kinh doanh theo pháp luật; huy động các nguồn lực, phát huy sáng kiến, hoạt động theo tín hiệu cung - cầu thị trường và cạnh tranh bình đẳng để bán được sản phẩm, dịch vụ của mình, đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng.

Người sản xuất phải ganh đua với nhau, vận dụng khoa học - công nghệ, luôn sáng tạo đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới hơn, tốt hơn, rẻ hơn, khác với đối thủ cạnh tranh, qua đó thúc đẩy tiến bộ xã hội, phục vụ người dân tốt hơn.

Thực tế đã chỉ ra rằng nếu không có cạnh tranh, ô tô trên thế giới chỉ có một màu đen bởi hãng Ford (Hoa Kỳ) chỉ muốn sản xuất ô tô màu đen. Tuy nhiên, bên cạnh cạnh tranh lành mạnh, hợp pháp, văn minh cũng đã xuất hiện các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh thông qua bán phá giá hay các thủ đoạn khác mà pháp luật phải nghiêm cấm.

Nếu như trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung các doanh nghiệp nhà nước sẽ tồn tại và hoạt động không cần cạnh tranh thì trong kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, cạnh tranh diễn ra trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chấp nhận sàng lọc

Cạnh tranh có thể dẫn đến doanh nghiệp yếu kém hơn bị phá sản. Kinh tế thị trường coi phá sản là sự sàng lọc cần thiết để loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, sử dụng tài nguyên, lao động kém hiệu quả. Phá sản được xem là “sự tàn phá sáng tạo” do nhà xưởng, máy móc, người lao động của doanh nghiệp phá sản vẫn còn đó, chỉ có người chủ kém năng lực sẽ bị thay bằng một người chủ giỏi giang hơn, có năng lực tài chính tốt hơn, người đó sẽ đổi mới doanh nghiệp và “từ đống tro tàn sẽ có một con phượng hoàng bay lên”.

Người chủ phá sản sẽ học được những bài học và tiếp tục kinh doanh có hiệu quả hơn. Steve Job là một điển hình của một doanh nhân thành đạt đã bao lần trỗi dậy mạnh mẽ sau khi bị phá sản.

Xóa bỏ tình trạng độc quyền để cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG

Xóa bỏ tình trạng độc quyền để cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp
đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG

Độc quyền là tình trạng trên thị trường chỉ có một người bán hay một người mua, bên độc quyền có khả năng áp đặt giá bán hay giá mua để thu lợi nhuận độc quyền siêu ngạch, gây tổn thất cho bên đối tác.

Độc quyền có thể dẫn đến trì trệ trong sản xuất kinh doanh vì bên độc quyền không chịu sức ép cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành hay nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cũng xuất hiện hiện tượng một số người bán hay người mua liên kết với nhau để nâng giá bán hay giảm giá mua để thu lợi trên lưng của đối tác.

Trong công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong  xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong 30 năm qua, đã ban hành Luật Cạnh tranh, nhưng cạnh tranh bình đẳng và kiểm soát độc quyền vẫn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp ở Việt Nam.

Tự do kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh đã đem lại sự đa dạng, phong phú của hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp điện thoại di động đều là doanh nghiệp nhà nước nhưng cạnh tranh lành mạnh đã giảm giá dịch vụ trong khi không ngừng đưa ra những sản phẩm mới trên thị trường.

Do lịch sử để lại, trong nền kinh tế hiện nay vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp nhà nước độc quyền hay có vị thế thống lĩnh trên thị trường (theo Luật Cạnh tranh, thống lĩnh 30% thị trường là có vị thế độc quyền). Điều quan trọng là các doanh nghiệp độc quyền ỷ vào vị thế độc quyền, không chịu sức ép cạnh tranh, chậm đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp đưa ra sản phẩm, dịch vụ giá cao, kém chất lượng ra thị trường.

Do nắm giữ những vị trí chỉ huy nên chất lượng và giá thành các sản phẩm, dịch vụ tác động lên toàn bộ nền kinh tế và xã hội nên việc kiểm soát và xóa bỏ độc quyền là một nhiệm vụ rất quan trọng và rất khó khăn đối với nền kinh tế.

Giám sát, ngăn chặn độc quyền

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Quản lý Cạnh tranh đảm nhận vai trò điều tra, thu thập, tìm kiếm các chứng cứ có liên quan đến vụ việc, còn việc xét xử, xử lý, đưa ra các quyết định, giải quyết khiếu nại có liên quan đến vụ việc cạnh tranh do Hội đồng Cạnh tranh (Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh) đảm nhận.

Trước hết phải đánh giá xem trong thực tế còn yếu tố nào cản trở việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường, đưa ra lộ trình khắc phục với những biện pháp cụ thể. Theo đó phải rà soát lại, xây dựng lộ trình xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những ưu ái đối với doanh nghiệp nhà nước đang tồn tại trong thực tế, dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh theo một lộ trình rõ ràng để tiến đến loại bỏ hoàn toàn.

Ông Trương Đình Tuyển,
chuyên gia kinh tế

Về việc để thế độc quyền lâu như vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận: “Bộ Công Thương đúng là chưa làm hết trách nhiệm, còn thiếu sự kiểm tra, đôn đốc và kiến nghị với Trung ương để tránh độc quyền với doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, tác dụng của Luật Cạnh tranh nói chung và của Cục Quản lý Cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh nói riêng vẫn có nhiều hạn chế.

Các vấn đề liên quan đến tranh chấp của các tập đoàn và công ty lớn đều không được trình lên và xét xử tại 2 cơ quan này, mà trình Thủ tướng Chính phủ để giải quyết theo đường hành chính, nên chậm trễ, hiệu lực thấp.

Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế nhà nước có chủ tịch và tổng giám đốc do Thủ tướng bổ nhiệm không sẵn sàng để Cục Quản lý Cạnh trạnh điều tiết những vấn đề liên quan đến lợi ích to lớn do vị thế độc quyền đem lại. Lộ trình áp dụng cơ chế thị trường cho ngành điện và các ngành khác tiếp tục kéo dài trong khi Cục Quản lý Cạnh tranh rất khó có thể giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này.

Nhiều tỉnh, thành phố đã mặc nhiên cho phép hình thành “độc quyền địa phương” bằng cách chỉ định một công ty duy nhất xuất khẩu gạo của tỉnh hay quy định hành chính trong phạm vi địa giới của tỉnh chỉ dùng bia do doanh nghiệp của tỉnh sản xuất... Những hành vi này không phù hợp với Luật Cạnh tranh nhưng chưa thấy được xử lý.

Gần đây, việc lãnh đạo một số công ty nhà nước công ích của TPHCM nhận lương “khủng” đã bộc lộ những lỗ hổng trong hoạt động của tổ chức Đảng, Công đoàn, đoàn thể ở cơ sở cũng như những sai sót của cơ quan quản lý cấp trên của các doanh nghiệp có vị thế độc quyền trên lĩnh vực được giao. Đó là chưa nói đến tình trạng độc quyền cũng đã lan sang cả truyền hình trả tiền và những dịch vụ khác.

Thông điệp của Thủ tướng chỉ ra định hướng đúng đắn để thực hiện cạnh tranh lành mạnh và kiểm soát, tiến tới xóa bỏ độc quyền nhằm chuẩn bị cho nền kinh tế cho những bước hội nhập sâu rộng sắp tới. Theo đó phải chuyển mạnh Nhà nước điều hành kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi bao cấp còn tồn tại trên thực tế; minh bạch hoạt động các doanh nghiệp nhà nước...

Về quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp. Tuy nhiên, để Thông điệp đi vào cuộc sống, rất mong Chính phủ sớm đưa ra một lộ trình cụ thể với các bước đi, biện pháp cần thiết để thực hiện tư tưởng chỉ đạo đúng đắn này.

Các tin khác