KQKD 2015: Gian nan về đích

(ĐTTCO) - Năm tài chính 2015 sắp kết thúc nhưng không ít doanh nghiệp vẫn phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm. Điều này cho thấy việc hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh không hề đơn giản trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn.

(ĐTTCO) - Năm tài chính 2015 sắp kết thúc nhưng không ít doanh nghiệp vẫn phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm. Điều này cho thấy việc hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh không hề đơn giản trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn.

Thay đổi phút 89

Ngày 9-11, HĐQT của CTCP Sông Đà 7 (SD7) công bố nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2015. Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III của SD7, lợi nhuận sau thuế nằm ở mức âm 13 tỷ đồng. Theo đó, kết quả kinh doanh lũy kế trong 9 tháng năm 2015, SD7 lỗ trên 16,3 tỷ đồng. Lý giải kết quả kinh doanh bết bát này, SD7 cho biết do tình hình kết quả kinh doanh tại hầu hết công ty con đều bị thua lỗ như CTCP Sông Đà 704, CTCP Sông Đà 702 và tại CTCP Cao Nguyên Sông Đà 7.  

Trong quý III giá nhiên liệu thế giới giảm sâu đã giúp doanh nghiệp giảm áp lực về chi phí nhiên liệu, nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh do lãi suất vốn vay lưu động tăng cộng thêm chi phí phát sinh do chênh lệch tỷ giá, buộc VNA phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận 2015.

Ông Vương Ngọc Sơn, Tổng giám đốc VNA

Lợi nhuận các công ty con giảm đã kéo lợi nhuận công ty mẹ giảm theo. Trước thực trạng kinh doanh thua lỗ này, HĐQT SD7 đã ra quyết định điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư năm 2015. Trong đó, SD7 nâng chỉ tiêu doanh thu từ 458,2 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng; đồng thời hạ kế hoạch lợi nhuận sau thuế từ 4,68 tỷ đồng xuống còn 1,1 tỷ đồng. Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra, SD7 phải đạt được ít nhất 17,4 tỷ đồng lãi ròng trong 3 tháng cuối năm.

 Cuối tháng 11 vừa qua, CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2015. Cụ thể, PDR điều chỉnh giảm doanh thu từ 964 tỷ đồng xuống còn 640 tỷ đồng (giảm 33,6%), lợi nhuận trước thuế giảm từ 300 tỷ đồng xuống 200 tỷ đồng (giảm 33%). Theo BCTC quý III, lũy kế 9 tháng năm 2015, PDR đạt doanh thu 351,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 101,1 tỷ đồng. Kết quả này tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng so với kế hoạch đã đề ra mới hoàn thành 36% doanh thu và 33,7% lợi nhuận. Như vậy, căn cứ vào kế hoạch mới được HĐQT điều chỉnh, 9 tháng PDR đã hoàn thành 55% doanh thu và 50,5% lợi nhuận năm. Chính vì vậy, dù PDR đã chủ động điều chỉnh giảm chỉ tiêu nhưng khả năng về đích năm 2015 rất khó khăn.

Một trường hợp điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2015 ở phút thứ 89 là CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA). Theo công bố mới đây, HĐQT VNA đã thống nhất điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu từ mức 680 tỷ đồng xuống còn 645 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều khiến cổ đông ngỡ ngàng là việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng xuống mức lỗ 60 tỷ đồng (trong đó đã bao gồm lợi nhuận bán tàu). Có thể nói, động thái giảm chỉ tiêu đột ngột của VNA bắt nguồn từ kết quả kinh doanh kém hiệu quả. Theo BCTC quý III, 9 tháng năm 2015 VNA đã gần như “hoàn thành” chỉ tiêu lỗ 60 tỷ đồng nói trên khi ghi nhận mức lỗ lên đến 57,6 tỷ đồng. Như vậy, trong quý cuối cùng của năm, VNA được phép lỗ thêm 2,4 tỷ đồng để hoàn thành chỉ tiêu cho cả năm.

Theo nhiều nhà đầu tư, việc doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh chỉ có lợi đối với ban lãnh đạo, vì không có gì ngoài mục đích giảm áp lực cho ban lãnh đạo và tự tin khi tổng kết cuối năm. Cụ thể, kết quả kinh doanh dù sụt giảm mạnh so với năm trước, nhưng trong báo cáo vẫn ghi là “đạt”, thậm chí “vượt” kế hoạch kinh doanh nên các khoản thù lao, thưởng với HĐQT, ban lãnh đạo khó bị giảm. Còn đối với cổ đông thì không có lợi gì, thậm chí thêm phần mất mát do giá cổ phiếu giảm.

 Cú sốc tỷ giá

Sự kiện VNA khiến giới đầu tư không khỏi giật mình khi nhìn lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải biển. Các doanh nghiệp vận tải biển hầu hết vay nợ bằng USD để đầu tư đội tàu. Trong bối cảnh đang hết sức khó khăn, ngành vận tải biển phải chịu thêm cú sốc tỷ giá, khiến bức tranh chung của ngành càng thêm u ám. Có thể lấy dẫn chứng từ CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS). Doanh nghiệp này vừa thoát án hủy niêm yết sau 2 năm thua lỗ liên tiếp, chưa có cơ hội tái cơ cấu hoạt động kinh doanh chính, lại tiếp tục thua lỗ ở những quý đầu năm 2015. Nay với việc NHNN điều chỉnh giá VNĐ, khoản lỗ tỷ giá của VOS trong quý III 53 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2015 là 102 tỷ đồng. Ngay Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT), một trong số ít doanh nghiệp trong ngành vận tải biển có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ việc này.  

Theo ước tính, nợ vay bằng đồng USD của các doanh nghiệp trong nước hiện chiếm khoảng 30-35% cơ cấu nợ vay nước ngoài, nợ vay bằng JPY cũng chiếm một tỷ lệ tương tương nợ vay bằng USD và nợ vay bằng EUR chiếm 6-7% tổng cơ cấu nợ vay. Dựa trên diễn biến của các cặp tỷ giá từ đầu năm đến nay, nghĩa vụ trả nợ gốc tính theo nội tệ có thể tăng thêm 15.000-20.000 tỷ đồng sau đợt biến động tỷ giá vừa qua.

Phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC)

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân kéo giảm lợi nhuận của doanh nghiệp là biến động của tỷ giá. Sau động thái điều chỉnh tăng tỷ giá của NHNN thêm 1% và nới biên độ lên 3%, đến nay VNĐ đã mất giá khoảng 3-4% so với các đồng tiền lớn như USD, EUR, JPY. Đặc biệt, trong những này cuối cùng của năm 2015, tỷ giá vẫn đang diễn biến phức tạp, sẽ tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có khoản vay nợ ngoại tệ. Đơn cử CTCP Nhiệt Điện Phả lại (PPC), BCTC quý III ghi nhận mức lỗ tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm 2014 PPC lãi 428 tỷ đồng do đồng yen Nhật (JPY) giảm giá mạnh 8% trong quý III. Với việc sản lượng điện tiêu thụ trong quý III-2015 ở mức thấp do yếu tố mùa vụ và lỗ tỷ giá do VNĐ giảm, ước tính PPC chỉ đạt lợi nhuận ở mức thấp, thậm chí thua lỗ những tháng cuối năm. Đặc biệt, trong quý IV này PPC phải trích lập dự phòng thêm 96 tỷ đồng. Theo ông Phạm Văn Thư, Tổng giám đốc PPC, đây là khoản trích lập dự phòng từ việc đầu tư vào CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh và doanh nghiệp này cũng thua lỗ vì chênh lệch tỷ giá.

Trong số các doanh nghiệp phân bón niêm yết, CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) có nợ vay bằng ngoại tệ lớn nhất. Trong nửa đầu năm 2015, DCM lỗ 171 tỷ đồng do VNĐ mất giá so với USD. Trong quý III, DCM tiếp tục ghi nhận lỗ do tỷ giá. Trên sàn chứng khoán hiện có 3 doanh nghiệp xi măng đang có khoản vay ngoại tệ lớn, chủ yếu là EUR, gồm CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) và CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS). Với diễn biến tỷ giá hiện tại, các doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ lỗ trong quý III và quý IV. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc HT1, lợi nhuận quý III của HT1 sẽ cao hơn nếu không bị ảnh hưởng từ chênh lệch tỷ giá. Thời điểm quý III-2014, HT1 ghi nhận khoản lợi nhuận lên đến 176 tỷ đồng, nhưng quý III năm nay HT1 lỗ 72 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xét cả năm, các doanh nghiệp xi măng vẫn có lãi từ chênh lệch tỷ giá do đồng EUR ở thời điểm đầu năm vẫn ở mức thấp.

 Điểm sáng

Với thống kê gần như đầy đủ các doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý III, cho thấy doanh thu và lợi nhuận trong quý đều khá thấp, chỉ tăng trưởng quanh mốc 5% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn (thuộc nhóm VN30) thậm chí ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế giảm 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đứng trên góc độ nhóm ngành, thị trường vẫn đón nhận nhiều ngành có tăng trưởng lợi nhuận khá tốt, tiêu biểu như phân phối bán lẻ, nguyên liệu cơ bản, du lịch và giải trí, xây dựng và vật liệu xây dựng. Điển hình là Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS). Dù giá dầu sụt giảm mạnh nhưng chưa hết năm 2015 doanh nghiệp này đã có thể tổng kết 1 năm thành công mỹ mãn, với những thành tích như dẫn đầu danh sách “50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2015” do Forbes bình chọn; top 10 của “50 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam năm 2015” do Brand Finance (Anh) bình chọn; top 3 doanh nghiệp khí Đông Nam Á do Tạp chí Nikkei Asian Review bình chọn; đứng thứ 2 trong top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất Việt Nam; tiếp tục là một trong số các đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như trên TTCK về lợi nhuận.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết phải điều chỉnh BCTC để hoàn thành kế hoạch 2015. Ảnh: LONG THANH

Nhiều doanh nghiệp niêm yết phải điều chỉnh BCTC để hoàn thành kế hoạch 2015. Ảnh: LONG THANH

Các doanh nghiệp về đích sớm có thể nhắc đến như CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (GMD) về đích năm trong 6 tháng khi hoàn thành cơ bản kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2015 với 600,5 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng CTCP MHC (MHC) đạt tổng doanh thu 124,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 61,5 tỷ đồng (tương ứng 153,4% và 293% kế hoạch năm); CTCP Container Việt Nam (VSC) vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm hơn 10% chỉ sau 6 tháng (doanh thu 437 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 137,45 tỷ đồng). Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng lợi nhuận sau khi ghi nhận những kết quả khả quan, như CTCP Tập đoàn Khoáng sản Hamico (KSH) điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế từ 7,8 tỷ đồng lên 35 tỷ đồng, cổ tức tăng từ 2% lên 5%; CTCP Giao nhận kho vận ngoại thương Việt Nam (VIN) điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2014 với doanh thu tăng từ 360 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 19,3 tỷ đồng lên 28,5 tỷ đồng.

Các tin khác