Kinh doanh gắn trách nhiệm xã hội

Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital (ảnh), là một trong những nhân vật nổi bật và quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Gặp ông tại TPHCM khi thị trường đang trong giai đoạn ảm đạm, Dragon Capital cũng gặp không ít thách thức trong kinh doanh, nhưng sự thân thiện, cởi mở vẫn tràn đầy trên khuôn mặt người đàn ông 48 tuổi này. một Dominic rất nghệ sĩ và rất… Việt Nam.

Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital (ảnh), là một trong những nhân vật nổi bật và quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Gặp ông tại TPHCM khi thị trường đang trong giai đoạn ảm đạm, Dragon Capital cũng gặp không ít thách thức trong kinh doanh, nhưng sự thân thiện, cởi mở vẫn tràn đầy trên khuôn mặt người đàn ông 48 tuổi này. một Dominic rất nghệ sĩ và rất… Việt Nam.

Ông Tây “Việt hóa”

Dominic Scriven
Dominic Scriven

Đối với dân chứng khoán ấn tượng lớn nhất về Dominic Scriven (sinh tại London - Anh) chính là mái tóc đuôi ngựa và khả năng sử dụng tiếng Việt thành thạo. Có một câu chuyện về việc ông đã biên tập các bảng báo cáo viết bằng tiếng Việt do nhân viên người Việt thực hiện.

Năm 1991, ông đến Việt Nam sau khi lăn lộn với một loạt thị trường tài chính tại châu Á mà chủ yếu là Hồng Công. Ngoài việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh, ông dành rất nhiều thời gian để theo học tiếng Việt tại Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội).

Bước chân vào một đất nước khác hẳn những nơi mình sống trước đó nên phải thích nghi với cuộc sống, dù công việc bộn bề nhưng ông cũng phải dành thời gian học thêm một ngoại ngữ. Thực ra ban đầu ông chỉ học tiếng Việt để phục vụ cho công việc, nhưng sau đó cảm thấy thú vị và muốn tìm hiểu nhiều hơn. Nhiều người từng “ăn nhậu” với Dominic Scriven còn tiết lộ: Lúc cao hứng, ông còn nói lái.

Năm 1994, ông cùng một số bạn bè và đối tác thành lập Công ty quản lý quỹ Dragon Capital (DC). Cũng như mọi công ty quản lý quỹ khác, khi mới thành lập việc gọi vốn là điều bết sức gian nan, các tổ chức tài chính lớn trên thế giới đưa ra lý do thị trường Việt Nam chưa hấp dẫn và hoài nghi về năng lực của DC.

Một năm sau khi thành lập với hàng loạt cuộc gặp gỡ, vận động không chỉ có người ngoài mà còn cả gia đình, DC huy động được 16,5 triệu USD đầu tiên và thành lập quỹ VEIL. Đến nay, DC đang quản lý một lượng vốn khoảng 1,5 tỷ USD.

Câu chuyện trách nhiệm xã hội

Vài năm trở lại đây, CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) là vấn đề được nhắc đến và DC là một trong những công ty tiên phong trong việc triển khai và thực hiện CSR. Vị cử nhân danh dự ngành luật và xã hội học của Đại học Exeter (Anh) phân tích thêm: “Việt Nam là đất nước có tính xã hội rất cao, rất thuận lợi trong việc triển khai CSR. Theo dõi báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy không ít hoạt động xã hội như trao học bổng, xây nhà tình nghĩa, tri ân bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Tôi rất khâm phục người Việt Nam, dù trong khó khăn nhưng mỗi khi có thiên tai vẫn chung tay đồng lòng ủng hộ những người kém may mắn. Ngay tại DC, từ ngày đầu thành lập, những người trong công ty đã có ý thức về công tác xã hội rất rõ ràng, nếu có lũ lụt, việc đóng góp 1-2 ngày lương là điều đương nhiên. Như vậy, nếu có một chiến lược CSR tổng thể sẽ phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp dành cho xã hội.

Thực tế, thế giới hiện nay vẫn chưa có chuẩn mực về CSR. Tuy nhiên, ở quê hương của tôi, có câu “Best practice”, có nghĩa là thông lệ tốt nhất, có thể không cần những quy định về CSR nhưng có thể biến CSR thành thông lệ.

Tôi lấy thí dụ: tại một số thị trường phát triển, khi đánh giá về doanh nghiệp, những doanh nghiệp nào thực hiện CSR tốt hơn sẽ có vị thế cao hơn. Cổ đông nhìn vào những hoạt động đối với xã hội của doanh nghiệp cũng phần nào thấy được con người, trách nhiệm của nhà quản trị".

- Vậy CSR có phải là PR? Thực hiện CSR có phải là đánh bóng doanh nghiệp hay không? - Tôi hỏi.

- PR là quan hệ giữa doanh nghiệp và cộng đồng, xã hội nên CSR cũng là một phần của PR. Rất khó để tách bạch chuyện thực hiện CSR xuất phát từ tấm lòng hay để đánh bóng thương hiệu, nhưng chắc chắn CSR không chỉ là những hoạt động từ thiện.

2 năm trước, tôi và các đồng sự đã xây dựng một bộ chuẩn mực về CSR của riêng DC, trong đó hướng đến 4 mục tiêu chính: phát triển kinh tế, quản trị doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và phục vụ lợi ích cộng đồng.

Lấy thí dụ trường hợp của Vedan. Vedan cũng làm từ thiện, thậm chí rất nhiều, nhưng số tiền này liệu có đủ bù đắp cho những thiệt hại sông Thị Vải gánh chịu? Chắc chắn là không? Làm từ thiện rất tốt, nhưng nếu làm bài bản từ khâu sản xuất sẽ tốt hơn; nếu chạy theo mục đích lợi nhuận, bỏ qua lợi ích người tiêu dùng, môi trường và sau đó lại đem tiền đi làm công tác xã hội thì đó là sự lừa dối. Anh làm tốt, anh phải cho họ biết, đó là điều đương nhiên.

Chữ “đánh bóng” chỉ nên dành cho những “ông” hô hào nhiều nhưng làm ít. Tại DC, chúng tôi có những tiêu chí về đầu tư có trách nhiệm không đầu tư vào các ngành nghề như thuốc lá, rượu bia, sản xuất hóa chất độc hại, mặc dù có thể những ngành này mang lại lợi nhuận cao nhưng không phù hợp với các chuẩn mực về phát triển bền vững.

Hàng năm, DC tổng hợp những hoạt động của mình, thí dụ đi bao nhiêu chuyến bay, di chuyển bao nhiêu cây số và những hành trình này thải ra bao nhiêu khí thải CO2, sau đó căn cứ theo các tiêu chuẩn của tổ chức bảo vệ môi trường, sẽ quyên góp số tiền tương ứng.

Dominic Scriven cho biết ông rất muốn thành lập tổ chức tương tự tại Việt Nam, nhưng hiện giờ vẫn chưa thể vì cần sự phối hợp của rất nhiều bên, trong đó khó nhất là việc giám sát và triển khai thực hiện, ngoài chuyên môn cần phải nghiêm túc và hết mình vì môi trường.

3 năm qua, DC đã tài trợ cho hệ thống pin mặt trời tại một số vùng nông thôn của Ấn Độ và Srilanka. DC cũng đã gọi vốn đầu tư thành công cho quỹ năng lượng sạch với số vốn gần 50 triệu USD chuyên đầu tư vào những dự án năng lượng không gây ảnh hưởng đến môi trường như phong điện.

Hoạt động nghệ thuật để cân bằng cuộc sống

Bộ tem chuồn chuồn do WAR (Dominic Scriven sáng lập) phối hợp với TCT Bưu chính Việt Nam phát hành.

Bộ tem chuồn chuồn do WAR (Dominic Scriven sáng
lập) phối hợp với TCT Bưu chính Việt Nam phát hành.

Dominic Scriven là người sáng lập tổ chức  Wild Life At Risk (WAR) góp phần giải cứu và ngăn chặn việc kinh doanh trái phép động vật hoang dã. Mới đây, WAR đã phối hợp với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) phát hành bộ tem chuồn chuồn, trong đó loài chuồn chuồn lyriothemis mortony và rhiothemis obsolescenes đã được WAR phát hiện và ghi nhận năm 2007.

Ngoài ra, ông còn được biết đến là một nhà sưu tập nghệ thuật chuyên nghiệp. Theo ông, sưu tập cũng có nhiều điểm giống đầu tư, không thể cái gì cũng mua, cũng gom mà phải có chiến lược cụ thể. Đầu tiên, ông rất thích tranh cổ động của Việt Nam, sau đó là chân dung tự họa của các họa sĩ.

Tuần rồi ông vừa tài trợ cho cuộc thi họa sĩ vẽ chân dung tự họa. "Hy vọng một vài đóng góp nhỏ của tôi sẽ góp phần để các họa sĩ có thêm sân chơi cũng như cảm hứng sáng tác”, Dominic Scriven chia sẻ.

- Liệu việc sưu tập có phải để thể hiện đẳng cấp giàu có của giới doanh nhân hay không?

- Quy mô sưu tập của tôi không lớn, cái chính là việc sưu tập nói riêng và những hoạt động nghệ thuật nói chung sẽ giúp con người cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Làm nghề tài chính mỗi giai đoạn có mỗi khó khăn riêng, lúc chưa có tiền thì lo huy động vốn, lúc có tiền rồi phải xem xét giải ngân sao cho hiệu quả.

- Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn tới những khoản đầu tư không hiệu quả của DC?

Đầu năm 2006, Dominic Scriven được nữ hoàng Anh trao tặng Huân chương Đế chế Anh (Orders of British Empire). Đó là lý do vì sao trên name card của ông có chữ OBE bên cạnh họ và tên ông.

- Trước khi giải ngân, chúng tôi luôn tiến hành thẩm định đầu tư rất kỹ lưỡng, chính vì vậy, nếu có sự cố xảy ra đó là điều không ai mong muốn. Có rất nhiều thứ có thể khiến anh “điên đầu”. Từ việc trả lời những câu hỏi chất vấn của nhà đầu tư cho đến việc xử lý những khoản đầu tư không tương ứng với kỳ vọng ban đầu.

Năm ngoái, tôi gặp rất nhiều áp lực với dự án khoáng sản Núi Pháo (tỉnh Thái Nguyên). Ngoài ra, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, điện thoại di động, internet hiện giờ là điều không thể thiếu đối với doanh nhân, nhưng điều này cũng dễ cuốn bạn vô công việc, có khi 24 giờ trong ngày, đầu chỉ nghĩ đến những con số, những thương vụ đầu tư.

Tôi đã từng gặp Dominic Scriven trong bộ vest trắng rất lịch lãm nhưng lại ngồi xe ôm, chạy ngược chiều trên đường Đồng Khởi. Một ông Tây đã được “Việt hóa” tối đa như vậy liệu có còn “chất Tây” sau ngần ấy năm ở Việt Nam hay không? 

Nhiều người lập luận, ông Dominic chỉ là người nước ngoài, sớm muộn gì cũng trở về quê hương. Những tuyên bố gắn bó lâu dài, bền vững với Việt Nam có lẽ chỉ là lời nói hảo.

Tôi đem câu hỏi này đến với ông và ông nói: “Nếu anh sang Hoa Kỳ hay Anh Quốc làm việc, có khi một phòng họp 10 người có đến 10 quốc tịch khác nhau. Thế giới hiện đại, xã hội hiện đại có quan niệm khác về quê hương, đó là thế giới phẳng. Tôi sinh ra và lớn lên tại Anh, đó là quê hương tôi, nhưng tôi cũng có thể chọn Việt Nam là quê hương thứ hai.

Một số nhà đầu tư từ nhiều quốc gia khi tham khảo thị trường Việt Nam có đặt cho tôi câu hỏi: Việt Nam có tạo điều kiện để người ngoại quốc nhập tịch không?

Theo tôi, đất nước tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập tịch sẽ là một đất nước cởi mở, thân thiện và nhiều cơ hội. Riêng tôi, chỉ khi nào không được gia hạn ở Việt Nam tôi mới đi nơi khác.

“Tậu trâu, lấy vợ, xây nhà” là truyền thống của xã hội Việt Nam. Tôi đã là con rể đất Việt (ông Dominic có vợ là người Việt Nam) và sau nhiều năm ở đây hiện tôi đang xây nhà”.

Các tin khác