Kiều hối tạo đà kinh tế phát triển

Chỉ trong 5 tháng đầu năm, lượng kiều hối đổ về TPHCM lên đến 1,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Thống kê cho thấy lượng kiều hối về Việt Nam năm sau cao hơn năm trước, đang tạo lực đẩy hết sức quan trọng đối với nền kinh tế và giúp ổn định tỷ giá.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm, lượng kiều hối đổ về TPHCM lên đến 1,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Thống kê cho thấy lượng kiều hối về Việt Nam năm sau cao hơn năm trước, đang tạo lực đẩy hết sức quan trọng đối với nền kinh tế và giúp ổn định tỷ giá.

Hâm nóng thị trường bất động sản

 

Theo NHNN Chi nhánh TPHCM, từ đầu năm đến nay nguồn kiều hối chảy về TPHCM thông qua các NH trên địa bàn đạt 1,7 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, xấp xỉ 35% so với cả năm 2014 và có những chuyển biến tích cực.

Trong đó 71,8% lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái; chảy vào bất động sản 21,8%, tăng 0,8% và số còn lại hỗ trợ người thân gia đình. Nếu lượng kiều hối chảy vào bất động sản năm 2014 chỉ nhích nhẹ khoảng 0,5-0,6% so với cuối năm 2013 ở mức 21,2%, dự kiến tỷ lệ kiều hối chuyển vào lĩnh vực này trong năm 2015 có thể đạt 23-24%. Như vậy, với lượng kiều hối dự kiến đổ về TPHCM khoảng 5,5 tỷ USD trong năm 2015, sẽ có tới 1,3 tỷ USD đổ vào bất động sản.

Số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia qua khảo sát 4.000 hộ nhận kiều hối vào năm 2011, cho thấy 52% lượng kiều hối được đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, tiếp theo là gửi tiết kiệm và tiêu dùng.

Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Trong giai đoạn 2007-2013, đây là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam, hơn cả vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã giải ngân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2004-2006, kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của đất nước.

TS. Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng CIEM

Trong khi đó, theo thống kê của chi nhánh NHNN tại TPHCM, số lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản đã giảm xuống 23% vào năm 2012 và 21% trong năm 2013, trong khi tỷ lệ kiều hối đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh gia tăng. Sự gia tăng trở lại của kiều hối vào lĩnh vực bất động sản thời gian gần đây được nhiều chuyên gia nhận định nguyên nhân do thị trường này đang ấm lên.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi. Lượng kiều hối gia tăng vào thị trường này có thể đang đón đầu những quy định có hiệu lực từ đầu tháng 7-2015. Trong đó việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là một bước tiến quan trọng. Những chính sách vĩ mô hiện nay đang cải thiện để gia tăng sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh.

Dòng tiền từ giới đầu tư và những người có nhu cầu thực sự sẽ giải ngân sớm để đón đầu xu thế cũng như các phân khúc sản phẩm được ưa chuộng. Bên cạnh đó, với sự nóng lên của thị trường bất động sản những tháng cuối năm, nhiều người còn so sánh đầu tư bất động sản sẽ sinh lời tốt hơn so với các kênh khác. Trong khi đó kiều hối gửi vào kênh tiết kiệm chỉ mang tính an toàn vào những năm trước.

Tăng đều 10%/năm

Thống kê từ năm 1991 đến nay cho thấy lượng kiều hối chảy vào Việt Nam đạt gần 100 tỷ USD. Con số này lớn hơn tổng vốn điều lệ của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ trước đến nay và gần bằng con số giải ngân. Nhờ đó lượng kiều hối đã đóng góp một phần rất quan trọng đối với phát triển kinh tế và ổn định tỷ giá. Những năm gần đây lượng kiều hối có xu hướng tăng rất mạnh.

Chẳng hạn năm 2014, kiều hối về Việt Nam khoảng 12,1 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước. Còn tính từ năm 2010 đến nay, mỗi năm lượng kiều hối cũng tăng khoảng 10%/năm. Bất chấp những khó khăn của kinh tế thế giới, kiều hối vẫn đổ vào Việt Nam một cách mạnh mẽ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là 1 trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Nếu so sánh kiều hối với GDP, Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu với tỷ lệ 7-8% GDP.

Theo Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kiều hối đến chủ yếu do hơn 4,5 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài gửi về cho người thân hoặc đưa tiền về nước tham gia đầu tư. Đặc biệt trong những năm gần đây, do sự gia tăng của việc xuất khẩu lao động ra nước ngoài đã mang về một lượng ngoại tệ khá lớn cho Việt Nam. Lượng kiều hối này đang vượt xa số vốn ODA của Chính phủ Việt Nam đi vay. Đặc biệt lượng kiều hối cũng đang dần vượt số vốn FDI giải ngân hàng năm để chiếm vị trí dẫn đầu trong luồng ngoại tệ đổ vào Việt Nam (ngoài xuất khẩu).

Bình luận về dòng kiều hối đang chảy trực tiếp vào khu vực sản xuất, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết tùy vào giai đoạn phát triển kinh tế, Chính phủ đã tạo ra những cơ chế thích hợp để đưa lượng kiều hối vào các kênh mong muốn nhằm đẩy nhanh và có hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng. 

Đẩy vốn vào khu vực sản xuất có nghĩa khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, qua đó giúp phục hồi kinh tế cũng như tháo gỡ nút thắt thất nghiệp do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thời gian vừa qua.

Nhận định về tầm quan trọng của kiều hối đối với nền kinh tế của đất nước, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng đây là tài sản ròng nên có ý nghĩa rất lớn trong việc kích thích đầu tư và tiêu dùng nội địa, qua đó góp phần rất lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. "Kiều hối vừa là nguồn vốn tham gia đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, vừa là nguồn tiền tiêu dùng cá nhân. Nói chung, nó vừa có giá trị lớn về mặt phát triển kinh tế, vừa có giá trị giúp cải thiện mức sống người dân” - TS. Hiển nói.

Việc nắn dòng kiều hối chảy trực tiếp vào khu vực sản xuất kinh doanh đã tạo ra những mục tiêu kép, động lực mới cho kinh tế nhanh chóng phục hồi lấy lại đà tăng trường. Rõ ràng với lượng kiều hối bằng 7-8% GDP mỗi năm, bằng gần 30% tổng vốn đầu tư trong nền kinh tế, chắc chắn đây là một nguồn lực không nhỏ đối với phát triển kinh tế đất nước.

Các tin khác