Không hạn chế người nước ngoài mua nhà: Cơ hội tốt cho thị trường?

Trong khi nhà đầu tư trong nước không còn tìm thấy động cơ về lợi nhuận ở phân khúc trung - cao cấp khiến phân khúc này trở nên kém hấp dẫn, mọi kỳ vọng của thị trường đổ dồn về các nhà đầu tư ngoại, những người sẽ được mua nhà, đất không hạn chế số lượng, khi Bộ Xây dựng mở toang cửa bằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được thông qua vào cuối năm nay.

Trong khi nhà đầu tư trong nước không còn tìm thấy động cơ về lợi nhuận ở phân khúc trung - cao cấp khiến phân khúc này trở nên kém hấp dẫn, mọi kỳ vọng của thị trường đổ dồn về các nhà đầu tư ngoại, những người sẽ được mua nhà, đất không hạn chế số lượng, khi Bộ Xây dựng mở toang cửa bằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được thông qua vào cuối năm nay.

Mở toang cửa

Dự thảo lần thứ 11 của Luật Nhà ở vừa được Bộ Xây dựng công bố, quy định cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu. Dự thảo cũng đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án để bán, cho thuê tại Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua theo dự án tại Việt Nam được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án. Trường hợp xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, chủ đầu tư không được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đó mà Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa bán, chưa cho thuê mua.

Như vậy, so với dự thảo cũ được công bố cuối năm 2013, dự thảo mới nhất của Bộ Xây dựng đã mở thêm một nấc nữa dành cho người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà trong nước. Đặc biệt, việc các đối tượng này không chỉ được sở hữu, mà có thể xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, thuê mua, đã khiến thị trường BĐS trở nên hấp dẫn hơn trước rất nhiều.

Người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam một mặt sẽ giúp chúng ta tiêu thụ những sản phẩm BĐS, mặt khác sử dụng thêm được nhiều lao động. Vì thế, chủ trương cho người nước ngoài mua nhà được xem là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đặc biệt là các loại căn hộ thuộc phân khúc cao cấp.

Ông Trịnh Đình Dũng,
Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tính đến hết năm 2013, chỉ có hơn 120 Việt kiều, người nước ngoài bỏ tiền mua nhà ở tại Việt Nam (chủ yếu là cá nhân kết hôn với công dân Việt Nam). Nguyên nhân do quy định hiện hành chỉ cho phép chủ sở hữu nhà ở (là các tổ chức, cá nhân nước ngoài) chỉ được sử dụng nhà ở vào mục đích để ở, không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước. Trong khi đó, phần lớn Việt kiều, người nước ngoài ở Việt Nam chỉ lưu trú một thời gian nhất định, nên trong thời gian còn lại họ có nhu cầu cho thuê hoặc kinh doanh với BĐS đã mua.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đã đề cập một nội dung được bổ sung trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS, là mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nếu được thông qua, quy định từ 2 dự luật này được xem là giải pháp hiệu quả nhằm thu hút nguồn lực, làm "tan băng" thị trường BĐS hiện nay.

Cần tận dụng thời cơ

Theo nhận định của nhiều chuyên gia BĐS, cho phép người nước ngoài được mua nhà không hạn chế số lượng là một cơ hội tốt cho thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc trung - cao cấp vì sẽ có thêm một nguồn cầu rất lớn. Bởi chỉ tính riêng người Hàn Quốc thuê nhà ở Việt Nam do không được mua, con số đã lên tới hơn 130.000 người.

Bên cạnh đó, nếu nhìn ra khu vực, những nước láng giềng như Singapore hay Malaysia, nơi mà thị trường BĐS trở nên cởi mở và năng động do chính sách rộng cửa với người nước ngoài, thị trường BĐS phân khúc trung - cao cấp Việt Nam cũng đứng trước cơ hội sẽ được sưởi ấm theo những cách tương tự. Mặt khác, không chỉ được khơi thông từ nhu cầu mua nhà, việc được phép kinh doanh cũng có thể giúp sự liên doanh, liên kết trên thị trường phát triển mạnh mẽ, từ đó giải tỏa áp lực vốn cho nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhận định lạc quan, nhiều chuyên gia BĐS cũng cho rằng, BĐS tồn đọng trong nước cần một chính sách đồng bộ và mạnh mẽ để giải quyết, không thể trông chờ vào những động lực từ nước ngoài.

“Những người nước ngoài chọn mua nhà ở Việt Nam chắc chắn sẽ có sự kén chọn kỹ lưỡng, chỉ những dự án hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ về hạ tầng, dịch vụ tốt, thuận tiện trong sinh hoạt họ mới chọn mua. Những dự án này tập trung chủ yếu ở khu trung tâm và hiện cũng có tiến độ bán hàng rất khả quan. Trong khi đó, số biệt thự, căn hộ cao cấp bỏ hoang nhiều nhất thuộc về những dự án nằm xa trung tâm, xa khu dân cư, không có hạ tầng” - GS. Đặng Hùng Võ phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, bà Dương Thùy Dung, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu tư vấn phát triển, Công ty CBRE Việt Nam, cho rằng mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà là rất tốt nhưng đừng quá kỳ vọng người nước ngoài sẽ giúp giảm bớt hàng tồn kho BĐS.

Trên thực tế, từ một chính sách đóng, xét duyệt ngặt nghèo chuyển sang một chính sách cởi mở, không hạn chế đã góp phần giúp thị trường BĐS Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều so với trước.

Việc hoàn thiện dự án, chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để kích thích nguồn cầu này ngay từ bây giờ là điều mà các chuyên gia BĐS khuyên chủ đầu tư nên làm, bởi có hấp dẫn, Việt kiều, người nước ngoài mới mạnh tay mua bán, đầu tư. Và như thế, chính sách này mới trở thành một động lực thực sự giúp khơi thông BĐS phân khúc trung - cao cấp đang bế tắc trên thị trường.

Các tin khác