Khống chế rủi ro cho vay tiêu dùng

Tên của bạn (*)

(ĐTTCO) - NHNN đã ban hành Dự thảo lần 2 Thông tư quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) để lấy ý kiến đóng góp, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2017 với các điều khoản hướng đến sự an toàn cho hoạt động vay tiêu dùng. Tuy nhiên, trong đó vẫn có một số điểm chưa phù hợp với thực tế.

Giảm hạn mức vay, không cho vay tiền mặt

Theo dự thảo, CTTC không được cho khách hàng vay tiêu dùng để trả nợ các khoản nợ vay tại chính CTTC cho vay, hoặc tại TCTD, chi nhánh NH nước ngoài khác; không được cho vay để mua nhà ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng, sửa chữa nhà ở và vay để mua tàu thuyền, vàng (trừ vàng trang sức, mỹ nghệ). Tại điều 17 của dự thảo cũng quy định, CTTC giải ngân vốn cho vay tiêu dùng thông qua việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán trực tiếp cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ. CTTC được xem xét quyết định việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng cho khách hàng để thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa. Điều này đồng nghĩa CTTC sẽ không thể cho vay tiền mặt mà chỉ cho vay thông qua việc mua sản phẩm. Tổng số tiền cho vay tiêu dùng bao gồm dư nợ cho vay và số tiền dự kiến cho vay được giải ngân đối với một khách hàng không vượt quá 10 triệu đồng, hoặc một mức khác theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ.

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh cho vay tiêu dùng đang bùng nổ, những điều khoản tại dự thảo cho thấy NHNN đang muốn siết lại hoạt động này để tránh phát sinh nợ xấu, vì đây là hoạt động cho vay rủi ro cao. Tuy nhiên, hạn mức cho vay 10 triệu đồng đối với một khách hàng đang gây ra tranh cãi. Lý giải về hạn mức cho vay 10 triệu đồng, cơ quan soạn thảo cho biết việc CTTC giải ngân vốn vay cho khách hàng để thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi năng lực tài chính, nguồn vốn hoạt động của CTTC còn nhiều hạn chế (vốn điều lệ thấp, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là đi vay tổ chức tín dụng khác hoặc vay NH mẹ...).

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, việc áp dụng hạn mức 10 triệu đồng/món vay là quá ít. Mục đích NHNN đưa ra mức thấp như vậy có thể để tránh tình trạng người dân lao vào số tiền lớn rồi mất khả năng thanh toán, hạn chế được rủi ro cho người đi vay vì món vay càng thấp, khả năng trả nợ càng cao. Đồng thời, quy định cũng không loại trừ khả năng hạn chế tình trạng có nhiều người vay tiền để đảo nợ, trả nợ cũ hoặc thậm chí vay tiền đánh bạc. Tuy nhiên, hạn mức 10 triệu đồng này không thực tế vì khoản tiền này không mua được nhiều sản phẩm trong thời điểm này, lấy đi khả năng mua những món hàng có giá trị hơn.

Việc khống chế hạn mức 10 triệu đồng vay tiêu dùng không thực tế.
Việc khống chế hạn mức 10 triệu đồng vay tiêu dùng không thực tế.

Cần định nghĩa về lãi suất cao

Liên quan đến vấn đề lãi suất cho vay, dự thảo đưa ra quy định mức lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ do CTTC và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của NHNN. Song song đó, CTTC phải ban hành quy định nội bộ về lãi suất cho vay tiêu dùng, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng; các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định các mức lãi suất cho vay tiêu dùng, trong đó phải bao gồm các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của CTTC. Đồng thời, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn do CTTC thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn, tiền lãi đối với số lãi tiền vay chậm trả không vượt quá 10%/năm tính trên số lãi tiền vay chậm trả trong thời gian chậm trả.

Trao đổi vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, quy định lãi suất thỏa thuận trong dự thảo này là một quan điểm cấp tiến. Lãi suất là vấn đề thỏa thuận giữa người cho vay và người đi vay dựa trên nguyên tắc rủi ro cao, lãi suất càng cao. Khi rủi ro càng cao, CTTC sẽ áp dụng chênh lệch lãi suất giữa cho vay và chi phí vốn (NIM) càng lớn để những món vay bị mất sẽ được bù bằng lợi nhuận thu được từ những món vay khác, đây là cơ sở để đưa ra lãi suất cho vay. Đối với những khoản vay có độ rủi ro bình thường, trong 10 món vay mới có 1 món có khả năng mất vốn, CTTC áp dụng NIM ở mức 10%. Khi 1 món vay bị mất vốn người vay không trả nợ, những món vay còn lại với NIM 10%/món sẽ bù lại số tiền đã mất. NIM thấp, người vay cũng sẽ được hưởng lãi suất thấp. Đối với những món vay có độ rủi ro rất cao như trong 5 món vay có khả năng 1 món sẽ mất tiền, CTTC phải áp dụng NIM cho các món vay này lên 20% để bù vào khoản vay mất vốn.

Đối với cho vay tiêu dùng của các CTTC, áp dụng lãi suất thỏa thuận sẽ hợp lý hơn vì đây là loại hình cho vay rất rủi ro, thường không có tài sản bảo đảm, trong khi ngay ở các NH, tín dụng rủi ro thấp hơn nhiều và qua những quy trình thẩm định, điều kiện vay rất chặt chẽ và có lúc lên đến 30%/năm cho thẻ tín dụng. Do đó không nên hạn chế lãi suất cho những món vay nhiều rủi ro hơn. Song CTTC cũng có những chương trình cho vay lãi suất rất cao, nếu không có sự khống chế, rất nhiều CTTC sẽ lợi dụng sự khốn khó của người đi vay để áp lãi suất cắt cổ. Lãi suất bình thường cho người tiêu dùng là 20%/năm, mức 30%/năm là loại có thể chấp nhận được, đến mức 50%/năm là loại lãi suất cao và từ 50% trở lên được xem là lãi suất “cắt cổ”. Trong tầm quốc gia cũng nên đưa ra định nghĩa, quy định cụ thể về những loại lãi suất mang tính  bóc lột để xử lý những người lợi dụng sự yếu thế của người dân để lạm dụng cho vay “cắt cổ”.

 Khống chế hạn mức 10 triệu đồng cho một món vay tiêu dùng không thực tế, vì khoản tiền này không mua được sản phẩm trong thời điểm này, lấy đi khả năng mua những món hàng có giá trị hơn. Tuy nhiên, dự thảo cũng nên đưa ra mức lãi suất như thế nào là lãi suất cao để tránh sự lợi dụng của các CTTC.

Các tin khác