Khơi nguồn dòng chảy âm nhạc dân tộc

Phải chăng giới trẻ hiện nay không cần biết đến âm nhạc dân tộc vì đã có nhiều dòng nhạc, phong cách âm nhạc hiện đại từ bên ngoài đưa vào làm phai nhạt giá trị truyền thống và âm nhạc dân tộc đã lỗi thời? Những câu hỏi như vậy cứ day dứt và đã đến lúc phải khẳng định dòng chảy âm nhạc dân tộc, nền âm nhạc đã trải qua bao sóng gió suốt hàng ngàn năm thăng trầm cùng vận nước.

Phải chăng giới trẻ hiện nay không cần biết đến âm nhạc dân tộc vì đã có nhiều dòng nhạc, phong cách âm nhạc hiện đại từ bên ngoài đưa vào làm phai nhạt giá trị truyền thống và âm nhạc dân tộc đã lỗi thời? Những câu hỏi như vậy cứ day dứt và đã đến lúc phải khẳng định dòng chảy âm nhạc dân tộc, nền âm nhạc đã trải qua bao sóng gió suốt hàng ngàn năm thăng trầm cùng vận nước.

1. Phát biểu tại một cuộc hội thảo, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng hiện tượng văn hóa ngoại lai xâm nhập, lấn lướt thì nhiều quốc gia gặp phải, nhưng có lẽ ở Việt Nam ta bộc lộ rõ nét hơn, đồng thời đặt vấn đề: “Mặc dù ai cũng nói nghệ thuật truyền thống là cái hồn của dân tộc nhưng ai giữ cái hồn cốt ấy?

Theo tôi không phải chỉ có nghệ nhân, nghệ sĩ mà phải toàn Đảng, toàn dân cùng vào cuộc. Cần phải lý giải tại sao thế hệ trẻ thờ ơ với âm nhạc dân tộc? Nghệ sĩ đã cố gắng, nhiệt tình, yêu nghề chưa? Các nhà tổ chức, nhà quản lý có bỏ quên địa bàn nông thôn không?”.

Hiện nay có nhiều chương trình âm nhạc được đưa lên sóng phát thanh, truyền hình quốc gia thiếu chọn lọc, có nhiều sạn, thậm chí nhiều độc tố. Các đài chỉ chạy theo doanh thu, chương trình nhà sản xuất mà không cân nhắc yếu tố thẩm mỹ, bảo tồn văn hóa dân tộc. Nhiều chương trình âm nhạc dân tộc được đầu tư công phu tử tế thì ứng xử rất miễn cưỡng, thậm chí có chương trình âm nhạc là di sản văn hóa dân tộc lại phát sóng lúc người dân đã ngủ…

PGS.TS LÊ TOÀN,
Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Ông tâm sự, ngày xưa gánh hát phải gánh gồng thật sự, hai đầu đòn gánh là hai cái bồ đựng đạo cụ trang phục, đi diễn hết làng này qua làng khác. Nay có xe cộ hiện đại nhưng các đoàn lại rất ít khi về nông thôn, miền núi.

“Rõ ràng việc thanh niên bây giờ quay lưng với âm nhạc truyền thống một phần tại chúng ta” - ông nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, không thể trách người trẻ mà trách chính chúng ta khi đã không thể truyền tình yêu âm nhạc dân tộc cho các em từ thuở bé. Lỗi là chúng ta không biết giáo dục. Nhiều người rất băn khoăn khi giới trẻ quá đam mê âm nhạc nước ngoài. Thậm chí trên sóng truyền hình quốc gia, giới trẻ cũng đua nhau hát tiếng Anh.

“Có cảm giác như đang nghe chương trình của những ông Tây vậy. Nếu chúng ta đánh mất chủ quyền về ngôn ngữ và văn hóa, điều đó rất nguy hiểm” - nhạc sĩ Phạm Tuyên bức xúc.

Ngay đến Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Vương Duy Biên cũng chia sẻ khi đi tổng duyệt các chương trình ca nhạc của Hàn Quốc, Nhật Bản, thấy tắc đường không thể vào vì các fans hâm mộ tập trung đứng đợi thần tượng. Trong khi đó kho tàng âm nhạc dân tộc lại dường như bị giới trẻ bỏ quên.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết hơn 10 năm trước tại một diễn đàn về văn học - nghệ thuật, ông đã bày tỏ sự băn khoăn về âm nhạc dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập. Nay, sau 10 năm, tình hình còn gay gắt hơn, diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. 

2. Thực ra không phải không còn người yêu âm nhạc dân tộc, nhạc cụ dân tộc. Vấn đề là họ được nhìn nhận, được đối xử ra sao. Thật cảm động khi thấy không ít người lặn lội làm sống dậy các phường hát ả đào, các phường hát xoan... để đến lúc được UNESCO công nhận là di sản.

Nhưng cũng rất lo lắng khi các lớp nghệ nhân cao niên lần lượt ra đi, không truyền lại gì nhiều cho con cháu. Họ đem tâm tình, tài nghệ, ngón đàn của mình sang thế giới bên kia mà lòng không thanh thản. Họ được ví như các “báu vật nhân văn sống”, nhưng mấy người có được cuộc sống sung túc?

Tốp đàn tranh Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Tốp đàn tranh Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Chúng ta đã để đứt đoạn nhiều nhánh chảy của âm nhạc truyền thống, điều đó cần phải được nhìn nhận và thay đổi. Nhưng cũng cần có niềm tin rằng, dòng chảy chủ lưu không bao giờ mất. Có chăng chỉ lúc sôi động, lúc lặng lẽ chảy.

Bao nhiêu thăng trầm nhưng chèo có mất đâu, tuồng có mất đâu, các nhóm đờn ca tài tử có mất đâu. Ngay đến hát ca trù từng bị coi là loại hình âm nhạc tiêu cực, bị đưa ra khỏi dòng chính thống cũng có ngày trở lại. Miễn nó là tâm hồn thuần Việt, không lai căng.

Muốn dòng chảy không đứt đoạn phải khơi nguồn cho nó. Không thể chỉ đứng nhìn rồi than thở sự ra đi của lớp lớp nghệ nhân già, mà phải chuẩn bị thế hệ kế tiếp. Ấy là phải đưa dân ca dân nhạc, nhạc cụ truyền thống vào trường học, ngay từ bậc học mầm non.

Tâm hồn Việt phải được nuôi dưỡng từ nhỏ bằng các khúc dân ca, bằng tiếng tơ tiếng trúc khi lớn lên những âm thanh ấy mới vang trong lòng họ. Người Việt Nam không chỉ hiển hiện trước thế giới với hình ảnh cây súng trong tay, mà là một dân tộc, một quốc gia có nền văn hóa độc đáo, phong phú, hấp dẫn giàu bản sắc.

Muốn thế, một trong những điều không thể không làm là phải đưa âm nhạc truyền thống đến gần với lớp trẻ. Nếu không, tự các em sẽ tìm đến những loại âm nhạc khác để bù lấp chỗ trống trải trong tâm hồn mình.

Các tin khác