Khó giải bài toán nhập siêu-tỷ giá

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) nhập siêu trong 4 tháng đầu năm 2015 lên tới 3 tỷ USD. Đặc biệt, nhập siêu từ Trung Quốc xấp xỉ 10,7 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua Việt Nam nhập siêu trở lại với con số khá lớn. Điều này diễn ra trong bối cảnh tiền đồng được cho đang lên giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) nhập siêu trong 4 tháng đầu năm 2015 lên tới 3 tỷ USD. Đặc biệt, nhập siêu từ Trung Quốc xấp xỉ 10,7 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua Việt Nam nhập siêu trở lại với con số khá lớn. Điều này diễn ra trong bối cảnh tiền đồng được cho đang lên giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới.

Nhập siêu từ Trung Quốc tăng kỷ lục

Theo TCTK trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Điểm đáng lưu ý, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm khoảng 1%, trong khi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không tính dầu thô tăng đến 17%. Tính riêng mặt hàng dầu thô, kim ngạch xuất khẩu giảm tới 44,5%. Trái ngược với tình trạng ảm đạm của xuất khẩu, nhập khẩu lại tăng mạnh.

Tính trong 4 tháng nhập khẩu đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kinh tế khu vực trong nước tăng 9,4%, khu vực kinh tế có vốn FDI tăng 27,8%. Với việc tăng mạnh của nhập khẩu, nhập siêu ước tính khoảng 3 tỷ USD, trái ngược với việc xuất siêu 0,68 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam đóng vai trò chuyên trách cung cấp nguyên, nhiên liệu và nông sản thô cho Trung Quốc, còn Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ thấp và trung bình cho Việt Nam với khối lượng lớn vượt trội.

TS. Trần Đình Thiên,
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Một điểm đáng lưu ý trong kim ngạch ngoại thương của Việt Nam là nhập khẩu đến từ Trung Quốc tiếp tục tăng rất mạnh. Trong 4 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 15,6 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Như vậy, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới 10,7 tỷ USD, bằng 37% mức nhập siêu từ Trung Quốc của năm 2014. Điều đáng nói, liên tục trong các năm qua, nhập siêu từ Trung Quốc không ngừng gia tăng. Trong giai đoạn 2010-2013, hàng năm Việt Nam nhập siêu từ thị trường Trung Quốc lần lượt tăng lên 11,6 tỷ USD, 13,8 tỷ USD, 16,7 tỷ USD và 23,7 tỷ USD. Riêng năm 2014, nhập siêu của Việt Nam từ quốc gia này lên đến mức kỷ lục, xấp xỉ 29 tỷ USD.

Nhiều mặt hàng Việt Nam nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc như các loại máy móc, thiết bị, hóa chất, nguyên phụ liệu các ngành công nghiệp và điện tử. Trong khi đó xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu một số sản phẩm nông sản thô sơ chế.

Chẳng hạn một số mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc ở mức hàng tỷ USD như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 7,93 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện 6,32 tỷ USD; vải các loại 4,66 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 4,57 tỷ USD; sắt thép các loại 3,86 tỷ USD; xăng dầu các loại 1,57 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày 1,54 tỷ USD.

Còn xuất khẩu sang Trung Quốc xơ, sợi dệt các loại 1,24 tỷ USD, các loại sắn và các loại sản phẩm từ sắn, gạo, cao su mỗi mặt hàng 0,5-0,7 tỷ USD. Những con số thống kê này cho thấy sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đang quá yếu và nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc.

Tăng tỷ giá để hạn chế nhập siêu?

Mới đây NHNN công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD vào ngày 7-5-2015 mức 1% lên 21.673 VNĐ/USD. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 trong năm nay và với mục tiêu điều hành tỷ giá không quá 2%, sau 2 lần điều chỉnh NHNN đã hết dư địa tăng tỷ giá cho đến cuối năm 2015. Theo Công ty Chứng khoản Bản Việt (VCSC), đợt điều chỉnh tỷ giá này - cũng như việc điều chỉnh tỷ giá 1% trong tháng 1 nhằm mục đích làm cho hàng xuất khẩu Việt Nam tăng thêm sức cạnh tranh.

Việc điều chỉnh tỷ giá dự kiến sẽ giúp giảm bớt thâm hụt thương mại của Việt Nam. Việc VNĐ được neo theo USD khiến tiền đồng Việt Nam tăng giá mạnh so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính. Cụ thể, tiền đồng Việt Nam tăng giá 11% so với đồng euro trong năm 2014 và 10% trong quý I-2015. Tương tự, VNĐ cũng lên giá mạnh với đồng yen của Nhật Bản và đồng tiền các nước trong khu vực.

Xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi điều chỉnh tỷ giá. Thời gian qua, VNĐ được định giá cao nên khi hàng Việt Nam xuất vào thị trường Nhật Bản, EU (trong khi đồng tiền của họ đã phá giá) đã gặp khó vì giá hàng cao, khó cạnh tranh. Giờ điều chỉnh đỡ phần nào nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn hạn. Còn hàng nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng vì giá sẽ đội lên. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá 1% chưa tác động nhiều.

Ông Lê Quốc Phương,
Phó Giám đốc Trung tâm TTCN-TM (Bộ Công Thương)

Theo Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), thâm hụt thương mại gia tăng có vẻ là nguyên nhân chính của việc điều chỉnh tỷ giá. Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam mới được Ngân hàng ANZ công bố, tổ chức này cũng nhận định Việt Nam sẽ không tránh khỏi việc cán cân thương mại thâm hụt trong năm 2015 và 2016.

Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, về lý thuyết ngoại thương thường chịu ảnh hưởng bởi việc định giá đồng tiền. Nhiều quốc gia muốn tăng cường xuất khẩu hạn chế nhập siêu thường phá giá đồng tiền của mình. Khi đồng tiền mất giá làm gia tăng tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước do giá rẻ hơn và giảm sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu do giá tăng. Vị chuyên gia này cho biết thêm trong trường hợp của Việt Nam, một số nghiên cứu đã chỉ ra việc giảm giá của tiền đồng ảnh hưởng tích cực đến xuất khẩu.

Hiện nay, một số quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang theo đuổi tỷ giá cố định. Đồng tiền ở những quốc gia theo tỷ giá hối đoái cố định thường không phản ánh đúng giá trị thật của nó. Trước đây, Trung Quốc bị châu Âu và Hoa Kỳ chỉ trích vì đang định giá đồng nhân dân tệ quá thấp làm cho châu Âu và Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc.

Mấu chốt nền tảng kinh tế

Trở lại với vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo vị chuyên gia trên, vấn đề này đang chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái thực (RER) giữa đồng nhân dân tệ và VNĐ nhưng mức độ không quá lớn. Nguyên nhân chính do sức cạnh tranh hàng hóa giữa 2 quốc gia quá chênh lệch. Bên cạnh đó một số mặt hàng như điện tử chịu ảnh hưởng từ tỷ giá do Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị sản xuất của những hãng điện tử lớn.

Thực tế này cho thấy vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn không thể giải bằng bài toán tỷ giá. Tuy nhiên, việc điều hành tỷ giá của NHNN không thể không lưu ý đến vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc. Hiện NHNN vẫn luôn tự tin về việc chắc chắn giữ tỷ giá biến động không quá 2% trong năm nay vì số liệu chính thức trong 3 năm qua cho thấy Việt Nam có thặng dự cán cân thương mại, đồng thời thặng dư cán cân thanh toán khá lớn. Tuy nhiên, liệu số liệu này có chính xác hay không khi nhập siêu từ Trung Quốc theo số liệu thống kê giữa 2 quốc gia lại chênh lệch hàng chục tỷ USD.

Sản phẩm điện lạnh - mặt hàng nhập khẩu với số lượng lớn từ Trung Quốc. Ảnh: CAO THĂNG

Sản phẩm điện lạnh - mặt hàng nhập khẩu với số lượng lớn từ Trung Quốc.
Ảnh: CAO THĂNG

Mới đây Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, theo TCTK Trung Quốc, Việt Nam phải nhập siêu tới 43,8 tỷ USD vào năm 2014, tăng thêm 20 tỷ USD so với số liệu chính thức của Việt Nam. Số liệu trên website của TCTK Trung Quốc cũng có sự chênh lệch lớn so với số liệu TCTK Việt Nam.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc vào Việt Nam năm 2013 lên đến 48 tỷ USD, lớn hơn số liệu nhập khẩu của Việt Nam 38 tỷ USD, còn nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam 16,89 tỷ USD so với số liệu xuất khẩu của Việt Nam công bố 17,34 tỷ USD. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa sở dĩ có sự khác biệt nói trên là Trung Quốc đã thống kê giao dịch qua biên giới 2 nước rất chi tiết, kể cả tiểu ngạch, buôn lậu… trong khi Việt Nam chỉ thống kê các con số chính ngạch.

Hiện nay Việt Nam nhập lớn từ Trung Quốc bên cạnh yếu tố khách quan là địa lý và những ưu việt của hàng Trung Quốc còn do những yếu tố khác. Các nhà sản xuất Việt Nam chỉ có thể nhập khẩu nguyên liệu rẻ tiền, sản xuất ra sản phẩm rẻ tiền và xuất khẩu vào các thị trường dễ tính. Bằng cách nào đó các nhà thầu của Trung Quốc thường thắng thầu (EPC - hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) hầu hết dự án đầu tư công như nhà máy sản xuất, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam nên hàng hóa, máy móc của Trung Quốc vào Việt Nam một cách dễ dàng. Tình trạng buôn lậu qua biên giới cũng rất lớn và không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Giải bài toán này thực tế không dễ dàng, cần giải pháp tổng thể dài hạn từ công nghệ, quản trị và những thay đổi thể chế. Do vậy, khó kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc nói chung, hay nhập siêu các nước nói riêng.

Các tin khác