CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG

Khai thác tràn lan, tài nguyên cạn kiệt

Ồ ạt cấp phép

(ĐTTCO) - Tài nguyên khoáng sản không nhiều, trữ lượng thấp nhưng những năm qua Việt Nam lại khai thác quá mức. Điều đáng nói là hiệu quả kinh tế thấp, lỗ triền miên... Việc thất thoát tài nguyên và hệ quả ô nhiễm môi trường từ công nghệ khai thác lạc hậu đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành công nghiệp khai khoáng. Và nếu không thay đổi, minh bạch trong quản lý, cấp phép, khai thác và giám sát, các nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn.

Ồ ạt cấp phép

Theo số liệu của Tổng hội Địa chất Việt Nam, cả nước hiện có 5.000 điểm mỏ khai thác 60 loại khoáng sản. Trong đó, trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại 814,7 triệu tấn; bể than Quảng Ninh trên 3 tỷ tấn; urani khoảng 218.000 tấn; bauxit Tây nguyên khoảng 2,1 tỷ tấn,; đất hiếm 10 triệu tấn; quặng titan hàng trăm triệu tấn; wolfram 110,2 triệu tấn; crom 22 triệu tấn, apatit 900 triệu tấn…  

 Nếu xét theo các nhóm tài nguyên khoáng sản, Việt Nam không có tiềm năng lớn về các khoáng sản năng lượng (than, dầu, khí), có nhiều loại khoáng sản kim loại nhưng trữ lượng quá ít. Khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng nhiều nhưng không phải là loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao. Về số lượng có nhiều loại khoáng sản nhưng trữ lượng không nhiều.

TS. NGUYễN KHắC VINH, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam

Nhiều năm gần đây ngành khai thác khoáng sản tăng trưởng nhanh chóng về quy mô. Năm 2012 Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp 2,3% tổng sản lượng khai thác thiếc, 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới. Nghịch lý ở chỗ Việt Nam không phải là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản. Nếu tính toán trữ lượng theo tiêu chuẩn của thế giới, khoáng sản của Việt Nam ít về trữ lượng và thiếu về chủng loại. Với tốc độ khai thác hiện nay, Việt Nam sẽ cạn kiệt tài nguyên khoáng sản trong tương lai gần.

 Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên - Môi trường, tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản thời gian qua diễn ra tràn lan. Tính đến giữa năm 2013 cả nước có 503 giấy phép khai khoáng do cơ quan Trung ương cấp, 4.200 giấy phép do UBND các tỉnh, thành phố cấp còn hiệu lực. Kết quả kiểm tra 957 giấy phép khai thác khoáng sản do địa phương cấp, có 50% giấy phép được cấp không đúng quy định. Việc thiếu quy hoạch tổng thể và cấp phép tràn lan đã dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, dùng công nghệ lạc hậu làm tổn hao khoáng sản.

Luật Khoáng sản 2010 khuyến khích đầu tư chế biến sâu khoáng sản trước khi xuất khẩu, nhưng hầu hết doanh nghiệp khai khoáng chủ yếu lọc quặng và tinh quặng rồi xuất thô, nên ít tạo ra giá trị gia tăng. Tổn thất trong khai thác chế biến khoáng sản ở Việt Nam rất cao, từ 40-60% đối với khai thác than, 26-43% đối apatit, 15-30% với quặng kim  loại và 15-20% đối với vật liệu xây dựng. Tính toán của Tổng hội Địa chất Việt Nam cũng chỉ ra rằng số năm khai thác còn lại của các loại khoáng sản là rất ngắn, dầu khí còn 56 năm, bauxit 21 năm, thiếc 19 năm, chì, kẽm là 17 năm, vàng 21 năm…

Báo động hiệu quả đầu tý

Theo Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9-1,2% tổng thu ngân sách trong giai đoạn 2011-2014. Có địa phương cấp 200  giấy phép khai thác khoáng sản nhưng thu thuế tài nguyên không đạt 4 tỷ đồng. Số thu này thậm chí không đủ để chi phí hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương.  

Việc đầu tiên hiện nay là Bộ Tài nguyên - Môi trường cần đánh giá lại và công bố chính xác trữ lượng tài nguyên từng loại khoáng sản hiện nay như thế nào, rồi mới cấp phép quyền khai thác. Bởi lẽ việc phê duyệt trữ lượng và cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trong thời gian vừa qua có độ tin cậy cực thấp.

TS. LÊ ÁI THỤC, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam

TS. Lê Ái Thục, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, phân tích: “Hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản hiện nay dường như không đủ cơ sở để đánh giá. Luật Khoáng sản quy định, khi đầu tư khai thác khoáng sản phải xét đến hiệu quả khai thác tài nguyên, hiệu quả kinh tế xã hội nhưng gần như không làm được. Về hiệu quả khai thác tài nguyên, ngay từ khâu đánh giá trữ lượng đã đánh giá không đúng. Đây là căn cứ để quyết định đầu tư, trên thế giới họ căn cứ vào trữ lượng, quy mô tài nguyên, đánh giá hiệu quả mới đi đến khai thác. Nhưng ở Việt Nam việc đánh giá trữ lượng tài nguyên khoáng sản không tuân thủ quy định đã ban hành. Vì thế, cơ sở quyết định đầu tư khai thác khoáng sản hầu như không có”.

 Ông Thục lấy thí dụ mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) nói có trữ lượng 544 triệu tấn, tưởng quy mô lớn nhất Đông Nam Á nhưng thực tế không phải vậy. Bauxit Tây nguyên nói là trữ lượng 7-8 tỷ tấn có thể lên đến 10 tỷ tấn, nhưng thực tế chỉ vài trăm triệu tấn, còn lại là tiềm năng. Vì thế, khi quyết định đầu tư khai thác khoáng sản hiện đang có sự nhầm lẫn về con số. Thí dụ, năm 2014 và 2015, mỗi năm CTCP Sắt Thạch Khê phải đóng 114 tỷ đồng trong khi chưa thu được đồng nào từ nguồn khai thác. Năm 2016 phải nộp gấp đôi năm 2015, khoảng 450 tỷ đồng. Hiện Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) đang xin hoãn nhưng nếu nộp cũng sẽ lấy tiền từ TKV, tức lấy ngân sách nộp lại ngân sách.

Theo nhiều chuyên gia, sự độc quyền khai thác quá lâu của DNNN đang làm giảm hiệu quả khai thác khoáng sản. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) được quyền ưu tiên, được giao độc quyền khai thác tài nguyên khoáng sản. Như trong lĩnh vực dầu khí, các DN muốn tham gia khai thác các mỏ dầu, mỏ khí phải thông qua TĐ Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), hay phải liên doanh với PVN. Ngay trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng có riêng một phụ lục về việc khai thác dầu khí tại Việt Nam phải thông qua PVN, phân lô khai thác, thậm chí muốn thoái vốn khỏi các dự án dầu khí cũng phải thông qua PVN. Quy định như vậy trước hết để bảo vệ tài nguyên quốc gia, song nó cũng gây ra vấn đề trong độc quyền khai thác. Lĩnh vực khai thác than, TKV cũng có vị thế độc quyền, TĐ Hóa chất được quyền ưu tiên khai thác một loạt mỏ apatit (Lào Cai), hay vị trí thống lĩnh của TCT Vật liệu xây dựng trong khai thác vật liệu xây dựng, như khai thác một số mỏ đá quý.

Điều đáng chú ý trong khai thác tài nguyên khoáng sản, ngoại trừ lĩnh vực dầu khí, công nghệ khai thác lạc hậu và tỷ lệ thu hồi tài nguyên khoáng sản chưa cao. Nhiều báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất nhiều nguyên tố phụ trong các loại chất thải từ quá trình khai thác các mỏ lại được nước ngoài thu mua với giá rất rẻ về chế biến ra những nguyên tố rất quý. Chẳng hạn như chất thải từ khai thác than Quảng Ninh lại được một số đối tác Nhật Bản mua về để chế ra những nguyên tố rất quý hiếm. Trong rất nhiều trường hợp các DN khai khoáng thu hồi được không quá 30% khoáng sản khi khai thác và sự lãng phí rất lớn. Điều đáng lo ngại nữa là xuất khoáng sản thô, dù Luật Khoáng sản 2010 đã cấm xuất khoáng sản thô nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài và chưa khắc phục kịp thời.

 Minh bạch quản trị tài nguyên

Hiện nay, có thể nói tính công khai, minh bạch trong khai thác khoáng sản rất thấp, chẳng hạn như mỏ giá trị bao nhiêu, khai thác như thế nào, nộp ngân sách bao nhiêu không rõ ràng. Theo GS. Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, tài nguyên khoáng sản của quốc gia phải được quản lý thống nhất, và tiền thuế thu được từ khoáng sản đó cần được trích lập thành một quỹ không phải để mang ra tiêu, tăng lương, xây trụ sở mà phải đưa vào quỹ tái tạo tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận quản lý tài nguyên khoáng sản hiện đang buông lỏng, không chỉ với DNNN, gần đây mở rộng ra cho cả khu vực tư nhân. Mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) có trữ lượng khoảng 12,4 tấn, đến nay TĐ Besra (Canada) khai thác khoảng 7 tấn vàng rồi, vẫn kêu lỗ và không biết số vàng khai thác này đã đi đâu. Tình trạng này cảnh báo về công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay đang có vấn đề.

Dự án đa kim Núi Pháo đang được khai thác.

Dự án đa kim Núi Pháo đang được khai thác.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài nguyên thiên nhiên (EITI) để cải  cách ngành công nghiệp khai khoáng, giảm tỷ lệ thất thoát tài nguyên khoáng sản. Thế giới hiện có 49 quốc gia đang áp dụng EITI. Nguyên tắc của EITI là công khai những thông tin cơ bản liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản gồm: cấp phép, dữ liệu sản xuất, DNNN, các nguồn thu chính, nguồn thu địa phương,  quản lý nguồn thu, và tác động xã hội của hoạt động khai khoáng. Ngoài các nước phát triển như Anh, Hoa Kỳ, Na Uy… các nước chậm phát triển như Mông Cổ, Myanmar cũng đã áp dụng EITI, trong khi Việt Nam chưa làm.

 Nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, phải chăng có nhóm lợi ích ngăn cản việc áp dụng EITI trong những năm qua và đề nghị cần xem lại hoạt động cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay và cần phải đưa ra Quốc hội xem xét quyết định những vấn đề lớn về tài nguyên quốc gia. Đồng thời, cần đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản 2010 để minh bạch quá trình thẩm định trữ lượng, cấp phép quyền khai thác khoáng sản trong những năm tới.

Lấp kẽ hở gây lãng phí tài nguyên

GIA BảO (thực hiện)

"Ào ạt khai thác, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch, đánh giá tác động môi trường cho có đã để lại hậu quả trong ngành khai khoáng thời gian qua. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, còn dẫn đến sự khan hiếm, thiếu thốn tài nguyên khi Việt Nam từ một nước xuất khẩu than đã phải quay sang nhập khẩu hàng triệu tấn than/năm từ Trung Quốc". Đó là cảnh báo của TS. NGUYỄN THÀNH SƠN, nguyên Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản (TKV).

PHÓNG VIÊN: - Ngành khai khoáng hiện nay được đánh giá có hiệu quả kinh tế không cao, theo ông đâu là lý do?

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN: - Trước hết phải nói về góc độ chính sách. Bản thân chính sách không bất cập, nhưng việc không công bố, công khai chính sách không rõ ràng là bất cập. Chẳng hạn, Nghị quyết 13 về ngành công nghiệp khai khoáng của Bộ Chính trị được ban hành từ năm 1993, nếu công khai, làm tốt tinh thần của nghị quyết này, hiệu quả khai thác khoáng sản không đến nỗi như hiện nay.

Thứ hai về quy hoạch, thời gian qua Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng xây dựng hàng chục quy hoạch về tài nguyên khoáng sản nhưng chất lượng quy hoạch đều rất thấp. Có những quy hoạch không dám công bố, trong khi đúng luật phải công bố. Có những quy hoạch vừa làm xong đã vỡ, như quy hoạch ngành than hơn 20 năm nay chẳng hạn. Ngành than suốt 20 năm qua chỉ dựa vào một quy hoạch, còn lại là các văn bản điều chỉnh, chỉ đạo. Quy hoạch bài bản nhất đến nay được phê duyệt từ năm 1993, đó là quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2005 và xem xét đến năm 2010. Làm quy hoạch đã kém và thực hiện quy hoạch cũng rất có vấn đề. Thí dụ, quy hoạch nói rõ hạn chế xuất khẩu than, chỉ tối đa đến 5 triệu tấn/năm, nhưng những năm qua có những năm xuất khẩu than đã đến ngưỡng 20 triệu tấn/năm, cộng với than xuất lậu có khi lên đến 30 triệu tấn/năm. Hậu quả, hiện nay phải quay lại nhập khẩu than từ Trung Quốc. Theo đó, năm 2016 dự kiến nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn than, năm 2015 nhập khẩu 6,3 triệu tấn than.

Từ chính sách, đến quy hoạch, cấp phép khai thác hiện có nhiều kẽ hở. Chính sách đúng nhưng lại không công khai. Việc cấp phép khai thác khoáng sản thời gian qua mất nhiều hơn được, trong khi khoáng sản càng để càng có giá trị. Như than, những năm qua không ào ạt khai thác để bán, đến nay chắc chắn có giá trị cao hơn. Khoáng sản là thứ khai thác rồi không tái tạo được nên cứ để trong lòng đất cũng có lãi suất như ngân hàng.

Thứ ba, việc triển khai kế hoạch đầu tư khai thác khoáng sản không bài bản. Trong ngành khai khoáng đầu tư tái mở rộng rất quan trọng, nhưng 20 năm qua ngành than không có đầu tư tái mở rộng sản xuất, chỉ có đầu tư duy trì khai thác. Điều này sai về nguyên lý kinh tế, khiến ngành khai thác than đang xuống dốc. Ngành dầu khí cũng vậy, với cách khai thác ồ ạt lên đỉnh cao từ năm 2008, nay tụt dốc và gần về con số 0 vì không có đầu tư tái sản xuất mở rộng. Đó là bất cập chung của ngành công nghiệp khai khoáng.

- Ông nhận định thế nào về công tác quản lý, đánh giá trữ lượng các mỏ khoáng sản hiện nay?

- Chúng ta hay lẫn lộn giữa trữ lượng với tiềm năng. Cái ta bảo trữ lượng thì thế giới họ coi đó là tiềm năng. Chẳng hạn ta công bố mỏ Thạch Khê có trữ lượng 540 triệu tấn thép, thế giới họ coi đó là tiềm năng khai thác của mỏ, hay 3 tỷ tấn bauxit ở Tây nguyên đó cũng chỉ là tiềm năng khai thác, không phải trữ lượng. Trước đây, Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố trữ lượng titan tại ven biển các tỉnh khoảng 600 triệu tấn, tập trung dọc bờ biển Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu nhưng khi các nhà đầu tư nước ngoài đến họ lần lượt bỏ đi. Thực tế này chỉ ra rằng ở Việt Nam tài nguyên khoáng sản không nhiều như chúng ta tưởng. Nếu chúng ta cứ khai thác như hiện nay sẽ dẫn đến lãng phí, tổn thất tài nguyên.

Sự nhầm lẫn này rất nguy hiểm, bởi thực ra các nghiên cứu đánh giá cho thấy tiềm năng titan tại Việt Nam có thể lên đến 600 triệu tấn nhưng trữ lượng khai thác được chỉ khoảng 20 triệu tấn. Tiêu chuẩn thế giới họ định lượng như vậy, trữ lượng phải sờ thấy được, khai thác được bằng công nghệ hiện tại và quá trình khai thác phải mang lại hiệu quả kinh tế. Titan là nguyên tố đứng thứ 9 trong lòng trái đất, nên tiềm năng lớn. Con số 600 triệu tấn titan ta tính toán ra dựa trên hàm lượng 0,65% TiO2, hàm lượng này đúng bằng với hàm lượng bình quân của mỏ titan nằm trong vỏ trái đất. Trong khi đối với một mỏ titan hàm lượng nó phải khác, thế giới họ quy định hàm lượng mỏ titan 5% đến trên 10% TiO2 mới được coi là mỏ. Hay mỏ đá trắng tại Nghệ An rất quý hiếm, thế giới dùng để chế mỹ phẩm bôi lên mặt, ở ta lại khai thác để rải đường. Thành phần nguyên tố đá trắng rất quý, xuất khẩu rất có giá trị nhưng vì cấp phép và khai thác bừa bãi nên giờ Nghệ An gần hết đá trắng, chỉ còn một trữ lượng nhỏ ở vùng Tây Bắc.

- Khai thác khoáng sản thời gian qua đã để lại nhiều hậu quả về môi trường, nhưng vì sao chúng ta lại đẩy mạnh khai thác trong những năm qua, thưa ông?

- Cái khó là ở ta phát triển kinh tế dựa theo đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng GDP, nếu đánh giá sự phát triển dựa trên hiệu quả sẽ khác. Tăng trưởng theo GDP dựa trên số lượng, mà tăng về số lượng không có gì dễ bằng khai thác tài nguyên khoáng sản. Đóng góp vào GDP của ngành công nghiệp khai thác khoáng những năm qua rất lớn. Nó không như các ngành khác, giá trị gia tăng trong ngành tài nguyên khoáng sản được tính vào GDP vì lãi từ khai thác khoáng sản lớn khi chỉ có đào lên để bán. Vì không dựa vào hiệu quả phát triển kinh tế nên mới có chuyện tăng trưởng GDP nhưng thâm hụt ngân sách vẫn cao, bội chi ngân sách.

Tôi xin nói thêm về việc đánh giá tác động môi trường tại các dự án khai thác và chế biến khoáng sản. Đó là việc đánh giá không nghiêm túc, không đúng cách của Formosa. Một báo cáo đánh giá tác động môi trường không đơn thuần như vậy. Luật Bảo vệ môi trường quy định rõ rất nhiều nội dung nhưng họ làm cho có. Thí dụ nội dung lấy ý kiến cộng đồng về tác động dự án Formosa đã không thực hiện, trong khi quy tắc, nội dung, quy trình đánh giá trong luật và nghị định đều có hết.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác