Khắc phục bội chi NS: Tái cơ cấu thu, chi

LTS: Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh yêu cầu: “Năm 2015 cần kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng, không để đảo lộn cân đối ngân sách”. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm, ngân sách năm 2015 dự kiến hụt thu vài chục ngàn tỷ đồng. Do vậy, nhiệm vụ bù đắp hụt thu không hề dễ dàng nhưng cũng là cơ hội để cơ cấu lại cách điều hành ngân sách theo hướng bền vững hơn.

LTS: Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh yêu cầu: “Năm 2015 cần kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng, không để đảo lộn cân đối ngân sách”. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm, ngân sách năm 2015 dự kiến hụt thu vài chục ngàn tỷ đồng. Do vậy, nhiệm vụ bù đắp hụt thu không hề dễ dàng nhưng cũng là cơ hội để cơ cấu lại cách điều hành ngân sách theo hướng bền vững hơn.

Tín hiệu tích cực

Giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh vào cuối năm 2014 khiến nỗi lo hụt thu ngân sách năm 2015 ngày càng lớn. Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách 2 tháng đầu năm lại phát đi những tín hiệu tích cực. Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 2-2015 ước đạt 59.300 tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đầu năm đạt 151.870 tỷ đồng, bằng 16,7% dự toán và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2014. Thu nội địa thực hiện tháng 2 ước đạt 42.700 tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đạt 117.500 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2014.

 Việc giá dầu giảm có thể gây ra hụt thu ngân sách, nhưng không đáng kể. Cái chúng ta có được là sẽ dần tạo ra nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ hơn, chi tiêu tiết kiệm hơn. Đây là cái được rất lớn và rất tốt. Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, nếu giá dầu giảm còn 60USD/thùng, chúng ta chỉ hụt thu 1.500 tỷ đồng; giảm còn 50USD/thùng, hụt thu 9.500 tỷ đồng; giảm còn 40USD/thùng, hụt 11.500 tỷ đồng.

Ông BÙI QUANG VINH,
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT

Theo Bộ Tài chính, mặc dù chịu ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, song nhìn chung số thu ngân sách đã có bước tăng mạnh cả về tiến độ thực hiện dự toán và so với cùng kỳ năm 2014. Hầu hết khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt khá, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước tăng 29,3% so cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước tăng 16,1% so cùng kỳ; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh ước tăng 20,1% so cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014... 

Ước tính cả nước có 44/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 16%), trong đó 18 địa phương thu đạt trên 20% dự toán; 55/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 8 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn có ảnh hưởng nhất định tới thu ngân sách. Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu về dầu thô thực hiện tháng 2 ước đạt 4.500 tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng ước đạt 11.600 tỷ đồng, bằng 12,5% dự toán, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đến giữa tháng 2-2015, đà giảm giá dầu thô trên thị trường thế giới đã cơ bản dừng lại và bước đầu được cải thiện, nhưng theo đánh giá của Bộ Tài chính vẫn chưa thật chắc chắn, khi mức giá vẫn khoảng 49-54USD/thùng.

“Do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu thô của Việt Nam 2 tháng đầu năm bình quân đạt 57,5USD/thùng, giảm 42,5USD so với dự toán. Sản lượng thanh toán sau 2 tháng ước đạt 2,43 triệu tấn, bằng 16,5% kế hoạch” - Bộ Tài chính cho biết.

Đúng như dự báo của Bộ Tài chính, việc giá dầu thô phục hồi không vững chắc. Sau khi tăng giá trong một thời gian ngắn, từ đầu tuần này, giá dầu thô thế giới đã giảm 5 phiên liên tiếp. Giá dầu thô tại thị trường Hoa Kỳ hôm 17-3 tiếp tục thiết lập mức thấp nhất mới trong 6 năm do kỳ vọng lượng dầu dự trữ tại nước này tăng lên mức cao kỷ lục.

Theo Wall Street Journal, tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ở New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 giảm 0,42USD/thùng, tương đương mức giảm 1%, còn 43,46USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của loại dầu này kể từ ngày 11-3-2009.

Bài toán tăng thu, giảm chi

Như vậy, thách thức về thu ngân sách vẫn còn ở phía trước khi giá dầu thế giới vẫn rất khó lường. Ứng phó với vấn đề này, tổ công tác điều hành công tác vĩ mô của Chính phủ, gồm lãnh đạo 4 cơ quan Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã có 2 phiên họp từ cuối năm 2014 đến nay để thống nhất các kịch bản khi giá dầu xuống thấp.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, giá dầu thô giảm chắc chắn sẽ tác động đến ngân sách. Theo kịch bản, cứ giảm 1USD/thùng dầu thô thu ngân sách sẽ giảm gần 1.000 tỷ đồng. Xét ở mặt tích cực, việc giá dầu giảm mạnh đã kéo giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước, giúp giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật trong nội ngành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật; chấn chỉnh lề lối, tác phong ứng xử của cán bộ, công chức thuế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Năm nay sẽ không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế.

Ông ĐINH TIẾN DŨNG,
Bộ trưởng Bộ Tài chính

Trong 3 kịch bản giá dầu, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ KH-ĐT) đưa ra mới đây: Giá dầu xuống còn 30USD/thùng, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng vẫn thêm được 0,75 điểm phần trăm (%); với kịch bản giá dầu 50USD/thùng, GDP sẽ tăng thêm 0,48 điểm %; với 40USD/thùng, GDP tăng thêm 0,61 điểm %.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng đừng chỉ nhìn vào chuyện hụt thu ngân sách khi giá dầu giảm mà lo lắng, bởi giá dầu giảm là áp lực rất tốt để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nguồn thu bền vững từ tăng năng suất lao động, cải thiện công nghệ. Đây cũng là cơ hội để ngành tài chính cơ cấu lại thu - chi ngân sách, khắc phục cho được những bất cập trong lĩnh vực này thời gian qua.

Theo TS. Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, hiện nay tính ổn định trong thu ngân sách nhà nước còn hạn chế. Tổng thu ngân sách năm 2014 vẫn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, các khoản thu từ tài nguyên, các khoản thu đặc thù và các khoản thu phát sinh do yếu tố khách quan.

Thu nội địa dù tăng 7,5% so với dự toán, nhưng nếu loại đi khoản thu cổ tức và lợi nhuận còn lại theo Thông tư 187 của Bộ Tài chính chỉ đạt 490.700 tỷ đồng, bằng 98% dự toán. Bên cạnh đó, nợ thuế vẫn là một trong những điểm nghẽn của thu ngân sách. Năm 2014 tổng số tiền nợ thuế tăng 14,9% so với cuối năm 2013. Không chỉ thu ngân sách, vấn đề chi cũng còn nhiều bất cập; phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực ngân sách còn hạn chế.

Trong đó, chi thường xuyên có xu hướng tăng nhanh và mạnh trong những năm gần đây. Số người hưởng lương từ ngân sách không có xu hướng giảm, cùng với việc gia tăng ban hành các đề án, chính sách ở các bộ, ngành, địa phương đã tác động làm chi ngân sách thường xuyên tăng cao. Trong phân bổ ngân sách còn tình trạng bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục, phân bổ vốn không đúng với cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao.

Cải cách, nâng cao hiệu quả nền kinh tế

Để thực hiện được dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 đã được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng cần thiết phải tiếp tục quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ và tiết kiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, góp phần hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với thu ngân sách, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, kiểm soát, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, giảm nợ đọng thuế, quản lý thu thuế khoán quyết liệt, hiệu quả hơn. Một vấn đề quan trọng khác cũng được đặt ra là thúc đẩy cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, phấn đấu giảm số giờ nộp thuế xuống mức trung bình trong khu vực ASEAN.

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Ảnh: LÃ ANH

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Ảnh: LÃ ANH

Việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả hơn. Qua đó sẽ có đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), phân tích: “Thủ tục hành chính được tiết giảm, chi phí doanh nghiệp sẽ được tiết kiệm và đương nhiên sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế sẽ được nâng cao; đồng nghĩa với việc hiệu quả của nền kinh tế tăng và quy mô ngân sách ngày càng tăng”.

Trong năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ chính sách thuế cũng như công tác quản lý thuế để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách thuế cũng như quản lý thuế để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, đồng thời giảm số giờ nộp thuế theo đúng mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Đồng thời phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai nhanh dự án nộp thuế điện tử, phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn thành triển khai dự án này tới 63/63 tỉnh, thành phố, góp phần làm giảm thời gian nộp thuế cho người nộp thuế” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết.

Theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước 911.100 tỷ đồng. Nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước 921.100 tỷ đồng, tổng số chi cân đối 1.147.100 tỷ đồng và mức bội chi 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% GDP.

(Còn tiếp)

Các tin khác