Hướng đến ngành công nghiệp kim hoàn

Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng NHNN vừa gửi tới hiệp hội, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ đã nhận được sự quan tâm rất lớn của công luận. ĐTTC đăng tải một số ý kiến xung quanh dự thảo này để bạn đọc tham khảo.

Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng NHNN vừa gửi tới hiệp hội, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ đã nhận được sự quan tâm rất lớn của công luận. ĐTTC đăng tải một số ý kiến xung quanh dự thảo này để bạn đọc tham khảo.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, Tổng giám đốc SJC:

Tập trung quản lý chất lượng sản phẩm

Dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng có một số mặt tích cực như làm rõ hơn việc lưu thông vàng miếng, giải tỏa dư luận trước đây cho rằng Nhà nước sẽ cấm kinh doanh vàng miếng. Theo dự thảo, Nhà nước sẽ cấp quota nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho ngành nữ trang. Đây là tín hiệu vui cho sự phát triển về lâu dài của ngành này tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần phải xem xét lại, như việc cấp phép kinh doanh nữ trang.

Chất lượng vàng nữ trang đang bị thả nổi. Ảnh: LÃ ANH

Chất lượng vàng nữ trang
đang bị thả nổi. Ảnh: LÃ ANH

Theo tôi, nên tạo điều kiện để việc sản xuất và xuất khẩu nữ trang phát triển mạnh hơn, bởi đây là một ngành công nghiệp nên cần quản lý thông thoáng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Nên nhìn nhận rõ nữ trang không phải vàng miếng. Nếu quản lý theo tinh thần của dự thảo nghị định mới này, một sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải có 5 giấy phép hoặc chứng nhận thì quá nhiêu khê.

Chất lượng vàng nữ trang cần được quản lý vì hiện nay đang bị thả nổi. Song việc quản lý không phải theo kiểu hạn chế, đòi hỏi phải cấp nhiều giấy phép như thế. Nên chăng phải có sự kết hợp quản lý của nhiều cơ quan chứ chỉ riêng NHNN thì rất khó. 

Theo tôi Nhà nước nên kiên quyết hơn trong quản lý vàng trang sức xuất khẩu để đảm bảo uy tín với quốc tế. Quản lý chất lượng là việc nên làm, nhưng quản cách nào? Quản lý chất lượng không đồng nghĩa với quản lý kinh doanh. Tôi mong muốn nghị định phải thể hiện rõ việc xây dựng ngành công nghiệp kim hoàn mạnh trong nước.

 Ngành công nghiệp kim hoàn Việt Nam đến nay vẫn chưa phát triển xứng tầm một phần do chính sách. Trong xuất khẩu nếu so sánh với một số nước lân cận như Thái Lan, xuất khẩu nữ trang nước ta còn yếu. Mặc dù theo dự thảo nghị định đã cho phép việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất nữ trang (trước nay chưa được đề cập tới). Song nên đảm bảo thông thoáng, tự do cho doanh nghiệp tư nhân, thợ kim hoàn, kể cả doanh nghiệp gia đình.

Bởi lẽ vai trò của gia đình đối với ngành nữ trang Việt Nam rất quan trọng vì đó là nghề truyền thống, thợ kim hoàn trong các gia đình vốn dĩ rất khéo tay. Chính vì thế không cần thiết phải quản lý quá chặt chẽ. Nhưng dù sao đây cũng mới chỉ là dự thảo nghị định, nên tôi nghĩ chúng ta hãy cùng chờ đợi những thông tin cuối cùng trong nghị định của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc PNJ:

Phối hợp quản lý thị trường vàng

Thứ nhất, tôi hoàn toàn đồng ý với quy định về quản lý vàng miếng được đưa ra trong dự thảo, vì đó là ngành kinh doanh có điều kiện. Theo như dự thảo, các doanh nghiệp được NHNN xem xét cấp giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng phải đáp ứng các điều kiện như có mức vốn điều lệ và doanh thu tính thuế của hoạt động kinh doanh vàng, có mạng lưới chi nhánh theo quy định trong từng thời kỳ…

Tuy nhiên, dự thảo nghị định lần này đưa ra việc quản lý hành chính với hoạt động kinh doanh nữ trang thì e không làm nổi. Ngành nữ trang vốn dĩ là một ngành công nghiệp, ở các nước lân cận ngành này đang rất phát triển. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp nữ trang mới hình thành từ năm 1992-1993, vì thế việc chúng ta không phát triển nhanh bằng Thái Lan, Singapore là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, nếu quản lý theo quy định trong dự thảo lần này (các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ các điều kiện: có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua bán vàng trang sức theo quy định của NHNN) thì rất có thể sẽ làm cho ngành công nghiệp nữ trang của Việt Nam bị ách tắc. Và việc đẩy mạnh xuất khẩu nữ trang mang ngoại tệ về cho đất nước cũng theo đó chưa thể phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, theo số liệu thống kê cả nước có khoảng 10.000 điểm kinh doanh vàng nữ trang. Liệu NHNN có quản lý hết được việc làm giấy phép con cho tất cả các địa điểm kinh doanh vàng nữ trang hay không? Cho đến nay, chất lượng vàng nữ trang chưa ai quản lý, hầu hết vẫn là sự cam kết giữa doanh nghiệp với người mua. Với những doanh nghiệp lớn, có uy tín việc cam kết đảm bảo chất lượng hết sức quan trọng. Nhưng không phải ở đâu người tiêu dùng cũng có thể hoàn toàn đặt niềm tin.

Người dân vẫn có thói quen mua đâu, bán đó. Chính vì thế việc quản lý chất lượng vàng nữ trang rất cần thiết, nhưng phải có sự phối hợp của các cơ quan chức năng để hỗ trợ NHNN trong việc quản lý thị trường vàng.

Các tin khác