Hồn Việt

Dạo này mấy chị em tôi thường tập trung ở nhà cậu em trai vào buổi chiều, vì mẹ tôi ở với cậu đã lâu, nay bà vào tuổi 90, không chịu đi đến nhà các con gái nữa, chỉ ngồi im nhai trầu chẳng nói năng gì. Thương mẹ nhưng chẳng ai nói ra, chỉ chuyện trên trời dưới bể, song quy tụ lại vẫn là chuyện về bà. Cô em dâu cũng đã vào tuổi vừa nghỉ hưu, thở dài:

Dạo này mấy chị em tôi thường tập trung ở nhà cậu em trai vào buổi chiều, vì mẹ tôi ở với cậu đã lâu, nay bà vào tuổi 90, không chịu đi đến nhà các con gái nữa, chỉ ngồi im nhai trầu chẳng nói năng gì. Thương mẹ nhưng chẳng ai nói ra, chỉ chuyện trên trời dưới bể, song quy tụ lại vẫn là chuyện về bà. Cô em dâu cũng đã vào tuổi vừa nghỉ hưu, thở dài:

- Hôm qua em lại phải nhổ một cái răng. Bây giờ muốn trồng cái mới để nhai được như răng thật, họ bảo phải mất 15 triệu. Kinh quá!

Bà chị cả của tôi xấp xỉ 70 liếc nhìn mẹ đang bỏm bẻm nhai trầu, cười:

- Cô nhìn bà kìa, răng vẫn đen nhức và vẫn nhai trầu như không. Hình như từ bé đến giờ chị chưa thấy bà phải nhổ cái răng nào.

Tôi đế thêm:

- Em cũng chưa thấy bà kêu sâu răng, nhức răng bao giờ. Tài thế.

Mẹ tôi đã lâu không nói gì, nhưng hình như bà hơi mỉm cười, đôi môi đỏ thắm quết trầu trông vẫn rất tươi.

Chúng tôi thường nói đùa với nhau: “Bà xưa nay bao giờ cũng ăn đứt cả con gái lẫn con dâu”. Lúc còn trẻ, bố tôi mất sớm, bà vừa trông hai đứa cháu nội sinh cùng năm với nhau (con của hai cậu con trai), vừa trông nom cửa hàng bán tương cà mắm muối mà vẫn cứ tươi tắn, thoăn thoắt gọn gàng. Bây giờ cao tuổi rồi, răng bà vẫn đen, tóc vẫn dài và chưa bao giờ phải nhuộm.

Bà vẫn ăn mía, nhai trầu, xơi lạc rang... trong khi cô con gái bà đành chịu vì đã nhổ răng gần hết. Tóc mẹ tôi vẫn còn đen. Các cụ ta ngày xưa giỏi thế. Không có thuốc đánh răng thì ăn trầu nhuộm răng đen. Chất vôi trầu làm cho răng chắc khỏe.

Mầu đỏ thắm của vỏ, chất chát của lá trầu, vị ngọt của cau nhuộm cho môi cắn chỉ thật tươi, thật đậm. Rồi yếm đào, khăn mỏ quạ, váy xắn quai, tóc đuôi gà... chao ôi là đẹp. Để bây giờ 90 tuổi rồi vẫn còn duyên.

Một phiên chợ quê bán trầu cau.
  Một phiên chợ quê bán trầu cau.

Đó là các bà. Còn các cụ ông thì sao? Bố tôi mất đã hơn 40 năm, nhưng thói quen uống trà của ông tôi vẫn còn giữ cho đến hôm nay. Có khi là trà xanh, khi là trà mạn Thái Nguyên. Ôi cái vị thơm chát ngan ngát với làn khói mơ màng mới quyễn rũ làm sao.

Đã bao nhiêu bài báo nói về cái lợi của trà xanh, tôi không biết hết, nhưng chắc chắn nhờ uống trà mà tôi có được sức khỏe đến hôm nay. Tôi chưa thấy mình có khi nào bị đau bao tử, rất ít khi sôi bụng, ăn uống đủ thứ đều thấy ngon lành chẳng phải kiêng kỵ gì (ngoài thịt chó mắm tôm là món tôi không thích).

Ngồi chuyện phiếm với mấy bác, mấy anh ở hội chơi tennis của câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), tôi nghe nhiều người phàn nàn: Có một dạo, vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, chẳng ai để ý đến chuyện đặt tên cho con phải giữ cái gốc của từ đệm, ví như tôi là Nguyễn Minh A, thì con trai cháu trai cứ Nguyễn Minh mà đặt tiếp B, C, D, H...

Thế rồi cái gốc ấy bị quên, mình đặt tên con là Nguyễn Bình P, thằng P đẻ con lại đặt là Nguyễn Đỗ H (Đỗ là họ của vợ nó)... Thành ra bây giờ mất gốc, vào Nam gặp họ hàng bị mắng cho tơi tả.

Một ông khác tiếp lời: Các cụ ta ngày xưa đã có quy định rõ ràng về cách đặt tên, tôi nhớ ít nhất là từ thời vua Minh Mạng. Vua sai đại học sĩ Đinh Nguyễn Phiên soạn 11 bài thơ về cách đặt tên trong hoàng tộc. Một bài về đế hệ, tức là lần lượt các dòng vua kế thừa ngôi báu như sau:

"Miên - Hường - Ưng - Bửu - Vĩnh

Bảo - Quý - Định - Long - Trường

Hiền - Năng - Khâm - Kế - Truật

Thế - Thoại - Quốc - Gia - Xương"

Như vậy tất cả các con trai của Minh Mạng đều mang tên có chữ đệm là “Miên”, như Miên Tông (sau là vua Thiệu Trị), Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương)... Đến đời Thiệu Trị, các con trai của ông đều có chữ đệm là Hường (Hồng) như Hường Nhậm sau là vua Tự Đức.

Đến đời Tự Đức, dẫu không có con trai thì con nuôi đều có tên đệm là chữ “Ưng”... Cứ như vậy cho đến Bảo Đại ông vua cuối cùng... Như vậy chỉ cần nghe tên đệm là biết quan hệ dòng tộc tự bao đời.

Thế còn 10 bài thơ nữa thì sao? 10 bài đó đều là phiên hệ, tức là người có cùng dòng tộc với nhà vua, dẫu người đó họ xa hay họ gần, đều được dùng chữ “Tôn Thất”. Cho đến nay ta vẫn biết giáo sư Tôn Thất Tùng hoặc bà Tôn Nữ Thị Ninh thuộc hoàng tộc là vì thế.

Ôi! Hồn Việt chính là từ cái ăn, cái mặc, cái tên gọi rất bình thường mà chúng ta đã và đang đánh mất.

Các tin khác