Hội nhập kinh tế quốc tế: Thế yếu xuất, nhập hàng hóa

Trong 10 năm qua, xuất khẩu đã có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, xuất khẩu nước ta giai đoạn qua vẫn bộc lộ yếu tố chưa bền vững, giá trị gia tăng của hàng hóa còn thấp. Vì vậy, theo các chuyên gia để thực hiện mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững giai đoạn 2011-2020 đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn mới vượt qua được những hạn chế lâu nay.

Trong 10 năm qua, xuất khẩu đã có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, xuất khẩu nước ta giai đoạn qua vẫn bộc lộ yếu tố chưa bền vững, giá trị gia tăng của hàng hóa còn thấp. Vì vậy, theo các chuyên gia để thực hiện mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững giai đoạn 2011-2020 đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn mới vượt qua được những hạn chế lâu nay. 

Hạn chế và bất cập

Đến hết năm 2009, tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghệ cao nước ta chỉ chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ này của Trung Quốc là 35%, Thái Lan 40%, Malaysia 60%. Điều đáng nói là tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam ít thay đổi trong 10 năm gần đây. Phân tích về hạn chế này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu thương mại, nhìn nhận: “Những năm qua, thị trường xuất khẩu hàng hóa nước ta được mở rộng, nhưng kim ngạch xuất khẩu lớn vẫn tập trung vào một vài thị trường trọng điểm quen thuộc, như cao su và rau quả vào Trung Quốc, thủy sản và dệt may vào Hoa Kỳ và Nhật Bản, gạo vào thị trường Đông Nam Á, da giày thị trường EU…

Vì thế, khi các thị trường này có biến động, ngay lập tức những mặt hàng xuất khẩu chủ lực bị ảnh hưởng theo. Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra cơ hội mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, nhưng chúng ta chưa đủ năng lực về nhiều mặt để thâm nhập các thị trường mới”.

Chính sách xuất khẩu thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả. Chúng ta chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh và hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Khả năng tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu còn mờ nhạt, chỉ nặng gia công, lắp ráp.

Ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Thường trực  Bộ Công Thương 

Về việc hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nhập nguyên liệu, nhất là nhập khẩu từ Trung Quốc, TS. Lê Đăng Doanh đã thẳng thắn chỉ ra bất cập: Trung Quốc dừng xuất khẩu nguyên liệu dệt may, nhiều nhà máy của ta sẽ điêu đứng và nếu trong thương mại phải dùng nhân dân tệ, ta sẽ phụ thuộc cả về tài chính.

Tình hình nhập khẩu cũng diễn ra tương đối tự do, chỉ chú trọng nhập khẩu công nghệ trung gian, khuyến khích nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, chưa có biện pháp kiềm chế nhập siêu hiệu quả…

Việc nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo các quy định an toàn và môi trường còn khá phổ biến, nhất là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Quản lý nhập khẩu chưa tốt làm nảy sinh hiện tượng gian lận thương mại, làm trầm trọng thêm sự bất ổn kinh tế và xã hội.

Xác định các mặt hàng đột phá

Để đẩy mạnh xuất khẩu, đã đến lúc xem xét không dàn đều, nặng về số lượng mà nên chọn ra một số (10 hoặc 20) mặt hàng xuất khẩu chủ lực để tập trung xây dựng cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển các mặt hàng này. Về thị trường cần tập trung các thị trường lớn, có tiềm năng để nghiên cứu, thâm nhập sâu rộng, đẩy mạnh xúc tiến, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đặt mối quan hệ kinh doanh vững chắc với các doanh nghiệp nước ngoài.

Để quản lý, hạn chế nhập siêu cũng nên chọn ra một số (trong 10 hoặc 20) nhóm hàng nhập khẩu lớn, kể cả nhóm hàng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu để tìm giải pháp quản lý và trong dài hạn phải xây dựng chiến lược, chính sách khuyến khích sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu.

Mục tiêu cân bằng xuất nhập khẩu vào năm 2020 đòi hỏi phải hoàn thiện chính sách thương mại, tạo ra các đột phá để tái cấu trúc thị trường và hàng hóa xuất nhập khẩu. Gắn kết thương mại nội địa với xuất nhập khẩu theo hướng chủ động tham gia mạng lưới sản xuất và phân phối toàn cầu. Chủ động đàm phán ký kết và khai thác lợi ích của các FTA với đối tác có tiềm lực kinh tế và công nghệ để đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.

PGS.TS Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại

Về thị trường nhập khẩu, phải có đối sách với các thị trường nhập siêu lớn. Vừa qua để kiềm chế nhập siêu, chúng ta đã quy định danh mục những hàng hóa hạn chế nhập khẩu hay kiểm soát nhập khẩu nhưng bị một số nước phản đối, cho rằng Việt Nam vi phạm cam kết gia nhập WTO.

Vấn đề đặt ra, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam nhưng chúng ta vẫn chưa có những nghiên cứu căn cơ để tìm giải pháp cân đối xuất, nhập khẩu nên tình trạng này kéo dài và ngày càng nặng nề. Đã đến lúc cần xem xét, tính toán thị trường xuất, nhập khẩu cụ thể để tiến đến cân đối, hóa giải thỏa đáng.

Bộ Công Thương đã đưa ra một số định hướng cụ thể phát triển xuất khẩu giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới phù hợp với xu hướng biến đổi của thị trường thế giới và lợi thế của Việt Nam là khâu đột phá. Các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo công nghệ trung bình và cao.

Theo đó, giai đoạn 2011-2015 tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và lao động rẻ (như thủy sản, nông sản, dệt may…). Giai đoạn 2016-2020 tập trung phát triển các mặt hàng công nghiệp mới, có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ và chất xám cao, trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào các ngành sản xuất định hướng. Bên cạnh đó cần khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…

Về định hướng nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ nguồn trên cơ sở khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với các nước có nền công nghiệp phát triển; hạn chế nhập khẩu hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ; có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu; ngăn chặn việc nhập lậu từ các nước ASEAN và Trung Quốc để bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu công nghệ nguồn.

 Tận dụng và khai thác cơ hội

Doanh nghiệp nước ta thời gian qua đã tỏ ra quan tâm hơn, tận dụng tốt hơn các ưu thế FTA mang lại. Năm 2010, gần 12% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN đã hưởng ưu đãi thuế, tăng so với mức 6% năm 2005; hàng xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế của Trung Quốc tăng từ 6,3% năm 2007 lên 21,7% năm 2010. Đặc biệt, có đến 79% hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế từ Hàn Quốc.

Cùng với sự mở rộng của các FTA trong khuôn khổ ASEAN, lợi ích xuất khẩu sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa nhờ các FTA song phương mà Việt Nam đã chủ động khởi xướng hoặc tham gia, như các FTA song phương Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Nga hay Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc thiết lập các FTA với EU, Hoa Kỳ và Nga sẽ hoàn tất chuỗi khu vực thương mại tự do mà Việt Nam tham gia với các đối tác kinh tế lớn trên thế giới.

Nông sản được coi là mặt hàng xuất khẩu có lợi thế trong giai đoạn 2011-2015. Ảnh: LÃ ANH

Nông sản được coi là mặt hàng xuất khẩu
có lợi thế trong giai đoạn 2011-2015. Ảnh: LÃ ANH

Tuy vậy, theo PGS.TS Trần Công Sách, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, đến nay trong việc tham gia các FTA, Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược tổng thể và lộ trình thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển xuất nhập khẩu nên vẫn còn bị động. Chúng ta vẫn chưa tận dụng cơ hội và điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Chẳng hạn, trong quan hệ FTA với Trung Quốc, Việt Nam đang bị thua thiệt ở cả chiều xuất và chiều nhập khẩu, thị phần của hàng Việt Nam tại Trung Quốc đã giảm từ 0,54% trong năm 2004 xuống 0,38% trong năm 2008 và chỉ nhích lên 0,49% trong năm 2010. Trong khi đó thị phần của hàng Trung Quốc tại Việt Nam đã tăng nhanh từ 14,3% năm 2004 lên 23,6% năm 2010, gấp 1,63 lần sau 7 năm thực hiện Chương trình thu hoạch sớm (EHP) và Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).

Theo ông Lê Quang Lân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), lợi ích của FTA không chỉ phụ thuộc vào vai trò định hướng của Nhà nước, mà quan trọng hơn là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm hiểu những cam kết thuế quan, quy tắc xuất xứ, các quy định về vệ sinh, kiểm dịch và các quy định kỹ thuật khác đang tác động đến hoạt động kinh doanh của mình; nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng, giá trị và trách nhiệm đối với uy tín  sản phẩm của mình. Từ phía các cơ quan quản lý, cần đặt ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu. 

Các tin khác