Thị trường tiền tệ

Hóa giải thách thức thanh khoản, lãi suất?

(ĐTTCO) - Đầu năm mới, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt nâng lãi suất huy động tiền đồng các kỳ hạn lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Lãi suất vay mượn lẫn nhau giữa các NH cũng tăng cao nhất trong 2 năm qua. Một số ý kiến cho rằng ngoài việc căng thẳng thanh khoản cục bộ do thời điểm cuối năm, còn do các NH dùng lãi suất nhằm giữ chân khách hàng, đảm bảo thanh toán trong hệ thống.

(ĐTTCO) - Đầu năm mới, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt nâng lãi suất huy động tiền đồng các kỳ hạn lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Lãi suất vay mượn lẫn nhau giữa các NH cũng tăng cao nhất trong 2 năm qua. Một số ý kiến cho rằng ngoài việc căng thẳng thanh khoản cục bộ do thời điểm cuối năm, còn do các NH dùng lãi suất nhằm giữ chân khách hàng, đảm bảo thanh toán trong hệ thống.

Đến hẹn lại lên và sức ép trái phiếu

Thị trường ghi nhận việc tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất từ trước đến nay, không chỉ ở khối NHTMCP mà cả các NH quốc doanh. Kể từ ngày 14-1, BIDV tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng thêm 0,2%, lên mức 5,5%/năm. Với kỳ hạn 9 tháng và kỳ hạn 364 ngày, lãi suất tại BIDV cũng tăng 0,1%, lên 5,5% và 6,1%/năm. Một NH khác cũng có mức tăng lãi suất huy động ấn tượng là MaritimeBank với mức tăng 0,4% đối với lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng lên mức 4,9%/năm.

Trái phiếu là kênh thu hút vốn dư thừa của các NH. Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng kinh doanh và chiến lược đầu tư vào trái phiếu NH năm 2016 khó kỳ vọng là kênh đầu tư này sẽ hấp dẫn giống như hồi năm 2014. Dù vậy các NH vẫn đầu tư vào TPCP để đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống. Vì thế, mặt bằng lãi suất huy động sẽ khó tăng mạnh trong thời gian tới, chỉ xoay quanh mức như hiện nay.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC

Trước đó, ACB nâng biểu lãi suất tiền gửi thêm 0,1-0,2% ở gần hết các kỳ hạn, Sacombank tăng 0,2-0,3% cho một số kỳ hạn ngắn. Eximbank nâng lãi suất tiền gửi từ 15 tháng trở lên 7,6%/năm, cao nhất trên thị trường. Ngoài ra các NH như VPBank, VietCapitalBank, Saigonbank, HDbank, LienVietPostbank, Techcombank cũng đã điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiền gửi của mình kể từ đầu năm 2016. Hiện tại, lãi suất liên NH đã tăng liên tục trong 2 tháng qua và là mức cao nhất trong 2 năm gần đây, với mức 5,3%/năm. Thoạt nhìn, động thái này của các NH được cho là “đến hẹn lại lên” vào mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, nhằm thu hút lượng tiền nhàn rỗi trong dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh của năm nay, theo đánh giá của giới phân tích, việc các NH đua tăng lãi suất hàng loạt do có phần căng thẳng thanh khoản. Trong cuộc đua này, nhiều NH nhỏ cũng phải gồng mình để giữ chân khách hàng.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng các NH hiện nay không phải chạy cơm từng bữa để lo thanh khoản như trước, bởi tỷ lệ cho vay so với huy động hiện ở mức 80%, thay vì 100% cùng kỳ các năm trước. Theo kế hoạch năm 2016, dư nợ tín dụng toàn hệ thống phấn đấu đạt 18-20%. Ông Thanh cho rằng  đây là mục tiêu khá cao, do đó từng NH phải tùy khả năng của mình để xây dựng kế hoạch phù hợp. Trước bối cảnh tín dụng đang trên đà tăng trưởng, cũng có ý kiến cho rằng việc các NH đua nhau hút tiền gửi của khách hàng có thể là bước chuẩn bị để sẵn sàng nguồn vốn cho thị trường năm 2016. Vì thế các NH phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng và gia tăng thị phần.

Một diễn biến khác trên thị trường tài chính đó là việc thu hút vốn của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP). Kể từ khi trái phiếu kỳ hạn ngắn được đưa vào đấu thầu trở lại, đã khiến thị trường này nhộn nhịp hẳn lên và cầu liên tục tăng cao. Tỷ lệ trúng thầu đạt 100% ngày càng nhiều với lượng đặt thầu cao gấp 2-3 lần. Riêng trong tháng 12-2015, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 11 phiên đấu thầu TPCP với tổng giá trị gọi thầu 62.400 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu 61.394 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98,4%. Đây là một tỷ lệ thành công cao so với vài tháng trước.

Cánh kéo tiền đồng - USD

Tại TPHCM, tiền gửi bằng ngoại tệ có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2015, nhưng không có sự dịch chuyển giữa VNĐ sang ngoại tệ. Diễn biến này chủ yếu do tỷ giá tăng mạnh trong tháng 8-2015, khi NHNN 2 lần điều chỉnh tỷ giá bình quân trên thị trường liên NH và 1 lần điều chỉnh biên độ giao dịch tỷ giá lên 3%. Tiền gửi ngoại tệ thời điểm này trên địa bàn tăng 7,8% so với tháng 7-2015 (tương ứng tăng 17.000 tỷ đồng). Tính chung trong cả năm 2015, huy động vốn bằng ngoại tệ của các NH ở TPHCM đạt 243.075 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng huy động vốn và tăng 14,82% so với cuối năm 2014. Vào ngày 18-12, NHNN chính thức đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%, doanh nghiệp cũng không lãnh lãi khi gửi USD.

NHNN sẽ có lộ trình triển khai để cơ chế tỷ giá trung tâm thực sự linh hoạt trong năm 2016. Tỷ giá linh hoạt sẽ là cơ sở quan trọng để NHNN có thể thực hiện cam kết chống đô la hóa trên thực tế, khi giao dịch USD trong nền kinh tế được chuyển từ quan hệ tín dụng sang quan hệ mua bán trên thị trường ngoại hối.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Xét về lãi suất, tiền đồng đang có lợi thế hơn với mặt bằng chung từ 5-6%/năm kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, nhưng theo ông Phạm Hồng Hải, thực tế những người gửi tiền bằng ngoại tệ cũng đang phải lựa chọn các cách thức khác nhau. Theo đó, có người chuyển đổi qua tiền đồng với lãi suất hấp dẫn hơn, có người vẫn để trong NH chấp nhận như một kênh an toàn không sinh lời, trong khi một số khác rút ngoại tệ ra cất giữ tại nhà. Do đó việc các NH phải duy trì một mức lãi suất huy động có sự chênh lệch đủ để hấp dẫn người gửi tiền đồng cũng là điều dễ hiểu. Ông Hải nhận định, sự chênh lệch giữa lãi suất 0% của USD so với các đồng tiền khác không phải quá lớn, do đó không quá quan ngại về việc rút USD ra khỏi NH. Tuy nhiên nếu Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất trong tương lai, chênh lệch lãi suất sẽ tạo ra sự lệch pha giữa 2 thị trường. Theo đó nhiều khả năng một số cá nhân và tổ chức sẽ tìm cách để hưởng lợi từ sự chênh lệch này. Dù chưa phải là mối lo lắng lớn hiện tại, nhưng trong tương lai chênh lệch sẽ lớn hơn. Ngoài ra, khi NH vẫn cung ứng bằng lượng vốn ngoại tệ vào nền kinh tế, nên nguồn huy động suy giảm mạnh sẽ là rủi ro trong tương lai đối với nhiều NH.

Hiện nay, với chính sách điều hành tỷ giá trung tâm, các doanh nghiệp không thể trông chờ vào sự ổn định tỷ giá như những năm trước. Trên thị trường ngoại hối quốc tế USD đã lên giá so với các đồng tiền chủ chốt khác kể từ quý III-2015, sau khi FED đưa ra kế hoạch sẽ nâng lãi suất, kết thúc giai đoạn 7 năm lãi suất được duy trì ở mức gần 0%. Với tình hình này, cùng với việc Trung Quốc cũng điều chỉnh tỷ giá thả nổi và chấp nhận biến động theo thị trường, NHNN sẽ rất khó tiếp tục đưa ra được một cam kết cứng với tỷ giá như những năm trước. Do đó, khi FED quyết định tăng lãi suất USD lên, nếu lãi suất tiền đồng không điều chỉnh, chắc chắn sẽ tạo áp lực lên tỷ giá VNĐ/USD. Với áp lực hiện nay, thị trường phải chấp nhận USD trong năm 2016 sẽ biến động nhiều hơn năm 2015. Dễ dàng nhận thấy tâm lý găm giữ ngoại tệ vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân, doanh nghiệp do kỳ vọng USD lên giá.

Nhiều NH buộc phải tăng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng. Ảnh: LONG THANH

Nhiều NH buộc phải tăng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng. Ảnh: LONG THANH

Khó giảm lãi suất

Tổng giám đốc HSBC lý giải, lãi suất huy động tăng lên, chi phí đầu vào của các NH cũng tăng lên, dẫn đến lãi suất cho vay cũng tăng. Hiện nay có 2 nhóm khách hàng chủ yếu. Đối với nhóm khách hàng có chất lượng, các NH không nâng lãi suất cho vay vì tính cạnh tranh trên thị trường và giữ chân họ. Như thế nhóm khách hàng có chất lượng không tốt sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Bản thân các NH sẽ có sự điều chỉnh lãi suất để vẫn đảm bảo duy trì mức lợi nhuận biên hợp lý. Lãi suất có khả năng sẽ tăng nhẹ trong thời gian sắp tới, tất nhiên NHNN sẽ duy trì mức cung tiền trong hệ thống để vẫn đảm bảo kích thích sự tăng trưởng.

Nhận định về xu thế lãi suất trong năm 2016, NHNN cho rằng sẽ khó giảm. Đây là một điều khá nghịch lý, bởi lạm phát trong năm 2015 ở mức rất thấp và dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2016. Thực vậy, CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với bình quân năm 2014, mức thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Như vậy, nếu so sánh với mức lãi suất huy động 6-7% và lãi suất cho vay 8-11%, lãi suất thực của người gửi tiền nhận được và người đi vay phải trả đang ở mức rất cao. Nếu so sánh với doanh nghiệp của các nước trong khu vực và trên thế giới, mức lãi suất doanh nghiệp Việt Nam đang phải trả cao hơn rất nhiều. Điều này ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp trong nước khi phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Như vậy, việc giảm lãi suất là rất cần thiết, song việc thực hiện lại không dễ dàng. Lãi suất năm 2016 dự báo khó giảm, dù lạm phát được dự báo vẫn ở mức thấp.

Các tin khác