Hàng Trung Quốc bán tràn lan

Từ núp bóng

Dù người tiêu dùng rất muốn nói không với hàng Trung Quốc do lo ngại chất lượng, nhưng vì nhiều nguyên nhân hàng Trung Quốc vẫn đang tràn ngập thị trường từ mớ rau, củ hành, thực phẩm, mỹ phẩm, thời trang cho đến các sản phẩm điện tử, điện máy…

Từ núp bóng

Hàng Trung Quốc bán tràn lan ảnh 1 

Biết được tâm lý lo ngại mua phải hàng Trung Quốc, đặc biệt là với các sản phẩm như thực phẩm, mỹ phẩm… của phần đông người tiêu dùng nên nhiều tiểu thương, người bán hàng đã khoác cho những sản phẩm của mình rất nhiều nguồn gốc xuất xứ. Có dịp ghé đến chợ Bình Tây (hay còn gọi là chợ Lớn) tại quận 6, TPHCM và đi vào gian hàng bán các loại bánh kẹo mới thấy rất nhiều sản phẩm bánh kẹo được bày bán.

Nếu có hỏi về nguồn gốc của những loại bánh kẹo này thì hầu hết tiểu thương đều khẳng định họ bán hàng Việt Nam, hàng Malaysia, Indonesia và Thái Lan… chứ tuyệt đối không bán hàng Trung Quốc. Song phần lớn những sản phẩm bánh kẹo này không ghi nguồn gốc rõ ràng, chủ yếu bán theo ký và giá thành khá rẻ và cũng không khó khăn gì để có thể tìm thấy những chiếc kẹo có ghi đầy chữ Trung Quốc. Không chỉ bánh kẹo mà trái cây cũng là một trong những mặt hàng mà nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Để giảm nhập siêu, đặc biệt từ Trung Quốc, không thể chỉ giải quyết được bằng các giải pháp thông thường là thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu, mà phải bằng một chương trình tổng thể, bằng nhiều giải pháp khác nhau, bằng việc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Trần Tuấn Anh,
Thứ trưởng Bộ Công Thương

Đi dọc đường Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng (từ quận 1 qua Phú Nhuận) sẽ dễ dàng mua được những sản phẩm trái cây “nhập ngoại” như táo, nho Hoa Kỳ, cam Australia… được dán tem cẩn thận với giá rất phải chăng và mức chênh lệch giá cũng khá cao từ 30.000-70.000 đồng/kg tùy sạp và tùy khả năng trả giá của người mua.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, những sản phẩm này phần lớn là hàng Trung Quốc núp bóng. Song cái đáng quan ngại hơn là không ít người tiêu dùng biết nhưng vẫn mua, chỉ đơn giản vì rẻ, làm quà biếu lại sang. “Mang trái cây đi biếu mà mua hàng Việt Nam thì xoàng quá, vào mấy cửa hàng nhập khẩu hay siêu thị giá lại cao. Mua ngoài sạp này giá rẻ hơn mà cho vào giỏ cũng chẳng khác nhau là mấy” - một phụ nữ đi mua trái cây chợ Tân Định nói.

Có một thời gian báo chí đưa tin rất nhiều về việc khoai tây Trung Quốc giả dạng khoai tây Đà Lạt bán tràn lan tại nhiều tỉnh, thành phía Nam. Có lẽ vì vậy nhiều người tiêu dùng khi đi mua hàng khá cẩn trọng đều hỏi thăm xem có phải hàng Trung Quốc hay không. Nhưng khi đi đến các khu chợ mua khoai tây hoặc cà chua, người bán luôn khẳng định 100% hàng Đà Lạt.

Nhưng nếu đem so sánh giữa cà chua Đà Lạt mua ngoài chợ và trong siêu thị sẽ thấy hàng chợ to đều hơn. Một chủ sạp rau củ (tại chợ Hạt Điều, quận 12) cho biết cà chua, hành tây, khoai tây, tỏi… bán ngoài chợ đến phân nửa là hàng Trung Quốc. “Nhưng bán mà nói hàng Trung Quốc thì bán cho ai” - chị nói. Và vẫn còn rất nhiều sản phẩm Trung Quốc núp bóng hàng Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… nhưng không phải lúc nào người tiêu dùng cũng đủ thông minh để nhận ra.

Đến công khai

Cũng là những sản phẩm nông sản, bánh kẹo… nói trên nhưng nếu mua về cho nhà hàng, quán ăn hoặc mua buôn tại các khu chợ đầu mối, người bán không ngại ngùng nói thẳng đó là hàng Trung Quốc hay Việt Nam. Người mua thích mua hàng nào thì tùy.

Thậm chí, ngay cả trong siêu thị Metro cũng bán tỏi Trung Quốc và được ghi bảng tên nguồn gốc, quốc gia khá rõ ràng. Một trong những mặt hàng khác mà hàng Trung Quốc đang áp đảo và cũng rất công khai đó chính là đồ chơi trẻ em. Không chỉ riêng khu vực quận 6 mà ở hầu hết các con phố của TPHCM, nơi nào bán đồ chơi cũng có hàng Trung Quốc.

Lâu nay nỗi lo đồ chơi Trung Quốc có chứa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến trẻ nhỏ vẫn bủa vây rất nhiều phụ huynh, nhưng nếu mua đồ chơi ngoại nhập giá quá cao, thông thường phải từ vài trăm đến cả triệu đồng, còn mua đồ chơi trong nước thì sản phẩm thiếu phong phú và chủ yếu là đồ chơi gỗ. Nên dù biết đó là hàng Trung Quốc nhưng nhiều người vẫn mua cho con chơi.

Cùng với những mặt hàng này, quần áo, túi xách và các mặt hàng thời trang nói chung hàng Trung Quốc có mặt ở mọi ngóc ngách. Và người ta cũng chẳng nhọc công giấu diếm nguồn gốc. Cũng tương tự các mặt hàng đồ chơi trẻ em, người tiêu dùng có quyền chọn mua từ những thương hiệu thời trang nhập ngoại hoặc hàng Việt Nam, nhưng vì hàng Trung Quốc giá quá rẻ và mẫu mã phong phú, đa dạng nên người tiêu dùng vẫn lựa chọn.

Nhìn vào một số thương hiệu thời trang Việt, vài năm trở lại đây đang phải thu hẹp kinh doanh, số lượng cửa hàng phải cắt giảm nhanh chóng mà một trong những cái tên tiêu biểu được nhắc tới là nhãn hàng FOCI, có thể thấy người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn với thời trang Việt, đặc biệt là người tiêu dùng ở các tỉnh, thành xa các thành phố lớn. Chính vì thế hàng Trung Quốc vẫn đang chiếm lĩnh.

Bằng nhiều hình thức hàng Trung Quốc vẫn khẳng định vị trí thống lĩnh ở thị trường Việt Nam. Và sức ép từ hàng Trung Quốc sẽ càng lớn hơn bởi với FTA ASEAN - Trung Quốc, chúng ta sẽ phải cắt giảm thuế cho nhiều mặt hàng.

Theo biểu thuế ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam cam kết cắt giảm 9.491 dòng thuế. Thuế suất trung bình giai đoạn 2015-2017 là 2,26%/năm và năm 2018 là 1,67%/năm; trong đó các mặt hàng theo danh mục thông thường cắt giảm thuế về 0%, các nhóm hàng nhạy cảm về mức 20% năm 2015. Và đến năm 2018, các mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm cao về 50%.

Cụ thể, từ 1-1 năm nay, theo Thông tư 166/2014/TT-BTC, có 3.691 dòng thuế giảm thuế suất xuống 0% so với năm 2014, nâng số dòng thuế bằng 0 lên mức 84,11% trong tổng biểu thuế, tập trung vào các nhóm mặt hàng: dầu mỡ động thực vật, chất dẻo, chất dẻo nguyên liệu, đồ nội thất, các sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, máy vi tính và các sản phẩm linh kiện điện tử, vải may mặc, nguyên phụ liệu dệt may, da giày...

Các tin khác