Hai điểm sáng TPHCM

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển dần sang lĩnh vực dịch vụ và nhiều dự án FDI tăng vốn được xem là 2 điểm sáng của bức tranh thu hút FDI TPHCM trong 6 tháng đầu năm nay.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển dần sang lĩnh vực dịch vụ và nhiều dự án FDI tăng vốn được xem là 2 điểm sáng của bức tranh thu hút FDI TPHCM trong 6 tháng đầu năm nay.

Tăng vốn mở rộng đầu tư

Theo báo cáo kinh tế-xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2012 của  UBND TPHCM, vốn FDI vào TPHCM từ đầu năm đến nay của các nhà đầu tư mới có xu hướng giảm mạnh. Theo đó, trong 6 tháng thành phố đã cấp mới 178 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 248 triệu USD, giảm 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay toàn thành phố có 4.243 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 31 tỷ USD. Ngoài nguyên nhân do tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới, còn xuất phát từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố thời gian qua.

Cụ thể, trong giai đoạn chuyển mình theo quy hoạch hướng đến giảm thiểu các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao và dịch vụ, TPHCM không tiếp nhận các dự án đầu tư thâm dụng lao động với giá rẻ như nhiều năm trước.

Mặt khác, các dự án đầu tư vào bất động sản chiếm nhiều vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua giảm mạnh do thị trường này bị đóng băng. Từ đầu năm đến nay, mới có 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực này, với tổng vốn đầu tư 630.000USD, bằng 0,25% so với cùng kỳ năm 2011.

Tương tự, dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao cũng có xu hướng chững lại, do 2 điểm nghẽn là công nghiệp phụ trợ và nhân lực chất lượng cao vẫn là nỗi lo của nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vốn FDI mới giảm, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại TPHCM lại đẩy mạnh tăng vốn để mở rộng đầu tư. Theo số liệu của Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM, trong 6 tháng đầu năm nay toàn thành phố có 50 dự án FDI đang hoạt động đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 495 triệu USD, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng này cao gấp đôi so với vốn đăng ký của những dự án FDI mới được cấp giấy phép. Đặc biệt các nhà đầu tư hiện hữu tăng vốn để tăng cường quy mô sản xuất, mở rộng kinh doanh, bổ sung thêm ngành nghề mới… Trong số các dự án tăng thêm vốn nhiều, gồm Nhà máy Bia Việt Nam (Singapore) tăng thêm 68,1 triệu USD, Lotte Việt Nam (Hàn Quốc) tăng thêm 25 triệu USD, BMS Việt Nam (Singapore) tăng 11,8 triệu USD, Sankyu Việt Nam (Nhật Bản) tăng thêm 9,5 triệu USD…

Một số doanh nghiệp khác cũng đang nghiên cứu tiếp tục mở rộng đầu tư tại TPHCM như Nidec của Nhật Bản.

Chuyển dịch tích cực

Theo Sở KH-ĐT TPHCM, luồng vốn đầu tư FDI vào thành phố đang đi theo đúng định hướng đề ra là tăng dần tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ (chiếm hơn 50% tổng vốn FDI trong 6 tháng qua), công nghiệp chế biến. Lĩnh vực dịch vụ đang trở thành trọng tâm trong thu hút FDI tại TPHCM.

Lotte là một trong những dự án FDI của TPHCM tăng thêm vốn đầu tư. Ảnh: LÃ ANH

Lotte là một trong những dự án FDI của TPHCM tăng thêm vốn đầu tư. Ảnh: LÃ ANH

Theo số liệu của sở này, lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn 50% tổng vốn FDI. “Vốn FDI đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, giảm dần tỷ trọng các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng. Đây là hướng đi phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM” - ông Lư Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, chia sẻ.

Điều này được thể hiện rõ qua tỷ lệ thu hút vốn FDI của các ngành tại TPHCM. Cụ thể, lĩnh vực y tế, hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 33,8%; công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm 32%; bán buôn - bán lẻ, dịch vụ sửa chữa ô tô - mô tô… chiếm 18,6%.

Lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu hút FDI cho thấy TPHCM đang tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế ở phía Nam, là nơi tập trung các văn phòng đại diện, giao dịch của các công ty và các ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng, các hệ thống hỗ trợ, kết nối kinh doanh.

Gỡ rối cấp lại phép

Hiện nay tại TPHCM có 27 doanh nghiệp FDI đang hoạt động (với tổng vốn đầu tư 672 triệu USD, vốn điều lệ 634,4 triệu USD) sẽ hết hạn hoạt động vào cuối năm 2012 đang chờ được đăng ký lại. Giải thích việc này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho biết theo quy định tại Điều 3, Luật sửa đổi một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản, 27 doanh nghiệp này sẽ phải giải thể, chấm dứt hoạt động, không được quyền gia hạn khi giấy phép đầu tư hết hạn, vì không tiến hành các thủ tục đăng ký lại trước ngày 1-7-2011.

Trong 2 phương án đệ trình Chính phủ, Bộ KH-ĐT nghiêng về phương án Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII vào kỳ họp cuối năm 2012 ban hành Nghị quyết bỏ Khoản 2, Điều 170, Luật Doanh nghiệp năm 2005 mà không chờ sửa Luật Doanh nghiệp (được thực hiện vào năm 2103). “Nếu thực hiện theo phương án này, thời hạn đăng ký lại sẽ được xóa bỏ” - ông Hoàng phân tích.

Phương án thứ hai trong đề xuất của Bộ KH-ĐT là Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các doanh nghiệp FDI tiếp tục được đăng ký lại cho đến khi sửa Luật Doanh nghiệp.

Nếu phương án xóa bỏ thời hạn đăng ký lại được chấp thuận, không chỉ 27 doanh nghiệp FDI trên, mà khoảng 3.000 doanh nghiệp FDI trên cả nước thuộc diện phải đăng ký lại, nhưng chưa tiến hành đăng ký (trong tổng số 6.000 doanh nghiệp FDI được cấp phép trước khi Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời) sẽ không bị giới hạn bởi khuôn khổ giấy phép đầu tư đã được cấp trước đó.

“Các doanh nghiệp, dự án FDI được cấp phép trong giai đoạn này đã có thời gian sản xuất, kinh doanh ổn định, có hiệu quả, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, có đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp khó xoay xở với ngành nghề, sản phẩm hiện tại, nếu được tháo gỡ về thời hạn đăng ký lại sẽ giúp họ vượt khó thuận lợi hơn, tiếp tục đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” - ông Hoàng nói.

Các tin khác