Hạ lãi suất: Tác dụng lan tỏa đến đâu?

Động thái NHNN vừa tiếp tục hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống với kỳ vọng kéo giảm lãi suất cho vay, được xem là nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, bởi hạ trần lãi suất huy động chỉ có thể kéo giảm lãi suất đối với các khoản vay lưu động ngắn hạn, trong khi doanh nghiệp (DN) hiện nay đang cần nguồn vốn trung và dài hạn.

Động thái NHNN vừa tiếp tục hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống với kỳ vọng kéo giảm lãi suất cho vay, được xem là nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, bởi hạ trần lãi suất huy động chỉ có thể kéo giảm lãi suất đối với các khoản vay lưu động ngắn hạn, trong khi doanh nghiệp (DN) hiện nay đang cần nguồn vốn trung và dài hạn.

Đầu vào ổn định

Theo quy định về trần lãi suất huy động NHNN mới ban hành, từ ngày 29-10, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 5,5%/năm. Theo đó, các NHTM đã tiến hành điều chỉnh biểu lãi suất huy động, lãi suất kỳ hạn 6 tháng được đưa về mức 5,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng dao động 4,3-5,5%/năm.

Đây là lần điều chỉnh trần lãi suất thứ 2 trong năm 2014 của NHNN. Nếu tính từ thời điểm lãi suất NH ở mức cao nhất 14%/năm hồi tháng 8-2011, đến nay NHNN đã 9 lần điều chỉnh trần lãi suất huy động, với mức giảm tổng cộng 8,5%.

Hạ lãi suất huy động là biện pháp để tác động đến lãi suất cho vay ngắn hạn lẫn trung và dài hạn. Nhưng trước mắt chỉ tác động đến lãi suất cho vay ngắn hạn. Để giảm lãi suất trung và dài hạn phải có độ trễ, không thể tác động tức thì. Động thái của NHNN nhằm tạo tác động, định hướng để kéo giảm lãi suất, còn việc kéo giảm phụ thuộc vào NHTM.

TS. Trần Du Lịch,
Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội

Ghi nhận tại chi nhánh, phòng giao dịch của các NH vào những ngày cuối tuần qua, những người dân có tiền gửi đến thời điểm đáo hạn không khỏi đắn đo giữa việc tiếp tục gửi tiền hay rút ra đầu tư vào kênh khác khi biết thông tin lãi suất hạ.

Tuy nhiên đa số vẫn tiếp tục chọn gửi tiền vào NH sau khi cân nhắc lợi ích giữa các kênh đầu tư. Các NHTM cũng cho biết tình hình huy động vẫn diễn ra bình thường, nguồn vốn ngắn hạn không có dấu hiệu sụt giảm.

Điều này đã nằm trong tầm kiểm soát của NHNN, khi tại phiên họp báo thường kỳ thông báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động NH tháng 10 và 10 tháng năm 2014, bà Nguyễn Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết đến ngày 24-10, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, huy động vốn tăng 11,88% so với cuối năm 2013; trong đó huy động vốn VNĐ tăng 13,17%, thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo và dư thừa, lãi suất trên thị trường liên NH giảm và ổn định ở mức thấp.

Theo bà Hà trong điều kiện mặt bằng lãi suất VNĐ giảm, kênh gửi tiền vào hệ thống NH vẫn tăng trưởng, cho thấy đây vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân.

Trên thực tế, việc hạ lãi suất huy động chưa tác động đến xu hướng đầu tư của người dân do các kênh đầu tư khác chưa đủ sức hút đối với nhà đầu tư. Cụ thể, sau khi được NHNN siết chặt, vàng đã sớm mất ngôi vị kênh đầu tư vua, nhà đầu tư không còn cơ hội lướt sóng để thu lợi.

Kênh ngoại tệ cũng kém sức hấp dẫn khi NHNN không điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên NH mà giữ ổn định như hiện nay. Đồng thời, lãi suất tiền gửi USD thấp hơn nhiều so với VNĐ, trong khi gửi VNĐ kỳ hạn trên 6 tháng người gửi tiền có thể thỏa thuận lãi suất lên đến 7-8%. Các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản dù đã khởi sắc nhưng chưa thật sự an toàn.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ, lạm phát tháng 10 được kiểm soát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,11% so với tháng 9; CPI 10 tháng tăng 2,36% so với đầu năm, là mức thấp nhất so với cùng kỳ 11 năm qua. Theo đó, VNĐ không bị mất giá nhiều, gửi tiền đồng vẫn đảm bảo được lãi suất thực dương. Đây là điều kiện để NHNN tiến hành hạ lãi suất không lo ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống.

Đầu ra đáp ứng ngắn hạn

Cùng với quyết định hạ trần lãi suất huy động, NHNN cũng yêu cầu các NHTM giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ với một số ngành kinh tế ưu tiên từ 8%/năm xuống 7%/ năm. Theo nhận định từ bộ phận nghiên cứu của HSBC, động thái này của NHNN thể hiện nỗ lực thúc đẩy cầu nội địa và hy vọng việc giảm trần lãi suất huy động sẽ kích thích chi tiêu, các NH giảm lãi suất cho vay để tăng trưởng tín dụng năm 2014 đạt mục tiêu 12-14%.

Có thể nói, cách thức điều hành lãi suất của NHNN trong bối cảnh hiện nay là phù hợp nhưng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Bởi lẽ, khi hạ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và thả nổi kỳ hạn dài hơn, NH chỉ có thể hạ lãi suất cho vay ngắn hạn để bơm vốn lưu động cho DN.

Thời gian qua các NH liên tục tung ra các gói tín dụng ngắn hạn với lãi suất ưu đãi, nhưng hàng ngàn tỷ đồng được NH cấp hạn mức cho vay đang trong cảnh ế ẩm vì cung không gặp cầu. DN sẵn sàng vay lại không đáp ứng được tiêu chí của NH, trong khi DN tốt, đủ điều kiện vay được nhiều NH chạy đua mời chào lại không vay.

Khi NHNN hạ trần lãi suất huy động, dư luận đặt ra câu hỏi liệu có phải là tín hiệu tốt, là điều kiện để DN nhận được dòng vốn có lãi suất thấp để phát triển? Tôi chắc chưa ai có thể trả lời ngay thời điểm này. Nhưng trước mắt động thái này nhằm mục tiêu giúp NH giảm chi phí, giải quyết bài toán lỗ, hơn là mở rộng chính sách tín dụng cho DN.

Ông Lê Trọng Nhi,
Chuyên gia NH

Nói như vậy không có nghĩa DN tốt không muốn vay vốn, mà hiện nhu cầu của các DN này đang tập trung ở nguồn vốn vay trung và dài hạn. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi thánh TPHCM, trong 9 tháng năm 2014, dư nợ tín dụng trung, dài hạn trên địa bàn đạt trên 49% tổng dư nợ, tăng hơn 4% so với đầu năm 2014 và hiện nhu cầu vốn vẫn rất lớn, trong khi NH không đủ vốn để đáp ứng.

Thực tế này được nhiều NHTM chia sẻ do xu hướng của người dân khi gửi tiền tại NH thường chọn kỳ hạn ngắn hoặc kỳ hạn 12, 13 tháng, ít chọn các kỳ hạn dài để NH linh hoạt trong việc sử dụng nguồn tiền. Trong khi đó, NHNN chỉ cho NHTM vay tái cấp vốn kỳ hạn ngắn, chưa cho vay trung, dài hạn nên nguồn vốn kỳ hạn này không nhiều.

Báo cáo của một số NHTM cho thấy hiện nay tỷ lệ huy động vốn trung và dài hạn cao nhất khoảng 15-20% tổng huy động vốn, không đủ cho vay trung, dài hạn, nên các NH phải bù đắp từ nguồn huy động ngắn hạn.

Theo quy định của NHNN, NHTM chỉ được dùng tối đa 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để đảm bảo an toàn. Song đến thời điểm này, một số NH đã sử dụng hết hạn mức, nên nguồn vốn để cho vay trung và dài hạn không còn. Tuy nhiên, khi huy động và cho vay trung, dài hạn đang có khoảng cách khá lớn buộc phải bù đắp từ huy động ngắn hạn, đã khiến nhiều NH đối mặt với rủi ro trong thanh khoản.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng

Rủi ro cao từ hoạt động cho vay cũng kéo theo lãi suất vay trung, dài hạn luôn được ấn định ở mức cao. Không chỉ vậy, với tầm nhìn và định hướng chính sách chưa ổn định, các NHTM chắc chắn sẽ không cố định một mức lãi suất khi cho vay trung hạn 2-3 năm trở lên, mà áp dụng lãi suất thả nổi khiền nhiều DN ngần ngại vay. Hơn nữa, thực tế cho thấy khi trần lãi suất huy động hạ, các NH cần có độ trễ trong việc hạ lãi suất cho vay vì các khoản huy động trước đây vẫn phải trả lãi cao.

Thông thường, độ trễ này kéo dài 3-5 tháng, tức phải đến đầu năm 2015 NH mới có thể hạ lãi suất cho vay. Chính vì vậy dù Thống đốc NHNN đã yêu cầu NHTM hạ lãi suất cho vay 5 nhóm ưu tiên xuống 7% nhưng cũng chỉ tác động đến lãi suất cho vay ngắn hạn, còn lãi suất trung hạn diễn biến ra sao tùy thuộc vào các NHTM.

MB tư vấn cho khách hàng biểu lãi suất mới. Ảnh: LONG THANH

MB tư vấn cho khách hàng biểu lãi suất mới. Ảnh: LONG THANH

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, CPI và lạm phát năm nay dự kiến thấp nên việc giảm lãi suất thể hiện chính sách nới lỏng về tiền tệ. Khi lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện cho NHTM giảm lãi suất cho vay. Giải pháp này có thể làm tăng dòng vốn rẻ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Trước mắt, NHNN đã kéo giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 8%/năm xuống còn 7%/năm đối với 5 nhóm ngành ưu tiên. Tiếp theo, việc hạ lãi suất tạo điều kiện kéo giảm lãi suất trung và dài hạn để kích thích DN tốt vay đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện nay, nếu lãi suất trung hạn ở mức 8-9%/năm có thể kích thích được nhu cầu tín dụng của DN. Tuy nhiên, NH cho vay như thế nào còn phụ thuộc vào độ tín nhiệm của khách hàng.

Trong khi đó, theo quan điểm của một số chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm cũng khó đạt mục tiêu 12-14%. Bởi DN vay ngắn hạn mới được hưởng lãi suất linh hoạt 7%/năm, còn vay dài hạn vẫn phải chịu mức lãi suất 11%/năm.

Nhìn trên lý thuyết, giải pháp hạ lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn lần này của NHNN chỉ thuận lợi cho dòng vốn rẻ ngắn hạn chảy vào mùa sản xuất kinh doanh cuối năm. Dòng vốn tín dụng khó có thể khơi thông trong thời gian ngắn khi chỉ còn 2 tháng nữa kết thúc năm 2014, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến ngày 24-10 mới đạt 7,85%.

Các tin khác