GPMB sân bay Long Thành: Tách biệt nhà đầu cơ và người dân

(ĐTTCO) - Đó là vấn đề được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Cần cơ chế đặc thì đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống cho người dân” được tổ chức tại Hà Nội ngày 30-10.

(ĐTTCO) - Đó là vấn đề được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Cần cơ chế đặc thì đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống cho người dân” được tổ chức tại Hà Nội ngày 30-10.

 

Tổng diện tích phải thu hồi để xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành là 5.000 ha. Trong đó, diện tích xây dựng hạ tầng cảng là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha, diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ, logistics, công nghiệp phụ trợ hàng không, các công trình thương mại khác 1.200 ha.

Số liệu khảo sát điều tra của UBND tỉnh Đồng Nai cho thấy, để thực hiện dự án Sân bay quốc tế Long Thành sẽ phải thu hồi đất của 4.730 hộ dân với 14.994 nhân khẩu và 26 tổ chức. Trong đó có 4.330 hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng. Tổng dự toán chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng hạ tầng tái định cư theo tính toán của UBND tỉnh Đồng Nai là 18.574 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang xây dựng dự thảo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, tỉnh đã chủ động xây dựng khung chính sách, phương án bồi thường để trình các bộ ngành cho ý kiến. Để ổn định cuộc sống của người dân cần có quá trình cần nhiều thời gian.

UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 2 khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn (282,35 ha) và Bình Sơn (282,3 ha) trên khu đất do Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý. Tổng mức đầu tư 2 khu tái định cư khoảng 5.390 tỷ đồng, trong đó chi phí lập quy hoạch, thiết kế khoảng 30 tỷ đồng, bồi thường, hỗ trợ khoảng 360 tỷ đồng, thi công, xây dựng hạ tầng tái định cư 5.000 tỷ đồng.

Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, việc tách hạng mục GPMB ra thành dự án riêng để chuẩn bị cho xây dựng cần lưu ý đến vấn đề pháp lý. Trong nghị quyết Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện xây dựng phương án thu hồi đất 1 lần nên về mặt pháp lý hoàn toàn có thể triển khai.

Nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ, nên chăng cơ chế đền bù, GPMB siêu dự này cần được giải quyết bằng một Nghị định của Chính phủ. Bởi dự án này có nhiều đặc thù, trong khi Luật đất đai có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan. Muốn giải quyết được cơ chế đặc thù cần một nghị định quy định để vượt qua các quy định của thông tư, nghị định khác, như vậy mới triển khai nhanh được.

Từ kinh nghiệm của TPHCM, TS Trần Du Lịch, cho rằng chính sách về bồi thường, GPMB phải tách ra, chính sách với người dân khác, chính sách với các nhà đầu cơ phải khác. Tôi tâm tư điều này hàng chục năm nay, cách đền bù của ta là khuyến khích đầu cơ đất nông nghiệp, theo kiểu không cần biết ai sở hữu, cứ tiền trao cháo múc.

Đền bù thì theo kiểu "tiền trao cháo múc" nhưng chính sách hỗ trợ đi kèm thì chỉ nên dành cho người dân sinh sống tại Long Thành chứ không thể hỗ trợ cho các nhà đầu cơ đến từ TPHCM và các nơi khác. Với đất ở cũng vậy, chỉ những người dân sinh sống tại Long Thành mới được hỗ trợ đi kèm với tiền đền bù GPMB.

Cần tách đền bù và hỗ trợ, nhiều dự án tại TPHCM phần hỗ trợ lớn hơn đền bù. Các khoản hỗ trợ tái định cư, đào tạo nghề, tìm việc làm, ổn định đời sống sản xuất… là rất lớn. Cần tách bạch giữa đền bù GPMB và các chính sách hỗ trợ cho người thuộc diện GPMB để những người dân sinh sống tại Long Thành được hưởng chính đáng. TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc đền bù 5000 ha đất diễn ra trong 10 năm, kéo dài vậy trong thời gian chưa làm thì có nên thu ngay hết đất người dân? Cần dự liệu lộ trình thực hiện thu hồi đất cho phù hợp. Hơn nữa, trong thuyết minh dự án GPMB sân bay Long Thành cần tách biệt 2 nhóm đền bù: nhóm đền bù căn cứ theo Luật đất đai; nhóm đền bù đặc thù. Trong vận dụng đặc thù có điểm nào trái Luật đất đai không? Đặc thù vượt Luật đất đai thì Chính phủ không giải quyết được mà cần trình Quốc hội cho ý kiến.

Tiền ở đâu ?

Ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai kiến nghị thực hiện bồi thường, GPMB ngay từ bây giờ, bởi theo tính toán của tỉnh, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của bước 1 với 2.750 ha đất dự án và khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn để giao chủ đầu tư triển khai thì cần thời gian ít nhất 3 năm để kịp mốc 2018 triển khai. Nếu chậm bồi thường, chắc chắn bức xúc của người dân trong vùng dự án sẽ tăng lên. Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị thực hiện công tác bồi thường một lần, xây trước khu tái định cư cũng như cần một cơ chế đặc thù về quy trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch xây dựng khu hạ tầng tái định cư.

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, với tình hình Tân Sơn Nhất hiện nay, dự án sân bay Long Thành tiến hành được sớm ngày nào, dân được nhờ ngày đó. Theo ông Lịch, phải tách GPMB, tái định cư thành tiểu dự án riêng. Nghị quyết Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng phương án cụ thể, chỉ đạo thu hồi đất một lần, như vậy Chính phủ có pháp lý để làm, việc chuẩn bị cho giãn dân lấp nền có thể làm trước, không phải chờ quyết định đầu tư… Dự kiến chính sách hỗ trợ, đền bù trình Thủ tướng phê duyệt dưới hình thức quyết định của Thủ tướng, nhưng ông Lịch kiến nghị được ban hành dưới hình thức Nghị định của Chính phủ.

Đồng tình với ý kiến của ông Lịch về khuôn khổ pháp lý, tuy nhiên, theo TS Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách, nhưng vấn đề là “tiền đâu?”. Ngân sách phải lo, nhưng chúng ta muốn 100, ngân sách chỉ lo được 30, 40, đây cũng là vấn đề thực tiễn mà tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT phải có giải trình rất cụ thể để dòng tiền tương thích với nhu cầu thực tế. Ông Phước cũng gợi ý, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, có thể dùng cách nhà nước và nhân dân cùng làm. Ví dụ như phát hành trái phiếu, tín phiếu mà gần 5.000 hộ dân sẽ là người mua, ví dụ đền bù 3 tỉ đồng thì đưa trước cho người dân 1 tỉ, còn lại mua trái phiếu trả lãi, nhưng quyết định cuối cùng là người dân.

Tiếp nối quan điểm nguồn ngân sách đang khó khăn, theo TS Lịch, Đồng Nai có đặc điểm rất thuận lợi, là tỉnh điều tiết về T.Ư, riêng phần thu nội địa ước tính khoảng 12.000 tỉ đồng (theo cơ chế nộp về T.Ư 51% - địa phương 49%). Cho rằng “anh Phước nói hay nhưng người dân muốn khi đền bù là tiền tươi thóc thật”, ông Lịch khuyến nghị Đồng Nai có thể phát hành đi vay theo tiến độ đền bù, hằng năm số vay phải trả bao nhiêu thì khấu trừ vào phần phải nộp T.Ư. Khi có sân bay rồi thì nguồn thu cực lớn, mỗi năm mất vài nghìn tỉ giảm đi nộp ngân sách, vài năm sau thu trở lại.

Tuy nhiên, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội Quốc hội nêu, toàn bộ nguồn lực là thẩm quyền của Chính phủ, việc đề nghị Đồng Nai xin rút lại một phần ngân sách hằng năm để đầu tư sẽ phá vỡ cơ chế chung của quốc gia, bán trái phiếu cho chính đối tượng chịu tác động cũng chưa hợp lý.

(Theo Thanh niên)

Các tin khác