Gỡ nút thắt cổ phần hóa

(ĐTTCO) - Kế hoạch 2 năm cuối 2014-2015 cổ phần hóa (CPH) 432 doanh nghiệp đã không đạt được khi đến nay chỉ 353 doanh nghiệp được CPH. Chính điều này đã khiến mục tiêu khả thi nhất là đến hết năm 2015 chỉ CPH được 90% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chậm trễ đã được mổ xẻ, cũng như biện pháp đã được đưa ra, kỳ vọng việc CPH thời gian tới khởi sắc hơn.

(ĐTTCO) - Kế hoạch 2 năm cuối 2014-2015 cổ phần hóa (CPH) 432 doanh nghiệp đã không đạt được khi đến nay chỉ 353 doanh nghiệp được CPH. Chính điều này đã khiến mục tiêu khả thi nhất là đến hết năm 2015 chỉ CPH được 90% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chậm trễ đã được mổ xẻ, cũng như biện pháp đã được đưa ra, kỳ vọng việc CPH thời gian tới khởi sắc hơn.

Chậm do thị trường và... chây ì

Ngày 21-10, toàn bộ hơn 4,95 triệu cổ phần của Bệnh viện Giao thông Vận tải đã được đấu giá thành công với mức giá trung bình gần 23.600 đồng - gấp gần 2,3 lần giá khởi điểm. Với phiên đấu giá này, bệnh viện này đã thu về hơn 116,8 tỷ đồng. Đây là bệnh viện công lập đầu tiên được thí điểm CPH theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo phương án CPH đã được phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm giữ 30% vốn điều lệ, tương ứng 5,04 triệu cổ phần. Thế nhưng, trường hợp CPH nêu trên chỉ là điểm sáng hiếm hoi trong hoạt động IPO năm 2015. Bởi lẽ, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), số cổ phần bán thành công trong 836 triệu cổ phần chào bán, tỷ lệ chỉ đạt 38%. Đồng thời, trong tổng số 93 doanh nghiệp IPO (tính đến 20-10) chỉ 55 doanh nghiệp đạt trên 90% tổng số cổ phần chào bán.  

Năm 2015, công tác đấu giá cổ phần khởi sắc đã hỗ trợ tích cực chương trình CPH doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, tính đến 30-11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 81 đợt đấu giá với giá trị cổ phần bán được đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cả năm 2014. Trong đó, hơn 77% số phiên đấu giá là đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của doanh nghiệp nhà nước, thu về cho Nhà nước hơn 3.800 tỷ đồng.

Báo cáo của HNX

Sự khó khăn trong sức cầu của thị trường được đánh giá là nguyên nhân quan trọng khiến việc CPH doanh nghiệp nhà nước năm 2015 dự kiến chỉ đạt tối đa 90% kế hoạch (459 doanh nghiệp) giai đoạn 2011-2015. Thế nhưng nếu chỉ lấy lý do thị trường để biện minh cho việc không hoàn thành kế hoạch CPH cũng chưa hẳn hợp lý. Bởi lẽ, số liệu tại cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa qua, đã cho thấy có rất nhiều bộ, ngành, địa phương hầu như không triển khai thực hiện công tác này. Đó là Bộ Tài nguyên - Môi trường không CPH được doanh nghiệp nào trong số 5 doanh nghiệp; Bộ Thông tin -Truyền thông thực hiện 0/4 doanh nghiệp; tỉnh Bình Dương 0/3 doanh nghiệp; Bình Phước 0/3 doanh nghiệp; Đắk Lắk 0/3 doanh nghiệp; Gia Lai 0/3 doanh nghiệp... Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chậm trễ phải có giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành kế hoạch; xác định nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân không hoàn thành kế hoạch CPH.

 Sandeep Mahajan, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, từng chỉ ra nguyên nhân khiến quá trình CPH chậm không phải do nhà đầu tư không mặn mà với doanh nghiệp nhà nước, mà chính là việc Nhà nước vẫn nắm giữ phần vốn quá lớn tại nhiều doanh nghiệp sau cổ phần, dù nhiều trong số đó không phải là ngành chính. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn quan ngại sự minh bạch thông tin số nợ của doanh nghiệp nhà nước trước khi bán, sự minh bạch trong quá trình thẩm định và định giá... Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng chỉ ra nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ CPH chậm còn bao gồm cả việc xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành CPH gặp không ít khó khăn, nhất là trong xác định giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế, quyền thuê đất; định giá cao hơn so với thị trường; việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án CPH chưa đảm bảo tiến độ...

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 60 liên quan đến niêm yết là yêu cầu doanh nghiệp lên sàn nhanh hơn. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH dưới hình thức chào bán cổ phần ra công chúng đáp ứng đầy đủ điều kiện niêm yết, phải nộp hồ sơ niêm yết ngay sau khi kết thúc đợt chào bán và báo cáo kết quả cho UBCKNN. Thế nhưng, với việc chậm trễ trong CPH, không ít doanh nghiệp sẽ tiếp tục chây ì việc công khai minh bạch thông qua đăng ký giao dịch hay niêm yết.

Kỳ vọng khởi sắc

Những giải pháp quan trọng trong việc tăng sức cầu của thị trường nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình CPH đã được ban hành. Cụ thể, Bộ Tài chính đã hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bán cổ phần theo lô; Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài... Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ chủ động rà soát, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn để xử lý ngay theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ngoài các giải pháp về thị trường, theo các chuyên gia, để quá trình CPH không lặp lại vết xe đổ chậm trễ thời gian qua, cần phải thực hiện xử lý nghiêm lãnh đạo không thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch sắp xếp, CPH doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp thuộc diện khó hoàn thành CPH. Trong 2 tháng cuối năm 2015, quyết tâm hoàn thành CPH khoảng 50 doanh nghiệp và công bố giá trị doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp còn lại. Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, dù kết quả CPH chưa được như mong đợi nhưng cũng đã đạt những bước tiến đáng kể trong tiến trình thực hiện.

Như vậy, theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020 sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp sẽ phải CPH. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết tiến trình CPH doanh nghiệp thời gian tới có nhiều thuận lợi khi mọi cơ chế đã rõ ràng. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu phải thực thi một cách quyết liệt. Cùng với đó cần tiếp tục cải thiện thông tin minh bạch để tiếp tục CPH, thu hút nhà đầu tư nước ngoài; giảm tỷ lệ nắm giữ tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ nhiều...

Các tin khác