Gỡ hàng tồn mới kết nối doanh nghiệp-ngân hàng

Khó khăn lớn nhất đang bao trùm hầu hết doanh nghiệp (DN) nước ta hiện nay là hàng hóa tồn kho cao. Vì vậy, vấn đề cấp thiết trong thời điểm này là cần có ngay một số giải pháp tích cực để hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm.

Khó khăn lớn nhất đang bao trùm hầu hết doanh nghiệp (DN) nước ta hiện nay là hàng hóa tồn kho cao. Vì vậy, vấn đề cấp thiết trong thời điểm này là cần có ngay một số giải pháp tích cực để hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm.

Càng khó khăn DN càng lộ yếu kém

Khó khăn của các DN hiện nay gồm: chi phí đầu vào quá cao, thiếu vốn lưu động và đầu tư, hàng tồn kho cao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; không đáp ứng được các điều kiện cho vay của ngân hàng (NH), như không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, không có tài sản để thế chấp, có nợ xấu, nợ quá hạn cao, không có khả năng tiếp tục hoạt động…

Nguyên nhân của thực trạng trên do chủng loại hàng hóa chưa phong phú, sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn; quản trị điều hành của DN yếu kém.

Ngoài ra, năng lực tài chính của DN quá nhỏ, đặc biệt quản lý quỹ vĩ mô về công tác xuất nhập khẩu còn yếu kém, chưa tạo được hàng rào kỹ thuật để bảo vệ DN trong điều kiện nền kinh tế suy thoái.

Về phía NH cũng đang gặp nhiều khó khăn như: sự mất cân đối giữa huy động và cho vay. Tính đến cuối tháng 8-2012 so với đầu năm, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng khoảng 1,4%, trong khi vốn huy động trên 10%. Dư nợ cho vay tăng trưởng thấp do tăng trưởng kinh tế chậm, GDP giảm và tiêu thụ sản phẩm dịch vụ giảm, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản.

Các NH thương mại (NHTM) khó khăn trong tăng trưởng tín dụng còn do khách hàng vay vốn không đủ điều kiện để cho vay theo quy định, DN không chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và khả năng trả nợ NH. Các NHTM không thể cho vay dưới chuẩn, vì bài học cho vay dưới chuẩn của Hoa Kỳ từ những năm trước, đã cho thấy về lâu dài không chỉ hệ thống NHTM, mà cả nền kinh tế đều phải trả giá.

Hiện nay, nguy cơ nợ xấu của hệ thống NHTM tăng cao, một phần do hàng tồn kho cao làm giảm khả năng trả nợ của DN. Nợ xấu tăng cao không những đe dọa đến thanh khoản mà còn ảnh hưởng đến khả năng cung ứng tín dụng của các NHTM. Vì lo ngại nợ xấu, các NH càng siết chặt điều kiện cho vay. Do đó, khả năng tiếp cận vốn NH của DN càng khó khăn hơn.

Chưa kể, từ đầu tháng 9 đến nay, một số NHTM đã bắt đầu tăng lãi suất đối với các kỳ hạn 12 tháng lên mức 12,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng lên 12,5-13%/năm. Do nhu cầu huy động vốn tăng, khiến lãi suất huy động tăng và vì thế lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên cao.

Giải pháp đầu ra

Để hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước cần sử dụng hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của DN mà trong nước sản xuất được. Ngoài ra, cần tăng thuế suất, điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu nhanh, linh hoạt để giúp DN tiêu thụ sản phẩm. Bộ Công Thương cần nắm lại cụ thể hiện nay DN nào sản xuất được các mặt hàng làm nguyên liệu sản xuất cho DN khác, làm cầu nối để DN đang nhập khẩu loại nguyên liệu này sử dụng sản phẩm trong nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích DN bán hàng giảm giá, miễn thuế VAT cho các sản phẩm đang tồn kho; xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo thị trường ổn định giúp DN tiêu thụ sản phẩm.

Về phía DN, cần mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh phân phối bản lẻ, tiết kiệm chi phí từ việc tổ chức lại sản xuất, cắt giảm khâu trung gian kể cả tiêu hao lao động. Tìm các giải pháp để tiêu thụ sản phẩm, thậm chí bán sản phẩm thu đủ giá thành, không tính lãi để thu hồi vốn và thanh toán được nợ cũ, tránh lãi mẹ đẻ lãi con.

Về phía Nhà nước cần hỗ trợ DN về tài chính qua việc đẩy nhanh triển khai các quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, bảo lãnh cho DN vay vốn của NH. Bộ Công Thương cần có chính sách khuyến khích mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt vùng sâu, vùng xa từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại, giúp DN đưa hàng tiêu thụ về vùng sâu, vùng xa.

Giải pháp tài chính

Từng DN nên làm việc với NH để cơ cấu lại nợ theo hướng dẫn của NHNN. Đây là giải pháp giúp DN và NH khắc phục khó khăn. Đối với các DN có phương án sản xuất kinh doanh tốt nhưng lại thiếu điều kiện vay, thiếu tài sản thế chấp, nên đến NH Phát triển Việt Nam (VDB) để được bảo lãnh vay vốn ở NHTM. Đây là hướng đi có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, nhất là với các DN nhỏ và vừa.

Bảo lãnh cho DN không chỉ giúp DN vay được vốn, mà còn tạo điều kiện để các NHTM mạnh dạn cho vay vốn, giúp tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Do vậy DN cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với quy mô, năng lực tài chính hiện có.

Về dài hạn, cần tái cấu trúc DN toàn diện để tăng năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính, kỹ thuật và công nghệ, chiến lược để phát triển sản phẩm và thị trường tiêu thụ.

Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay, NHTM cần chủ động phối hợp trong việc rà soát, đánh giá lại khả năng trả nợ của khách hàng phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn...

Theo đó, các NHTM cần thực hiện tốt việc đánh giá xếp loại khách hàng và cơ cấu lại nợ cho DN trên cơ sở năng lực tài chính và khả năng phát triển của DN, chú trọng các DN có khả năng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định; thực hiện việc rà soát, thống kê, đánh giá các khoản vay để xem xét áp dụng lãi suất cho vay phù hợp.

Tuy nhiên, NH không thể hạ thấp tiêu chuẩn vốn vay, tiêu chuẩn tín dụng do rủi ro tiềm ẩn lớn mà DN và NH đều phải gánh chịu. Để giải quyết việc này, NH cần chủ động tiếp cận, tư vấn khách hàng xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với khả năng tài chính của mình để lãi vay không trở thành gánh nặng đối với DN.

Các tin khác