Giới trẻ “phượt”

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi nhà cách mạng tài ba Che Guevara bắt đầu chuyến hành trình xuyên Mỹ Latin bằng chiếc mô tô cà tàng La Poderosa II, 500 phân khối, cùng người bạn Alberto, chắc ông không thể ngờ rằng câu nói bất hủ: “Happiness is a journey, not a destination” (hạnh phúc là hành trình, không phải là đích đến) trở thành câu châm ngôn của một bộ phận giới trẻ mê dịch chuyển. Và năm 1973, khi Tony Wheeler cùng vợ cho xuất bản cuốn sách với tên gọi: “Across Asia on the Cheap” (Xuyên châu Á giá rẻ), với những chuyến đi kỳ thú từ Thổ Nhĩ Kỳ, qua Iran, Afghanistan, Pakistan, đến Ấn Độ và Nepal, chắc họ cũng không ngờ rằng ngày nay cuốn sách này đã trở thành cẩm nang du lịch "bụi".

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi nhà cách mạng tài ba Che Guevara bắt đầu chuyến hành trình xuyên Mỹ Latin bằng chiếc mô tô cà tàng La Poderosa II, 500 phân khối, cùng người bạn Alberto, chắc ông không thể ngờ rằng câu nói bất hủ: “Happiness is a journey, not a destination” (hạnh phúc là hành trình, không phải là đích đến) trở thành câu châm ngôn của một bộ phận giới trẻ mê dịch chuyển.

Và năm 1973, khi Tony Wheeler cùng vợ cho xuất bản cuốn sách với tên gọi: “Across Asia on the Cheap” (Xuyên châu Á giá rẻ), với những chuyến đi kỳ thú từ Thổ Nhĩ Kỳ, qua Iran, Afghanistan, Pakistan, đến Ấn Độ và Nepal, chắc họ cũng không ngờ rằng ngày nay cuốn sách này đã trở thành cẩm nang du lịch "bụi".

*

Sức nóng của những chuyến du lịch giá rẻ đi - đến - nghe - nhìn - chạm - cảm nhận đã lan tỏa từ các nước phương Tây sang Việt Nam và đọng lại ngắn gọn bằng một từ: “phượt” (từ lóng để chỉ những chuyến du lịch đường trường bằng xe máy và ô tô).

Phượt nhanh chóng trở nên phổ biến sâu rộng trong giới trẻ bởi giá rẻ. Chỉ với ba lô, máy ảnh, một chiếc xe máy, chấp nhận một chuyến đi không tiện nghi, ai cũng có thể lên đường. Thành quả nhận lại là những cảm xúc trên từng cung đường, kinh nghiệm tích lũy, những nụ cười, hạnh phúc không thể đong đếm được.

Cảm giác lâng lâng trên một con đèo lộng gió, phía dưới là những bản người Hà Nhì nằm yên bình trong những sóng lúa bậc thang trải dài mênh mang. Một ngày mùa xuân dạo bước trong một bản nhỏ người Mông, ngắm những người phụ nữ địu con đi dưới những vòm cây đầy hoa, những đứa trẻ má đỏ au chạy nhanh như sóc, hoặc những phút đổ đèo trong mây trắng lưng trời và cái nắng sánh vàng như mật ong...

Chỉ có đi phượt mới chiêm nghiệm hết. Và lúc đó nhiều bạn trẻ mới biết được rằng một cuộc sống quá đủ đầy, êm đềm dễ khiến người ta buồn chán, khi những lịch trình, những hướng dẫn viên, những resort, những chuyến du lịch được lập trình sẵn “như cái máy tự động” và cuộc sống đô thị bí bức đã trở nên nhàm chán, họ háo hức bung ra với những chuyến đi phượt như là cách để chạm vào từng ngóc ngách cuộc sống và tận hưởng đời mình.

Một đặc điểm chung của những người hay đi phượt đó là rất khiêm tốn và ngại ngần nói về những chuyến đi mình đã trải qua. Đi, đến với họ tự nhiên và lặng lẽ, không phải là một thứ thành tích để tô bóng thêm cuộc đời.

Phượt là để cảm nhận những nét đẹp về thiên nhiên, con người và văn hóa.

Phượt là để cảm nhận những nét đẹp về thiên nhiên, con người và văn hóa.

Họ đi vì chính họ, vì đam mê, vì những cảm giác được thực sự sống, vì những háo hức và tươi mới khi được chạm vào gió, nắng, những nền văn hóa, những nụ cười trên mỗi chặng đường. Những tên tuổi lẫy lừng trong giới phượt như Tùng Tabalo, Dương Dugia, Cao Sơn, Linh Evil, Seteve Trần... luôn khiến người khác ngả mũ vì đam mê dịch chuyển của mình.

Họ đến lặng lẽ, quay lại lặng lẽ, làm những việc ý nghĩa cho những vùng đất mình từng đặt chân và rồi cũng lặng lẽ chia sẻ từng kinh nghiệm xương máu cho thế hệ đi sau. Không khoa trương và hoa mỹ, không trưng ảnh trên mạng xã hội như là bộ sưu tập thành tích, đi với họ đã trở thành một phần cuộc sống không thể tách rời.

Thế nhưng, số lượng những người trẻ thực sự mê đi ngày càng hiếm. Từ chỗ chỉ mang một ý nghĩa giản dị, phượt đã được một bộ phận người trẻ biến thành to tát và hoa mỹ, như một thứ mốt thời thượng, một trào lưu mang tính chu kỳ để khẳng định bản thân, sau đua xe, vũ trường.

Chỉ cần một lời hô hào trên mạng xã hội hay các diễn đàn về du lịch phượt, sẽ có hàng loạt bạn trẻ tham gia chỉ với tâm thế duy nhất là hiếu kỳ. Không giống như Che hàng chục năm trước với những cuộc phiêu lưu để chạm vào đời sống của người dân, những trại phong, những ngôi làng nghèo đói, để khai mở tầm mắt; cũng không giống những người mê đi thực thụ, để mở mang đầu óc, tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống người dân bản xứ... những cuộc “hành quân” của một bộ phận giới trẻ bây giờ là đổ xăng đầy bình, lao vun vút trên những cung đường hàng nghìn km, hay chấp nhận dấn thân vào nơi thâm sơn cùng cốc với kinh nghiệm và vốn hiểu biết ít ỏi, miễn sao đi được nhiều địa danh nổi tiếng nhất, nhận được nhiều lời tung hô nhất.

Và rồi sau đó là cơn bão ảnh đổ bộ trên các mạng xã hội. Những chuyến phượt này, các “phượt tử” chẳng thu nhận được gì khi không biết thêm được kiến thức nào về lối sống, văn hóa nơi mình đến ngoài cảm giác mệt mỏi, hành xác.

Những chuyến đi hời hợt này là nguyên nhân gây nên những cơn bão phản đối trên mạng internet khi những bạn trẻ hồn nhiên dẫm đạp lên những ruộng hoa tam giác mạch tại Hà Giang, trèo lên cột mốc đánh dấu chủ quyền mà ngày ngày những người lính biên phòng vẫn dừng lại nghiêm cẩn để chào, chạm vào cuộc sống của đồng bào thiểu số một cách đầy hiếu kỳ và khiếm nhã... 

* * *

Nguyễn Tuân có lẽ là người đầu tiên ở Việt Nam khởi đầu cho một lối sống với tên gọi “chủ nghĩa xê dịch” và “quả ngọt” mà ông nhận được là những thiên bút ký về những vùng đất ông đi qua khiến người đọc mê đắm, cùng một vốn sống phong phú.

Và tương tự như thế, những chuyến đi sẽ trở nên đẹp đẽ biết bao nhiêu nếu những người tự nhận mình là dân phượt nghiêm túc nghĩ về hành trình của mình. Phượt không đơn thuần là một cuộc chạy trốn bởi sự ích kỷ để thỏa mãn những sở thích nhất thời cá nhân, mà đã trở thành một nhu cầu văn hóa, nhân văn.

Là những âm thầm sẻ chia cùng người dân ở vùng đất mà mình đặt chân, là sự tôn trọng mảnh đất mình đến, là để kinh nghiệm sống của mình ngày càng phong phú, là một dấu gạch nhỏ bé kết nối văn hóa những vùng miền...

Chỉ cần làm được như thế, cuộc sống của mỗi người đi sẽ trở nên đủ đầy hơn và mỗi chuyến đi sẽ thực sự trở thành một kỷ niệm đẹp đẽ. Bởi dù gì, thế giới ngày càng phẳng theo cách mà những bước chân của những người trẻ đang đi. Và hàng ngày, hàng giờ, họ vẫn chuyển động trên những cung đường cùng một trái tim nhiệt huyết.

Các tin khác