Giám sát, quản lý dòng vốn lưu chuyển

Ổn định tài chính đóng vai trò quan trọng bởi nó phản ánh một hệ thống tài chính lành mạnh, ngăn ngừa tình trạng mất khả năng thanh toán, phá sản hay vỡ nợ của các ngân hàng và các định chế tài chính khác. Hiện nay vai trò ổn định hệ thống tài chính ở nước ta do các cơ quan có liên quan đảm nhận như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi.

Ổn định tài chính đóng vai trò quan trọng bởi nó phản ánh một hệ thống tài chính lành mạnh, ngăn ngừa tình trạng mất khả năng thanh toán, phá sản hay vỡ nợ của các ngân hàng và các định chế tài chính khác. Hiện nay vai trò ổn định hệ thống tài chính ở nước ta do các cơ quan có liên quan đảm nhận như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi.

Nhiều cơ quan cùng giám sát

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện Chiến lược chính sách - Bộ Tài chính, ở khía cạnh vi mô, vai trò quản lý, giám sát thị trường chứng khoán (TTCK) do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phụ trách và thị trường bảo hiểm (TTBH) được giao cho Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH).

Giám sát TTCK được thực hiện theo hai cấp là UBCKNN và sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010. Tuy nhiên, vấn đề quản lý dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trên TTCK do nhiều cơ quan thực hiện  như UBCKNN, NHNN và Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT).

Chẳng hạn thông qua SGDCK TPHCM (HOSE) và SGDCK Hà Nội (HNX), UBCKNN giám sát được luồng vốn đầu tư vào TTCK (qua hệ thống đăng ký mã số giao dịch), trong khi đó kiểm soát sự luân chuyển vốn chủ yếu do NHNN thực hiện thông qua hệ thống tài khoản tại các NHTM. Vì vậy, theo ông Thanh, để có thể giám sát hiệu quả các dòng vốn trên thị trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBCKNN, NHNN và Bộ KH-ĐT trong việc trao đổi thông tin và  giám sát nguồn vốn này.

Nhìn chung trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý giám sát đã tương đối rõ ràng, nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể về việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty con, công ty liên kết của các doanh nghiệp bảo hiểm hoặc định chế trung gian trên TTCK. Đồng thời cũng chưa có quy định về phối hợp thanh tra, giám sát hay thu thập thông tin liên quan đến tập đoàn, công ty mẹ của các doanh nghiệp bảo hiểm, hoặc định chế trung gian trên TTCK.

TS. Vũ Nhữ Thăng

Với giám sát TTBH do Cục QLGSBH thực hiện với khung pháp lý cơ bản là Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010. Tuy nhiên, với mô hình giám sát phân tán, pháp nhân đăng ký kinh doanh ở hình thức nào (bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng) sẽ do cơ quan chịu trách nhiệm về thị trường đó quản lý giám sát. Nếu pháp nhân kinh doanh đơn ngành chỉ có một cơ quan giám sát, còn kinh doanh đa ngành sẽ có nhiều cơ quan cùng giám sát.

Đơn cử như đối với Tập đoàn Bảo Việt, công ty mẹ chịu sự giám sát của UBCKNN với tư cách là công ty niêm yết, trong đó có 2 công ty con chuyên về bảo hiểm chịu sự giám sát của Cục QLGSBH và  Ngân hàng Bảo Việt chịu sự giám sát của NHNN.

Hay như trong 4 trường hợp NHTM nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) chịu sự giám sát của NHNN, nhưng riêng Vietcombank và VietinBank còn chịu thêm sự giám sát của UBCKNN do đã niêm yết trên TTCK; các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc ngân hàng chịu sự giám sát của Cục QLGSBH, riêng Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV còn chịu thêm sự giám sát của UBCKNN với tư cách là công ty niêm yết.

Cần khuôn khổ phối hợp

Th.S Phạm Anh Thái (Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) cho biết, diễn biến kinh tế nước ta và hệ thống tài chính trong thời gian gần đây cho thấy khoảng trống của chính sách và thể chế nhằm duy trì ổn định tài chính và ngăn ngừa rủi ro hệ thống. Trong quá khứ, đã có khoảng thời gian tương đối dài tín dụng tăng trưởng nóng, kỳ vọng và niềm tin vào tác động tích cực của việc Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường trong nước…

Từ đó các mất cân đối trong cấu trúc kinh tế bộc lộ rõ hơn bao giờ hết, như thâm hụt cán cân thương mại và thâm hụt ngân sách kéo dài. Cùng với đó là chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng và phối hợp chưa thật nhịp nhàng, giá tài sản tăng cao và có dấu hiệu bong bóng cùng lúc với lạm phát tăng mạnh và trồi sụt bất thường.

Nhận thức được tình hình, một loạt giải pháp mạnh mẽ được đưa ra và thực thi trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, tác động tiêu cực đến kinh tế vốn có tính mở cao của Việt Nam. Cũng từ đó nền kinh tế nước ta đã tăng trưởng chậm lại, nhưng nợ xấu tăng cao, kép theo hệ thống tài chính bất ổn và đang trong quá trình tái cơ cấu.

Cơ chế phối hợp giữa cơ quan giám sát an toàn vĩ mô và vi mô diễn ra theo 2 hướng. Cơ quan giám sát an toàn vi mô chịu trách nhiệm thu thập số liệu và duy trì liên hệ với các định chế tài chính chịu giám sát, phát hiện rủi ro cá biệt, đề xuất và giám sát quá trình thực thi các chính sách an toàn hoạt động của các định chế này.

Cơ quan giám sát an toàn vĩ mô tập hợp số liệu toàn hệ thống tài chính, theo dõi, phân tích, đánh giá rủi ro hệ thống và đưa ra các cảnh báo rủi ro và khuyến nghị chính sách. Lẽ dĩ nhiên việc phối hợp này sẽ phát sinh mâu thuẫn trong quá trình hành động là điều khó tránh khỏi.

Thí dụ, cơ quan giám sát an toàn vĩ mô mong muốn giảm bớt các điều kiện cho vay để đối phó với chu kỳ kinh tế đi xuống, trong khi cơ quan giám sát an toàn vi mô quan tâm nhất về chất lượng tài sản của các định chế tài chính.

Cũng có trường hợp cơ quan giám sát an toàn vi mô muốn yêu cầu tăng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường an toàn cho tổ chức tín dụng, nhưng cơ quan giám sát vĩ mô lại cho rằng việc tăng vốn có thể hạn chế dòng tín dụng và gây bất ổn kinh tế. Trong trường hợp như vậy, hầu hết các nước giao cho cơ quan giám sát vi mô có quyền quyết định, tuy nhiên điều này lại giảm hiệu lực của cơ quan giám sát an toàn vĩ mô.

Thực tiễn cho thấy Việt Nam rất cần một khuôn khổ hoạch định chính sách và thể chế hữu hiệu để duy trì và đảm bảo ổn định tài chính và an toàn vĩ mô thị trường tài chính. Kinh nghiệm quốc tế chỉ rõ về mặt thể chế, NHNN Việt Nam nên đóng vai trò quan trọng trong giám sát an toàn vĩ mô nhằm duy trì ổn định tài chính đồng thời nhấn mạnh sự phối hợp chính sách và phối hợp hành động giữa các cơ quan trong mạng an toàn tài chính. 

Các tin khác