Kinh doanh vàng tài khoản

Giải pháp triệt tiêu “sốt” vàng?

LTS: Liên tiếp trong 2 số báo vừa qua, đttc đã đề cập vấn đề nóng được công luận rất quan tâm: làm sao quản lý thị trường vàng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay? những ngày gần đây thị trường tài chính lại xôn xao thông tin có thể nhnn sẽ cho phép một số ngân hàng thương mại (NHTM) được mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài. đây được xem là giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. tuy nhiên, làm thế nào kết nối lại kênh vàng tài khoản quốc tế hiệu quả, tránh rủi ro cho nhtm và nền kinh tế, là vấn đề cần được xem xét kỹ. > Thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia

LTS: Liên tiếp trong 2 số báo vừa qua, đttc đã đề cập vấn đề nóng được công luận rất quan tâm: làm sao quản lý thị trường vàng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay? những ngày gần đây thị trường tài chính lại xôn xao thông tin có thể nhnn sẽ cho phép một số ngân hàng thương mại (NHTM) được mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài. đây được xem là giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. tuy nhiên, làm thế nào kết nối lại kênh vàng tài khoản quốc tế hiệu quả, tránh rủi ro cho nhtm và nền kinh tế, là vấn đề cần được xem xét kỹ.

> Thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia

Lấy “nội” trị “nội”

Năm 2004 NHNN cho phép 3 NHTM (ACB, Eximbank, Sacombank) và Công ty Vàng bạc Đá quý Agribank được thí điểm tham gia hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài. Đây được xem là công cụ phòng ngừa rủi ro, giúp các NHTM và doanh nghiệp cân bằng trạng thái khi kinh doanh mua bán vàng vật chất trong nước. Sau đó, NHNN mở rộng thêm nhiều đơn vị khác và đến đầu năm 2010 đã có 11 NHTM, 8 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng tài khoản quốc tế.

Có nhiều cái lợi khi cho mở lại vàng tài khoản: Không tốn thêm ngoại tệ cho việc nhập vàng nhưng vẫn có thể đáp ứng cầu vàng của dân; tiết kiệm được chi phí xã hội khi tận dụng nguồn lực vàng trong dân; người dân không bị thiệt khi mua vàng giá cao, tức triệt tiêu cơ hội làm giá, đầu cơ của giới kinh doanh vàng; hạn chế được tình trạng nhập lậu vàng, đồng thời NHNN có thể kiểm soát được số lượng vàng xuất, nhập thông qua hạn mức giao dịch vàng trên tài khoản…

TS. Lê Xuân Nghĩa,
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Tuy nhiên, thay vì sử dụng để phòng ngừa rủi ro, các đơn vị đã tận dụng vàng tài khoản để mở ra kênh đầu tư vàng theo giá thế giới, kéo theo cuộc đua thành lập sàn vàng và NHTM đứng trung gian thu phí.

Vì thế sàn vàng được xem là “sòng bạc” lớn mà NHTM là “nhà cái” và người dân là “con bạc”. Từ “cơn sốt” của sàn vàng đã có không ít người dân và tổ chức “sau một đêm thức dậy” bị thua lỗ, phá sản vì đầu tư vàng (điển hình là vụ tiệm vàng Tấn Tài ở quận 5, TPHCM), trong khi đó các NHTM thu lợi nhuận không ít từ nghiệp vụ này.

Có thể thấy kinh doanh vàng tài khoản quốc tế khi đó được xem là “tội đồ” gây bất ổn cho thị trường vàng và nền kinh tế. Trước tình hình này, bên cạnh quyết định đóng cửa sàn vàng, đầu năm 2010 NHNN yêu cầu các NHTM chấm dứt nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản quốc tế và tất toán tài khoản đến trước ngày 30-3-2010.

Sau một thời gian canh giá vàng để đóng trạng thái đến ngày 30-6-2011, các NHTM đã chính thức dừng thực hiện nghiệp vụ kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vàng thế giới và trong nước liên tục diễn biến phức tạp, giới chuyên gia vàng cho rằng mở trở lại nghiệp vụ kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài sẽ là giải pháp căn cơ giúp bình ổn, kéo giá trong nước và thế giới gần nhau hơn.

Hiện NHNN đang xây dựng những giải pháp cụ thể để sớm bình ổn thị trường vàng. Và theo nguồn tin riêng của ĐTTC có thể từ ngày 5-10 NHTM sẽ được NHNN cho phép thực hiện lại nghiệp vụ này, trước mắt là ACB và Eximbank - 2 ngân hàng có số lượng vàng huy động và doanh số mua bán vàng lớn.

Theo đó, các ngân hàng này sẽ được bán vàng huy động của dân cư để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời mua vàng đối ứng lại trên tài khoản mở tại nước ngoài để cân bằng trạng thái. Bởi hiện nay tính chung toàn hệ thống có trên 100 tấn vàng đang tồn kho do Thông tư 22 của NHNN quy định các NHTM không được hoán đổi vàng huy động thành tiền đồng để cho vay.

Điều này cũng có nghĩa số dư huy động vàng của nhiều ngân hàng rất lớn. Bên cạnh đó, không ít NHTM tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi vàng lên 1-2%/năm hút vốn vàng trong dân nhằm giải quyết thanh khoản cho các khoản tín dụng vàng chưa thu hồi được của khách hàng.

Cuối tuần qua, nhiều lãnh đạo NHTM cho biết số dư huy động vàng đang tăng mạnh, trong khi từ đầu tháng 8 đến nay lượng vàng cho nhập về đã 10 tấn, nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới đến 3 triệu đồng/lượng. Vì thế nếu cho mở lại vàng tài khoản, giá vàng trong nước chênh lệch với thế giới cao lắm chỉ còn 500.000 đồng/lượng.

Quy định rõ, quản lý chặt

Không phủ nhận lợi ích của công cụ kinh doanh vàng tài khoản, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ cho phép một số NHTM làm sẽ tạo sự độc quyền. Bởi có công cụ này các NHTM sẽ có thêm nhiều khách hàng tiền gửi và mua bán vàng.

Theo đó, các ngân hàng này vừa có điều kiện tăng tổng tài sản từ vốn tiết kiệm vàng, vừa có thể kiếm lợi lớn từ tận dụng nguồn vốn vàng trong dân và đầu tư vàng trên tài khoản nếu dự đoán đúng xu hướng thị trường.

Thực tế, trước đây có những NHTM 50-60% doanh thu nhờ vào nghiệp vụ kinh doanh vàng tài khoản. Chưa kể, nếu cấp phép lại nhưng nếu không quản lý chặt dễ dẫn đến lũng đoạn thị trường, tái diễn hoạt động manh mún như 26 sàn vàng trước đây.

Tại Việt Nam, vàng miếng đang rất thông dụng trong giao dịch, mua bán và cả đầu cơ. Ảnh: L.Anh
Tại Việt Nam, vàng miếng đang rất
thông dụng trong giao dịch,
mua bán và cả đầu cơ. Ảnh: L.Anh

Dựa trên Pháp lệnh Quản lý Ngoại hối NHNN có cơ sở để xây dựng các điều kiện cụ thể và xét chọn các NHTM được phép kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài.

Trước đây, NHNN đã có những quy định khá chặt về vốn tự có, kinh nghiệm, cơ sở vật chất… đối với các đơn vị được phép kinh doanh vàng tài khoản. Tuy nhiên, thực tế có doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh vàng tài khoản với nước ngoài nhưng vẫn được cấp phép.

Hơn nữa, quy định không cho phép cá nhân được kinh doanh vàng tài khoản với nước ngoài nhưng các NHTM vẫn đứng ở giữa làm trung gian giúp khách hàng đầu tư vàng tài khoản theo giá thế giới. Điều này cho thấy sự buông lỏng trong xét duyệt, giám sát và kiểm tra của cơ quan quản lý.

Vì vậy, theo một phó tổng giám đốc ngân hàng cổ phần, nếu mở lại nghiệp vụ này mà NHNN không có quy định rõ ràng và quản lý chặt chẽ, không loại trừ khả năng các đơn vị có thể tận dụng thế mạnh nắm giữ công cụ kinh doanh vàng tài khoản để chuyển hướng thị trường theo xu hướng có lợi cho mình, tức cũng chỉ là “bình cũ rượu vẫn cũ”.

Theo ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng nguồn vốn GiadinhBank, NHNN có thể quản lý kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua việc giới hạn trạng thái vàng, vốn điều lệ hoặc cấp hạn mức giao dịch theo thời gian, giám sát mục đích sử dụng… đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả cũng như những quy định về quản lý rủi ro trong kinh doanh vàng tài khoản.

Nếu chỉ để cân bằng trạng thái mua bán vàng trong nước, độ rủi ro sẽ thấp. Nhưng nếu các NHTM sử dụng để đầu cơ, lợi nhuận sẽ cao nhưng rủi ro kèm theo cũng không nhỏ. Những năm trước từng có ngân hàng lớn thua lỗ to vì kinh doanh ngoại hối với thị trường thế giới, nhất là khi giá vàng thế giới biến động mạnh.

Hướng phát triển tất yếu

Cho phép kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài hay tiếp tục xem đây là hình thức đầu tư không lành mạnh còn tùy thuộc vào góc độ tiếp cận của NHNN. Thực tế dù cấm kinh doanh vàng tài khoản và đóng cửa sàn vàng, các sàn vàng chui, các điểm nhận lệnh kinh doanh vàng tài khoản với nước ngoài vẫn lén lút hoạt động mà chưa bị cơ quan chức năng xử lý. Vấn đề quan trọng là làm thế nào phát triển thị trường vàng theo định hướng của Chính phủ và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, chứ không phải không quản được thì cấm.

 TS. Lê Thẩm Dương,
 Trường Đại học Ngân hàng TPHCM

Đang có nhiều ý kiến cho rằng mở lại kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài được xem là điều kiện cần hiện nay nhưng chưa đủ đối với công tác quản lý thị trường vàng.

Vì thế, cùng với giải pháp trên NHNN nên thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia và từng bước phát triển các sản phẩm phái sinh trên thị trường vàng. Sở giao dịch này sẽ giống sở giao dịch chứng khoán, trong đó các NHTM là thành viên.

NHNN sẽ chịu trách nhiệm tạo dựng khuôn khổ pháp lý, tổ chức quản lý thị trường vàng nói chung và Sở giao dịch vàng quốc gia nói riêng, khi cần có thể mua bán vàng tài khoản với nước ngoài.

Điều này không chỉ giúp NHNN quản lý được dòng ngoại tệ ra vào và giá vàng sẽ do Sở Giao dịch vàng quốc gia niêm yết, tránh tình trạng các doanh nghiệp mỗi nơi niêm yết mỗi giá như hiện nay. Đặc biệt, NHNN có thể can thiệp điều hòa cung cầu và giá cả trên thị trường dựa trên quyền xuất nhập vàng cũng như tình trạng dự trữ ngoại hối.

Có thể thấy mối liên thông duy nhất giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế là hoạt động xuất nhập khẩu vốn dĩ cũng chỉ là một cánh cửa hẹp, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ ở nước ta cũng có hạn. Vì vậy, trước mắt việc tạo ra một công cụ kinh doanh vàng tài khoản thời điểm này, nếu có sẽ được thị trường đón nhận tích cực.

Giới tài chính-ngân hàng cũng đang kỳ vọng Nghị định Quản lý kinh doanh vàng tới đây của NHNN được Chính phủ thông qua sẽ không chỉ có những quy định thông thoáng, minh bạch mà còn chặt chẽ hơn, giúp triệt tiêu những “cơn sốt” ảo trên thị trường hiện nay. 

Các tin khác