Giải pháp thoái vốn ngân hàng

Thời gian gần đây các TĐ, TCT nhà nước đẩy mạnh thoái vốn ra khỏi lĩnh vực ngân hàng. Nhưng giải pháp nào để thoái vốn nhanh chóng, hiệu quả, tránh gây thất thoát vốn nhà nước trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề nan giải.

Thời gian gần đây các TĐ, TCT nhà nước đẩy mạnh thoái vốn ra khỏi lĩnh vực ngân hàng. Nhưng giải pháp nào để thoái vốn nhanh chóng, hiệu quả, tránh gây thất thoát vốn nhà nước trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề nan giải.

Dễ bị ép giá…

Chủ trương thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước đã có cách đây 2 năm, nhưng từ đó đến nay hoạt động này vẫn diễn ra chậm chạp, nhất là thoái vốn lĩnh vực ngân hàng. Những doanh nghiệp nhà nước cần thoái vốn gặp khó vì không tìm ra đối tác, nhất là trong điều kiện kinh tế hiện nay các ngân hàng đang gánh nhiều nợ xấu, tín dụng không có đầu ra. Vì vậy việc tìm đối tác để chuyển nhượng quyền sở hữu vốn góp ở các NHTM thực sự không dễ dàng.

Thông thường nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngân hàng đều do sự môi giới của các nhà đại diện ở Việt Nam - là những người đứng ra trung gian thu xếp vốn. Nếu nhà môi giới ép được giá, phần chênh lệch giá ấy nhà môi giới sẽ hưởng lợi. Trong đó, không loại trừ trường hợp có những thỏa thuận ban đầu đối tác trong nước mua trước, sau một thời gian sẽ bán lại cho đối tác nước ngoài.

TS. Lê Đạt Chí,
Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Khó khăn lớn nhất vẫn là giá chuyển nhượng. Nếu như giá chuyển nhượng quá thấp, làm thất thoát vốn nhà nước sẽ dẫn đến việc quy kết trách nhiệm cá nhân. Do vậy để tránh bị quy trách nhiệm, đại diện vốn nhà nước khi nhận công văn yêu cầu thoái vốn, sẽ đưa ra mức giá bán bằng giá đầu tư trước đây để không bị mất vốn.

Nếu bán không được, người đại diện vốn nhà nước sẽ xin công văn điều chỉnh giá để bán lần thứ 2. Việc này sẽ tiếp tục cho đến khi nào cổ đông chiến lược thấy đây là mức giá tốt mới mua. Khi đó, người đại diện vốn nhà nước không chịu trách nhiệm từ việc điều chỉnh giảm giá, nhưng vấn đề đặt ra là ai chịu trách nhiệm cho việc thất thoát vốn nhà nước khi thoái vốn.

Thật ra việc tìm đối tác để chuyển nhượng không phải là vấn đề, bởi đối tác chiến lược khi nào cũng có, luôn luôn sẵn có. Vấn đề là đối tác chiến lược được lợi ích gì và mức giá, chi phí như thế nào để họ bỏ ra vốn lớn thực hiện một thương vụ.

Thời gian qua có khá nhiều ngân hàng cổ phần (VietABank, TienPhongBank, Techcombank, MaritimeBank…) thay đổi chủ sở hữu rầm rộ khi bán CP cho đối tác chiến lược nắm quyền điều hành ngân hàng. Do vậy, việc thoái vốn của tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng không phải là vấn đề lớn.

SCIC tiếp quản vốn nhà nước

Thực tế, có các giải pháp khác cho việc thoái vốn ngoài ngành của các TĐ, TCT nhà nước thực hiện dễ dàng, đơn giản mà không phải gây sức ép các doanh nghiệp nhà nước phải đi tìm đối tác để bán phần vốn nhà nước.

Cụ thể, hiện nay trong hệ thống nhà nước đã có nhiều tổ chức, công ty đầu tư, quản lý vốn nhà nước, trong đó TCT Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là lớn nhất với tiềm lực tài chính rất mạnh, đang thực hiện chức năng đầu tư tài chính, có thể tiếp quản phần vốn nhà nước tại các ngân hàng.

Đợt đấu giá tới đây của ABBank sẽ là chỉ báo mức độ hấp dẫn của NH trong mắt nhà đầu tư.

Đợt đấu giá tới đây của ABBank sẽ là chỉ báo mức độ hấp dẫn của NH
trong mắt nhà đầu tư. 

Chẳng hạn, EVN hoàn toàn có thể bán nguyên lô CP ABBank đang nắm giữ cho SCIC và đổi lại SCIC sẽ trả tiền mặt 30%, còn lại 70% sẽ trả trong vòng 5 năm tới bằng trái phiếu. SCIC có thể bán phần vốn đó trong 5 năm tới chứ không nhất thiết phải bán trong vòng 1 năm.

Với thời hạn 5 năm, SCIC có thể chọn lựa điều kiện thị trường và mức giá tốt hơn để bán, có thể bán một phần, đồng thời mua lại một phần trái phiếu đó từ ABBank. Chẳng hạn, SCIC phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu và mỗi năm sẽ mua lại 20% và năm sau bán ra 1 lô nhỏ chứ không bán dồn dập.

Ngay như EVN sở hữu 30% CP ABBank nếu bán ra một lần khó có thể thực hiện thành công. Nhưng nếu thoái vốn theo phương án trên, EVN sẽ có 30% bằng tiền mặt để đầu tư, 70% bằng trái phiếu mỗi năm được trả lãi.

Điều này bảo đảm hơn so với việc góp vốn, bởi góp vốn mỗi năm chưa chắc cổ tức nhận được như vậy. Ngoài ra, khi thoái vốn nhà nước theo cách này có thể giúp doanh nghiệp nhà nước có một lượng tiền mặt để tái cấu trúc hoạt động, nhất là trường hợp EVN hiện đang rất cần vốn để đầu tư.

Có thể thấy nếu để từng công ty, doanh nghiệp nhà nước tự thoái vốn chắc chắn sẽ làm thất thoát vốn của Nhà nước. Trong khi đó, để SCIC tiếp quản vốn vẫn giải quyết được bài toán thoái vốn đồng thời giúp tái cấu trúc vốn nhà nước hiệu quả hơn.

Các tin khác