Giải pháp giãn dân

Nói đến tái cấu trúc không gian sống là việc nâng cấp, chỉnh trang hoặc di dời một tổ chức không gian vật chất đã có theo định hướng mới nhằm phục vụ một ý đồ kinh tế - xã hội.

Nói đến tái cấu trúc không gian sống là việc nâng cấp, chỉnh trang hoặc di dời một tổ chức không gian vật chất đã có theo định hướng mới nhằm phục vụ một ý đồ kinh tế - xã hội.

Với tình trạng quá tải đô thị ở TPHCM, theo tôi việc trước tiên là giảm bớt các cơ sở dịch vụ, chung cư, cao ốc làm gia tăng dân số ở khu vực trung tâm. Bởi hiện nay tình trạng kẹt xe diễn ra chủ yếu ở khu vực các quận trung tâm trong diện tích chừng 60km2, đặc biệt là ở khu lõi 230ha và ở tất cả các cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố (đường giao cắt của vành đai 2 và 3), nơi có quá nhiều cơ sở dịch vụ.

Lý do dẫn đến việc mỗi cửa ngõ ra vào thành phố bị kẹt xe kể cả giờ cao điểm lẫn thấp điểm rất khác nhau. Một khi tìm ra và gỡ được thì sự nan giải tắc nghẽn giao thông mới có thể giảm đi nhiều. Việc chẩn đoán đúng bệnh và bốc đúng thuốc là điều rất quan trọng. Nếu không, chúng ta cứ mãi loay hoay với việc cấm, phạt, hạn chế, tăng phí, mà bản thân những người đề xuất cũng thấy không khả thi, thì đâu vẫn lại vào đó.

Chúng ta đang thực hiện phân lại luồng tuyến, nâng cao ý thức giao thông, tăng cường xử phạt, đa dạng loại hình giao thông công cộng… nhưng việc cho các nhà đầu tư xây dựng các chung cư, cao ốc văn phòng cho thuê (dù đã giảm xuống vì hết đất), các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, điểm dịch vụ vui chơi giải trí lại tăng lên nhanh.

Riêng số người đến các trung tâm thương mại - dịch vụ chỉ một thời gian ngắn trong ngày, không lưu lại qua đêm, nhưng thay vào đó số người dồn lại một khu hẹp lại quá đông, có thể lên đến vài triệu người, kéo theo lượng xe cộ gia tăng đột biến, khiến cho không gian sống quá tải.

Một thực trạng hiện nay chúng ta đang mắc phải là việc đưa các trường đại học, bệnh viện, công sở ra bên ngoài nhưng lại không đưa các loại hình dịch vụ thu hút đông người ra xa hơn. Chẳng hạn như huyện Củ Chi cũng có trung tâm y tế, nhưng nhiều phụ nữ khi sinh con vẫn phải đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, quận 1; hay người dân các quận Tân Bình, Tân Phú vẫn thích con mình phải học ở quận 1, 3…

Ở khu vực trung tâm, việc phát triển các cao ốc là khó tránh khỏi, song nên lựa chọn mô hình có lợi cho giao thông. Một mô hình áp dụng thành công ở Hồng Công, Macau, Singapore là “trung tâm nén”. Mô hình này hiểu một cách đơn giản là cùng một diện tích xây dựng, chỉ cho xây một nửa hay ít hơn, bù lại cho tăng chiều cao để đảm bảo đủ diện tích theo yêu cầu của nhà đầu tư, phần đất còn lại dùng làm hạ tầng giao thông công cộng và nội bộ.

Hình ảnh kẹt xe là vấn nạn chưa có lời giải ở các đô thị. Ảnh: LÃ ANH

Hình ảnh kẹt xe là vấn nạn
chưa có lời giải ở các đô thị. Ảnh: LÃ ANH

Các cửa hàng thương mại, dịch vụ lên tầng cao hơn, diện tích tầng trệt sẽ là không gian mở để liên kết với vỉa hè phục vụ người bộ hành, giữa các tòa nhà cao tầng liên thông với nhau bằng giao thông nội bộ đa tầng dành cho người đi bộ và xe hơi. Ngoài ra, thành phố cần tiến hành đầu tư trọng điểm tạo ra những khu trung tâm mới đủ đối trọng với trung tâm hiện hữu nhằm chia sẻ dòng người đổ dồn vào trung tâm như hiện nay.

Không nên đầu tư dàn trải, nhỏ lẻ mà nên huy động các nguồn vốn trong nước, kể cả việc đi vay để đầu tư, tạo ra một khu vực cực kỳ sầm uất, hoành tráng hơn trung tâm TPHCM hiện tại. Đó có thể là Thủ Thiêm, khu vực Đông - Bắc hoặc khu Nam Sài Gòn và khi tỏa ra sức hút mạnh mẽ, con người và giao thông sẽ được chia sẻ.

Chẳng hạn nếu có thêm một “Đường hoa Nguyễn Huệ” xứng tầm ở đâu đó thì đêm 30 Tết không còn là nỗi ám ảnh của người tổ chức lẫn du khách.

Quy hoạch đô thị cần quan tâm đến việc thu ngắn khoảng cách, tức không gian con người buộc phải di chuyển trên đường và số lần phải ra ngoài đường nhằm làm giảm tần số và tần suất của dao động con lắc trong giao thông.

Ở TPHCM, việc người dân bên ngoài dồn vào trung tâm để hưởng các dịch vụ tiện ích tốt hơn sau đó quay về nhà tạo ra hiện tượng tần số dao động kiểu con lắc tăng lên rất nhanh và di chuyển rất xa (như con lắc đồng hồ) khiến lượng người lưu thông trên đường đông hơn với thời gian phải chạy trên đường nhiều hơn.

Đơn cử, nếu TPHCM di dời các trường đại học có quy mô 10.000 sinh viên, bệnh viện, công ty lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất mà không quan tâm đến nơi ở, dịch vụ kèm theo cho công nhân, cán bộ công chức trong khi hệ thống giao thông chưa được cải thiện thì tần số, tần suất và thời gian của hiện tượng dao động con lắc sẽ trầm trọng hơn.

Đối với các nút giao thông bị ách tắc do sai lầm trong thiết kế và xây dựng cũng cần phải tháo gỡ ngay. Ở TPHCM có nhiều điểm ách tắc do thiết kế sai, nhiều nhất là cho phép mở các siêu thị ở điểm cuối của ngã ba chữ T hay ở ngay các điểm giao cắt giao thông đông đúc. Nếu quyết tâm giải tỏa những điểm ách tắc này, tình hình giao thông ở một số nơi sẽ chuyển biến tốt.

Các tin khác