Gấp rút tổ chức lại hệ thống giao thông

(ĐTTCO)-Trong những năm qua, phát triển giao thông công cộng (GTCC) luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2002 đến nay, hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TPHCM đã đạt được những kết quả phát triển đáng ghi nhận, sản lượng VTHKCC năm 2015 đạt xấp xỉ 600 triệu lượt hành khách, tăng hơn 10 lần so với năm 2002 (đạt 57 triệu lượt).

(ĐTTCO)-Trong những năm qua, phát triển giao thông công cộng (GTCC) luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2002 đến nay, hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TPHCM đã đạt được những kết quả phát triển đáng ghi nhận, sản lượng VTHKCC năm 2015 đạt xấp xỉ 600 triệu lượt hành khách, tăng hơn 10 lần so với năm 2002 (đạt 57 triệu lượt).

 

Thực trạng yếu kém

Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy nhiều nhược điểm quan trọng của hệ thống VTHKCC TP, trong đó điểm yếu cơ bản nhất là chưa có bản quy hoạch hệ thống VTHKCC chính thức được phê duyệt, ngoài Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 8-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế Quyết định 101/QĐ-TTg ban hành năm 2007). Điều này dẫn đến hậu quả thiếu công cụ pháp lý để quản lý quá trình phát triển về luồng tuyến, phương tiện và chất lượng dịch vụ VTHKCC phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.

Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển GTCC đô thị từ nay đến năm 2025 khoảng 258.963 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 là 151.693 tỷ đồng (ngân sách TP 23.417 tỷ đồng, xã hội hóa 10.564 tỷ đồng, vốn ODA 117.712 tỷ đồng); giai đoạn 2021-2025 là 107.270 tỷ đồng (ngân sách TP 13.988 tỷ đồng, xã hội hóa 5.869 tỷ đồng, vốn ODA 87.413 tỷ đồng).

Việc thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong quá trình quy hoạch và lập dự án phát triển các phương thức VTHKCC khối lượng lớn cần phải được xem xét, đưa ra các kịch bản điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt hợp lý cho từng thời kỳ phát triển. Để phát huy năng lực phục vụ của mạng lưới đường sắt đô thị, mạng lưới xe buýt cần được điều chỉnh hợp lý đảm bảo không vận hành trùng lặp trên hành lang tuyến đường sắt đô thị, kết nối thuận tiện, trung chuyển hành khách từ nhà ga VTHKCC đến các khu vực ngoài vùng phục vụ của mạng lưới đường sắt đô thị.

Thực trạng hoạt động VTHKCC trên địa bàn TP trong thời gian qua xe buýt và taxi vẫn là chủ lực, việc phát triển thêm hệ thống VTHKCC khối lượng lớn như BRT, metro, tramway, monorail... không theo đúng dự kiến ban đầu; bến bãi phục vụ cho hoạt động xe buýt còn thiếu nên chưa tạo được mạng lưới liên thông; việc triển khai đề án Quy hoạch phát triển VTHKCC đến năm 2025 và đề án đầu tư thay thế 1.600 xe buýt mới còn chậm so với tiến độ; chưa triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển VTHKCC như tổ chức làn đường dành riêng, ưu tiên cho xe buýt, hạn chế xe cá nhân, tổ chức bãi giữ xe 2 bánh miễn phí cho hành khách đi xe buýt, dự án thẻ thông minh thay cho vé giấy... đã ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đường phố.

Hệ thống bến bãi, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động GTCC còn rất hạn chế và thiếu thốn, diện tích bến bãi hiện có khoảng 26,5ha, đạt khoảng 13,8% so với chỉ tiêu quy hoạch là 191ha. Hiện hoạt động xe buýt với số lượng phương tiện 2.779 xe các loại, được quản lý và khai thác vận hành bởi 18 doanh nghiệp, hoạt động trên 105 tuyến có trợ giá và 30 tuyến không trợ giá. Ngoài ra, còn có 69 tuyến xe buýt đưa rước công nhân và 150 tuyến xe buýt đưa rước học sinh theo hình thức hợp đồng. Với lượng phương tiện và tuyến buýt như trên, nhưng hệ thống bến bãi, cơ sở hạ tầng phục vụ rất hạn chế, diện tích bãi kỹ thuật xe buýt 10,9ha, bến xe buýt 13,8ha và 4.154 vị trí điểm dừng. Trong khi đó, hệ thống bãi đậu taxi hiện tại chưa được đầu tư theo quy hoạch, hiện tại chỉ có một số DN có khả năng về tài chính thuê mướn các điểm đậu tạm thời, phần lớn còn lại không có bến bãi ổn định phải đậu trên lòng lề đường, các trạm xăng dầu.

Những giải pháp đồng bộ

Về phương hướng phát triển GTCC từ nay đến năm 2020, TP sẽ ưu tiên đầu tư tuyến metro số 1 (đưa vào hoạt động năm 2019), số 2 và 5; tuyến xe buýt BRT trên trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (đưa vào hoạt động năm 2018); 2 tuyến VTHKCC bằng đường thủy Bạch Đằng - Linh Đông và Bạch Đằng - Lò Gốm (hoạt động năm 2016). Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến xe buýt, phát triển cơ sở hạ tầng, bố trí làn đường dành riêng phục vụ VTHKCC. Cụ thể, tiếp tục nâng cấp, cải tạo bến bãi hiện có để giải quyết nhu cầu đậu đỗ cho các phương tiện VTHKCC hiện tại, như bến xe Chợ Lớn, Tân Phú, quận 8, An Sương; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh bến xe Miền Đông, Miền Tây mới, bến xe buýt Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Xa lộ Hà Nội, Tân Thuận Đông, KCN Lê Minh Xuân, quận 4, Tam Bình - Thủ Đức để phục vụ VTHKCC; điều chỉnh, củng cố mạng lưới xe buýt, đầu tư, bố trí lắp đặt hạ tầng phù hợp các điểm dừng xe buýt. Tổng số lượng xe buýt hoạt động 3.933 xe, tăng 1.154 xe so với hiện tại. Ưu tiên phát triển xe buýt sàn thấp, đạt chuẩn khí thải Euro 3 và chạy bằng nhiên liệu sạch...

Từ những khó khăn, thách thức nêu trên, để hoàn thành các chỉ tiêu quy hoạch, thu hút nhà đầu tư và đẩy nhanh thực hiện đầu tư, tôi có 3 kiến nghị. Thứ nhất, giao thông vận tải, đặc biệt là GTCC trong đô thị muốn phát triển và phát triển bền vững không thể tách rời quá trình chỉnh trang đô thị, tái cấu trúc các khu chức năng, phân bổ lại dân cư, điều chỉnh và quản lý nhu cầu đi lại. Vì vậy, việc phát triển, chỉnh trang đô thị dọc các tuyến vận tải công cộng khối lượng lượng lớn như metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến BRT số 1 (dọc đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ)... phải được đặc biệt quan tâm và thúc đẩy để đảm bảo đồng bộ, nhất là tại các vị trí trong bán kính khoảng 500m quanh các nhà ga, trong đó cần lưu ý gắn kết với các đô thị trong vùng TPHCM thông qua các tuyến VTHKCC khối lượng lớn.

Thứ hai, triển khai đồng bộ việc đầu tư, đổi mới phương tiện, hợp lý luồng tuyến xe buýt hiện hữu và áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, cung cấp thông tin, vé điện tử, kiểm soát doanh thu vé và giám sát chất lượng hoạt động VTHKCC. Thứ ba, để đảm bảo nguồn lực đầu tư và phát triển GTCC, TP cần tập trung, ưu tiên vốn đầu tư xây dựng, phát triển bến bãi, điểm trung chuyển xe buýt đã được phê duyệt theo quy hoạch nhằm tạo tiền đề để phát triển VTHKCC. Đối với một số dự án đầu tư xây dựng bến bãi kỹ thuật xe buýt do doanh nghiệp vận tải thực hiện có chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn nhiều so với chi phí xây dựng công trình, kiến nghị ngân sách TP bố trí toàn bộ kinh phí hoặc một phần để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng.

Các tin khác