Gấp rút tìm hướng khai thông nguồn vốn

Hiện nay dù lãi suất đã giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được vốn vay. Làm thế nào khơi thông dòng vốn tín dụng, giúp đồng vốn đang ứ đọng chảy đến nơi cần vốn, tạo vòng quay tiền nhanh hơn là vấn đề bức thiết đặt ra. Bởi từ đầu năm đến nay đã có 35.500 doanh nghiệp giải thể, những doanh nghiệp đang tồn tại phải thu hẹp sản xuất, giảm việc làm…

Hiện nay dù lãi suất đã giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được vốn vay. Làm thế nào khơi thông dòng vốn tín dụng, giúp đồng vốn đang ứ đọng chảy đến nơi cần vốn, tạo vòng quay tiền nhanh hơn là vấn đề bức thiết đặt ra. Bởi từ đầu năm đến nay đã có 35.500 doanh nghiệp giải thể, những doanh nghiệp đang tồn tại phải thu hẹp sản xuất, giảm việc làm…

Nghịch lý thừa, thiếu

Đến thời điểm này lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ tối đa chỉ còn 13%/năm, song NHNN cũng đã chỉ đạo các NHTM kéo giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm.

Đến nay đã có khoảng 70% các khoản vay cũ được điều chỉnh về mức lãi suất này. Đặc biệt, gần đây nhiều NHTM cũng đã tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất cực rẻ chỉ còn 8,5-9%/năm, thấp hơn cả trần lãi suất tiền gửi hiện nay.

Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đủ. Doanh nghiệp vẫn rất cần Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để có thể đứng vững, vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là những doanh nghiệp đang có năng lực sản xuất, có thị trường tiêu thụ nhưng nhất thời lâm vào tình trạng nợ xấu, bị khoanh nợ. Làm thế nào để các doanh nghiệp này tiếp tục được vay vốn là vấn đề cấp thiết để tồn tại trong bối cảnh hiện nay.

Ông Trần Ngọc Liêm,
Phó Giám đốc VCCI tại TPHCM

Lãi suất giảm nhưng thực tế nhiều NHTM thừa nhận khó tiếp cận vốn vay vì lâm vào tình trạng nợ xấu. Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM, cho biết hiện nay đa số doanh nghiệp không đảm bảo đủ điều kiện về tài sản thế chấp để được các NHTM cho vay.

Trong khi đó, các NHTM thừa tiền nhưng không thể phát vay. Bởi thực tế các NHTM cũng như doanh nghiệp, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Các NHTM không thể cho vay khi nguồn vốn phát vay không đảm bảo an toàn, khi doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện vay vốn.

Lãnh đạo một công ty cổ phần ở TPHCM cho biết trong bối cảnh khó khăn hiện nay, niềm tin của thị trường gần như đã mất nên tất cả mọi hoạt động phải cần tiền mặt để xoay sở.

Trước đây khi thanh toán mua nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp có thể trả sau gối đầu cho nhà cung cấp, nhưng hiện nay tất cả đều phải “tiền trao cháo múc”, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, trong khi để vay vốn ngân hàng doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp.

Số liệu mới đây của NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy tính đến tháng 9-2012 tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM chỉ đạt 1,3% so với cuối năm 2011. So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 8-10% trong năm nay, mục tiêu trên khó đạt được.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, thời gian qua NHNN chi nhánh TPHCM đã có nhiều nỗ lực thực hiện kết nối vốn từ NHTM đến doanh nghiệp, nhưng không đơn giản để tìm doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn.

Doanh nghiệp lớn còn dễ tiếp cận vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó vay. Vì vậy, thực tế dù thừa vốn, doanh nghiệp thiếu vốn nhưng tín dụng của nhiều NHTM vẫn tăng trưởng âm. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận thiếu vốn nên khó có thể xoay sở hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Ngay khi có hợp đồng đầu ra nhưng vì thiếu vốn để trả lương và mua nguyên liệu sản xuất, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm hợp đồng, không giao hàng đúng hẹn, ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh và đẩy hoạt động sản xuất vào chỗ ngưng trệ.

Cửa hẹp quỹ bảo lãnh

Lý giải về việc nghẽn mạch dòng vốn của nền kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay không phải là vấn đề lãi suất mà quan trọng là nền kinh tế đang bị ốm, nên doanh nghiệp không hấp thụ được vốn. Hàng tồn kho cao, doanh nghiệp tất yếu không đủ điều kiện để vay vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Những doanh nghiệp có đầu ra cũng e dè vay vốn vì sợ rủi ro thị trường. Vấn đề đặt ra ở mặt vĩ mô là làm sao kéo hẹp cục nợ xấu, “cục máu đông” trong doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh lưu thông thông suốt.

Tư vấn cho khách hàng DN vay vốn.

Tư vấn cho khách hàng DN vay vốn.

Vài tháng trước, Thống đốc NHNN có đưa ý tưởng lập công ty mua nợ nhưng mới đưa ra đã bị nhiều người bàn nên rút lại. Hiện nay xử lý nợ xấu ngân hàng khó giải quyết. Để xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn không thể một sớm một chiều mà cần có thời gian, nhưng cũng phải rốt ráo thực hiện.

Riêng với các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hiện nay, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần thiết phải có quỹ bảo lãnh tín dụng chia lửa với ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đáng tiếc Quỹ bảo lãnh tín dụng Trung ương thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoạt động kém hiệu quả. Trước khó khăn thực tế của doanh nghiệp, thời gian qua UBND TPHCM đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, hiệu quả, có thị trường tiêu thụ và có khách hàng, nhưng lại không đủ tài sản thế chấp.

Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng TPHCM, cho biết những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có dưới 300 lao động sẽ được Quỹ hỗ trợ, những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thuần túy dưới 100 lao động cũng được hỗ trợ. Tuy nhiên, vốn vay phải được sử dụng đúng mục đích. Mức bảo lãnh tín dụng hiện nay cao nhất là 30 tỷ đồng, nhưng để dễ quản lý quỹ, chỉ bảo lãnh cho các dự án dưới 20 tỷ đồng.

Bắt tay vượt khó

Có thể thấy bước vào đầu quý IV-2012 là thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu gia tăng công suất để sản xuất kinh doanh chuẩn bị hàng hóa cho các dịp lễ, tết cuối năm. Thời điểm này các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp.

Đại diện Công ty Việt Á cho rằng chức năng của các ngân hàng trên thế giới là cùng đầu tư với  doanh nghiệp chứ không  phải chỉ cho vay. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng hãy chọn những doanh nghiệp nào có công nghệ mới và có hướng đi đúng để đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp không bỏ thời gian, công sức nghiêm túc đánh giá dự án của mình mà cứ nghĩ thế chấp tài sản là có thể vay vốn. Bản thân doanh nghiệp phải cân nhắc, trăn trở tính toán dự án đó có tính khả thi, các chi phí đầu vào, nguồn nguyên liệu, mức độ cạnh tranh… mới lập được phương án kinh doanh bài bản, hiệu quả. Đặc biệt phải tính đến việc quản lý dòng tiền hữu hiệu, khi đó mới có thể thuyết phục ngân hàng tin tưởng bơm vốn cho mình.

 Ông Trần Bửu Long,
Phó Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng TPHCM

“Nền kinh tế là sự tổng hợp của cả xã hội như một đội bóng đá. Chúng ta không thể nào có hợp đồng thuần thục khi từ huấn luyện viên, cầu thủ không tin nhau” - đại diện doanh nghiệp này nhận định.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Tổng hợp NHNN chi nhánh TPHCM, cho rằng về cơ chế tín dụng các NHTM được phép cho vay thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, nhưng phải trên tinh thần xem xét kỹ lưỡng, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Muốn vậy các doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh lành mạnh và có cơ quan kiểm toán độc lập kiểm chứng. Một khi minh bạch tài chính và có đầu ra thị trường tiềm năng, các NHTM sẽ dễ dàng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Theo một chuyên gia ngân hàng, ngân hàng phải đồng hành với doanh nghiệp bởi khi doanh nghiệp “co thủ”, ngân hàng cũng không thể sống khỏe và bền vững. Vì vậy doanh nghiệp và ngân hàng phải ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ khó khăn.

Bên cạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các NHTM nên làm tốt công tác dự báo về nhu cầu tín dụng để có kế hoạch cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng theo quy định. Không còn thời doanh nghiệp phải tìm ngân hàng mà các NHTM phải chủ động tiếp cận khách hàng, đặc biệt khách hàng tiềm năng.

Theo đó ngân hàng rà soát, đánh giá lại các khoản nợ, cùng doanh nghiệp bàn bạc tháo gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, các ngân hàng nên phát triển các dịch vụ tư vấn lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý dòng tiền cho doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả hơn, nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, tùy vào mức độ khó khăn của doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau mà NHNN cần đưa ra các quy định cụ thể, chỉ đạo các NHTM áp dụng tỷ lệ giãn nợ, khoanh nợ khác nhau.

Nếu chỉ nói chung chung là đưa lãi suất về 15%/năm mà không triển khai trọng tâm việc khoanh nợ, đồng thời có biện pháp xử lý mạnh tay tháo gỡ ách tắc nguồn vốn, doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó tiếp cận vốn.

Các tin khác