FTA Việt Nam-EU: Nắm bắt cơ hội, khai thác lợi thế

Hôm nay 7-4, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU”. Theo các chuyên gia, nếu FTA được ký kết, cơ hội mở ra đối với doanh nghiệp nước ta rất lớn.

Hôm nay 7-4, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU”. Theo các chuyên gia, nếu FTA được ký kết, cơ hội mở ra đối với doanh nghiệp nước ta rất lớn.

Lợi thế xuất khẩu vào EU

Là nền kinh tế lớn gồm 27 nước thành viên, Liên minh châu Âu (EU) là một thể chế hội nhập sâu rộng nhất. Với dân số khoảng 500 triệu người, GDP gần 20.000 tỷ USD (khoảng 30% GDP toàn cầu), 25% thương mại thế giới (khoảng 5.000 tỷ EUR) EU là khu vực công nghệ nguồn của thế giới, cái nôi của nền văn minh công nghiệp với nhiều nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu và cũng là khu vực có ngành dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có lợi nhuận lớn rất phát triển.

Các mặt hàng may mặc, thủy hải sản và giày dép sẽ nhận được lợi ích quan trọng từ việc EU cắt giảm thuế nhập khẩu cho Việt Nam khi ký FTA, bao gồm lợi thế về các sản phẩm xuất khẩu sang EU từ các nước cạnh tranh khác (Trung Quốc); giảm bất lợi về thuế so với các nước khác (các quốc gia châu Âu - Địa Trung Hải, nước kém phát triển); duy trì vị thế cạnh tranh với các đối tác FTA khác của EU (Ấn Độ, Malaysia, Brazil…).

GS. Claudio Dordi,
Trưởng nhóm MUTRAP III

Châu Âu, chủ yếu là EU đang là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu từ 5,6 tỷ USD năm 2005 lên 15,4 tỷ USD năm 2010, tăng gần 3 lần. Từ năm 2008-2010, EU luôn chiếm khoảng 18% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Về nhập khẩu, kim ngạch của Việt Nam từ khu vực này cũng tăng liên tục, từ gần 4,4 tỷ USD năm 2005 lên gần 8,4 tỷ USD năm 2010. Tuy nhiên tỷ trọng thị phần hầu như không thay đổi: Việt Nam luôn xuất siêu vào EU với tỷ trọng xuất siêu so với kim ngạch nhập khẩu trên 80%.

Đến nay hai bên đều chưa đưa ra khuôn khổ đàm phán và những yêu cầu cụ thể, vì vậy chưa thể có cái nhìn đầy đủ, chính xác về hiệp định này. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển từng phát biểu do EU và Việt Nam là các thực thể kinh tế hỗ trợ lẫn nhau nên việc giảm thuế nhập khẩu không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam. Hơn nữa do Việt Nam phải giảm hầu hết các dòng thuế xuống 0% vào năm 2015 theo các FTA ASEAN và ASEAN+... vì vậy việc giảm thuế chỉ làm chuyển luồng thương mại.

Nhập khẩu từ EU có thể tăng lên, các thị trường khác có thể giảm, nếu giá cả cạnh tranh. Việc chuyển luồng thương mại sẽ giúp Việt Nam nhập được công nghệ nguồn, giảm chênh lệch cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, tuy thuế suất trung bình đơn giản EU tính cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 4,1%, trong khi thuế suất trung bình có trọng số (thuế suất có trọng số theo giá trị thương mại) lên tới 7%, riêng các mặt hàng dệt may 11,7%, thủy sản 10,8%... Đây đều là những mặt hàng Việt Nam có kim ngạch lớn.

Sức ép cạnh tranh gia tăng

Ở chiều hướng ngược lại, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Italia (ICHAM) tại Việt Nam, những lợi thế đối với EU từ FTA với Việt Nam như tăng xuất khẩu sang Việt Nam (công nghệ cao, chất lượng cao, giá trị cao); tăng đầu tư sang Việt Nam để hướng tới ASEAN và các nước khác (Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ); tăng khả năng tiếp cận thị trường đối với các nhà cung cấp dịch vụ của EU; bảo đảm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh lành mạnh; những hạn chế về thuế quan và định lượng sẽ được dỡ bỏ. Có thể, việc này sẽ được áp dụng cho ít nhất 90-95% dòng thuế và quy định về xuất xứ (ROO) sẽ được đơn giản hóa.

Dịch vụ sẽ là lĩnh vực nhạy cảm và chịu nhiều sức ép cạnh tranh. Đây lại là lĩnh vực EU rất mạnh. Khi gia nhập WTO Việt Nam đã cam kết mở rộng cửa nhiều lĩnh vực, như chấp nhận cho doanh nghiệp nước ngoài lập chi nhánh và công ty 100% vốn tại Việt Nam đối với các dịch vụ tài chính, phân phối, các dịch vụ chuyên nghiệp. Đối với các dịch vụ chưa cam kết trong WTO, vấn đề đặt ra là EU yêu cầu những gì và Việt Nam chấp nhận ở mức nào. Những lĩnh vực này, sức ép cạnh tranh sẽ mạnh hơn.

Ông Nguyễn Văn Toàn,
Phó Chủ tịch VAFIE

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), hàng hóa xuất khẩu vào EU đòi hỏi chất lượng, tiêu chuẩn môi trường, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ… rất cao. Những biện pháp, rào cản kỹ thuật luôn là thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều phân tích cho rằng EU đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong chính sách thương mại với nhiều nước đang phát triển. Một mặt, EU tìm cách gia tăng áp lực mở cửa thị trường về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư với các nước đối tác, mặt khác vẫn kiên quyết duy trì bảo hộ thông qua chính sách trợ cấp mạnh mẽ lĩnh vực nông nghiệp và nhiều biện pháp bảo hộ  khác.

Về vấn đề nhập khẩu, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể đương đầu và cạnh tranh với những hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao từ EU, trong khi chất lượng cũng như giá cả hàng nội còn thiếu sức cạnh tranh ngay tại sân nhà. Từ thực tế này có thể lường trước sức ép cạnh tranh trong các ngành điện tử, ô tô, xe máy và máy móc thiết bị... sẽ bị suy giảm do tác động của FTA Việt Nam - EU. Vậy, liệu hàng Việt Nam sẽ thua toàn diện trên sân nhà và liệu có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ khó khăn, dẫn đến phá sản?

Những câu hỏi này cần được đặt ra và phải có giải pháp hóa giải thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu chúng ta có chính sách, lộ trình thích hợp, cộng với sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, đây lại là cơ hội để đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước tới doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Những vấn đề nan giải lâu nay như chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ… sẽ dần được giải quyết và nước ta có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp nên làm gì?

Theo ông Massimiliano Guelfo, Chủ tịch ICHAM, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có vai trò quan trọng khi tham gia FTA Việt Nam - EU. Các hiệp hội nên thương thảo về việc giảm thuế quan trong những ngành hàng chính mà Việt Nam đã sẵn sàng và không có lý do để từ chối giảm thuế với những mặt hàng như điện tử và công nghệ cao; máy móc; rượu vang và rượu mạnh; thực phẩm chế biến, pho mát; dược phẩm…

Dây chuyền sản xuất cá basa tại CTCP Thủy sản Bình An. Ảnh: LÃ ANH

Dây chuyền sản xuất cá basa tại CTCP Thủy sản Bình An. Ảnh: LÃ ANH

Bên cạnh đó, để thỏa mãn thị hiếu của người tiêu dùng EU, các doanh nghiệp nên nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào sản xuất thân thiện với môi trường và xã hội. Các cơ quan, hiệp hội nên hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng các kênh phân phối tại EU, tạo dựng một thương hiệu quốc gia, điều chỉnh và nâng cao nguồn nhân lực, quyền sở hữu trí tuệ…

Nhóm chuyên gia tư vấn thuộc Dự án EU - Việt Nam (MUTRAP III), cũng cho rằng các hiệp hội doanh nghiệp nên tham gia chuẩn bị cho các cuộc đàm phán để biết Việt Nam có thể nhượng bộ gì để đổi lấy việc cắt giảm thuế trong các lĩnh vực trọng yếu? EU sẽ quan tâm đến các lĩnh vực quan trọng nào? Với dịch vụ tài chính, viễn thông, hàng hải, y tế, giáo dục, phân phối… việc tự do hóa những dịch vụ này sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực cho Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, khuyến cáo các tổng giám đốc, lãnh đạo hiệp hội là người hiểu rõ hơn ai hết đối tác, công nghệ, giá cả, thị trường trong khi những chuyên gia đàm phán, kể cả khi đã chuyên nghiệp hóa, cũng không có được trình độ chuyên sâu từng ngành, lĩnh vực. Do vậy cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia các vòng đàm phán theo 3 bước: chuẩn bị đàm phán; tham gia đàm phán; thực hiện các cam kết quốc tế khi đã ký kết các FTA để tranh thủ ý kiến của doanh nghiệp đề xuất các kiến nghị với Chính phủ những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các cam kết trong từng hiệp định.

---------

Bài liên quan:

> Cần tìm hiểu kỹ thị trường EU

Các tin khác