Kao Siêu Lực

Đưa bánh Việt ra thế giới

Cuộc đời và sự nghiệp của Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân Bánh kẹo Á Châu (ABC), đã được kể đi kể lại không ít lần. Vợ chồng ông đã trải qua thời kỳ cơ hàn trước khi xây dựng thương hiệu Đức Phát.

Cuộc đời và sự nghiệp của Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân Bánh kẹo Á Châu (ABC), đã được kể đi kể lại không ít lần. Vợ chồng ông đã trải qua thời kỳ cơ hàn trước khi xây dựng thương hiệu Đức Phát.

Bằng niềm đam mê và sự quyết tâm, ông đã xây dựng được chuỗi cửa hàng bánh mì tươi Đức Phát với phương châm 3 không: không vay nợ ngân hàng, không chi tiền quảng cáo, không thuê mướn mặt bằng.

Lực đỡ từ thương hiệu cá nhân

Trải qua gần 20 năm xây dựng thương hiệu, ông đã được dân trong nghề tôn vinh là vua bánh mì tươi. Hình ảnh của ông gắn liền với xưởng bánh, với những tháng ngày miệt mài nghiên cứu. Thành công nối tiếp thành công, đó tưởng như đã là một kết thúc có hậu trong câu chuyện của một con người nhiều nghị lực. Song khi cuộc hôn nhân của vợ chồng ông đổ vỡ năm 2005, người ta mới thấy ông thực sự “siêu lực”.

Năm 2007, khi ly hôn, chia tài sản, phần vợ ông là 10 cửa hàng và thương hiệu Đức Phát; phần của ông là 10 cửa hàng và 1 triệu USD. Kao Siêu Lực phải bắt đầu một hành trình mới. “1 triệu USD chẳng thấm vào đâu khi tôi phải bắt đầu xây dựng một thương hiệu mới ở tuổi đã ngoài 50” - ông chia sẻ.

Khủng hoảng kinh tế hình như không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ABC. Có lẽ tôi may mắn chọn ngành này. Bánh là một loại thực phẩm tiêu dùng hàng ngày và giá cả cũng hợp túi tiền từng đối tượng khác nhau trong xã hội, nên dù khủng hoảng, doanh nghiệp làm bánh có thương hiệu vẫn tăng trưởng.

Ông KAO SIÊU LỰC

Từ sau cú sốc ấy, Kao Siêu Lực đã bắt tay xây dựng thương hiệu ABC, thử sức với nhiều vai trò hơn. Từ vai trò của một doanh nhân bản lĩnh trong cuộc đàm phán mua nhượng quyền nhân vật, hình ảnh, màu sắc của Walt Disney, đến vai trò thành viên Hiệp hội Bánh mì quốc tế.

Tiếp đó, ông trở thành thành viên Ban giám khảo Cuộc thi bánh quốc tế tại Paris (Pháp) và Chủ tịch Hiệp hội Ngành bánh kẹo người Hoa quốc tế năm 2010. Những công việc đó làm cho Kao Siêu Lực mang nhiều dấu ấn hơn. “Ở nước ngoài cái tên Kao Siêu Lực còn được nhắc đến nhiều hơn trong nước” - ông tự hào.

Thoáng nghe như vậy, nhiều người cho rằng ông đang tự phụ, nhưng thật ra đó chính là niềm tự hào cho ngành bánh Việt Nam. Ông kể: “Khi những học trò của tôi được giải thưởng xuất sắc tại cuộc thi làm bánh tại Singapore hồi đầu năm 2010, Ban giám khảo xướng tên Kao Siêu Lực, tên ABC, tôi rất xúc động thấy họ đang tôn vinh ngành bánh Việt Nam”.

“Hình như ông đang mải mê với những công việc ngoài xưởng bánh?” - nghe hỏi như vậy, ông cười hồn hậu đáp: “Đó chỉ là những công việc tôi nên làm để giúp phát triển thương hiệu của mình. Tôi đâu có bỏ bê ABC”.

Trở lại chuyện xây dựng thương hiệu ABC, đến nay ABC đã có 26 cửa hàng trong nước và 3 cửa hàng tại Campuchia. Trong đó vài cửa hàng ông Kao Siêu Lực phát triển theo mô hình barkery & café. Từ thương hiệu Đức Phát quen thuộc chuyển qua ABC là con đường không đơn giản, vì chính trong nội bộ cũng có những hoài nghi.

Thông qua những cuộc thi quốc tế, ông đã khẳng định chất lượng bánh ABC và xây dựng niềm tin cho đội ngũ hơn 1.000 nhân viên đã ở lại cùng ông khi phải từ bỏ thương hiệu Đức Phát.

Mở thêm 19 cửa hàng trong và ngoài nước trong 4 năm (trong đó 2 năm trong thời kinh tế suy giảm) cũng là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông. Ông Kao Siêu Lực nhấn mạnh: “Quan điểm kinh doanh của tôi là không cho phép cơ hội vuột qua tầm tay. Thấy địa điểm nào thuận lợi là mở tiệm”.

Hiện nay, trong số cửa hàng bánh ABC có hơn 60% do ông sở hữu, phần còn lại hợp tác với chủ nhà. Để tạo niềm tin cho đối tác, ông sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật làm bánh cho họ, cùng đầu tư theo tỷ lệ ông 40%, đối tác 60%. Sau khi cửa hàng đi vào kinh doanh, trừ tất cả chi phí, sau đó chia theo tỷ lệ đầu tư ban đầu. Sẵn tay nghề của một kỹ sư, ông còn chế tạo nhiều loại máy làm bánh phục vụ cho nhu cầu của xưởng cũng như các cửa hàng.

 Chia sẻ là hạnh phúc

Phát triển thêm một cửa hàng lại đòi hỏi phải có thêm một đội ngũ lành nghề, có vẻ như ông Kao Siêu Lực rất giỏi đào tạo thợ. Ngay từ năm 2000 ông đã sang Pháp học kỹ thuật làm bánh đông lạnh, bởi ông hiểu khi phát triển thêm nhiều cửa hàng sẽ khó có đủ đội ngũ thợ phục vụ, việc làm bánh đông lạnh có thể giúp giảm bớt lượng thợ lành nghề. Bánh được làm sẵn đến một công đoạn, sau đó cấp đông, khi cần sử dụng chỉ cần rã đông và đem vào lò nướng, chất lượng bánh hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

Hình ảnh ông Kao Siêu Lực gắn liền với xưởng bánh. Ảnh: LÃ ANH

Hình ảnh ông Kao Siêu Lực gắn liền với xưởng bánh.  Ảnh: LÃ ANH

Ông Kao không còn giới hạn việc tổ chức quản lý kinh doanh trong nội bộ gia đình, đã mở cửa. Nhưng mở thêm mô hình mới như barkery & café lại có thêm những thách thức - nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thất bại và cũng có không ít doanh nghiệp ngoại đang ngắc ngoải trong mô hình này.

Ông có cách phát triển đầy tự tin: Ngoài rất nhiều loại bánh tươi phục vụ khách, ông còn bổ sung vào thực đơn của cửa hàng mình nhiều món ăn nhanh cho mọi đối tượng. Minh chứng cho quyết định đúng đắn của ông là cửa hàng barkery & café nào cũng đông khách.

Những chuyến đi nước ngoài thường xuyên còn giúp ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Như đợt qua Nhật Bản, ông học được món cháo cá. Thế là khi về, ông tự tay nghiên cứu làm thành một món ăn hợp khẩu vị người Việt Nam, thêm vào thực đơn của chuỗi cửa hàng barkery & café của mình.

Thương hiệu cá nhân của ông đã trở thành lực đẩy cho thương hiệu ABC. Còn nhớ ngày trước, Đức Phát là đơn vị cung cấp bánh cho KFC, Lotteria…, nhưng từ năm 2007 Đức Phát ra đi, chỉ còn Kao Siêu Lực ở  lại cùng với tất cả khách hàng này. Các đối tác đều bảo: “Chúng tôi chỉ cần biết ông Kao Siêu Lực, còn Đức Phát hay ABC không quan trọng. Tên tuổi ông đủ để có thể tin cậy về chất lượng sản phẩm”.

Thương hiệu cá nhân của ông Kao Siêu Lực cũng trở thành tấm giấy thông hành đầy hiệu lực nên doanh nghiệp tư nhân Bánh kẹo Á Châu không phát triển mạnh đội ngũ bán hàng và tiếp thị. Hiện nay, 2 xưởng bánh của ông lúc nào cũng phải làm hết công suất, nên ông dự tính sang năm sẽ đầu tư thêm xưởng làm bánh mới khoảng 4 triệu USD để cung ứng cho việc xuất khẩu bánh tươi. Đến nay ông đang hợp tác với đối tác để xuất khẩu bánh đi một số thị trường như Nhật Bản, Australia, Anh.  

Đam mê nghiệp... bánh

Không chỉ là một doanh nhân thành công, ông Kao Siêu Lực còn được kính trọng bởi luôn sẵn sàng chia sẻ chứ không bao giờ giấu nghề. Có một điều gây ngạc nhiên là trong những giải thưởng ABC có được phần lớn lại do học trò của ông mang về. Ông đã hướng dẫn cho học trò của mình tất cả bí quyết làm bánh ông đã dày công nghiên cứu, học hỏi từ trong và ngoài nước.

Chẳng những truyền nghề, ông còn động viên những người đã gắn bó với mình nhiều năm cùng ông thành lập cửa hàng kinh doanh riêng. Khi được hỏi ông không lo khi lành nghề họ sẽ bỏ ông mà đi hay sao, ông chỉ cười: “Nếu có cũng phải chấp nhận thôi, nhưng tôi không sợ. Vì khi ra riêng, họ sẽ phải tập trung kinh doanh nhiều hơn, trong khi đó tôi đã có thể tìm tòi, nghiên cứu thêm rất nhiều loại bánh khác nữa.

Đến nay ABC đã có hơn 400 loại bánh tươi, hàng tuần đều có thêm một vài loại bánh mới ra lò thay thế một số loại bánh không được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Thế nên, nếu cạnh tranh, tôi vẫn thắng!”.

Kao Siêu Lực vẫn ấp ủ dự định tổ chức mô hình xe bánh mì có lò nướng phục vụ theo nhu cầu của khách hàng. Mô hình này được thử nghiệm trước hết với các cửa hàng ABC, sau đó được hướng dẫn cho các nhân viên có thể kinh doanh. Với vốn đầu tư khoảng 10 triệu đồng (trong đó ông sẽ tạm ứng 50%, cho trả dần trong 6 tháng), họ có thể bắt đầu khởi nghiệp. Đặc biệt, ông cũng đang mang mô hình này hướng dẫn cho 500 sinh viên. Họ là những người nhanh nhẹn và cần có thêm tiền trang trải cuộc sống. Tất nhiên, không thể kỳ vọng cả 500 sinh viên ấy có thể thành công, song ông vẫn muốn mang cơ hội tự kiếm sống đến cho các em.

Giấu nghề là quan niệm quá xưa rồi, thế nên ông còn sẵn sàng sang Philippines và Thái Lan để chia sẻ công thức làm bánh. Đó cũng là một nhiệm vụ ông phải làm trong 2 năm đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Ngành bánh kẹo người Hoa quốc tế.

Ông đi truyền nghề mà không nhận tiền thù lao và tự túc cả tiền ăn ở, vé may bay. Ông tâm sự: “Tôi chỉ mong ước làm cho ngành bánh Đông Nam Á ngày một phát triển. Đặc biệt, cái tên Việt Nam sẽ được nhắc đến trong sự thán phục của bạn bè quốc tế. Giúp được thêm một người biết làm bánh, tôi thấy rất vui. Với tôi, được chia sẻ là một niềm hạnh phúc”.

Hiện ông Kao Siêu Lực đang cùng một số doanh nghiệp ngành bánh như Hỷ Lâm Môn, Kinh Đô xúc tiến thành lập Hiệp hội Bánh tươi.

Những thành công đến với Kao Siêu Lực hôm nay có sự động viên rất lớn từ 3 người con của ông. Chẳng thế mà khi đặt tên cho thương hiệu mới của mình là ABC ông cũng ngụ ý nhắc đến 3 người con của mình. Anglela (Kao Huy Minh), Bruch (Kao Hớn Phong) và Christine (Kao Huy Phương). Cả 3 người con của ông đều mong muốn sẽ cùng cha phát triển ABC. Ông mong muốn các con sẽ giúp mình trong kinh doanh, nhưng không ép buộc, vì ông biết cái nghề làm bánh này cực lắm.

Hiện cô con gái lớn Kao Huy Phương đã về Việt Nam cùng chồng con và đã cho ra đời thương hiệu Unifood, chuyên cung cấp máy móc và nguyên vật liệu phục vụ ngành bánh. Đây cũng là cách hai cha con ông hỗ trợ nhau trong việc kinh doanh. Ông sẽ là người hướng dẫn kỹ thuật làm bánh miễn phí cho khách hàng đến mua máy móc, nguyên vật liệu. Kao Huy Phương tự hào khi nói về cha mình: “Trong mắt chị em Phương, ba là một thần tượng. Ba chưa bao giờ gây áp lực cho con cái. Ba thường dạy rằng thắng - thua không quan trọng, quan trọng là mình đã làm hết sức”.

Chẳng biết một người từng bị cú sốc tinh thần lớn như ông có còn “tơ tưởng” gì đến một hạnh phúc riêng tư nữa không? Khi đang mải mê nói về chuyện kinh doanh và những dự định cho thời gian tới, chợt nghe hỏi về chuyện này, ông trầm ngâm: “Tôi nghĩ đến một lúc cũng cần tìm hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng từ sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi đã nghiệm ra nhiều điều hơn”.

Cuộc trò chuyện bỗng có một khoảng lặng, từ ban công của tiệm bakery & café ABC, ông hướng ánh mắt ra ngoài, trong những dòng xe cộ đang ngược xuôi. Có lẽ ông đang xâu chuỗi lại câu chuyện về những sóng gió đã vượt qua bằng chính bàn tay và khối óc của mình.

Bỗng có tiếng chuông điện thoại kéo ông về thực tế. Có đối tác đang đợi và ông phải đi. Nghe đâu ông đang chuẩn bị cho lô hàng mới xuất đi Nhật Bản. Ông bảo khi xưởng bánh mới xong, ông sẽ xuất khẩu trực tiếp chứ không qua trung gian như bây giờ nữa.

Khi được đề nghị chụp vài tấm ảnh, ông cười xin hẹn hôm sau đứng chụp trong xưởng bánh: “Doanh nhân là cái nghề, còn làm bánh đã là nghiệp, nên tôi muốn hình ảnh của mình gắn với cái nghiệp ấy”.

Các tin khác