Đột phá, gỡ bỏ điểm nghẽn

°TTCK vẫn chưa đủ mạnh hỗ trợ cổ phần hóa

°TTCK vẫn chưa đủ mạnh hỗ trợ cổ phần hóa

Những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh đã được cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước cùng ghi nhận. Thế nhưng, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh đưa ra dù được đánh giá cao nhưng đang có những điểm nghẽn bên dưới, với không ít rào cản.

Trên mở dưới vẫn thắt

Báo cáo của Nhóm Công tác đầu tư và thương mại đưa ra tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) 2015 cho thấy nỗi lo thường trực bao năm nay của DN về việc trên mở, dưới thắt, vẫn không thay đổi. Cụ thể được nhóm đưa ra là dự thảo thông tư mới của Bộ Y tế về an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu.

Chẳng hạn, ngoài những sản phẩm nhập khẩu đã được các bên công nhận theo các hiệp định, chỉ những sản phẩm nhập khẩu vượt qua được 5 lần kiểm định liên tiếp trong thời gian 1 năm mới được hưởng chế độ kiểm định trên hồ sơ.

Có nghĩa chỉ những sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam hơn 5 lần/năm mới có thể được áp dụng phương pháp kiểm định hàng hóa này. Như vậy, trên thực tế quy định này đã không phù hợp với nguyên tắc MFN khi tạo ra phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu của DN lớn so với DN nhỏ.

Những thủ tục nào gây cản trở, khó khăn cho người dân, DN phải kiên quyết loại bỏ, phải sửa đổi vì lợi ích chung của đất nước. Cải cách hành chính không cần đầu tư nhiều nhưng góp phần đắc lực cho phát triển. Tôi sẽ trực tiếp làm việc với với từng bộ, ngành về nội dung này.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Theo một số khảo sát mới nhất của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị tụt hậu khi năm 2015 Việt Nam đứng thứ 78/189 nước, giảm 6 bậc so với năm 2014. Cũng theo khảo sát này, vấn đề lớn nhất hiện này về môi trường kinh doanh là thuế, trong đó Việt Nam đứng thứ 173/189 nước, giảm 2 bậc so với năm 2014.

Đáng lưu ý, dù thuế thu nhập DN hiện ở mức 22% nhưng các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, tỷ lệ đóng góp bắt buộc cho người lao động, đang khiến tổng tỷ lệ thuế trên lợi nhuận thực lên tới hơn 40%. Đại đa số phản ánh của DN đều tập trung về chi phí, thời gian tuân thủ, sự thiếu ổn định, phức tạp, thiếu minh bạch trong chính sách thuế và việc thực thi chính sách.

Một nội dung khác gây nhiều khó khăn cho DN là dự thảo thông tư thay thế Thông tư 20 về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dự kiến có hiệu lực vào 1-7-2015. Dự thảo mới quy định hàng hóa trước khi nhập khẩu phải có “chứng nhận kiểm định chất lượng”, coi đây là một điều kiện cần để được nhập khẩu và thông quan máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng và phụ tùng, phụ kiện liên quan.

Biện pháp hành chính mới này không phù hợp với những ưu tiên đã công bố trong Nghị quyết 19 vì sẽ kéo dài thời gian thông quan, cũng như làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho DN và các đối tác thương mại. Ngoài ra, những tiêu chuẩn bắt buộc như thời gian sử dụng 10 năm hay “80% chất lượng còn lại” cũng không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cũng như cam kết WTO về giám định trước khi nhập khẩu và hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Tạo thêm dòng chảy cho vốn ngoại

Theo ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham, DN nhà nước (DNNN) từng có vai trò đặc biệt quan trọng tại Việt Nam và tiếp tục là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Trong những năm qua, nhiều đợt tái cấu trúc DNNN đã được tiến hành ở Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động tái cấu trúc diễn ra với tốc độ chậm, Chính phủ Việt Nam dường như chưa sẵn sàng tái cấu trúc các DNNN chiến lược và cho đến nay vẫn mong muốn giữ lại quyền kiểm soát các DNNN lớn. Hiện nay, có khoảng 800 DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn, giảm hẳn so với 12.000 DNNN năm 1990.

Theo số liệu thống kê, các DNNN chiếm khoảng 35% GDP của Việt Nam và khoảng 30% doanh thu của Nhà nước trong năm 2013. “Dù tái cấu trúc DNNN đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên Việt Nam cần tiếp tục tái cấu trúc DNNN, điều này có thể góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hội nhập của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu” - ông Tomaso Andreatta nhấn mạnh.

Chính phủ cần cân nhắc cổ phần hóa phải đi kèm với việc niêm yết các công ty đã được cổ phần hóa. Và để tạo thanh khoản tốt cho thị trường, Chính phủ nên bán 25-30% cổ phần của doanh nghiệp được cổ phần hóa thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó là tăng sở hữu nước ngoài, bởi lẽ 3 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đợi Chính phủ tăng sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng.

Ông Nguyễn Kiên,
đại diện Nhóm Công tác thị trường vốn

So với các công ty tư nhân, tỷ lệ hiệu quả sử dụng vốn của DNNN tại Việt Nam còn ở mức rất thấp, nợ của DNNN vẫn đang đè nặng lên ngân sách nhà nước. DNNN tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi (thí dụ trong tiếp cận vốn, đất đai và các khoản trợ cấp), dẫn đến việc bóp méo thị trường và cạnh tranh không lành mạnh giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước.

Dù Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi kế hoạch đầy tham vọng để cổ phần hóa 289 DNNN vào năm 2015, song theo  EuroCham nhận thấy cổ phần hóa DNNN trong thực tế vẫn chưa đạt đến hiệu quả tiềm năng cao nhất. Đó là việc số lượng cổ phiếu dành cho nhà đầu tư tư nhân thường quá thấp để thu hút đầu tư chiến lược từ khối tư nhân một cách hiệu quả (chỉ từ 5-20% cổ phiếu được chào bán ra thị trường).

Trong thực tế, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua cổ phần DNNN nếu họ có thể nắm quyền ra quyết định trong DN. Hơn nữa, cổ phiếu được bán cho chính người lao động của các DNNN cổ phần hóa. Chính vì những lý do này, cho đến nay sự quan tâm từ khu vực tư nhân nước ngoài trong việc đầu tư vào DNNN vẫn còn khá thấp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh Chính phủ cần đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước ra khỏi kinh doanh, thoái sức Nhà nước ra khỏi dịch vụ công để tạo không gian cho DN tư nhân trong nước.

Bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch VBF 2015, bày tỏ thất vọng với tiến trình cổ phần hóa, bởi rất ít cổ phần được bán ra. Điều này khiến các DN nước ngoài không quan tâm vì cho rằng cổ phần hóa chỉ là hình thức khi DNNN ít có sự thay đổi về quản trị.

Một trong những lý do quan trọng khiến việc cổ phần hóa DNNN chậm là thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn còn khó khăn. Theo Nhóm Công tác thị trường vốn, TTCK Việt Nam đang đi thụt lùi so với các nước ASEAN. Việt Nam có 91 triệu dân, mức vốn hóa của TTCK khoảng 46 tỷ USD, tương đương 25% GDP; Philippines 99 triệu dân và con số tương ứng là 184 tỷ USD và 65% GDP; Thái Lan 69 triệu dân, với 418 tỷ USD và 112% GDP; Malaysia 30 triệu dân, với 287 tỷ USD và 88% GDP...

Những con số này cho thấy TTCK của Việt Nam chưa đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa, trong khi tổng giá trị DNNN sẽ được cổ phần hóa trong 3 năm lên đến 25 tỷ USD. Như vậy nguồn tiền trong nước chắc chắn sẽ không đủ để mua cổ phần nói trên và Việt Nam sẽ cần dòng tiền mới của nước ngoài để mua các cổ phần này. Trong khi đó, từ đầu năm đến ngày 19-5, dòng tiền mới của nước ngoài chảy vào Việt Nam qua 2 sàn giao dịch Hà Nội và TPHCM chỉ trên 118 triệu USD.

Thay đổi để tăng cạnh tranh

Theo ông Sherry Boger, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút FDI và hưởng lợi nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu đáng kể từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và mong muốn tham gia vào sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đánh giá về DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Sherry Boger nhìn nhận năm 2015 năng lực của các DNNVV tại Việt Nam nhìn chung còn yếu để có thể tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI.

Chỉ 36% trên tổng số DN Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ 21% DNNVV Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và sự đóng góp của DNNVV trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng cả về phần cứng và phần mềm có thể giúp tăng tỷ lệ này lên đáng kể.

Nhìn nhận chung về môi trường kinh doanh gần đây, theo ông Vũ Tiến Lộc, cải cách hành chính đã có những bước tích cực. Cụ thể, khảo sát của VCCI cho thấy với Nghị quyết 19, lần đầu tiên sau nhiều năm, năm 2015 đã có hơn 70% DN hài lòng với công tác cải cách hành chính của ngành thuế. Đó là một tiến bộ vượt bậc. Cũng liên quan đến thủ tục hành chính, ông Lộc đề nghị thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Luật DN, Luật Đầu tư mới về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh, tránh tình trạng Luật DN và Luật Đầu tư mở ra, nhưng các luật chuyên ngành và nghị định, thông tư hướng dẫn khép lại.

Phải tiến hành rà soát và gỡ bỏ ngay các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp trong số 5.000 thủ tục và điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư.

Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: DUY KHÁNH

Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: DUY KHÁNH

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang tiếp tục ổn định và phát triển đúng hướng; tăng trưởng đang lấy lại đà phục hồi một cách ổn định, vững chắc, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 của Việt Nam là 6,2% hoặc có thể cao hơn; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm…

Tuy vậy, ông Vinh cũng thừa nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn chưa thực sự khởi sắc; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; thị trường nông sản đang gặp nhiều khó khăn…

Hiện Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích đầu tư bằng hình thức đối tác công- tư (PPP); đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN; nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN; tạo sự bình đẳng trong cơ chế thị trường, trong phân bổ nguồn lực đối với DN…

Các tin khác