Đón làn sóng đầu tư Nhật Bản

(ĐTTCO) - Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản vừa chính thức được khởi động giai đoạn VI. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thu hút thêm đầu tư trực tiếp từ các DN Nhật Bản.

(ĐTTCO) - Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản vừa chính thức được khởi động giai đoạn VI. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thu hút thêm đầu tư trực tiếp từ các DN Nhật Bản.

Đối tác đầu tư lớn

Nhật Bản đang được đánh giá là một trong số rất ít các đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, có nhiều ưu thế của Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính đến nay Việt Nam đã thu hút được hơn 21.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký trên 293 tỷ USD đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam sẽ nỗ lực triển khai giai đoạn VI hiệu quả. Thông qua đó, Việt Nam mong muốn sẽ sớm nhìn thấy một làn sóng đầu tư mới của các DN Nhật Bản vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư

Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 với hơn 3.100 dự án có tổng vốn đăng ký trên 40 tỷ USD, chiếm trên 14% về tổng số dự án và tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Riêng 9 tháng năm 2016, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam gần 400 dự án (bao gồm cả dự án đăng ký mới và tăng vốn), với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,4 tỷ USD.

So với các quốc gia khác, các dự án đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam không chỉ có ưu thế về công nghệ, về vốn mà còn tuân thủ rất tốt các chính sách pháp luật của Việt Nam, hoạt động hiệu quả và có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng xuất khẩu. Điển hình trong số đó là các dự án của các tập đoàn Canon, Honda, Toyota, Mitsubishi.... Không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài lớn, Nhật Bản còn là đối tác cung cấp ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam. Việt Nam và Nhật Bản cũng là 2 quốc gia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, có quan hệ hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Thông qua các chính sách hợp tác giữa 2 quốc gia, chính phủ 2 nước cũng mong muốn đẩy mạnh đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, điển hình như Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản; Chiến lược Công nghiệp hóa hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 về 6 ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây cũng là một lợi thế rất lớn để Việt Nam thu hút FDI từ Nhật Bản.

Dây chuyền sản xuất Honda Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất Honda Việt Nam.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là một dự án được khởi xướng từ tháng 4-2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa chính phủ 2 nước, thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam. Mục đích của sáng kiến nhằm thiết lập và tạo dựng một môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam. Sáng kiến vừa là cơ hội để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, vừa tạo điều kiện cho các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam bày tỏ nguyện vọng, mong muốn về một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.

Tính đến nay, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã thực hiện được 5 giai đoạn với tổng số 441 tiểu hạng mục trong kế hoạch hành động, trong đó có 367 tiểu hạng mục đã được triển khai tốt và đúng tiến độ (chiếm 83% tổng số tiểu hạng mục cam kết), các hạng mục còn lại đang trong quá trình thực hiện và bước đầu có những chuyển biến tích cực. Tại cuộc họp cấp cao Ủy ban Đánh giá và xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản mới đây, chính phủ 2 nước đã tiếp tục thống nhất khởi động giai đoạn VI của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, thời gian triển khai kéo dài 17 tháng (từ tháng 8-2016 đến giữa năm 2017). Nội dung gồm 7 nhóm vấn đề chính với 7 hạng mục và 27 tiểu hạng mục liên quan, bao gồm: lao động; tiền lương; dịch vụ logistics - vận tải; dịch vụ; hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; phân phối dược phẩm.

Ông Takahashi Kyouhei, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (KEIDANREN), cho biết những nội dung 2 bên cam kết thực hiện trong giai đoạn VI sâu và ở tầm cao hơn, có mức độ khó hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước đó. Điều này một mặt cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã có sự phát triển tốt, đáp ứng được những tiêu chí đơn giản và hướng tới một bộ tiêu chí cao hơn, phù hợp với xu hướng đầu tư sâu hơn đang diễn ra trên toàn cầu. Nội dung trong giai đoạn VI của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay. Nếu các điều khoản này được thực hiện tốt không chỉ giúp Việt Nam cải thiện tốt môi trường đầu tư, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản và các quốc gia khác, mà còn là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Cùng quan điểm trên, ông Fukada Hiroshi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng thông qua các điều khoản trong giai đoạn VI, Chính phủ và các cơ quan chức năng, DN 2 nước sẽ có những cuộc trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, những tồn tại và hướng khắc phục. Từ đó tìm ra phương án tháo gỡ, nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam trong thời gian tới. Vì thế, có thể khẳng định Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đóng vai trò quan trọng thúc đẩy đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới.

Các tin khác