Đòn gió hay chiêu thương hiệu?

Vốn tắc, nhiều ngân hàng (NH) đưa ra các gói cho vay lãi suất rẻ, cho vay bất động sản (BĐS), nhưng thực tế số tiền giải ngân được rất ít, kể cả gói 30.000 tỷ đồng đến nay chỉ giải ngân được 2%. Vì thế, với gói vốn 50.000 tỷ đồng liên kết 4 nhà giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng (VLXD), phục hồi thị trường BĐS do NH Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp cùng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đưa ra mới đây được đánh giá khó khả thi.

Vốn tắc, nhiều ngân hàng (NH) đưa ra các gói cho vay lãi suất rẻ, cho vay bất động sản (BĐS), nhưng thực tế số tiền giải ngân được rất ít, kể cả gói 30.000 tỷ đồng đến nay chỉ giải ngân được 2%. Vì thế, với gói vốn 50.000 tỷ đồng liên kết 4 nhà giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng (VLXD), phục hồi thị trường BĐS do NH Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp cùng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đưa ra mới đây được đánh giá khó khả thi.

Gói 30.000 ách tắc, gói 50.000 hanh thông?

Trong tổng nợ xấu của các NHTM trên địa bàn TPHCM tính đến cuối năm 2013 hơn 5%, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 70% và chủ yếu tập trung BĐS, cho vay tiêu dùng. Hiện nợ xấu của các NHTM trên địa bàn đã giảm xuống còn trên 4%, song vẫn tập trung lĩnh vực BĐS. Đó cũng là lý do khiến NH thận trọng rót vốn vào lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Hoàng Minh,
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM

Thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (NH - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp VLXD), Tập đoàn Thiên Thanh sẽ tiến tới xây dựng sàn kinh doanh và cho rằng đó là giải pháp sẽ tác động tích cực làm giảm tồn kho và khơi thông hàng hóa VLXD thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn các khoản vay cũ được tiếp cận tín dụng mới…

Trong bối cảnh khó khăn về vốn, việc rót 50.000 tỷ đồng vào thị trường để kích cầu cũng như giải phóng hàng tồn kho nhiều loại VLXD là cần thiết. Nhưng để làm được điều này hoàn toàn không dễ. Theo đánh giá của các chuyên gia, quan trọng nhất trong chuỗi liên kết là tìm được tiếng nói chung giữa 4 nhà, cũng như đưa ra sản phẩm giá cả phù hợp người mua cuối cùng mới.

Thực tế cho thấy gói 30.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 5%/năm cũng đang trầy trật khó giải ngân, liệu gói 50.000 tỷ đồng với lãi suất thị trường có khơi thông được ách tắc này?

Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 15-3-2014, trong gói 30.000 tỷ đồng các NH mới chỉ cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng.

Nhưng với doanh nghiệp, hiện chỉ có BIDV, VietinBank và Agribank được ký hợp đồng tín dụng với 18 doanh nghiệp (20 dự án) cùng số tiền cam kết giải ngân từ nguồn tái cấp vốn của NHNN 1.775 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 12 doanh nghiệp (13 dự án) với số tiền 591 tỷ đồng.

Còn Vietcombank chưa cho doanh nghiệp nào vay từ nguồn này. Lãnh đạo Vietcombank cho rằng tín dụng BĐS chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn không dễ tiêu thụ được hàng, nên việc rót vốn cho vay dự án lúc này phải hết sức cẩn trọng.

Sở dĩ tiến độ giải ngân vốn còn chậm hơn kỳ vọng do nguồn cung về nhà ở xã hội khan hiếm. Các dự án nhà ở xã hội đang trong giai đoạn chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang, nhưng tiến độ khá chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Mặt khác, trong quá trình thực hiện còn gặp vướng mắc về thủ tục chứng minh được nguồn trả nợ, đã khiến người thu nhập thấp - đối tượng chính của gói hỗ trợ này - rất khó tiếp cận vốn vay rẻ.

Trong khi đó, theo Agribank, các hồ sơ tham gia vay vốn của doanh nghiệp trước khi được giải ngân phải được gửi lên Bộ Xây dựng xét duyệt, mất rất nhiều thời gian nhưng xác suất hồ sơ được giải ngân rất ít. Vì thế, gói 30.000 tỷ đồng trước khi được triển khai nhiều doanh nghiệp hào hứng nộp hồ sơ xin vay vốn, nhưng sau đó đã lặng lẽ rút lui vì khó đáp ứng được các điều kiện, đồng thời phía các NHTM cũng không hào hứng rót vốn.

Tiền ảo, lãi suất thị trường

Do đó, với gói vốn 50.000 tỷ đồng VNCB cùng Tập đoàn Thiên Thanh đưa ra không chỉ được giới NH mà ngay cả chủ đầu tư, giới kinh doanh BĐS đánh giá là con số ảo nhiều hơn thực tế. Đáng chú ý, các NH đều bất ngờ về việc mình có tên trong danh sách “chuỗi liên kết” của gói 50.000 tỷ đồng mà ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB, đã giới thiệu tại buổi họp ở TPHCM.

Đại diện ACB, OceanBank, SHB đều cho biết chưa hề có ký kết nào giữa họ với VNCB về gói 50.000 tỷ đồng nói trên. Trong khi đó, VNCB hứa hẹn đang đàm phán thêm với nhiều NH khác. Một câu hỏi đáng quan tâm: Vì sao lại là VNBC chủ trì, thiết lập và giới thiệu chương trình này mà không phải là những ông lớn nhiều kinh nghiệm và mạnh tiềm lực như Vietcombank, VietinBank, BIDV hay Agribank trong liên minh trên.

Trong khi VNCB vừa phải tự tái cơ cấu và đổi tên từ TrustBank (NH Đại Tín) thành NH Xây dựng Việt Nam (VNCB) đang còn rất nhiều khó khăn. Dĩ nhiên, cùng VNCB còn có Tập đoàn Thiên Thanh chống lưng là nhà cung cấp VLXD và là đầu mối trong liên minh của chuỗi sản phẩm này nhưng tiềm lực đến đâu thì chưa rõ.

Việc triển khai gói liên kết 4 nhà nếu hiệu quả sẽ tác động tích cực lên ngành xây dựng, giảm được tồn kho VLXD, kể cả đối với BĐS trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thành công trong việc triển khai gói này trước hết phải tổ chức được thị trường VLXD và tiến tới hình thành sàn giao dịch VLXD. Từ đó, giảm được chi phí vận tải, giao dịch và lãi suất để giảm giá bán. Bởi giá bán sản phẩm cuối cùng là quan trọng nhất để tiêu thụ được sản phẩm. 

TS. Lê Xuân Nghĩa,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI)

Theo đánh giá của một chuyên gia NH, chính sự đan chéo giữa VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sẽ tạo ra sự độc quyền trong cung ứng vốn và tiêu thụ VLXD cho chính Thiên Thanh, nên chưa hẳn đã thu hút được các NH tham gia.

Đồng thời, nguồn vốn 50.000 tỷ đồng chỉ là tên gọi, còn thực tế rất khó để chứng minh nguồn vốn này có thực hay không. Thực tế trước đây 1 năm, Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà từng tuyên bố BIDV xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà nói trên với kỳ vọng kích được cầu vốn tín dụng, làm ấm thị trường BĐS, góp phần giải quyết nợ xấu… nhưng cuối cùng kế hoạch bị phá sản. Điều này càng khiến nhiều người nghi ngờ tính hiện thực của gói 50.000 tỷ đồng.

Trong lúc giới truyền thông chờ đợi thông điệp rõ ràng từ phía NHNN về việc có hay không gói tín dụng mới cho thị trường BĐS, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, ông Nguyễn Viết Mạnh chỉ thông báo: “NHNN tham dự hội nghị của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức với tư cách là khách mời, nhằm tìm kiếm mô hình tạo lập thị trường BĐS, xây dựng”. Còn về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, ông Mạnh dẫn lại nguồn tin từ VNBC “đã có 50.000 tỷ đồng giữa các NH liên kết với nhau và có 7 NH khác cũng đăng ký với NHNN 70.000 tỷ đồng (70.000 tỷ đồng là khoản cho vay bình thường phục vụ BĐS từ nguồn vốn của các NH cung cấp), tức tính tổng cộng có 120.000 tỷ đồng phục vụ cho BĐS”.

Tác dụng đến đâu?

Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long, cho rằng việc liên kết 4 nhà để khép kín đầu tư ngành xây dựng là ý tưởng tốt và khi đi vào thực tiễn sẽ có tác động tích cực đến thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo ông Trân, điều quan trọng là người mua quyết định giá cả phù hợp hay không, lãi suất vay sẽ như thế nào… Vì thế, để đánh giá gói tín dụng này có tác động đến BĐS trong thời gian tới hay không, trước hết đòi hỏi sản phẩm phải có giá bán phù hợp.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, việc hình thành chuỗi liên kết 4 nhà rất quan trọng và có ý nghĩa đối với không chỉ ngành xây dựng mà cả với thị trường BĐS trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, để ý tưởng đó trở thành hiện thực phải trải qua nhiều giai đoạn, như phải tạo lập được bộ máy vững chắc, khâu tổ chức phải được xuyên suốt.

Thời gian qua đã có không ít gói tín dụng hứa hẹn tác động tích cực lên thị trường BĐS, song thực tế chẳng triển khai được gì. Ngay với gói 30.000 tỷ đồng doanh nghiệp cũng không dễ gì vay được.

Gói 50.000 tỷ đồng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh đưa ra liệu sẽ tạo sự độc quyền trong cung ứng vốn và tiêu thụ VLXD?

Gói 50.000 tỷ đồng VNCB  và Tập đoàn Thiên Thanh đưa ra
liệu sẽ tạo sự độc quyền trong cung ứng vốn và tiêu thụ VLXD?

Thị trường BĐS nước ta méo mó quá nặng trong một thời gian dài, bong bóng nhà đất khi giá BĐS được đẩy lên khá cao trong nhiều năm.

Tuy nhiên, khác với các nước trên thế giới, thị trường nhà, đất Việt Nam vẫn có lợi thế hơn nhiều, bởi dù thị trường đang đóng băng nhưng với phân khúc nhà ở có giá trị trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ vẫn thu hút khách hàng. Nhưng lượng cung của phân khúc này chưa được thị trường đáp ứng đủ nên còn dư địa để khai thác.

BĐS khó có thể kỳ vọng tan băng trong thời gian ngắn mà ít nhất cũng phải mất 2-3 năm nữa mới có thể hồi phục. Về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng gói 30.000 tỷ đồng hay 50.000 tỷ đồng cũng chỉ là những biện pháp hỗ trợ và kích thị trường đang có sức mua ở phân khúc nhà ở có giá bán phù hợp, không thể phá được ngay tảng băng BĐS.

Vì vậy không nên kỳ vọng quá nhiều vào đối tượng thu nhập thấp vay mua nhà. Bởi nếu thu nhập của người dân không đủ ăn rất khó nghĩ đến việc mua nhà để ở, cho dù nguồn vốn được hỗ trợ 70% với lãi suất ưu đãi 5%/năm.

Các tin khác