Đổi mới tư duy, cách làm

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Ý kiến tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao

Diễn ra trong 1 ngày, thời gian làm việc không nhiều, nhưng hội thảo đã thu hút 28 ý kiến của lãnh đạo các bộ ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và nông dân. Có nhiều tham luận giá trị, chuẩn bị công phu nhưng thời gian không cho phép nên tác giả không thể trình bày tại hội trường, đề nghị các đại biểu tham khảo, tự nghiên cứu sâu hơn. Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều thể hiện rõ sự quyết tâm đổi mới, phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện. Ẩn chứa bên trong các đề xuất, hiến kế phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững là trách nhiệm cộng đồng và đặc tính nhân văn của người Việt Nam.

Đây là lần thứ 4 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo về các chủ đề nóng. Những vấn đề nêu từ hội thảo sẽ được tổng kết, báo cáo với lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Quốc hội để định hình chính sách cho tương lai. Từ các hội thảo trước, chúng ta đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách như xây dựng cánh đồng lớn, đóng tàu vỏ thép cho ngư dân. Tôi mong rằng Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, cùng với các cơ quan báo chí khác, phối hợp tổ chức bàn thảo những vấn đề quan trọng đang đặt ra, để góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT:

Tiếp cận chuỗi giá trị qua sản phẩm chủ lực

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới, đặt ra cho chúng ta phải có cái nhìn mới về hướng tiếp cận chuỗi giá trị nông sản thông qua nghiên cứu. Theo đó, cần phải đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản chủ lực hiệu quả và bền vững, phù hợp với thực trạng nền sản xuất nông nghiệp với lộ trình hợp lý trong điều kiện đặc điểm Việt Nam. Giải pháp chính của vấn đề này là đổi mới thể chế, nâng cao năng lực điều phối giữa các khâu và các tác nhân tham gia chuỗi nông sản hiệu quả và bền vững; tiếp tục phân cấp, phân quyền, nhất là giảm quyền ở cấp trên, ủy quyền cho cấp dưới, cần sớm thành lập Hội đồng cạnh tranh quốc gia trực thuộc Chính phủ, có người điều hành (không kiêm nhiệm) để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản chủ lực trong chuỗi giá trị. Bộ Kế hoạch-Đầu tư khuyến nghị và đề xuất 9 giải pháp, trong đó các giải pháp then chốt là sớm trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch quốc gia, ban hành chính sách tài chính ưu đãi đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực quốc gia; đổi mới nhận thức và pháp luật về tư hữu đất đai và hạn điền, thành lập Viện Giống quốc gia và Cục Thương hiệu quốc gia…

 Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT:

Cần siết lại liên kết 4 nhà

Để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, doanh nghiệp không thể liên kết cụ thể với từng hộ nông dân mà phải thông qua đại diện của họ. Năm 2014 xây dựng cánh đồng lớn được mở rộng trên cả nước, quy mô khoảng 246.900ha. Năm 2015 tổng diện tích áp dụng mô hình cánh đồng lớn trong vụ Đông Xuân đạt trên 153.000ha trong đó các tỉnh phía Bắc 23.600ha; các tỉnh phía Nam thực hiện 130.300ha. Dù vậy, nhiều mô hình đã triển khai cũng gặp khó khăn, do thiếu các tổ chức nông dân hoạt động có hiệu quả, giá cả nông sản biến động, thiên tai, biến đổi khí hậu… đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện liên kết cánh đồng.

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đang xây dựng nghị định về HTX và sẽ sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định này để siết lại liên kết 4 nhà. Trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT sẽ chọn một số sản phẩm chủ lực để làm thí điểm liên kết chuỗi, trước nhất là 2 sản phẩm cà phê và lúa gạo. Chậm nhất đầu năm 2016, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ chỉnh sửa Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tập trung xây dựng khung và các vấn đề liên quan đến chuẩn sản xuất an toàn (GAP) theo hướng thuận lợi hơn cho nông dân, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao toàn quốc. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước sẽ có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao, nhằm làm gia tăng giá trị nông sản quốc gia.

 Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH:

Nâng cao vai trò, vị thế nông dân

Chuỗi giá trị nông nghiệp trải qua rất nhiều khâu, nhiều chủ thể khác nhau, nâng cao vai trò, vị thế của người nông dân, nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp là yếu tố then chốt. Theo đó, đến hết quý II-2015, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ 5%. Để giải bài toán này, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, nhất là Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua 5 năm thực hiện đề án này, các địa phương rà soát lại lao động, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Có 2,2 triệu lượt; 42,7% học nghề nông nghiệp, số còn lại chuyển sang phi nông nghiệp. Kết quả, 78,7% có việc làm sau học nghề. Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT xây dựng chương trình đào tạo, tránh việc triển khai dàn trải, gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất, năng lực cho nông dân. Tuy nhiên các chương trình nhân lực trong nông nghiệp vẫn phải được tiếp tục đẩy mạnh, nhất là trong giai đoạn hội nhập với những đòi hỏi tay nghề ngày càng khắt khe hơn.

Các tin khác