Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10

Doanh nhân Việt: Càng khó càng rõ bản lĩnh

Con số 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2011 đã nói lên những khó khăn nền kinh tế nước ta đang gặp phải. Tuy nhiên, đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp Việt chứng tỏ bản lĩnh doanh nhân, tinh thần vượt khó của mình. Bởi yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế và doanh nghiệp không thể trì hoãn và đang đòi hỏi phải có thêm xung lực mới.

Con số 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2011 đã nói lên những khó khăn nền kinh tế nước ta đang gặp phải. Tuy nhiên, đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp Việt chứng tỏ bản lĩnh doanh nhân, tinh thần vượt khó của mình. Bởi yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế và doanh nghiệp không thể trì hoãn và đang đòi hỏi phải có thêm xung lực mới.

> Cơ hội sàng lọc doanh nghiệp

Khó khăn đã rõ

Do những bất ổn vĩ mô kéo dài, từ đầu năm 2011 đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, lãi suất vay quá cao vượt khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, 9 tháng qua đã có 48.700 doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 và trao danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Cúp Thánh Gióng 2010. Ảnh: L. Anh

Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 và trao danh hiệu doanh nhân Việt Nam
tiêu biểu Cúp Thánh Gióng 2010. Ảnh: L. Anh

Giống như thời kỳ lạm phát cao năm 2008, nhóm doanh nghiệp bị “tổn thương” nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, trước những khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DNNVV đã phải bó hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh, tạm dừng hoạt động hoặc chuyển đổi, chuyển giao một phần sở hữu để tồn tại, một số phải ngừng hoạt động.

Điển hình như TPHCM, Hải Phòng, Đắk Lắk… có gần 30% DNNVV đình trệ sản xuất, đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí tại Ninh Bình có đến 90% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chờ thời. Tình hình cũng không khá hơn đối với các doanh nghiệp lớn.

Tại một số diễn đàn gần đây, nhiều tập đoàn và tổng công ty lớn của Nhà nước đã lên tiếng kêu khó khăn dẫn đến làm ăn thua lỗ. Hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ khiến nhu cầu nhân lực một số ngành tại TPHCM và Hà Nội giảm 40-60% trong quý III-2011.

Khảo sát mới đây của Công ty Kiểm toán Grant Thornton cho hay trong quý III chỉ còn 38% doanh nghiệp Việt Nam lạc quan vào nền kinh tế, giảm 16% so với quý II.

Giám đốc điều hành của Grant Thornton Việt Nam Ken Atkinson cho biết đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam ông thấy nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam bi quan về tương lai đến như vậy. Theo ông Ken Atkinson, 72% doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh chịu các khoản vay quá cao và 50% thiếu vốn lưu động.

Khơi dậy tinh thần vượt khó

Đặc trưng doanh nghiệp Việt là quy mô chưa lớn, trình độ chưa cao, phụ thuộc nhiều vào  vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế là thị trường lớn, nhiều cơ hội. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải xác định đúng quy mô thị trường và khả năng tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ duy trì sản xuất. Nguồn đó chưa hẳn là ngân hàng, mà có thể từ liên doanh, liên kết, bán cổ phần... Đó cũng là quan điểm tồn tại trong giai đoạn này của chúng tôi.

Ông VŨ DƯƠNG HIỀN,
Chủ tịch HĐQT Hapaco

Tình hình khó khăn của doanh nghiệp được các cơ quan quản lý nhận thức đầy đủ và liên tục có các giải pháp để tháo gỡ. Nỗ lực miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, hay lộ trình giảm mặt bằng lãi suất cho vay đang được ngành ngân hàng thực hiện là những thí dụ điển hình.

Tại các phiên họp của Chính phủ gần đây, bên cạnh ưu tiên số 1 là kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đang trải qua thời gian đầy khó khăn, thách thức.

Nhưng trong 9 tháng qua vẫn có gần 60.000 doanh nghiệp thành lập mới và phần lớn trong số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động vẫn trụ vững, một bộ phận không nhỏ vẫn tiếp tục đầu tư phát triển, nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội.

Điều này cho thấy một lần nữa bản lĩnh doanh nhân, tinh thần vượt khó của các doanh nghiệp Việt lại bừng dậy và các doanh nghiệp, doanh nhân đã có những nỗ lực phi thường góp phần tích cực vào tăng trưởng.

Trên thực tế, với nhiều doanh nghiệp Việt, khi có khó khăn lại chính là thời điểm để thể hiện bản lĩnh của mình. Có thể lấy thí dụ: 2011 là năm đặc biệt khó khăn về tài chính đối với các doanh nghiệp, thậm chí còn khó khăn hơn cả giai đoạn khủng hoảng cuối năm 2008, đầu năm 2009.

Trong bối cảnh này, Hapaco - một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở phía Bắc - đã chủ động điều chỉnh phương án kinh doanh với từng ngành sản xuất, tập trung tiết giảm chi phí, giám sát chặt hơn hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ, nỗ lực hơn để tìm kiếm nguồn cung cấp mới, thị trường mới...

Nhờ thế, đến thời điểm này kết quả kinh doanh của Hapaco vẫn được duy trì, có tăng trưởng, tuy chậm hơn so với kỳ vọng.

Khó khăn cũng buộc nhiều doanh nghiệp phải mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, nhất là ổn định giá bán mới có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc CTCP Cao su Hà Nội, cho biết ngoài việc cắt giảm chi phí sản xuất, các ca sản xuất của doanh nghiệp cũng được bố trí hợp lý, tránh giờ cao điểm. Thực tế, khi chi phí đầu vào tăng không tránh khỏi việc tăng giá bán sản phẩm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không thể tùy tiện tăng giá bán sản phẩm vì hiện nay người tiêu dùng cũng đang giảm chi tiêu xuống mức thấp nhất.

Để giải bài toán này, ông Phạm Hồng Việt cho rằng doanh nghiệp cần phải chấp nhận giảm lợi nhuận, ổn định giá bán, hoặc tăng với mức độ hợp lý để giữ sức mua trên thị trường, có như vậy doanh nghiệp mới có thể tiếp tục tồn tại.

Tự cứu mình

Tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển hay gục ngã trước sức mạnh của thị trường đang là ngã ba đường lựa chọn của các doanh nghiệp, doanh nhân. Muốn tái cấu trúc, phải định vị lại chính mình. Lúc khó khăn là lúc nhìn lại mình rõ nhất. Phải củng cố được những yếu tố nền tảng của sự phát triển, trong đó ưu tiên hàng đầu là nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực. Phải vươn tới những chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành và phải khơi dậy được sức sáng tạo, tinh thần doanh nhân Việt.

TS. VŨ TIẾN LỘC,
Chủ tịch VCCI 

Những thách thức, khó khăn đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong những tháng cuối năm 2011 và những năm tiếp theo vẫn còn rất lớn. Nền kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, lạm phát đã bắt đầu được kiềm chế nhưng còn ở mức cao.

Các chính sách thắt lưng buộc bụng để ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ vẫn cần được tiếp tục. Đồng thời yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các doanh nghiệp lại không thể trì hoãn và đang đòi hỏi phải có thêm những xung lực mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng phương châm đầu tiên cho doanh nghiệp trong thời lạm phát là “tự cứu mình”. Để làm được điều này, doanh nghiệp nên tìm kiếm cơ hội cải cách và tái cấu trúc. Đặc biệt, trong lúc thị trường liên tục biến động như hiện nay, doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích ứng tình hình.

Với ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, nhiều doanh nghiệp đã không chấp nhận buông xuôi và tự cứu mình. Nhưng từ nay đến năm 2015, với những cột mốc mới, thách thức mới, đòi hỏi các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phải rà soát lại chiến lược, bối cảnh thị trường trong và ngoài nước để điều chỉnh.

Lãnh đạo doanh nghiệp rất cần theo dõi tình hình để biết được thách thức của đất nước hiện nay và những năm tới, cũng như quan tâm các động thái chính sách để hoạch định ra chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp của mình.

Trên khía cạnh chính sách, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, phân tích: “Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô Chính phủ đang triển khai chứa đựng cả những giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Những giải pháp của Chính phủ về giảm thuế, kiềm chế lạm phát sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 5 nhóm giải pháp hiện nay mà các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện như quản lý giá, sắp xếp lại doanh nghiệp, dự án… cũng góp phần tạo môi trường lành mạnh hơn cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay”.

Có chuyên gia đưa ra lời khuyên doanh nghiệp nên sử dụng triết lý “đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc” trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Có thể doanh nghiệp có phương hướng chiến lược lớn, tầm nhìn toàn cầu nhưng phải hành động cụ thể và đi sát với thực tiễn.

Về việc gần 50.000 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động trong 9 tháng qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, cho rằng chúng ta không nên quá giật mình với con số này. Trong một nền kinh tế thị trường có cạnh tranh phải có đào thải.

Việc có 10% doanh nghiệp “thay máu” trong nền kinh tế thị trường là điều cần thiết. Từ đó, sẽ tạo nên áp lực để tăng sức cạnh tranh và tính hiệu quả cho những doanh nghiệp còn lại. 

Các tin khác