Đô thị hóa vùng ven

(ĐTTCO) -  Trong vòng xoáy đô thị hóa của siêu đô thị như TPHCM, những đổi thay càng nhanh hơn với những gam màu sáng - tối, vui - buồn đan xen, trong đó vùng ven TPHCM là những nơi chịu nhiều tác động nhất.

(ĐTTCO) -  Trong vòng xoáy đô thị hóa của siêu đô thị như TPHCM, những đổi thay càng nhanh hơn với những gam màu sáng - tối, vui - buồn đan xen, trong đó vùng ven TPHCM là những nơi chịu nhiều tác động nhất.

1. 30 năm trước, khu vực Thuận Kiều - Tân Thới Nhất (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) là những đồng ruộng bạt ngàn. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại chiến trường K., một số quân nhân được Nhà nước cấp đất tại khu vực này.

Ông Tư Phước, một cựu chiến binh, nhớ lại hồi đó khu vực này chưa có điện, mỗi người được cấp 500m2, con đường hẻm nối từ đường Thuận Kiều (nay là đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12) vào lầy lội chỉ có xe bò mới đi được, người dân chủ yếu làm ruộng, trồng rau. Rồi Nhà nước mở cửa, tư nhân bung ra làm ăn, nước ngoài vào đầu tư… chẳng mấy chốc những mảnh ruộng, vườn rau ngày xưa trở thành nhà xưởng, đường đất trở thành đường nhựa.

Anh Lưu Minh Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, chia sẻ theo tiến trình đô thị hóa đến nay phường chỉ còn khoảng 3.000m2 đất nông nghiệp. Tân Thới Nhất hiện nay được coi là vùng chuyên trồng lan, cung cấp cho TPHCM, các tỉnh lân cận và cả Hà Nội.

Nói về người nhiều đất nhất ở đây, người ta kể về ông Bảy Núi, một người mua bán lá chuối những ngày sau giải phóng. Vợ chồng ông Bảy chuyên thu gom lá chuối trong vùng, chở ra chợ Bà Điểm cho thương lái chuyển đi các vùng. Tiền lời dành dụm ông Bảy sắm vàng, rồi khi đi mua lá chuối biết ai bán đất ông gom hết.

Hồi đó mỗi chỉ vàng mua cả sào đất, nên bây giờ ông có hàng chục ngàn m2 đất cho thuê nhà xưởng, mỗi tháng thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Tư Phước tâm sự, hồi đó Nhà nước cho thêm đất cũng không muốn lấy, vì vườn tược rộng quá sợ… rắn. Thực sự có ai nghĩ cái vùng heo hút này lại đông đúc như bây giờ…

Nhiều người giàu lên nhờ đất vì đô thị hóa, song người sạt nghiệp vì đô thị hóa cũng không hiếm. Ông X., trước giải phóng đã có mấy căn nhà ở Chợ Lớn cho thuê. Vợ chồng ông chạy xe lam tuyến Chợ Lớn - Bà Điểm, đã mua hàng chục ngàn m2 đất ở Bà Điểm. Nhưng khi cơn lốc đô thị hóa những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước diễn ra, bao nhiều tiền bán đất của cha mẹ đã bị các con của ông X. “đốt” trong những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Vườn tược, nhà cửa, đất đai lần lượt đội nón ra đi.

Kẹt xe tại các cửa ngõ vào TP đang là nỗi day dứt của TPHCM hiện nay. Ảnh: LONG THANH

Kẹt xe tại các cửa ngõ vào TP đang là nỗi day dứt của TPHCM hiện nay. Ảnh: LONG THANH

2 . Năm 2003, quận Tân Phú được thành lập trên cơ sở tách ra từ một phần diện tích quận Tân Bình. Thời gian đầu “ra ở riêng”, Tân Phú chẳng khác gì một vùng quê nghèo, đường sá xuống cấp, tiếp giáp với nghĩa trang Bình Hưng Hòa, tạo nên một không khí heo hút cho cả một vùng đất.

Nhưng với phong cách lãnh đạo gần dân, lắng nghe dân, Phó Chủ tịch quận phụ trách lĩnh vực đô thị lúc đó là anh Huỳnh Văn Hạnh (nay là Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM), đã tiên phong mở rộng đường sá với mô hình “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Hàng ngày sau giờ làm việc anh đi xem xét những con đường, ngõ hẻm nào cần mở rộng, gặp gỡ tỷ tê vận động người dân hiến đất.

Đường sá được mở rộng, giao thông thuận lợi, giá trị nhà đất của dân cũng tăng theo, ai ai cũng phấn khởi. Một trong những dấu ấn tiếp theo là thí điểm “thiết kế đô thị” cho con đường Lũy Bán Bích, giúp người dân không phải mất thời gian, tiền bạc khi xin phép xây dựng, bởi đã có “quy chuẩn” được ban hành. Anh cũng là vị lãnh đạo quận mạnh dạn bỏ lộ giới treo, hẻm treo do quy hoạch không khả thi.

Điểm son của quá trình đô thị hóa Tân Phú là dự án Celadon City do Tập đoàn Gamuda (Malaysia) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô gần 100ha, với tổng mức đầu tư gần 1,2 tỷ USD, được xây dựng hạ tầng, cây xanh và cả nhà ở một cách bài bản. Có thể nói đây là dự án mang phong cách “phố trong rừng” với những thảm xanh, đường sá thoáng đãng cùng với những hồ nước trong mát.

Dự án thu hút các tập đoàn nước ngoài khác về đây thuê đất, đặc biệt Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản thuê hơn 35.000m2 xây dựng một trung tâm bán lẻ hàng đầu tại TPHCM, tạo nên một địa điểm vui chơi, mua sắm cho cả một khu vực, tạo ra sức sống mới cho Tân Phú nói riêng và khu vực Tây Bắc TPHCM nói chung.

“Đất lành chim đậu”, dân số Tân Phú và các quận lân cận tăng quá nhanh tạo sự quá tải về giao thông. Tam giác Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh - Cộng Hòa được coi là “điểm đen” về giao thông của thành phố. Và tình trạng kẹt xe khu vực này ngày càng trầm trọng, đang là nỗi day dứt của lãnh đạo quận Tân Phú cũng như của TPHCM hiện nay.

 3. Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng ô nhiễm, góp phần làm biến đổi khí hậu. Việc kết hợp những thay đổi của các yếu tố này đã tác động ngược trở lại đối với quá trình đô thị hóa, hình thành các thành phố lớn, như sự phát triển kinh tế ngắn hạn, dài hạn của các đô thị; vấn đề giáo dục, chăm sóc sức khỏe; công ăn việc làm cho dân số đô thị.

TS. Nguyễn Minh Hòa, một chuyên gia đô thị học, nhận định để đô thị hóa bền vững phải gắn kết với sức mạnh thị trường trong quá trình phân bổ nguồn lực; quy mô đô thị phải phụ thuộc vào quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt phát triển giao thông và nhà ở. Quy hoạch sử dụng đất đô thị hiệu quả là chìa khóa thành công của đô thị hóa. Bên cạnh đó, vai trò quan trọng của Nhà nước trong phát triển đô thị, đặc biệt trong việc hình thành và phát triển các vùng đô thị qua các địa giới hành chính khác nhau.

Trong đó phân vùng và liên kết vùng đô thị không thể thiếu trong chiến lược đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững để phát triển đô thị mới, hoặc đô thị vệ tinh cần gắn kết với vùng đô thị cốt lõi; chiến lược đô thị hóa gắn với phát triển bền vững với con người là trọng tâm. Chuyên gia đô thị học này đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát về cuộc sống người dân tại các vùng đô thị hóa.

Khảo sát cho thấy khi đô thị hóa diễn ra, người dân tại chỗ là đối tượng bị tác động trực tiếp và mạnh nhất. Nhìn bề ngoài mọi thứ có vẻ khá lên như nhà lầu, quán xá mọc lên, đường sá khang trang hơn, nhiều người dân từ những khu ổ chuột đã được chuyển đến ở các khu chung cư khang trang. Nhưng phía sau sự thay đổi ấy cũng đem lại không ít mất mát cho họ, như mất công ăn việc làm, chi phí đắt đỏ hơn, tệ nạn phát sinh…

Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam nói chung và TPHCM đang diễn ra rất nhanh, theo thống kê mỗi năm cả nước có 1 triệu nông dân thành thị dân, nghĩa là tốc độ đô thị hóa của cả nước khoảng 1%. Bên cạnh những đổi thay của đất nước cũng phát sinh những hệ lụy. Và bước vào năm mới Đinh Dậu 2017, người ta lại hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến, những khó khăn, phiền toái trong cuộc sống sẽ dần qua đi.

Các tin khác