DNNVV: Lận đận vượt khó

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nước ta ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay DNNVV cũng chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi ít nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nước ta ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay DNNVV cũng chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi ít nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Rơi rụng ngày càng nhiều

Tại diễn đàn kinh doanh thường niên lần thứ nhất do Forbes Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 7, một đại diện DN đề cập đến vấn đề làm thế nào Việt Nam có được những DN lớn mạnh để cạnh tranh tốt hơn.

Bà Nguyễn Mai Thanh, Chủ tịch REE Corp chia sẻ: “Tôi rất thích câu nói của Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng 80% nền kinh tế Đức được đóng góp bởi DNNVV. Theo đó, lực lượng DN này đã đưa Đức trở thành nước xuất khẩu sản phẩm công nghiệp lớn nhất châu Âu. Chính vì thế, Việt Nam không nên tập trung phát triển DN lớn mà quên mất sức mạnh tiềm tàng của các DN nhỏ. Chúng ta là những DNNVV nhưng có giá trị. Bản thân tôi cũng đang nỗ lực để REE là một công ty hiệu quả, hấp dẫn và có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế”.

Tiếp cận tín dụng khó khăn là trở ngại lớn để tăng cường năng lực cạnh tranh của DNNVV. Rất nhiều DN đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí giải thể và phá sản vì không thể chống chọi được tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế, với hệ lụy thị trường bị thu hẹp, vòng quay vốn chậm, hàng tồn kho cao, nợ xấu phát sinh...

Ông Tô Hoài Nam,
Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam

Hiện nay số lượng DNNVV nước ta đang chiếm khoảng 97% tổng số DN cả nước, mỗi năm tạo thêm nửa triệu việc làm, sử dụng 51% lao động, đóng góp khoảng 40% GDP… Tuy nhiên, khối này lại là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động, phá sản đang ngày càng gia tăng.

Theo số liệu mới nhất Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa công bố, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 7 tháng năm 2014 cả nước đã có 42.398 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 262.400 tỷ đồng, giảm 7% về số lượng và tăng 17,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.

Trong khi đó, số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng qua lên tới 37.612 DN, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ tính riêng trong tháng 7 số DN đăng ký thành lập mới của cả nước chỉ đạt con số 5.083, giảm 16,5% về số lượng và giảm 45% về vốn đăng ký. Trong khi đó, số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động trong tháng 7 là 4.931 DN.

Sau khi cùng đoàn nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện chuyến khảo sát, lắng nghe ý kiến của khối DN tư nhân tại TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ, An Giang, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết chỉ số niềm tin của khối DN tư nhân quá thấp: “Đi một vòng khảo sát, tôi giật mình khi phát hiện rằng khối DN tư nhân Việt Nam hiện nay chẳng có gì và gần như phải phát triển lại từ đầu”.

 Thiếu đủ thứ

Vậy đâu là những nguyên nhân sâu xa khiến khối DN tư nhân rơi vào vòng luẩn quẩn để rồi phải phát triển lại từ đầu? Trước hết phân tích về nguyên nhân chủ quan, bản thân DNNVV phát triển chủ yếu dựa vào nội lực của mình, chính vì thế khi nền kinh tế khó khăn, DN bộc lộ ngay sự thiếu và yếu của mình.

Bên cạnh đó, có thể kể đến những yếu tố quan trọng như thiếu vốn, thiếu đầu ra và thiếu sự hỗ trợ của các hiệp hội, ngành nghề. Một khảo sát của Viện Khoa học quản trị DNNVV chỉ ra rằng chỉ khoảng 32% DNNVV tiếp cận được vốn vay ngân hàng thường xuyên, 35% phản ánh khó tiếp cận, còn lại 33%  không thể tiếp cận được vốn ngân hàng.

Việc tiếp cận nguồn vốn khác như ngân hàng chính sách, quỹ bình ổn giá… cũng gặp khó khăn khi chỉ 48,6% DNNVV có khả năng tiếp cận, 30,4% khó tiếp cận và gần 21% không tiếp cận được. Vấn đề tự huy động vốn trên thị trường như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động vốn, phần lớn DNNVV không có đủ điều kiện và uy tín để thực hiện.

Các chương trình hỗ trợ DNNVV tại Việt Nam đã được ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc hướng dẫn và triển khai thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của DNNVV và mức độ triển khai còn rất thấp. Ðiều này đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương cần có những giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh để DNNVV phát triển bền vững.

Ông Đặng Huy Đông,
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT

Thứ hai, đầu ra cho sản phẩm đang là bài toán nan giải với rất nhiều DNNVV. Nền kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, DN tìm đủ cách để kích cầu tiêu dùng nhưng dường như mọi thứ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2014 đã có tới 50% DN được khảo sát thông báo ngừng hoạt động do không tìm được thị trường đầu ra.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, nhìn nhận: “Để hỗ trợ DN kích cầu tiêu dùng đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức. Nhưng thực tế các DNNVV rất hạn chế tham gia hội chợ vì chi phí bỏ ra không nhỏ. Với các DN lớn chi phí này được xem là chi phí marketing, nhưng DN nhỏ khó làm được như vậy. Những chương trình kích cầu thời gian qua nhiều nhưng chưa có chương trình nào tạo ra được cú hích đủ mạnh kích thị trường đi lên”.

Thứ ba, các DNNVV đang thiếu sự hỗ trợ từ các hiệp hội ngành hàng. Hầu hết lĩnh vực, ngành nghề hiện nay đều có hiệp hội để DN tham gia với mục đích hỗ trợ nhau, nói thay tiếng nói của DN. Thế nhưng, trên thực tế vai trò của các hiệp hội cho đến nay vẫn chưa thực sự được phát huy.

Hiện nay cả nước có 25% hiệp hội ngành hàng cấp quốc gia và 36% hiệp hội ngành hàng cấp tỉnh không thực hiện được đầy đủ chức năng cơ bản của một hiệp hội do không cung cấp được những dịch vụ mà hội viên mong muốn. Nhiều hiệp hội không đứng ra bảo vệ quyền lợi của DN khi cần, chỉ chú trọng các hoạt động hình thức và nặng về yếu tố thương mại, như tổ chức giải thưởng, cuộc thi. Thực tế này đã khiến DN mất lòng tin vào các hiệp hội khi có đến 70% DN Việt không muốn trở thành thành viên các hiệp hội.

Ngoài ra, DNNVV còn gặp rất nhiều khó khăn về luật pháp, chính sách hỗ trợ và vấn đề liên kết. Hiện nay DNNVV rất khó liên kết với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, các DN nhà nước sẽ lập ra các công ty con, công ty sân sau, khi cần huy động nguồn lực từ các đơn vị này nên không cần phải liên kết với DNNVV, DN tư nhân. Với DN FDI hiện dựa chủ yếu vào các DN của họ trong khu vực, không phải ở Việt Nam.

Nỗ lực từ nhiều phía

Khó khăn chồng chất khó khăn. Vậy làm thế nào để các DNNVV thoát ra khỏi những khó khăn này? Làm sao để cái vòng luẩn quẩn thôi đeo bám các DNNVV? Điều này đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa các giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước, các cơ quan chức năng và sự tự thân của chính DN.

Một trong những đề xuất của hầu hết DN là Chính phủ nên có những biện pháp mạnh hơn nữa để cải cách thủ tục hành chính. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nêu ra con số mỗi năm 1 DN Việt Nam phải mất trung bình 870 giờ để nộp thuế, trong khi con số này đối với các nước ASEAN chỉ 171 giờ. Chính phủ yêu cầu đến năm 2015 phải giảm xuống 171 giờ như các nước ASEAN. “Chính phủ rất quyết tâm và thực tế sẽ phải làm bằng được” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia kinh tế cần nhiều hơn nữa những giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho khối DNNVV, tạo sân chơi bình đẳng cho DN tư nhân. Bởi trong thời gian tới không chỉ DN Việt cạnh tranh với nhau trên sân nhà mà cả cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương Việt Nam ký kết chính thức có hiệu lực.

Nhiều DNNVV phát triển chủ yếu dựa vào nội lực của mình. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều DNNVV phát triển chủ yếu dựa vào nội lực của mình. Ảnh: CAO THĂNG

Về sự nỗ lực tự thân của mỗi DN, ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng các DN phải xác định lại giá trị cốt lõi của mình, từ đó xem mình mạnh yếu như thế nào và tìm giải pháp khắc phục. Dẫu biết khó nhưng DN cũng phải có chiến lược đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng hàng hóa của mình. Vì khi hàng rào thuế quan bị xóa bỏ buộc chúng ta phải có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng trong nước.

Để đưa ra được hàng rào này hàng trong nước cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn. Việc Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành Thông tư liên tịch 44 quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu có thể xem là một tiền lệ rất tốt để bảo vệ DN sản xuất trong nước. Và những việc như thế không thể lùi thêm nữa vì cánh cửa hội nhập đang mở rộng. 

Các tin khác