Điều chỉnh tăng lương tối thiểu: Càng tăng, càng tạo áp lực

Vài năm trở lại đây, khi Nhà nước có chủ trương điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT), cuộc “rượt đuổi” lương và giá luôngay cấn khiến nảy sinh tâm lý sợ tăng lương.

 Vài năm trở lại đây, khi Nhà nước có chủ trương điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT), cuộc “rượt đuổi” lương và giá luôngay cấn khiến nảy sinh tâm lý sợ tăng lương. 

Sau khi mức LTT được tăng lên 830.000 đồng/tháng từ ngày 1-5-2011, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH)) đã xây dựng phương án tăng LTT trong khối doanh nghiệp (DN) để trình Chính phủ cho áp dụng từ ngày 1-10 tới. Tuy lần điều chỉnh này đi trước lộ trình đã đề ra, nhưng mức tăng này vẫn còn lạc hậu, chưa tính theo năng suất lao động.

Người trả và nhận lương đều sợ tăng

Theo phương án được Bộ LĐ-TB và XH đề xuất, mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng theo 4 vùng và sẽ sáp nhập lương tối thiểu trong tất cả loại hình DN  (không phân biệt loại hình DN có vốn trong nước và DN nước ngoài như trước đây). Cụ thể, lương tối thiểu đối với người lao động tại vùng 1 sau khi điều chỉnh là 1,9 triệu đồng/tháng, cao hơn mức hiện hành 350.000-550.000 đồng/tháng; tại các vùng 2, 3 và 4, mức lương tối thiểu lần lượt được điều chỉnh lên 1,73 triệu, 1,55 triệu và 1,4 triệu đồng/tháng. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH, cho biết phương án này đưa ra nhằm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong bối cảnh giá cả tăng cao.

Mức LTT do Bộ LĐ-TB và XH đề xuất vẫn lạc hậu quá xa so với đời sống thực tế của đại bộ phận cán bộ, công nhân viên. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... mức lương tối thiểu 1,9 triệu đồng không đủ sống. Khoản thu nhập này không khuyến khích được lao động làm việc trong DN. Bên cạnh đó, lương tăng, giá lại tăng, tạo thành vòng luẩn quẩn không thoát ra được và cũng không có DN nào chịu nổi.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Thông tin LTT sắp tăng được người lao động đón nhận với các tâm trạng khác nhau: vui mừng và lo lắng, thậm chí hội chứng sợ tăng lương đang lan rộng. Với người lao động “sợ tăng” bởi đồng hành với chủ trương tăng LTT hàng năm là cuộc “rượt đuổi” liên tục giữa lương và giá. Trong cuộc đua này giá bao giờ cũng “chạy” trước và nhanh hơn lương.

Và trong vòng xoáy của giá cả, người lao động cũng hiểu rõ hơn thế nào là lạm phát. Khi lương chuẩn bị tăng, tất cả hàng hóa đã leo lên một sàn mới. Thực tế, dù có tăng vài trăm ngàn đồng một tháng, LTT vẫn chưa phản ánh đúng và chưa bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động. Vì thế, dù thu nhập bình quân có tăng cũng chưa trực tiếp giải quyết vấn đề đời sống người lao động.

Ở khía cạnh “sợ tăng” của DN, nhiều ý kiến cho rằng tăng LTT ở thời điểm nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn sẽ là áp lực quá lớn. Ông Lê Minh Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Trường Lâm tại Hà Nội, cho rằng: "Việc tăng LTT để giảm bớt khó khăn cho người lao động trong bối cảnh giá cả tăng cao là cần thiết. Tuy nhiên, nếu mức tăng quá cao sẽ khiến nhiều DN không đủ sức chịu đựng. Hiện nay, các chi phí đầu vào cho sản xuất đã tăng 20-30%, nếu tiếp tục phải tăng lương DN buộc tính toán đến việc cắt giảm nhân công. Khi đó, người lao động lại là đối tượng chịu thiệt thòi".

Theo số liệu báo cáo của các trung tâm giới thiệu việc làm, tính đến ngày 20-5-2011, cả nước có 146.538 người đăng ký thất nghiệp, tăng 131,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bày tỏ lo ngại: “Nếu điều chỉnh lương lên cao như đề xuất, DN không làm ăn được có thể sa thải lượng lớn lao động nữa và tỷ lệ thất nghiệp lại gia tăng. Đó là chưa kể đến trường hợp nếu Chính phủ không kiểm soát được mức tăng CPI, giá cả lại tăng cao, chẳng lẽ lại đề xuất tăng lương?

Bất cập cải cách tiền lương

Câu chuyện cải cách tiền lương đã được thảo luận tại nhiều diễn đàn trong các năm qua. Nhưng thực tế, bài toán tiền lương thực sự là thước đo về năng suất lao động vẫn chưa tìm được lời giải. Theo thống kê từ Bộ LĐ-TB và XH, hiện LTT đang là căn cứ để thực hiện 8 chính sách, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp cho người có công, bảo trợ xã hội, lương hưu…, thậm chí cả việc bồi thường tai nạn giao thông.

Lương công nhân hiện nay phải biết dè sẻn mới đủ chi tiêu. Ảnh: A.THƯ

Lương công nhân hiện nay phải biết dè sẻn
mới đủ chi tiêu. Ảnh: A.THƯ

Bởi vậy, mỗi khi lương tối thiểu tăng 1 đồng, cả 8 chính sách liên quan tới an sinh xã hội đồng loạt tăng theo, khiến cho ngân sách nhà nước trở nên nặng gánh hơn. Mặc dù ngân sách chi cho cải cách tiền lương ngày càng lớn hơn (năm 2010 là 25.000 tỷ đồng và năm 2011 là 27.000 tỷ đồng), nhưng chia ra số tăng tuyệt đối vẫn nhỏ. Chính vì thế, trong nhiều năm qua tiền lương công chức không được cải thiện bao nhiêu.

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để giảm áp lực cho ngân sách, hệ thống tiền lương trong các DN được thiết kế theo xu hướng thị trường. Đó là việc chỉ quy định LTT, còn việc xây dựng thang, bảng lương là chuyện của DN, trả lương như thế nào là thỏa thuận của chủ sử dụng và người lao động.

Nhưng thực tế đây vẫn là cách tính toán thị trường nửa vời. LTT vùng hiện nay đem áp dụng với DN chưa thật sự hợp lý. Lương phân theo vùng mà không phân theo ngành nghề. Trong một vùng có nhiều loại hình DN, với hao phí lao động, hiệu quả lao động và đầu ra hoàn toàn khác nhau.

Đổi mới tư duy

Điều đáng nói, phần lớn DN lại lấy mức LTT Nhà nước quy định hàng năm để làm gốc tham chiếu trả lương cho người lao động mà không dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Thực tế cho thấy, năng suất lao động ở khối DN tư nhân và FDI tăng nhanh hơn khối DN nhà nước, nhưng tốc độ tăng lương lại chậm hơn. Một nghiên cứu về phân phối tiền lương trong các loại hình DN được Viện Khoa học lao động và xã hội công bố cho thấy thực tế này.

LTT hiện nay không theo kịp thị trường và chưa tương xứng giá trị lao động. Số liệu điều tra của CIEM cho thấy LTT mới đáp ứng 60-65% nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Với mức lương này không thể đảm bảo cho người lao động bù đắp sức lao động giản đơn chứ chưa nói đến tích lũy để tái sản xuất sức lao động. Trong khi đó, so với các nước trong khu vực, tiền LTT ở Việt Nam thấp hơn khoảng 40%.

Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế CIEM

Theo nguyên tắc chung, để đảm bảo cho sự phát triển, tăng lương phải thấp hơn tăng năng suất lao động, nhưng thực tế ở nước ta không hoàn toàn như vậy. Năm 2007 so với 2006 tốc độ tăng lương bình quân trong DN nhà nước 14,9%, trong khi năng suất lao động chỉ tăng 13,5%; lương bình quân trong DN FDI tăng 9,8% nhưng năng suất lao động tăng 18,6%. Trong DN tư nhân, lương bình quân tăng 11% nhưng năng suất lao động tăng 14,1%.

Riêng tại một số tập đoàn, tổng công ty có lợi thế, độc quyền chuyện lương tăng không đi kèm với tăng năng suất lao động được thể hiện rõ nét. Trong ngành xi măng, tốc độ tăng lương bình quân năm 2007 so với 2006 là 40,5%, trong khi tốc độ tăng năng suất lao động chỉ 19,6%. Tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngành bưu chính viễn thông, tốc độ tăng tiền lương bình quân 27,63% trong khi năng suất lao động chỉ tăng 21,07%.

Theo các chuyên gia, các ngành có lợi thế trả lương khá cao nhưng hiệu quả tiền lương lại rất thấp, chủ yếu do yếu tố độc quyền đem lại. Đây là sự không công bằng lớn nhất trong quan hệ tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh.

Bình luận về giải pháp tăng LTT trước lộ trình, ông Đặng Như Lợi cho rằng chính sách điều hành phải mang tính lâu dài, phải có sự chuẩn bị và có tính "phòng" chứ không phải để xảy ra rồi mới "chống" như bây giờ. “Thực tế, điều hành của chúng ta hiện nay vẫn mang tính đối phó, xử lý vấn đề kiểu chạy theo việc đã rồi. Vấn đề cốt lõi ở đây là làm sao để tốc độ giá giảm xuống, chỉ số giá tiêu dùng thấp, chứ đâu cần thiết phải tăng lương” - ông Lợi nói.

Trong một báo cáo công bố mới đây, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng cần sớm đổi mới tư duy trong cải cách tiền lương và hệ thống tiền lương. Tiền lương phải được coi là giá cả của sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường, dựa trên cung - cầu về sức lao động, chất lượng lao động và mức độ cạnh tranh việc làm. Chỉ khi gắn lương với năng suất lao động, lương mới trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển.

Các tin khác