Điều chỉnh phân cấp đầu tư

Chủ trương phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương có tác động tích cực đến tính chủ động của chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạt động thu hút FDI, cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu phiền hà, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư. Tuy vậy, trên thực tế đã phát sinh một số vấn đề đáng lưu ý cần sớm được điều chỉnh.

Chủ trương phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương có tác động tích cực đến tính chủ động của chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạt động thu hút FDI, cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu phiền hà, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư. Tuy vậy, trên thực tế đã phát sinh một số vấn đề đáng lưu ý cần sớm được điều chỉnh.

Trong quá trình thực hiện chủ trương phân cấp đầu tư, một số địa phương đã ban hành và thực hiện các quy định về ưu đãi đầu tư trái pháp luật làm tổn hại lợi ích chung của đất nước. Việc tiếp xúc, lựa chọn nhà đầu tư chưa thận trọng, đã có tình trạng một số nhà đầu tư “rởm” được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) dự án FDI hàng trăm triệu USD để bán lại, hoặc khi không thực hiện được thì trả lại GCNĐT.

Năng lực thẩm định của cán bộ một số địa phương đối với dự án FDI lớn cũng rất hạn chế, đã để xảy ra tình trạng cấp phép mà không đảm bảo các điều kiện cần thiết. Thậm chí cùng thời gian đã có các dự án xi măng, sắt thép quy mô lớn được nhiều địa phương cấp phép không phù hợp với quy hoạch ngành và vùng lãnh thổ.

Các bộ thiếu công khai quy hoạch phát triển ngành trên từng vùng lãnh thổ và địa phương, định hướng phát triển, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật để chính quyền địa phương căn cứ thực hiện đúng luật pháp; thiếu kiểm tra, phát hiện hành vi phạm pháp để xử lý.

Định hướng mới về FDI đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống luật pháp như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2005, hệ thống Luật Thuế và các luật có liên quan; nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước từ vận động đầu tư, thẩm định và cấp phép, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án và kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật. Vấn đề phân cấp quản lý đối với FDI được đặt ra để xem xét nhưng không dễ thay đổi do 2 nguyên nhân.

Hoàn thiện quy định phân cấp đầu tư sẽ tránh được tình trạng chất lượng dự án bất động sản lớn nhưng chậm triển khai. Ảnh: LONG THANH

Hoàn thiện quy định phân cấp đầu tư sẽ tránh được tình trạng chất lượng
dự án bất động sản lớn nhưng chậm triển khai. Ảnh: LONG THANH

Thứ nhất, lãnh đạo địa phương muốn mở rộng phân cấp, không muốn trả lại Chính phủ quyền hạn và trách nhiệm đã được giao từ năm 2006, thậm chí có cán bộ “làm mình, làm mẩy”. Bởi trên thực tế, từ khi được phân cấp, dù đã xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật của một số địa phương do vượt quá thẩm quyền, nhưng chỉ được nhắc nhở, chưa có cá nhân nào bị xử lý.

Thứ hai, lãnh đạo Trung ương ở nước ta thường chiều lòng các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp đi thăm các địa phương, dễ chấp nhận và quyết định tại chỗ kiến nghị về xin thêm vốn, kinh phí, quyền hạn mà không cân nhắc lợi ích toàn cục.

Kết quả là lạm phát cảng hàng không, cảng biển, trường đại học và cao đẳng, đầu tư dàn trải kém hiệu quả. Vì thế, để bảo đảm lợi ích quốc gia trong thu hút FDI cần tiến hành điều tra, nghiên cứu với thái độ khách quan, khoa học để có phương án điều chỉnh hợp lý trong 3 phương án kiến nghị sau:

Phương án tối đa: Điều chính hợp lý quy định phân cấp với những dự án quan trọng như điện năng, giao thông, công nghiệp chế tạo có vốn đầu tư từ 50 triệu USD, để bảo đảm lợi ích toàn cục trong phân bố lực lượng sản xuất theo vùng lãnh thổ và trong cả nước do Bộ KH-ĐT cấp phép, sau khi có ý kiến của các bộ, ngành. UBND tỉnh, thành phố và ban quản lý cấp phép các dự án quy mô vừa, dưới 50 triệu USD.

Phương án trung bình: Điều chỉnh một phần quy định phân cấp cho chính quyền địa phương, có cơ chế đặc thù đối với Hà Nội và TPHCM theo hướng giữ nguyên quy định phân cấp hiện tại, các tỉnh, thành phố thực hiện theo phương án tối đa.

Phương án tối thiểu: Giữ nguyên quy định hiện hành với điều kiện quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ và địa phương được công bố công khai. Chính quyền địa phương chỉ được cấp phép đầu tư trong khung khổ dự án đã được quy hoạch với trình tự và thủ tục chặt chẽ hơn.

Rà soát, bãi bỏ các quy định của chính quyền tỉnh, thành phố trái với thẩm quyền. Các bộ, ngành xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện và xử lý nghiêm mọi vi phạm.

Phương án tối thiểu dễ thực hiện vì không gặp phải phản ứng tiêu cực của địa phương, nhưng cũng là phương án mang tính thỏa hiệp không xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước đối với FDI.

Vốn FDI tiếp tục đổ vào nước ta ngày một nhiều hơn và nước ta cũng cần có nguồn vốn đó để bảo đảm đủ nguồn lực cho nhu cầu phát triển kinh tế. Các bài học thành công và thất bại trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, trong đó có thu hút FDI, là tài sản quý giá để người Việt Nam khôn ngoan hơn trong việc tiếp nhận vốn đầu tư quốc tế có hiệu quả hơn và phát triển bền vững hơn.

Các tin khác