Diễn đàn đầu tư toàn cầu: Việt Nam kết nối chiến lược phát triển

Hôm qua 30-9, Diễn đàn đầu tư toàn cầu diễn ra tại Hà Nội, với sự có mặt của 700 đại biểu là các nhà đầu tư đại diện 32 quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã cho thấy tầm quan trọng của diễn đàn. Nói như ông Tony Shale, Tổng giám đốc phụ trách châu Á Euromoney Institutional Investor, đơn vị đồng tổ chức: Bức tranh kinh tế của Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), bởi Việt Nam đang là điểm chiến lược quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hôm qua 30-9, Diễn đàn đầu tư toàn cầu diễn ra tại Hà Nội, với sự có mặt của 700 đại biểu là các nhà đầu tư đại diện 32 quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã cho thấy tầm quan trọng của diễn đàn. Nói như ông Tony Shale, Tổng giám đốc phụ trách châu Á Euromoney Institutional Investor, đơn vị đồng tổ chức: Bức tranh kinh tế của Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), bởi Việt Nam đang là điểm chiến lược quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội đầu tư dài hạn

Ông Tony Shale nhận định: "Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm, kinh tế khu vực ASEAN hồi phục mong manh. Trong khi đó, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, GDP có thể đạt 6,5% năm 2015 và 7% năm 2016; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, EU và sắp tới là TPP. Điều đó sẽ tạo sự kết nối, giúp thúc đẩy tăng trưởng để Việt Nam ngày càng trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực. Cùng với việc đẩy mạnh cải cách kinh tế, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt NĐT và điều đó đang biến Việt Nam là điểm chiến lược quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tập trung vào cải thiện khuôn khổ pháp luật và thủ tục hành chính, đặc biệt là khâu thực thi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh như về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng... ngang mức bình quân ASEAN-4 trong năm 2016.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

Cùng chia sẻ quan điểm, ông Peter R Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital Corporation, cho biết: “Có mặt tại Việt Nam từ năm 1992, tôi rất ngạc nhiên khi quan sát sự phát triển của Việt Nam 23 năm qua". Kinh tế Việt Nam có những lúc thăng, trầm nhưng xu hướng chung vẫn là đi lên vững chắc. Cuộc sống của 90% dân số Việt Nam có điều kiện hơn hẳn trước đây. Cuối tuần qua tôi có một hội nghị của các NĐT tư nhân ở Việt Nam. Các NĐT có 6 giờ để nói về chủ đề cơ hội kinh doanh tại các nước ASEAN, nhưng riêng nói về Việt Nam đã chiếm đến 5 giờ 30 phút. Điều đó cho thấy Việt Nam rất quan trọng trong mắt NĐT. Đó là khả năng chống chọi của Việt Nam trước các bất ổn thể hiện qua việc kinh tế vĩ mô luôn ổn định".

Đổi mới để thu hút đầu tư

Về hướng đi sắp tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh khẳng định nền kinh tế Việt Nam sẽ đi theo hướng thị trường đầy đủ và hội nhập ngày càng mạnh mẽ với kinh tế quốc tế. Hiện Việt Nam đã tham gia nhiều FTA song phương và đa phương, trong đó đã đàm phán xong với 11 đối tác trong Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Điều Việt Nam mong đợi ở các FTA là mở rộng thị trường, sản xuất. Việt Nam khi tham gia các FTA phải chấp nhận cuộc chơi chung, phải sửa đổi hệ thống luật pháp như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Tức phải chấp nhận cạnh tranh, đổi mới mình và nếu không nâng cao năng lực sẽ gặp nhiều thách thức. Lợi ích chỉ đến nếu chuẩn bị kỹ và tận dụng được.

Việt Nam đang tạo ra nhiều cơ hội cho NĐTNN, cũng như đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, hợp tác với nhiều đối tác lớn... Với sự tự tin hoàn toàn, tôi cho rằng cơ hội tốt để đầu tư dài hạn ở Việt Nam.

Ông JONATHAN CHOI, Chủ tịch Tập đoàn VinaCapital

Trả lời câu hỏi về việc đâu là điểm khác biệt của Việt Nam trong sự quan tâm của NĐTNN, cũng như đâu là đối thủ thu hút vốn FDI của Việt Nam, Bộ trưởng Vinh cho rằng việc nhận thức ai là đối thủ có thể thay đổi, hôm nay có thể là Thái Lan, mai có thể là Indonesia...

Mỗi chặng đường đều có đối thủ cạnh tranh, không có đối thủ xuyên suốt chiều dài. Điều quan trọng với Việt Nam là vượt lên chính mình bằng cách đổi mới như cải cách thủ tục hành chính, minh bạch...

Nếu không làm được chúng ta sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh, dù hôm nay họ không phải đối thủ. Không thay đổi, thậm chí Lào, Campuchia cũng có thể là đối thủ của Việt Nam.

Theo ông Vinh, điểm khác biệt đầu tiên chính là vị trí địa lý. Việt Nam khác với các nước trong ASEAN là có vị trí thuận lợi, trung tâm khu vực, có bờ biển trải dài hơn 3.000km. Việt Nam có nền chính trị ổn định nên chính sách nhất quán. Ngoài ra giá nhân công Việt Nam rẻ và có nguồn nhân lực dồi dào.

Cụ thể, trong số 93 triệu dân có gần 60 triệu lao động trong độ tuổi 15-60 và 60% trong đó là trẻ, cơ bản được đào tạo học vấn phổ thông. Đặc biệt, chính sách nhất quán của Việt Nam trong thu hút FDI là luôn coi doanh nghiệp FDI là một thành phần của kinh tế Việt Nam nên luôn được ưu đãi và bảo vệ.

Đồng quan điểm, ông Steve Plunkett, Giám đốc cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ General Electric ASEAN, cho rằng Việt Nam có thị trường lao động tuyệt vời. Đó là lý do tập đoàn này đã chọn Việt Nam để đầu tư nhà máy tuốc bin gió thay vì chọn nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần cải thiện, khắc phục những rủi ro của khuôn khổ pháp lý, cũng như cần có sự phối hợp tốt hơn giữa chính quyền Trung ương và địa phương để giảm bớt rủi ro cho người kinh doanh.

Cũng đánh giá cao lao động của Việt Nam, ông Petrus Ng., Tổng giám đốc BASF Vietnam, cho rằng Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, khác với các quốc gia khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lao động Việt Nam cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi, tiếp cận công nghệ. "Sau hơn 2,5 năm làm việc ở Việt Nam, tôi có nhiều trải nghiệm tốt. Tài sản chính của Việt Nam chính là lao động" - ông Petrus Ng. chia sẻ.

Từng là người nhiều năm làm việc ở Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, ông Alain Cany cho rằng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam thời gian qua luôn có những thăng trầm.

"Tôi sống ở Việt Nam kể cả thời khủng hoảng nhưng doanh nghiệp vẫn phát triển được dù lạm phát cao. Để có quả ngọt hôm nay, tôi cho rằng doanh nghiệp nước ngoài nên có cách tiếp cận dài hạn. Nếu ta hiểu đất nước này sẽ thấy rằng Việt Nam có nhiều triển vọng và tiềm năng lớn. Việt Nam đã ký nhiều FTA, sắp là thành viên TPP và có thể nói rằng Việt Nam là một trong những quốc gia hội nhập tốt trên thế giới" - ông Alain đánh giá.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam luôn khẳng định thành công của NĐTNN cũng chính là thành công của Việt Nam. Theo Thủ tướng, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với kinh tế vĩ mô ổn định; tăng trưởng nhanh hơn; lạm phát ở mức thấp và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững với GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Kim ngạch thương mại tăng bình quân 12-15%/năm và đến năm 2020 dự kiến kim ngạch thương mại 2 chiều đạt khoảng 600 tỷ USD. Đời sống của hơn 90 triệu người dân Việt Nam được nâng lên, sức mua và quy mô thị trường ngày càng tăng.

Tính đến cuối năm 2014, GDP bình quân đạt 2.200USD/người, tính theo ngang giá sức mua (PPP) đạt trên 5.600USD. Đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD, với hơn 19.000 dự án đang hoạt động của các NĐT đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ; số vốn đã giải ngân đạt 135 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2015, vốn FDI đăng ký mới tại Việt Nam đạt hơn 17 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ; số vốn giải ngân đạt gần 10 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2014.

Nhiều NĐTNN cho rằng tài sản của Việt Nam chính là lực lượng lao động trẻ.

Nhiều NĐTNN cho rằng tài sản của Việt Nam chính là lực lượng lao động trẻ.

Về hội nhập, theo Thủ tướng, Việt Nam đang cùng các nước thành viên nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.  Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN kết thúc đàm phán và dự kiến ký FTA với EU vào cuối năm 2015; đến nay đã cơ bản kết thúc đàm phán với 11 nước đối tác về TPP. Các FTA Việt Nam đã ký mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên nhóm G7 và 15 thành viên của G20.

Về đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một đột phá trong chiến lược phát triển. Việt Nam thực hiện chương trình cải cách đầu tư công, tạo môi trường thuận lợi cho tư nhân trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với ưu tiên cho các dự án có công nghệ cao, có công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ.

Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP đã có hiệu lực sẽ tạo tiền đề để mở ra cơ hội thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt nguồn vốn FDI. Việt Nam đang cập nhật và sẽ sớm công bố với các NĐT danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước, xử lý chất thải, hạ tầng đô thị lớn...

Các tin khác