Điểm sáng DN khủng: Tạo động lực TTCK

Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn đang trồi sụt thất thường từ những thách thức của nền kinh tế, nhưng một loạt doanh nghiệp niêm yết vẫn đang hoạt động hiệu quả và trở thành những điểm sáng của thị trường. Đó là những doanh nghiệp đầu ngành, với mức lợi nhuận đem về tính bằng con số hàng ngàn tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn đang trồi sụt thất thường từ những thách thức của nền kinh tế, nhưng một loạt doanh nghiệp niêm yết vẫn đang hoạt động hiệu quả và trở thành những điểm sáng của thị trường. Đó là những doanh nghiệp đầu ngành, với mức lợi nhuận đem về tính bằng con số hàng ngàn tỷ đồng.

Hiệu quả, minh bạch

Mặc dù ngành thép vẫn đang chịu rất nhiều sức ép về giá cả, nhu cầu tiêu thụ, nhưng Hòa Phát (HPG), một doanh nghiệp giữ vị trí thứ 2 trên thị trường, vẫn đang duy trì kết quả kinh doanh tích cực.

6 tháng đầu năm 2013, HPG công bố đạt doanh thu thuần 8.280 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.013 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Cách đây hơn 1 năm, lãi suất vay của HPG còn ở mức 13%/năm, nhưng đến quý II-2013 đã giảm xuống còn 7%/năm.

Mỗi doanh nghiệp có mỗi cách để tạo ra lợi nhuận. Nhưng tựu chung đều là những doanh nghiệp lớn, có thực lực. Các doanh nghiệp này đều được đánh giá khá tốt về tính minh bạch do đã có thời gian khá dài (khoảng từ 4-5 năm) niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhờ vậy, giá trị của doanh nghiệp cũng ngày càng được định hình rõ nét hơn.

Nguyên nhân do HPG nằm trong số những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nên được các ngân hàng hỗ trợ. Cũng chính nhờ vị thế này, HPG tiếp tục củng cố và dần gia tăng thị phần, qua đó duy trì được nguồn thu và dòng tiền ổn định. 6 tháng đầu năm nay, FPT cũng đạt doanh thu xấp xỉ 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.277 tỷ đồng.

Đóng góp chủ lực cho lợi nhuận của FPT (chiếm 76%) là mảng công nghệ, bao gồm kinh doanh phần mềm, tích hợp hệ thống và dịch vụ công nghệ thông tin; kế đến là mảng kinh doanh viễn thông gồm dịch vụ viễn thông và nội dung số. Những kết quả trên giúp cổ phiếu (CP) của FPT và HPG duy trì được sức hút trên sàn, được nhà đầu tư (NĐT) trong nước và nước ngoài ưa chuộng.

CP ngân hàng thời gian gần đây ở trong trạng thái lặng sóng do ngành này đang trong giai đoạn tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, thay đổi chiến lược. Trong bối cảnh đó, Vietcombank (VCB) vẫn chứng tỏ được vị thế ông lớn trong ngành, khi 6 tháng đầu năm nay đạt lợi nhuận trước thuế 2.600-2.700 tỷ đồng và khả năng đạt lợi nhuận cả năm trên 5.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, PVGas (GAS) và Đạm Phú Mỹ (DPM), những doanh nghiệp hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), vẫn duy trì được kết quả kinh doanh tích cực. Chỉ riêng công ty mẹ của GAS đã lãi sau thuế hơn 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ khi lên sàn tới nay, DPM thuộc nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh (KQKD) vào loại ổn định nhất. 6 tháng đầu năm 2013 lãi sau thuế của ông lớn trong ngành phân bón này đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Dù so với cùng kỳ năm 2012 lợi nhuận giảm khoảng 17% do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, chi phí bán hàng tăng... nhưng nhìn chung KQKD mà DPM đạt được vẫn có nhiều nét tích cực.

Còn PVDrilling, dù chưa đạt con số ngàn tỷ đồng lãi (gần 870 tỷ đồng 6 tháng đầu năm) nhưng là doanh nghiệp có KQKD nằm trong nhóm tốt nhất trên sàn. GAS, PVD và DPM là 3 CP chủ chốt không chỉ của PVN mà còn của cả sàn chứng khoán.

Trong nhiều phiên giao dịch, gần như một mình GAS đóng vai trò trụ đỡ cho VN Index. Trong chừng mực nào đó, GAS đã “làm méo” điểm số của TTCK do giá trị vốn hóa vượt trội của mình (xấp xỉ 130.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, vị thế của GAS được tạo ra từ yếu tố nền tảng, đó là KQKD tích cực của công ty.

Trong các điểm sáng của TTCK 6 tháng qua không thể không nhắc đến Vinamilk (VNM), khi KQKD của công ty mẹ đạt gần 3.350 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2012. Trường hợp lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Phả Lại (PPC) có đôi chút khác biệt khi chỉ trong quý I đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu từ chênh lệch tỷ giá do giá đồng Yen từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm.

Lợi ích cho thị trường

Những CP lãi ngàn tỷ đóng vai trò của một doanh nghiệp đầu ngành, đồng thời là những CP tiêu biểu nhất trên TTCK về mặt chất lượng. Trong xu hướng tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả, củng cố tính minh bạch của hàng hóa trên sàn, những CP này, tức các blue chip, đóng vai trò đầu tàu và trở thành cơ sở tham chiếu thị trường muốn hướng đến.

Chẳng hạn, nói đến tính hiệu quả của hoạt động, người ta nghĩ ngay đến trường hợp của VNM. Hoặc cần một trường hợp điển hình về doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa phát tốt huy hiệu quả hoạt động, có thể nói đến GAS hay VCB.

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất trên TTCK. Ảnh: CAO THĂNG

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất trên TTCK.
Ảnh: CAO THĂNG

Giữa các CP trên sàn với nhau, việc có CP nổi trội sẽ góp phần thanh lọc CP kém chất lượng một cách nhanh chóng, qua đó tạo sự lành mạnh về hàng hóa cho thị trường. Ở chiều ngược lại, những CP tầm trung hoặc nhỏ nếu không muốn bị quên lãng sẽ phải nỗ lực tìm mọi cách nâng cao, củng cố chất lượng hoạt động.

Đó cũng là lý do vì sao GAS hay PVD là một số ít những CP blue chip dù chỉ số P/E vẫn còn ở mức dưới 10 nhưng thời gian qua vẫn luôn được mua vào và tăng giá mạnh, từ đó tạo ra lực đỡ cho thị trường. Khi thị trường vẫn còn những doanh nghiệp hiệu quả, được định giá theo kiểu không thể rẻ hơn dòng tiền tất yếu sẽ tìm đến.  

Một trong những lợi ích thiết thực nhất  những CP lãi ngàn tỷ đồng đem lại cho NĐT chính là việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá đều đặn. Từ nguồn cổ tức này, các cổ đông sẽ có thêm nguồn thu nhập hoặc sử dụng để tiếp tục trang trải hoạt động đầu tư trên sàn. Mới đây, GAS đã tiến hành chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2013 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tức 1.000 đồng/CP.

Như vậy, trong đợt tạm ứng này, tổng số tiền GAS bỏ ra lên đến gần 1.900 tỷ đồng. Đối với công ty chứng khoán (CTCK), chỉ cần giá trị giao dịch 1 phiên đạt 1.500-2.000 tỷ đồng là có thể sống tốt. Thế nên, tổng lượng tiền chi trả cổ tức của GAS mỗi đợt tương đương giá trị giao dịch 1 phiên là con số không hề nhỏ.

Trong khoảng 1 năm qua, GAS có đến 4 lần chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ trung bình 10%, tức 1.000 đồng/CP, là minh chứng rõ nét cho dòng thu nhập ổn định những CP tốt trên sàn tạo ra. Nếu muốn đầu tư vào những CP ổn định để hưởng cổ tức đều đặn trong thời điểm hiện nay, NĐT có thể yên tâm với những mã như GAS, VNM, DPM, FPT...

Vẫn quá ít ông lớn

Có một thực tế cần phải nhìn nhận, số lượng doanh nghiệp ngàn tỷ trên sàn hiện nay vẫn còn quá ít ỏi. Một phần do tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn nằm ở việc thiếu vắng những ông lớn trên sàn.

Bởi lẽ, những doanh nghiệp ngàn tỷ đồng hầu hết là những cựu binh đã định hình rõ nét với NĐT về giá trị, hình ảnh cũng như cơ cấu cổ đông.

Trong xu hướng thị trường hiện nay, dòng tiền sẽ ưu tiên chọn lọc những CP tốt nhất. Thực tế, chỉ số P/E trung bình của các CP trong rổ tính VN30 có thể xem như những CP tốt nhất của thị trường, cũng đã lên đến hơn 13 lần, một mức định giá không phải quá rẻ.

Trong trường hợp của GAS, cổ đông nhà nước nắm hơn 96%, nên số cổ phần trôi nổi thực trên thị trường không phải là lớn. Giả sử, tỷ lệ sở hữu của GAS không giảm, nhưng nếu có nhiều CP tương tự khác niêm yết trên sàn như BIDV, Petrolimex, Vietnam Airlines, Vinatex... thị trường sẽ có nhiều nguồn hàng hơn để lựa chọn. Nhưng vấn đề của các doanh nghiệp lớn có Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối chưa lên sàn nằm ở quyết định của cổ đông lớn là Nhà nước.

Đơn giản, nếu cổ đông Nhà nước cảm thấy lên sàn lúc này không thu được nhiều lợi ích họ sẽ không lên. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường thường nhìn nhận CP khá chuẩn xác, nếu là CP tốt, cho dù thị trường không thuận lợi vẫn thu hút được NĐT mua vào. Chưa kể việc lên sàn trong giai đoạn khó khăn có thể giúp doanh nghiệp nổi bật hơn trong mắt NĐT.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho rằng bằng việc nâng cao, áp dụng các tiêu chuẩn niêm yết, cũng như tạo ra các chỉ số như VN30, HNX30, các cơ quan quản lý đã gián tiếp phân chia đẳng cấp những CP trên sàn để NĐT nắm rõ.

Điều quan trọng là vị thế các doanh nghiệp này trên thị trường và trong mắt NĐT cần được củng cố để tạo sự bền vững cho thị trường. Chính sự quan tâm của cổ đông sẽ là động lực để doanh nghiệp tiếp tục phát triển, qua đó gia tăng lợi ích cho cổ đông và TTCK. Tuy nhiên, ở đây cũng cần đề cập đến vai trò nhà môi giới thị trường, tức các CTCK. Với CTCK hiện nay, thị trường càng ổn định càng có lợi bởi CTCK giờ đây không còn muốn chạy theo những CP nóng được đánh lên đánh xuống như trước.

Vì vậy, các CTCK cũng cần tư vấn để NĐT có thể tiếp cận dễ dàng hơn những doanh nghiệp tốt, làm ăn hiệu quả. Theo đó, những hình thức đã thực hiện trong thời gian qua như mời đại diện công ty niêm yết để giao lưu với NĐT, hoặc hỗ trợ, tư vấn thúc đẩy doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin, cần được CTCK tiếp tục triển khai.

Các tin khác