Đẩy nhanh thoái vốn

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính mới để đẩy nhanh cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đã được hoàn thiện và đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Nếu các giải pháp này được ban hành việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đầu tư ngoài ngành cũng như thoái vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) hứa hẹn sẽ được đẩy mạnh hơn.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính mới để đẩy nhanh cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đã được hoàn thiện và đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Nếu các giải pháp này được ban hành việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đầu tư ngoài ngành cũng như thoái vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) hứa hẹn sẽ được đẩy mạnh hơn.

PHÓNG VIÊN: - Xin ông cho biết kết quả của việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các TĐ, TCT nhà nước?

Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: - Năm 2014, các TĐ, TCT đã thoái được gần 4.200 tỷ đồng, thu được gần 4.300 tỷ đồng; quý I đã thoái được 2.800 tỷ đồng, thu được 3.200 tỷ đồng.

 

Như vậy, số vốn đã thoái tính đến quý I là 8.200 tỷ đồng và số  thu về gần 8.600 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành yêu cầu về thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực, các TĐ, TCT sẽ phải thoái hơn 19.500 tỷ đồng; lĩnh vực ngân hàng, bất động sản chiếm trên 12.000 tỷ đồng.

Các DNNN thực hiện thoái vốn theo cơ chế quy định tại Nghị định 71 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghị quyết 15 và Quyết định 51 về đẩy mạnh CPH, thoái vốn, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, CPH DNNN đã cơ bản được hoàn thiện đồng bộ. Tiến độ và kết quả thoái vốn trong năm 2014 và quý I đã có chuyển biến rõ rệt.

Tuy nhiên, tiến độ thoái vốn vẫn chậm do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN CPH cũng như thoái vốn đầu tư; một số bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH và thoái vốn...

- Định hướng sắp tới cho việc thoái vốn của các TĐ, TCT và vốn của Nhà nước tại DN như thế nào, thưa ông?

- Tại Nghị quyết cuộc họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc trong tái cơ cấu DNNN. Bộ Tài chính định dự thảo thông tư, nhưng Chính phủ yêu cầu văn bản cao hơn nên đã chuyển thành quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Văn bản này đã được chúng tôi gửi sang Bộ Tư pháp để thẩm định trước khi trình.

Trong đó, chúng tôi dự kiến việc thoái vốn tại DN CPH chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán và chưa bàn giao về TCT Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ có một số hình thức. Thứ nhất, thoái vốn theo lô theo nguyên tắc bán đấu giá công khai; chỉ áp dụng cho các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần; không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai đối với các đợt bán đấu giá theo lô.

Thứ hai, đấu giá công khai một phần số cổ phần dự kiến bán, dành phần còn lại (tối đa bằng 70% số lượng cổ phần dự kiến bán) để bán thỏa thuận cho người lao động có cam kết làm việc lâu dài tại DN, khi thoái vốn tại các DN CPH chưa bàn giao về SCIC. Thứ ba, các cơ quan đại diện chủ sở hữu bộ, ngành lựa chọn thuê tư vấn để xây dựng phương án thoái vốn; chi phí thoái vốn do chủ sở hữu quyết định và được trừ vào giá trị phần vốn nhà nước đã thoái.

- Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vừa qua diễn ra chậm được nhìn nhận là do những lo ngại về trách nhiệm trong câu chuyện được - mất của khoản đầu tư đó. Ông nghĩ sao về điều này?

- Trước tiên, về ý kiến cho rằng cần có sự ràng buộc về thời gian nắm giữ với nhà đầu tư khi mua cổ phần của DN theo lô lớn, quan điểm của Chính phủ là việc thoái vốn áp dụng cho các công ty mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, chi phối.

Những lĩnh vực này không phải trọng yếu nên khi nhà đầu tư bên ngoài mua, sau đó nắm giữ hay bán đi là quyền của cổ đông. Những lĩnh vực thành phần kinh tế khác làm được khi họ tham gia DN cũng không cần thiết phải ràng buộc thời gian nắm giữ.

Về đầu tư ngoài ngành, mất hay không mất phụ thuộc kết quả việc thoái vốn. Trách nhiệm khi vốn thoái khỏi lĩnh vực nhạy cảm bị mất so với đầu tư ban đầu đã được thể hiện trong các quy định khác như Luật Cán bộ, công chức để xử lý.

Tuy nhiên, muốn nhìn khoản đầu tư đó có mất hay không phải tính trên tổng thể của các khoản đầu tư, không chỉ 1 danh mục bị lỗ mà cho là mất. Bởi lẽ cũng như trong đầu tư chứng khoán, có khoản đầu tư này tăng nhưng khoản kia bị giảm giá nên phải tính trên tổng thể. Điều quan trọng là bảo toàn vốn, khoản đầu tư thu về.

- Có ý kiến cho rằng việc yêu cầu TĐ, TCT phải thoái hết vốn khỏi những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành là hành chính, bởi có những khoản đầu tư vẫn đang hiệu quả. Trong khi đó tiền thu về cũng không thể chi cho đầu tư phát triển hay chi thường xuyên. Theo ông, có nhất thiết phải thoái hết?

- Vấn đề đặt ra là lãnh đạo DN có dám đảm bảo với chủ sở hữu khoản đầu tư vào ngân hàng hiệu quả hay không. Tôi nghĩ sẽ không ai dám ký cam kết như vậy và nếu cam kết Chính phủ có thể đồng ý. Khi đầu tư, ai cũng muốn hiệu quả nhưng khi đầu tư rồi không ai dám chắc. Những khoản đầu tư đó là vốn nhà nước, của dân, nên làm thế. Nếu của mình liệu có dám làm vậy không, bởi khi vốn của anh thì anh sẽ phải tham gia nắm giữ, quản lý DN.

Danh mục hiệu quả chỉ là tức thời. Giả sử tới đây lãi suất giảm sâu, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm và khoản đầu tư đó cũng giảm hiệu quả. Việc thoái vốn khoản đầu tư ngoài ngành sẽ giúp các TĐ, TCT tập trung lĩnh vực chính để sản xuất kinh doanh. Còn tiền rút về sẽ được đưa vào quỹ sắp xếp, CPH và sử dụng trong việc nâng cấp, giảm tải bệnh viện hay xóa đói giảm nghèo...

- Xin cảm ơn ông. 

CẦN KHUNG PHÁP LÝ ĐẤU GIÁ THEO LÔ

Để thúc đẩy nhanh quá trình CPH, thoái vốn Nhà nước tại các DN trực thuộc, Bộ Giao thông- Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý cho cơ chế đấu giá cổ phần trọn lô. Nếu thực hiện được cơ chế này như một mũi tên bắn 3 đích, đó là vừa giải quyết được bài toán thoái vốn ngoài ngành diễn ra nhanh hơn, Nhà nước thu được nhiều tiền hơn, mà quan trọng hơn là khi nhà đầu tư mua cổ phần trọn lô họ có cơ hội trở thành nhà đầu tư chiến lược. Sự xuất hiện của họ tại DN sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới quản trị, công nghệ, giúp DN hoạt động hiệu quả hơn sau khi Nhà nước thoái vốn.

Ông Vũ Anh Minh,
Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, Bộ Giao thông-Vận tải

Các tin khác