Đầu tư bóng đá: Khủng hoảng theo nền kinh tế

Có thời kỳ tốc độ đầu tư cho bóng đá Việt Nam của các ông bầu chẳng khác gì chiếc xe công thức một (F1) lao trên đường đua. Con tạo xoay vần, ông bầu đầu tư bóng đá Việt Nam vẫn phải lao trên con đường cao tốc, chỉ khác là chiếc F1 đột ngột bị thay bằng xe… thô sơ.

Có thời kỳ tốc độ đầu tư cho bóng đá Việt Nam của các ông bầu chẳng khác gì chiếc xe công thức một (F1) lao trên đường đua. Con tạo xoay vần, ông bầu đầu tư bóng đá Việt Nam vẫn phải lao trên con đường cao tốc, chỉ khác là chiếc F1 đột ngột bị thay bằng xe… thô sơ.

Đại gia quay lưng?

Trong lễ tổng kết mùa giải 2012, CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - đơn vị tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp - nhận được đăng ký thi đấu V-League, giải hạng Nhất quốc gia 2013 của 28 đội bóng. Tuy nhiên, dù VPF phát giấy mời đầy đủ nhưng đại diện 2 câu lạc bộ (CLB) Navibank Sài Gòn và Vicem Hải Phòng đã không có mặt. Một chi tiết rất nhỏ nhưng đủ thấy các ông bầu đang muốn “đoạn tuyệt” với bóng đá.

Hiện nay các đội bóng tại V-League, hạng Nhất đang nợ VFF hơn 3 tỷ đồng, bao gồm tiền niên liễm, thẻ phạt, lệ phí thi đấu… của nhiều mùa bóng. Trong đó có 11 con nợ có dấu hiệu chây ì, khó đòi, với những khoản nợ trên 100 triệu đồng/CLB. Cũng vì có nhiều đội quá túng bấn, VFF vừa quyết định xóa nợ cho 3 đội bóng là Nam Định, TPHCM và Quân khu 4 trên 1 tỷ đồng, bởi đây là những đội bóng không còn khả năng chi trả nợ.

Theo số liệu của VFF

Thật ra chẳng khó lý giải cho sự vắng mặt của đại diện Navibank Sài Gòn, bởi Navibank Sài Gòn lúc này chỉ còn tồn tại trên giấy tờ, chứ thực tế CLB này coi như đã bị xóa sổ sau khi Chủ tịch Navibank Sài Gòn, ông Nguyễn Vĩnh Thọ xin trả đội bóng về cho UBND TPHCM vì không kham nổi kinh phí hoạt động.

Vậy nên, dù lễ tổng kết mùa giải 2012 chỉ cách đại bản doanh của Navibank Sài Gòn vài km, đại diện của đội bóng này vẫn lặng lẽ “mất tích”, tựa như việc ông chủ tịch Nguyễn Vĩnh Thọ “ở ẩn” suốt thời gian qua.

Trong khi đó, Vicem Hải Phòng từng là đội bạo chi bậc nhất của V-League. Mùa V-League 2011, thống kê của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cho thấy đội bóng đất cảng này đã tiêu tốn trên 80 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng chiến dịch trụ hạng cuối mùa, Vicem Hải Phòng đã lập ra “Ban chống rớt hạng” với cái “phao” là 10 tỷ đồng chi nóng cho 4 trận nước rút. Số tiền đổ ra cho đội bóng đất cảng ở mùa V-League 2012 cũng không hề giảm.

Vì thế, việc CLB Hải Phòng “tiết kiệm vài triệu đồng vé máy bay, ăn ở” nên không cử đại diện về TPHCM dự tổng kết, kể cũng thật ai oán.

Vấn đề ở chỗ, từ những chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại cho thấy hoàn cảnh bi đát của bóng đá Việt Nam trong thời điểm này: các ông bầu đang… bí. Thế nên, việc đội bóng đối mặt với viễn cảnh phải xóa sổ, làm mùa giải 2013 hoãn thời gian xếp lịch, thời gian thi đấu vô thời hạn là lẽ tất yếu.

Trong khi đó, thông tin có đội bóng này nợ lương, thiếu tiền thưởng đối với huấn luyện viên, cầu thủ, hay than vãn thiếu kinh phí hoạt động là chuyện thường ngày, đến độ nhàm chám. Không chỉ thế, câu chuyện bóng đá Việt Nam gặp rắc rối với tiền đã đẩy nhiều cầu thủ rơi vào cảnh đối mặt với thất nghiệp.

Thật hài hước khi ngôi sao cỡ Công Vinh, Trọng Hoàng, Thành Lương… người thì không kiếm được bản hợp đồng mới cùng khoản lót tay chấp nhận được, người đối mặt với nguy cơ thất nghiệp vì đội bóng có khả năng xóa sổ.

Chiến lược doanh nghiệp

1 năm trước, các ông chủ Tập đoàn Hòa Phát xóa sổ đội bóng mà nguyên nhân được lý giải là do ức chế với cung cách tổ chức, điều hành V-League của VFF. Nhưng ít người nghĩ rằng quyết định rút sớm khỏi bóng đá là lựa chọn khôn ngoan, đi trước của Hòa Phát. Đơn giản vì bầu Long, bầu Tuấn đã tiết kiệm được cỡ 100 tỷ đồng/năm sau khi bỏ bóng đá, nhất là không rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” như nhiều đội bóng trong thời điểm này.

Tài trợ cho bóng đá là chiến lược của nhiều doanh nghiệp.

Tài trợ cho bóng đá là chiến lược của nhiều doanh nghiệp.

Trên thực tế, 100 tỷ đồng ở thời điểm nhà nhà, doanh nghiệp đều lao vào làm bóng đá chẳng là khoản đầu tư quá to tát. Bởi thông qua khoản “lót tay” cho những ngôi sao cỡ Công Vinh, Phước Tứ, Quang Hải, Như Thành… thời V-League đang nóng sốt, 100 tỷ đồng mà Hòa Phát đã tiết kiệm được sau 1 năm bỏ bóng đá chỉ đủ mua… 10 cầu thủ. Nghĩa là chưa đủ một đội hình tung ra sân thi đấu.

Tiền đã có lúc được các ông bầu ném vào bóng đá Việt Nam như thể trồng được và hái được. Tuy nhiên, vòng quay ấy lập tức đi đến kỳ thoái trào và đang rơi xuống đáy của cuộc khủng hoảng. Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy nhiều ông bầu đến tình trạng tiêu cực với bóng đá, là dấu hiệu đáng lo cho bóng đá Việt Nam.

Tuy vậy vẫn còn sự kiên nhẫn, bền bỉ của một vài ông bầu đã đầu tư cho bóng đá Việt Nam hơn 1 thập niên qua, leo đến đỉnh danh vọng, thu và mất rất nhiều tiền vì bóng đá, nhưng chưa tỏ thái độ có ý định rút khỏi cuộc chơi. Đây là điểm sáng hiện thời hay còn chờ hạ hồi phân giải?

Phát triển thiếu bền vững

Hoãn V-League, giải hạng Nhất là quyết định đã được VFF, VPF đưa ra, nhằm tạo thêm thời gian cho các đội bóng chống lại cơn khủng hoảng. Nói như Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Chẳng có gì phải giấu, tỏ ra sĩ diện trong hoàn cảnh này nữa”. Vậy đâu sẽ là lối thoát cho cuộc khủng hoảng của bóng đá Việt Nam? VPF đã đưa ra “gói cứu trợ” trị giá 45 tỷ đồng, trong đó có giải pháp là đội bóng nào tham dự giải cũng… có tiền.

Tỷ phú Nga Abramovich dù có tài sản vài chục tỷ USD vẫn không nhiều người biết. Nhưng khi ông dùng chưa đến 100 triệu bảng Anh mua đội bóng Chelsea, hôm sau cả thế giới đều biết, từ đó công việc làm ăn của ông cũng rất thuận lợi. Nhưng Chelsea là cỗ máy kiếm ra tiền. Đó là điều khác biệt của bóng đá Việt Nam và thế giới. Những ông bầu thế giới mua CLB Manchester United, Chelsea hoặc Liverpool là những thương hiệu đã có mấy chục năm, họ không đổi tên CLB, chỉ mua quyền lãnh đạo và hưởng lợi ích. Trong khi ở Việt Nam, đội bóng chưa làm ra tiền, các ông bầu buộc phải đổi gắn tên mình vào câu lạc bộ để đáp ứng nhu cầu quảng bá thương hiệu.

Thậm chí, theo tính toán của VPF, nhà vô địch V-League 2013 có thể nhận tối đa 9 tỷ đồng/mùa. Nguồn tiền sẽ được Eximbank cam kết tài trợ 40 tỷ đồng cho mùa giải 2013, đồng thời 10 nhà bảo trợ bóng đá Việt Nam sẽ giúp VPF kiếm thêm được khoảng 70 tỷ đồng.

Tổng cộng mùa bóng tới, chỉ riêng VPF có thể kiếm được cỡ 150 tỷ đồng, trong khi các ông bầu có chân trong HĐQT công ty này tuyên bố là công ty phi lợi nhuận. Nhưng khoản lợi nhuận mà VPF kiếm được cũng chỉ như muối bỏ bể.

Như vậy các đội bóng sẽ phụ thuộc vào “bầu sữa” do các ông bầu rót xuống, chứ không phải những khoản tiền kiểu “bia kèm lạc” mà nhà tổ chức, điều hành giải đấu hứa hẹn.

Bản thân VFF cũng tỏ ra bế tắc trong việc tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng ngày càng phức tạp của bóng đá Việt Nam.

Việc các ông bầu bỗng ồ ạt trở nên chán và muốn rũ bỏ, không đầu tư cho bóng đá đã lộ ra bộ mặt thật của bóng đá Việt Nam: sống dựa dẫm và không vững chắc. Rất đau đớn nhưng phải thừa nhận, không có đội bóng nào ở Việt Nam có khả năng tự kinh doanh.

Bởi ngoài nguồn tài trợ từ doanh nghiệp của ông bầu, chưa có đội bóng nào đủ tầm để tự khai thác thương hiệu, bán áo đấu hay những sản phẩm liên quan đến hình ảnh, giá trị của CLB. Mặt khác, ngay cả giá trị từ yếu tố chuyên môn cũng không đáp ứng hoàn hảo.

Một vấn đề đặt ra: Bóng đá Việt Nam trước đây tạo sức hút chủ yếu dựa vào cảm hứng của các ông bầu. Hoặc nếu tình yêu giữa ông bầu và bóng đá có tính toán, cái được của ông bầu chủ yếu là những phần “chìm”.

Chẳng hạn một ông bầu đầu tư vào đội bóng trước hết là màn PR, đánh bóng thương hiệu mà doanh nghiệp do ông bầu làm chủ được hưởng. Đây là giá trị vô hình, giá trị lợi nhuận cực lớn. Còn hiện nay, ngay chính ông bầu Đoàn Nguyên Đức từng thừa nhận, với thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai, khoản lợi nhuận này cũng không thể bù đắp được những khoản đầu tư phải bỏ ra trong thời điểm kinh tế xuống thấp như lúc này.

Ở góc độ khác, ông bầu đầu tư cho đội bóng sẽ được trả bằng bất động sản hay những cơ chế đi kèm ở địa phương có đội bóng. Tuy nhiên, chẳng khó nhận ra, bất động sản đang đóng băng, còn có cơ chế chưa hẳn đã là lợi thế trong thời điểm này. Do đó, khi phải tự gồng mình cứu doanh nghiệp khỏi lâm vào cảnh thua lỗ, phá sản, tình yêu với bóng đá dẫu có lớn đến bao nhiêu, có lẽ ông bầu cũng phải chấp nhận hy sinh.

Tóm lại, trong cuộc khủng hoảng của bóng đá Việt Nam, các ông bầu đã có lỗi khi đặt chiếc F1 chạy trên con đường gồ ghề sỏi đá. Và bây giờ, khi đã lao lên con đường cao tốc, ông bầu lại đột ngột đổi, chạy bằng xe thô sơ để đi trên đường cao tốc! Những nghịch lý ấy biến tương lai của ông bầu lẫn các đội bóng đá Việt Nam như bị đặt vào một canh bạc, trong đó cửa thắng là cực thấp, nếu không muốn nói là không thể.

Các tin khác