Đất thiêng hội tụ

(ĐTTCO) - Trên đường Hồ Chí Minh, đoạn giao nhau với Quốc lộ 9 là thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Con đường trục chính thị trấn - đường Cần Vương chạy dài - ngay sát  đường là Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN). Tại đây, ngày 6-6-1973, CPCMLTCHMNVN tuyên bố ra mắt với thế giới, lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam đi đến toàn thắng năm 1975.

(ĐTTCO) - Trên đường Hồ Chí Minh, đoạn giao nhau với Quốc lộ 9 là thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Con đường trục chính thị trấn - đường Cần Vương chạy dài - ngay sát  đường là Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN). Tại đây, ngày 6-6-1973, CPCMLTCHMNVN tuyên bố ra mắt với thế giới, lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam đi đến toàn thắng năm 1975.

1. Khu di tích Trụ sở CPCMLTCHMNVN hiện có 3 cán bộ (2 hướng dẫn, 1 bảo vệ). Cô Nguyễn Thị Hiếu, hướng dẫn viên chính, cho biết: CPCMLTCHMNVN thành lập ngày 6-6-1969 tại tỉnh Tây Ninh. Đến năm 1972, lúc 2/3 tỉnh Quảng Trị được giải phóng, Chính phủ quyết định lập thủ phủ tại khu phố Tây Hòa, thị trấn Cam Lộ. Vì sao Cam Lộ lại được chọn làm thủ phủ?

Ông Dương Tú Anh, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ lúc bấy giờ, bồi hồi nhớ lại: “Thủ phủ CPCMLTCHMNVN ở ngay trên nền thành cổ Tiểu Tràng Sơn - thành của thời nhà Lê trấn ngự phía Tây, không cho quân Xiêm tràn sang. Tiểu Tràng Sơn là địa phận huyện lỵ Cam Lộ, lúc bấy giờ vừa là chiến khu vừa là vùng giải phóng; vừa là rừng núi vừa là đồng bằng; trước mặt có đường lớn (Quốc lộ 9), sau lưng có sông rộng (Hiếu Giang); là vùng nông thôn nhưng có tầm vóc thành phố vì ban ngày xe cộ qua lại đông đúc”.

Trụ sở CPCMLTCHMNVN rộng trên 17.000m2, được chia thành Khu A và Khu B. Khu A gồm 3 dãy nhà chính: nhà trình quốc thư (còn gọi là nhà làm việc của Chính phủ), nhà Bộ Ngoại giao và nhà ăn. Khu B gồm 5 dãy nhà chính: B1 và B5 dành cho các trưởng đoàn, đại sứ quán ở; B2, B4 dành cho cán bộ, phục vụ; B3 là nhà ăn. 2 khu nhà ngăn cách bằng hàng chè tàu, được bảo vệ nghiêm ngặt, đi bằng 2 cổng A và B riêng.

Theo ông Dương Tú Anh, thủ phủ của CPCMLTCHMNVN chỉ xây dựng trong 24 ngày (từ ngày 6 đến 30-5-1973), một thời gian xây dựng kỷ lục. Để đào móng, xây nền các chiến sĩ công binh đã phải dọn dẹp 450 quả bom, mìn của địch còn vương vãi lại.

CPCMLTCHMNVN ra mắt với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình... Đại biểu của 11 nước trên thế giới đã đến dự ngày Chính phủ ra mắt Nhân dân vùng giải phóng. Đến buổi chiều có thêm đại biểu của 8 nước nữa.

Như vậy, ngay sau lễ ra mắt, CPCMLTCHMNVN đã đón 19 nước đến trình quốc thư. Và từ năm 1973 đến 1975 đã đón trên 40 nước đến đặt quan hệ ngoại giao và trình quốc thư: Liên Xô, Trung Quốc, Hungari, Ba Lan, Triều Tiên, CHDC Đức, Rumani, Lào, Angieri, Xyri, Moritani... Tháng 9-1973, Chủ tịch Cuba Phidel Castro đã đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị.

Chủ tịch Fidel Castro thăm UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Fidel Castro thăm UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. Ảnh: TTXVN

2 . Sau năm 1975, Trụ sở CPCMLTCHMNVN hết sứ mệnh lịch sử, được chuyển giao cho dân sự. Năm 1985, cơn bão lớn đã làm sập hoàn toàn, Khu di tích được trùng tu lại nhiều lần. Bộ Văn hóa- Thông tin có quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 25-11-1991. Đến năm 2009, khu di tích được đưa vào hoạt động, đón khách tham quan.

Hiện nay, khu di tích chỉ còn lại diện tích hơn 1.000m2. Đã phục chế được 1 dãy nhà làm việc của CPCMLTCHMNVN, 1 dãy nhà Khu B (nhà lưu trú đại sứ quán), làm 1 bia di tích, có 1 phòng trưng bày bổ sung (hiện vật và hình ảnh). Di tích còn giữ được chiếc ô tô Vonga của Liên Xô dùng đón đưa cán bộ cao cấp và đón các đoàn ngoại giao, có 4 xe mô tô hộ tống (đang sửa chữa, đại tu).

Cô Nguyễn Thị Hiếu cho biết hàng năm Khu di tích đón khoảng 1.000 khách tham quan, riêng năm 2016 trên 1.520 khách, đa số là cựu chiến binh, học sinh. Nhìn vào sổ ghi lưu niệm, tôi còn thấy có các doanh nhân, cán bộ, nhiều du khách là người Lào, Anh, Hoa Kỳ...

TS. Ngô Phương Lan, Phụ trách Cục Điện ảnh, ghi ngày 29-4-2012: “Tháng 4 và tháng 5-2012 kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đoàn cán bộ, nghệ sĩ Cục Điện ảnh và đoàn làm phim “Mùi cỏ cháy” cùng Đại tướng Đoàn Khuê vô cùng xúc động ghé thăm Trụ sở CPCMLTCHMNVN. Chúng tôi ghi nhớ giây phút có ý nghĩa tại di tích lịch sử này”.

Nhạc sĩ Huy Thục ghi ngày 8-7-2013: “Được tới thăm nơi làm việc của CPCMLTCHMNVN, tôi rất xúc động bởi đây là đất lịch sử của sự hy sinh vì Độc lập Tự do mới giành được hạnh phúc hôm nay. Chúng tôi sẽ còn phải viết tiếp những tác phẩm mới nữa để bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi gửi tới nhiều thế hệ mai sau về những bài ca bất tử này”.

Đọng lại trong tôi là ý kiến của ông Trương Quang Dật (TPHCM), ghi ngày 16-4-2011: “Tôi nghĩ đây là một địa điểm lịch sử rất độc đáo của Việt Nam. Việc nghiên cứu nguồn gốc, bản chất của Mặt trận Giải phóng là một vấn đề khoa học chính trị lớn. Thế nhưng tôi cảm thấy sự phân cấp quản lý, kinh phí dành cho cơ sở này chưa đúng tầm của nó. Cần một thư viện (sách và mạng) hiện đại cho người tham quan và người nghiên cứu. Cần một đội ngũ nghiên cứu lịch sử cho cơ sở này”.

Khu nhà làm việc của CPCMLTCHMNVN.

 Khu nhà làm việc của CPCMLTCHMNVN.

 3.  Cuối năm, trời rét ngọt. Đứng ở mảnh đất Quảng Trị nhỏ bé này, tôi chợt nhận ra một thú vị lịch sử: Quảng Trị trong suốt chiều dài lịch sử đã 3 lần được chọn làm kinh đô, thủ phủ lúc đất nước lâm nguy hay buổi ban đầu lập quốc.

Năm 1558, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng từ phía Bắc mở cõi Đàng trong đã chọn Ái Tử (Triệu Phong) làm kinh đô của Đàng trong, thời gian gần 70 năm (1558- 1626). Sau này, khi Huế đã là kinh đô vàng son của nhà Nguyễn, các chúa Nguyễn vẫn không quên phong cho Ái Tử là “Cựu Dinh”. Năm 1883 triều đình nhà Nguyễn đã xây dựng căn cứ Tân Sở (vùng Cùa, Cam Lộ) làm kinh đô kháng chiến.

Tại Tân Sở ngày 10-7-1885, Tôn Thất Thuyết đã lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, ban chiếu Cần Vương thứ nhất, kêu gọi cả nước đứng lên ứng nghĩa phò vua, đánh Pháp cứu nước. Và ngày 6-6-1973 thị trấn Cam Lộ đã trở thành thủ phủ CPCMLTCHMNVN. Thêm điều đáng ngạc nhiên: Thủ phủ CPCMLTCHMNVN chỉ cách Tân Sở gần 10km. Âu cũng có thể nghĩ đất thiêng hội tụ!

Quảng Trị, cuối năm Bính Thân

Các tin khác